(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Gặp trên đường

Diễn giải

Trên đường gặp người lớn (người bề trên) thì phải mau chóng đến trước mặt hành lễ chào hỏi. Nếu người lớn không nói thì phải lùi sang một bên đứng cung kính.

Cưỡi ngựa gặp người lớn thì phải lập tức xuống ngựa. Ngồi xe gặp người lớn thì phải lập tức xuống xe. Khi người lớn đi qua thì vẫn phải đợi một lát, đợi đến khi người lớn đi xa hơn trăm bước thì mình mới có thể đi.

Khi người lớn đứng thì người nhỏ tuổi không được ngồi xuống. Khi người lớn ngồi, cho phép người nhỏ tuổi ngồi thì mới được ngồi xuống.

Câu chuyện tham khảo:

Dương Thời, Du Tạc đứng chờ trước cửa nhà họ Trình khi tuyết rơi

Tiến sỹ đời Tống là Dương Thời và Du Tạc là hai trong Tứ đại đệ tử của Trình môn (Hai bậc đại sư Nho gia là thầy Trình Hạo và thầy Trình Di). Hai người từ Phúc Kiến xa xôi đến Hà Nam để bái sư cầu học, đã để lại giai thoại ngàn năm “Đứng chờ trước cửa nhà họ Trình khi tuyết rơi”.

Dương Thời, Du Tạc đứng giữa trời tuyết rơi để xin học đạo. (Ảnh dẫn qua: yzwhw.net)

Dương Thời từ nhỏ đã là một Thần đồng, rất giỏi văn chương, hơn 20 tuổi đỗ tiến sỹ. Nhưng anh bỏ chức quan cao lộc lớn, đến xin học với thầy Trình Hạo. Khi đưa mắt tiễn đưa nhìn anh trở về quê, thầy Trình Hạo đã cảm khái nói: “Đạo của ta tương lai sẽ được truyền ở phương Nam rồi”.

Du Tạc thuở thiếu thời tư chất thông minh dĩnh ngộ, xem qua là thuộc. Thầy Trình Di vừa nhìn thấy anh liền khen tư chất anh có thể truyền thừa được đạo của Nho gia.

Dương Thời và Du Tạc đầu tiên bái thầy Trình Hạo làm thầy. Sau khi thầy Trình Hạo mất, hai người đã 40 tuổi, cũng đã đỗ tiến sỹ từ trước đó lâu rồi, nhưng vẫn tiếp tục xin học với thầy Trình Di.

(Ảnh dẫn qua: s9.rr.itc.cn)

Ban đầu Dương Thời và Du Tạc bái kiến thầy Trình Di, đúng lúc thầy đang nhắm mắt tĩnh tọa. Hai người cung kính lui ra ngoài cửa chờ đợi. Khi thầy Trình Di phát giác, thầy nhìn hai người và nói: “Hai cậu vẫn còn ở đây à? Trời tối rồi, đi về nghỉ ngơi đi”. Vừa ra khỏi cửa mới phát hiện rằng ngoài cửa tuyết đã rơi dày đến một thước.

Người đời sau dùng câu “Trình môn lập tuyết” (Đứng chờ trước cửa nhà họ Trình khi tuyết rơi) để ví với sự tôn sư trọng Đạo, thành khẩn cầu học.

Nguồn: “Nhị Trình ngữ lục” đời Tống)

Hai người sau này đều có thành tựu trong nghiệp học. Dương Thời làm quan đến Trực học sỹ long đồ các (tức thư viện của hoàng gia), đồng thời đem những sở học truyền vào Phúc Kiến, trở thành “Mẫn học tỵ tổ” (Mẫn là tên gọi tắt của Phúc Kiến). Du Tạc làm các chức quan bác học, giáo sư Thái học, Giám sát ngự sử, Tri châu… Do Du Tạc có đức hạnh thuần khiết chính trực, làm việc khoan dung nhân hậu, nên những nơi ông đến làm quan, nhân dân đều kính yêu ông như kính yêu cha mẹ họ.

Phụ chú

– Trình môn: anh em nhà lý học đời Bắc Tống Trình Di, Trình Hạo. Họ cho rằng vạn sự vạn vật đều do “Đạo” sinh ra, quân vương trị quốc phải “thực thi chính trị thuận theo Đạo”, lấy đức làm chính, dùng pháp chế phụ thêm. Trình môn luôn luôn dạy học nghiêm khắc, thanh bạch, khắc khổ, nhưng người đến bái sư nườm nượp không ngớt, truyền đến Chu Hi thì thành tựu lớn. Tập sách chú giải Tứ thư (Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung) của Chu Hi trở thành căn cứ chính cho các kỳ thi khoa cử của 3 đời nhà Nguyên, Minh, Thanh, do đó “Trình Chu lý học” được gọi là “Quan học”.

– Tiến sỹ: chế độ thi khoa cử thời xưa, dựa vào thành tích thi cử để tuyển chọn quan lại. Người thi đỗ trong cuộc thi điện (còn gọi là thi đình – cuộc thi cao nhất cấp quốc gia) được gọi là tiến sỹ.

1. Nguyên tác

路 遇 長 疾 趨 揖
長 無 言 退 恭 立
騎 下 馬 乘下 車
過 猶 待 百 步 餘
長 者 立 幼 勿 坐
長 者 坐 命 乃 坐

2. Âm Hán Việt

Lộ ngộ trưởng, tật xu ấp
Trưởng vô ngôn, thoái cung lập
Kỵ hạ mã, thừa hạ xa
Quá do đãi, bách bộ dư
Trưởng giả lập, ấu vật tọa
Trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa.

3. Pinyin Hán ngữ

Lù yù zhǎng,jí qū yī.
Zhǎng wú yán,tuì gōng lì.
Qí xià mǎ,chéng xià chē.
Guò yóu dài,bǎi bù yú.
Zhǎng zhě lì,yòu wù zuò.
Zhǎng zhě zuò,mìng nǎi zuò.

4. Chú thích:

– Tật: nhanh, nhanh chóng
– Xu: bước nhanh tới, đi nhanh đến
– Ấp: vái, lạy, chắp tay hành lễ
– Cung lập: đứng cung kính. Lập nghĩa là đứng.
– Do: vẫn còn, vẫn
– Đãi: đợi, chờ
– Dư: dư, nhiều hơn
– Mệnh: mệnh lệnh
– Nãi: mới

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch