(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Anh thương em

Diễn giải

Người anh nên yêu thương người em, người em nên tôn kính người anh. Anh em có thể chung sống hòa thuận thì đạo hiếu đã ở trong đó rồi.

Giữa anh em với nhau xem nhẹ vấn đề tiền bạc của cải thì oán hận sinh ra từ đâu? Lời ăn tiếng nói giữa anh em với nhau cần nhẫn nhịn, nhường nhịn nhiều hơn thì tức giận tự nhiên tiêu trừ.

Câu chuyện tham khảo:

Nấu đậu đốt cành đậu: Tào Thực làm thơ trong 7 bước chân

Ngụy Văn Đế Tào Phi thời Tam Quốc và em trai là Tào Chương, Tào Thực đều do Biện Thái hậu sinh ra. Tào Phi sau khi kế thừa ngôi vị của Tào Vũ Đế Tào Tháo, vì đố kỵ Nhậm Thành Vương Tào Chương vũ dũng cường tráng nên đã dụ dỗ lừa Chương ăn táo có thuốc độc mà chết, Thái hậu giải cứu không kịp. Tào Phi lại muốn hãm hại Đông A Vương Tào Thực, Thái hậu nói: “Con đã sát hại con trai ta là Nhậm Thành, không được sát hại con trai ta là Đông A nữa”.

Tào Thực làm bài thơ trong 7 bước chân. (Ảnh dẫn qua: Tinhhoanet)

Ngụy Văn Đế đã lệnh cho em trai Tào Thực phải làm được bài thơ trong 7 bước chân, nếu không làm được sẽ bị xử tội nặng. Tào Thực lập tức làm bài thơ rằng:

Nấu đậu để làm canh,
Lọc đậu để lấy nước.
Cành đậu đốt đáy nồi,
Ở trong nồi đậu khóc.
Vốn một gốc sinh ra,
Đốt nhau sao quá ác?

Tào Văn Đế nghe xong, nét mặt lộ vẻ xấu hổ, lòng cảm thấy rất hổ thẹn.

(Nguồn: “Thế thuyết tân ngữ” của Lưu Nghĩa Khánh nước Tống thời Nam Bắc Triều)

Phụ chú

1. Bài thơ Thất bộ thi của Tào Thực

七步詩
煮豆持作羹,漉菽以為汁。
萁在釜下燃,豆在釜中泣。
本是同根生,相煎何太急?

Âm Hán Việt:
Thất bộ thi
Chử đậu trì tác canh,
Lộc thục dĩ vi trấp,
Cơ tại phủ hạ nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp?

Dịch nghĩa:
Đun đậu nấu làm canh,
Lọc đậu để lấy nước.
Cành đậu đốt ở dưới nồi,
Hạt đậu ở trong nồi khóc.
Vốn từ một gốc sinh ra,
Sao lại đốt nhau khốc liệt như vậy?

Tào Thực và bài thơ “Thất bộ thi”.
(Ảnh dẫn qua: Tinhhoanet)

2. Nguyên tác Đệ tử quy

兄 道 友 弟 道 恭
兄 弟 睦 孝 在 中
財 物 輕 怨 何 生
言 語 忍 忿 自 泯

3. Âm Hán Việt

Huynh đạo hữu, đệ đạo cung.
Huynh đệ mục, hiếu tại trung.
Tài vật khinh, oán hà sinh.
Ngôn ngữ nhẫn, phẫn tự mẫn.

4. Pinyin Hán ngữ

Xiōng dào yǒu,dì dào gōng.
Xiōng dì mù,xiào zài zhōng.
Cái wù qīng,yuàn hé shēng.
Yán yǔ rěn,fèn zì mǐn.

5. Chú thích:

– Huynh đạo: Đạo làm anh. Đạo có nghĩa là đạo lý, phép tắc.
– Hữu: hữu ái, thương yêu
– Cung: cung kính
– Mục: hòa mục, hòa thuận
– Khinh: xem nhẹ, coi nhẹ
– Oán: oán hận
– Hà sinh: từ đâu mà sinh ra? Hà có nghĩa là đâu, ở đâu, sao. Sinh có nghĩa là sinh ra, sản sinh.
– Nhẫn: nhẫn nhịn, nhẫn nại, nhường nhịn
– Phẫn: phẫn nộ
– Mẫn: tiêu trừ

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch