Nhạc Phi đau đớn rơi lệ, nói: “Công lao 10 năm của thần đã bị hủy trong chốc lát! Không phải thần không xứng chức, thật sự là quyền thần Tần Cối đã mê hoặc bệ hạ rồi!”…

Đại thắng Yển Thành là một chiến tích huy hoàng chưa từng có của triều đại Nam Tống từ trước tới nay. Mặc dù phản đối Nhạc Phi thực hiện Bắc phạt nhưng sau khi nhận được tin chiến thắng, Tống Cao Tông cũng cảm thấy vô cùng kích động, ông đã bí mật gửi chiếu thư khen ngợi Nhạc Gia quân vì đã sáng tạo nên kỳ tích chiến thắng quân Kim trên vùng đồng bằng trong suốt 15 năm giao chiến Tống Kim. Thống soái Nhạc Phi càng là Thần tướng “Trung nghĩa quán vu thần minh, uy huệ phu vu sĩ tốt” (Trung nghĩa có thần minh làm chứng, uy huệ tạo sự tín nhiệm của sĩ tốt). 

Kim Ngột Thuật lần đầu tiên thất bại trước Nhạc Gia quân nên không dám nhòm ngó Yển Thành, ông ta liền triệu tập 12 vạn binh lực chuyển hướng tấn công vào huyện Lâm Dĩnh, khu vực nằm giữa Yển Thành và Dĩnh Xương, hòng chặt đứt liên hệ giữa hai thành trì này. Binh lực của Nhạc Phi có hạn, lại đoán rằng mục tiêu chủ yếu của quân Kim là nhắm vào Dĩnh Xương, liền phái Nhạc Vân dẫn Bối Ngôi quân gấp rút đi tiếp viện. 

Người đổ máu người, ngựa đổ máu ngựa 

Trương Hiến đóng quân ở Dĩnh Xương cũng đem người ngựa chạy thẳng tới Lâm Dĩnh để quyết một trận với Kim Ngột Thuật. Dũng mãnh thiện chiến, Dương Lại Hưng đã dẫn đầu 300 kỵ binh đi tiên phong, đến vùng phụ cận là Tiểu Thương Hà để dò xét quân tình địch. Ngày 10 tháng 7 năm Thiệu Hưng năm thứ 10 (1140) đã định trước là ngày viết nên trang lịch sử bi tráng vô cùng oanh liệt. Hôm đó, Dương Lại Hưng trong tình thế vội vàng, chưa có sự chuẩn bị đã gặp quân chủ lực của Kim Ngột Thuật. Dùng 300 người đối kháng với hơn 10 vạn quân địch. Vậy cuộc chiến này đánh thế nào? 

Đáp án đối với 300 dũng sĩ đương nhiên là tử chiến đến cùng. Đội binh sĩ “Dương Lại Hưng” quyết tâm trước sau như một, mỗi người đều biến thành chiến binh có sức mạnh như “vạn quân địch”, đánh đâu thắng đó. Mặt không đổi sắc, đội quân cùng địch liều chết giao chiến, cuối cùng dưới làn mưa tên, Dương Lại Hưng đã bị bắn thành ‘Thứ vị’ (tên bắn kín người). Mãi đến lúc không còn chút sức lực nào, phải bỏ mình thì họ mới dừng đánh. Trong trận chiến quy mô không lớn, Nhạc Gia quân không ai sống sót. Điều này càng chứng tỏ được tinh thần quật cường kiên trinh không đổi của Nhạc Gia quân. 

Họ tuy bại mà lại thắng, lực lượng quân ít ỏi vậy mà có thể giết được hơn 2 nghìn quân, trong đó có cả tướng địch. Lúc đó, trời giáng mưa to, Tiểu Thương Hà máu chảy thành sông, thi thể quân Kim tắc cả đường, người còn lại nhìn thấy cảnh tượng cũng không còn dũng khí, không dám tiếp tục giao phong với đại quân do Trương Hiến thống lĩnh. Kim Ngột Thuật chỉ dám để lại 8 ngàn quân canh giữ Lâm Dĩnh, bản thân mang theo quân chủ lực trốn đến Dĩnh Xương. 

Vào ngày 14, quân của Trương Hiến đến, quét sạch quân Kim tại Lâm Dĩnh, cũng tìm thấy thi thể của 300 binh sĩ Nhạc Gia quân. Lúc hỏa táng cho Dương Lại Hưng cũng đốt đi hơn 20 bó múi tên, tất cả mọi người đều cảm phục. Mọi người nhớ lại những mong đợi của Nhạc Phi lúc Dương Lại Hưng đầu hàng, ông quả nhiên không phụ kỳ vọng cao của Nguyên soái, dùng quãng đời ngắn ngủi mà lừng lẫy để hoàn thành sứ mạng tận trung báo quốc. 

Nhạc Vân dẫn quân chống lại nhà Kim. (Xia Qiongfen / Đồ họa của Đại Kỷ Nguyên)

Trong cùng một ngày, Dĩnh Xương cũng diễn ra một trận quyết chiến kịch liệt. 3 vạn quân của Kim Ngột Thuật cùng mấy vạn bộ binh triển khai thế trận ở ngoài thành Vũ Dương, bề ngang dài hơn 10 dặm, một ngày chấn động kim cổ, trời đất rung chuyển. Nhạc Vân thấy vậy liền bố trí quân tác chiến, tự mình dẫn theo Bối Ngôi quân đánh vào hai bên trái phải để yểm hộ cho bộ binh đã khai màn mở đầu cho trận đại chiến. Hai bên giao phong hơn 10 hiệp, Nhạc Vân hơn 10 lần đột nhập vào trận địa giết được vô số quân địch, trên người bị thương hơn 100 chỗ vẫn đánh nhau kịch liệt không ngưng. 

Mặt khác Nhạc Gia quân càng làm được cái gọi là ‘Người đổ máu người, ngựa đổ máu ngựa’. Lúc đó, Vương Quý phụ tá của Nhạc Phi xuất hiện ý sợ chiến, may mắn ý chí của Nhạc Vân rất kiên định, ổn định lòng quân và sĩ khí, cuối cùng giúp toàn quân không ai bỏ chạy. Vào giữa trưa, toàn bộ quân của Kim Ngột Thuật tan tác, Nhạc gia quân giết địch hơn trăm ngàn người, bắt làm tù binh hơn hai ngàn, đoạt được vô số chiến mã cùng binh khí. 

Nhạc Phi cùng toàn quân ôm giữ tín niệm vì nghĩa hy sinh, trong tình thế bất lợi vẫn lần lượt giành được đại thắng. Sau khi lĩnh giáo thực lực của Nhạc Gia quân, người Kim cũng phải bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành mà truyền tụng thiên cổ: “Lay núi dễ, lay Nhạc Gia quân khó!” 

Mười hai đạo kim bài, mười năm công lao bị phế bỏ

Trải qua hai cuộc chiến, Kim Ngột Thuật đã thất bại thảm hại, ý chí chiến đấu của quân Kim không còn, rất nhiều tướng địch đã âm thầm quy hàng Nhạc Phi. Nghĩ lại hơn 10 năm trước, Tông Trạch hô lớn ba tiếng: “Vượt sông!”, Nhạc Phi tuổi còn trẻ đã chết lặng trong tuyệt vọng, bất đắc dĩ đi theo Đỗ Sung vứt bỏ phủ Khai Phong. Sau nhiều năm chinh chiến, giấc mơ thu phục cố thổ của Nhạc Phi sắp thành hiện thực, nhưng vì sao lại không được người ủng hộ? Ông càng cảm thấy thỏa mãn, tại chỗ mà thề với tướng sĩ: “Lần này giết quân Kim, thẳng tiến phủ Hoàng Long, sẽ cùng uống rượu với chư quân”. 

Ba ngày sau, Nhạc Phi tập hợp quân lại và tiến đánh tới Khai Phong, trên đường đi cũng đụng độ với mấy ngàn quân địch, chúng đều bị Nhạc Gia quân đánh cho hoa rơi nước chảy, chạy tán loạn hơn 10 dặm. Kim Ngột Thuật tiếp tục tập hợp 10 vạn đại quân một lần nữa, tại phía Tây Nam phủ Khai Phong mở ra trận chiến trấn Chu Tiên, thử đánh cược ván cuối cùng. Với tư cách là đội quân tiên phong, 500 kỵ binh của Bối Ngôi quân đến sau, họ đã bất chấp nguy hiểm đến tính mạng vẫn liều mình tác chiến. Tống Kim vừa giao phong, quân Kim liền không chịu nổi một cú đánh, toàn bộ phòng tuyến bị phá vỡ. Kim Ngột Thuật rơi vào đường cùng, chỉ còn cách vượt sông chạy trốn về phương Bắc. 

Bức chân dung màu của Nhạc Phi, do nhà Minh vẽ. (Phạm vi công cộng)

Nhạc Gia quân một đường tiến nhanh tiến mạnh làm cho phe chủ hòa của triều đình nhà Tống, đặc biệt là gian thần Tần Cối cảm thấy lo sợ bất an. Ông ta lợi dụng sự sợ hãi quân Kim của Cao Tông, nghi kỵ tâm lý võ tướng, lấy lý do một mình Nhạc Phi khó có thể khống chế, xúi giục Cao Tông hạ chỉ thu quân. Lúc giành được đại thắng tại Yển Thành, Dĩnh Xương, Nhạc Phi đã nhận được chiếu thư này. Ông không đành lòng nhìn thấy thành quả mà tướng sĩ dùng tính mạng đổi lấy lại bị nước cuốn trôi, liền viết tấu trình lên để khuyên can, kịch liệt phản đối việc rút quân. 

Tuy nhiên, khi đại quân đến trấn Chu Tiên tiếp viện, Nhạc Phi liên tiếp nhận được 12 đạo kim bài trong cùng một ngày, yêu cầu phải thu quân. Ngôn từ trong chiếu lệnh vô cùng lạnh lùng, lệnh Nhạc Gia quân lui binh về Ngạc Châu, Thống soái Nhạc Phi tự mình triều kiến hoàng đế. Kim bài là phương thức nhanh nhất dùng khi ban bố lệnh khẩn của hoàng đế triều Tống. Từ triều đình đến địa phương, có thể liên tiếp hạ 12 đạo ý chỉ, điều này cho thấy khát vọng nghị hòa của Cao Tông và quần thần háo hức như thế nào. 

Mười hai đạo kim bài thúc giục đã khiến cho những nỗ lực của Nhạc Phi trong cuộc Bắc phạt trở thành lãng phí. (Xia Qiongfen / Đồ họa của Đại Kỷ Nguyên)

Một bên là đoạt lại giang sơn xã tắc dễ như trở bàn tay, một bên là hoàng đế bị gian thần lừa gạt, việc đền nợ nước và trung quân cũng lại có thể khiến cho thần tử khó đưa ra sự lựa chọn đến vậy. Nhạc Phi trầm tư thật lâu, cuối cùng quyết định phục tùng quân mệnh. Ông hướng về phương đông của triều đình mà đau đớn rơi lệ, nói: “Công lao 10 năm của thần đã bị hủy trong chốc lát! Không phải thần không xứng chức, thật sự là quyền thần Tần Cối đã mê hoặc bệ hạ rồi!”

Vốn là đội quân càn quét tinh nhuệ, trong lòng ngàn vạn phần không cam lòng cùng không bỏ đã rút quân. Trên đường, dân chúng nhao nhao tới kéo áo dậm chân ngăn lại, họ khóc lóc và hướng đến Nhạc Phi kể lể: “Chúng tôi đặt bình hương, vận chuyển lương thực và cỏ, nghênh đón quân đội của nguyên soái, quân địch đều đã thấy. Hôm nay ngài đi rồi, chúng tôi không thể sống sót”. Còn một vị thư sinh đứng lên khuyên can: “Cho dù ngài không niệm tình dân chúng Trung Nguyên, chẳng lẽ cũng nhẫn tâm buông tha thành quả chiến đấu lần này sao?” Nhạc Phi liền bật khóc, đành phải đem chiếu thư mở ra cho dân chúng xem, bất đắc dĩ nói: “Đây là ý chỉ của triều đình, chúng ta không thể tự ý mà làm được”. 

Nhìn thấy thánh chỉ, tất cả mọi người đều biết rõ không cách nào cứu vãn nữa, trên toàn con đường chỉ thấy tiếng khóc than tràn đầy bi thương. Vì sự an nguy của bách tính, Nhạc Phi quyết định ở lại thêm 5 ngày, bảo vệ dân chúng địa phương chuyển đến Tương Hán. Thế nhưng, quân Kim nghe được tin Nhạc Gia quân lui binh liền thừa cơ quay đầu lại, chiếm lấy Trung Nguyên, tàn sát và trả thù dân chúng địa phương. Chiến tranh Bắc phạt oanh oanh liệt liệt lại kết thúc ảm đạm ngay khi quân Tống có lợi thế tuyệt đối. 

Khi nghe tin dữ ở Trung Nguyên, Nhạc Phi bi phẫn nói: “Tất cả quận đã giành được, một ngày đều sẽ bị chiếm đóng. Giang sơn xã tắc khó có thể trung hưng! Thế giới càn khôn không còn cách khôi phục lại nữa!”

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch