Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

… Thế là Ngô Khởi về nhà hỏi vợ: “Vì công danh của chồng nàng có thể làm một ‘cống hiến’ được không?”. Vợ Ngô Khởi còn chưa biết câu nói ấy có nghĩa gì thì đã xảy ra sự việc đau lòng…

Ngô Khởi giết vợ cầu làm tướng

Ngụy Văn hầu bổ nhiệm Nhạc Dương đánh chiếm Trung Sơn ở phía bắc nước Triệu, phái Tây Môn Báo cai trị Nghiệp thành phía nam nước Triệu. Lúc này Ngụy Văn hầu lại hướng mắt về nước Tần ở phía tây. Ngụy quốc nằm ở bờ đông của Hoàng Hà, tiếp giáp với nước Tần là một khu đất có tên gọi là Tây Hà. Năm 419 TCN, Ngụy Văn hầu cho quân vượt Hoàng Hà đi về phía tây, sau đó đắp thành ở Thiểu Lương, tạo nên một cứ điểm quân sự để tấn công nước Tần. Quân Tần chống thế nào cũng không thắng được quân Ngụy. Để chuẩn bị cho việc công hạ nước Tần, Ngụy Văn hầu cần một vị tướng bách chiến bách thắng, ông lại hỏi người đã tiến cử Nhạc Dương và Tây Môn Báo là Địch Hoàng, rằng ai là người có thể đảm nhận vị trí đó.

Lần này Địch Hoàng tiến cử Ngô Khởi. Ngô Khởi là một vị tướng rất nổi tiếng. Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên xem Ngô Khởi với Tôn Vũ là “kẻ tám lạng, người nửa cân”, bởi vì ông cho rằng Ngô Khởi dùng binh cũng sánh ngang Tôn Vũ. Nhưng đạo đức phẩm hạnh của Ngô Khởi có vấn đề. Lý Khôi nói: “Con người Ngô Khởi này rất tham lam và háo sắc, nhưng dùng binh đánh trận thì Tư Mã Nhương Thư (1) của nước Tề năm đó cũng không sánh bằng”.

Ngô Khởi có một câu chuyện rất nổi tiếng là “giết vợ cầu làm tướng”. Ngô Khởi là người nước Vệ, nước Vệ là một quốc gia rất nhỏ. Ngô Khởi lúc nhỏ gia đình có nhiều tiền, sau khi lớn anh ta dùng tiền trong nhà đi mua quan chức nhưng không thành. Người trong làng thấy vậy đều chê cười anh ta. Điều đó khiến Ngô Khởi nổi con thịnh nộ nên giết hơn 30 người, sau đó Ngô Khởi cáo biệt mẫu thân. Cách ông từ giã mẫu thân cũng rất đặc biệt, ông dùng răng cắn cánh tay chảy máu, nói với mẹ: “Nếu con không thể làm bậc khanh tướng, không làm được tước vị cao, con sẽ không về gặp mẹ”. Sau đó Ngô Khởi rời nước Vệ.

Đầu tiên Ngô Khởi đến nước Lỗ, học Nho giáo với một nhà Nho uyên bác bấy giờ là Tăng Sâm. Tăng Sâm là học trò của Khổng Tử. Ngô Khởi rất hiếu học, Tăng Sâm rất yêu thích anh ta. Sau này Tăng Sâm phát hiện Ngô Khởi ba năm không về nhà nên thấy kỳ lạ mới hỏi anh ta rằng: “Mẫu thân của anh chắc nhớ anh lắm, tại sao không về thăm bà ấy?”.

Ngô Khởi đáp: “Lúc con rời xa mẫu thân đã phát thệ, nếu không làm đến bậc khanh tướng con quyết không về”. Tăng Sâm rất ghét câu nói này, ông nghĩ: “Một người sao có thể phát lời thề độc đến như vậy với mẹ mình cơ chứ”. Từ đó trở đi, Tăng Sâm dần xa lánh Ngô Khởi. Không lâu sau đó có tin mẹ Ngô Khởi bệnh mất. Khi ấy Ngô Khởi ngửa mặt lên trời gào khóc sau đó lau khô nước mắt, lại tiếp tục học tập như cũ, xem như chưa có chuyện gì xảy ra.

Chúng ta biết rằng Nho gia rất coi trọng đạo hiếu. Tăng Sâm từng nói: “Hiếu là gốc rễ con người, cây không có gốc rế sẽ gãy đổ, nếu một người không có gốc rễ thì chết không thanh thản, cho nên ta không có người học trò như Ngô Khởi. Ngô Khởi đã học ta nhiều năm như vậy, ngay cả đạo hiếu cơ bản cũng không làm được. Dạy tiếp thì có tác dụng gì”. Từ đó Tăng Sâm không gặp Ngô Khởi nữa.

Ngô Khởi cảm thấy học Nho giáo không có tiền đồ, thế là ông chuyển sang học binh pháp. Ngô Khởi có tài ăn nói, khi đàm luận với người khác thì thao thao bất tuyệt. Khi ấy có một Đại phu nước Tề là Điền Cư đến nước Lỗ đàm luận với Ngô Khởi phát hiện Ngô Khởi là người siêng năng, hiếu học, nói năng trôi chảy, cảm thấy đây là người có thực tài. Thế là Điền Cư gả con gái cho Ngô Khởi. Sau này cùng với sự tiến cử của quan Tướng quốc nước Lỗ là Công Nghi Hưu, Ngô Khởi đã làm Đại phu ở nước Lỗ.

Khi nước Tề tiến đánh nước Lỗ, quân vương nước Lỗ muốn chọn một vị tướng có thể lãnh binh. Tề là nước rất lớn còn Lỗ là nước nhỏ nên ông khá lo lắng. Có người tiến cử Ngô Khởi nhưng quốc vương còn nghi ngại. Khi biết chuyện Ngô Khởi bèn tự mình đến gặp quân vương hỏi: “Vì sao ngài không giao binh quyền cho tôi”. Quân chủ nước Lỗ đáp rằng: “Ta có một nghi ngại, vì vợ ngươi là người nước Tề… Khi ngươi đánh trận làm sao có thể không quan tâm đến cảm giác của vợ khi thấy mẫu quốc bị chồng dẫn binh sang đánh?”. Ngô Khởi mới nói: “Đó là e ngại của ngài, tôi có thể ‘trừ’ đi mối e ngại đó”.

Thế là Ngô Khởi về nhà hỏi vợ: “Vì công danh của chồng nàng có thể làm một ‘cống hiến’ được không?”. Vợ Ngô Khởi không biết câu nói ấy có ý nghĩa gì, đang lúc vợ trơ mắt không biết trả lời ra sao, Ngô Khởi rút kiếm giết vợ, lấy thủ cấp đến diện kiến quân vương nước Lỗ. Ông nói: “Ngài nghi ngại tôi vì vợ ta là người nước Tề nên không thể hết lòng vì nước Lỗ, hiện tại tôi đã trừ bỏ mối e ngại của ngài rồi”.

Khi đó quốc vương nước Lỗ cảm thấy thương xót người vợ xấu số của Ngô Khởi, đồng thời cảm thấy Ngô Khởi là người rất tàn độc. Nhưng vua nước Lỗ không muốn ‘đắc tội’ với Ngô Khởi nên bèn giao binh quyền ông ta. Ngô Khởi nắm binh trong tay, chỉ đánh một trận với nước Tề mà đã giành thắng lợi. Sau khi về nước Lỗ, quân vương nước Lỗ vẫn rất lo ngại Ngô Khởi. Ngô Khởi biết điều đó nên đã rời nước Lỗ đến nước Ngụy.

Câu chuyện Ngô Khởi giết vợ cầu làm tướng được ghi lại trong “Sử ký” như sau: “Ngô Khởi học Tăng Tử (Tăng Sâm), phụng sự quốc vương nước Lỗ. Nước Tề đánh nước Lỗ, vua nước Lỗ muốn Ngô Khởi làm tướng nhưng Ngô Khởi lấy con gái nước Tề làm vợ dẫn đến việc vua nước Lỗ hoài nghi. Ngô Khởi muốn công danh vì thế giết vợ, để minh chứng mình không có quan hệ gì với nước Tề nữa. Vua nước Lỗ cho Ngô Khởi làm tướng, đại phá được quân Tề”. “Sử ký” nói về động cơ giết vợ của Ngô Khởi là vì “muốn công danh”.

Ngô Khởi đối xử với vợ rất tàn nhẫn nhưng ông lại đối xử rất tốt với thủ hạ. Ở đây ông đối đãi tốt với binh sĩ không phải nói là mong muốn họ sống dễ chịu như thế nào, mà là có thể khiến binh sĩ hy sinh vì ông. Cho nên khi Ngô Khởi đi đánh trận ông luôn mặc y phục rách rưới, ăn loại cơm dành cho binh sĩ cấp thấp nhất. Ông cũng không ngồi xe, binh sĩ đi chân trần vác lương thực và hành quân, ông cũng làm những việc giống như những binh sĩ đó, cũng đi chân trần vác lương thực hành quân.

Một lần nọ có một binh sĩ bị bệnh ngoài da, Ngô Khởi tự mình dùng miệng hút mủ trên da của người lính đó ra ngoài. Chuyện này đến tai của mẫu thân người lính, người mẹ khi đó đã khóc. Nhưng đây không phải là tiếng khóc cảm động mà là tiếng khóc của… sự sợ hãi. Người mẹ này nói: “Năm đó Ngô Khởi cũng tự mình hút mủ cho cha của nó, nên khi chiến đấu ông ấy không màng an nguy, cuối cùng chết nơi sa trường. Hiện tại con trai tôi cũng được Ngô Khởi hút mủ, tôi không biết rằng con trai mình có chết ở nơi nào đó không…”.

Tranh vẽ Ngô Khởi (ảnh: Wikipedia).

Lý Khôi đưa ra năm nguyên tắc chọn hiền thần

Ở nước Ngụy chúng ta thấy một thời đại với nhiều anh hùng hào kiệt. Ví như Nho giáo có: Tử Hạ, Điền Tử Phương, Cốc Lương Xích, Công Dương Cao; về hành quân đánh trận có: Ngô Khởi, Nhạc Dương, Tây Môn Báo; về trị quốc có: Ngụy Thành (em trai Ngụy Văn hầu), Địch Hoàng, Lý Khôi… toàn là những người như thế, xác thực là thời đó ở nước Ngụy có rất nhiều nhân tài.

Địch Hoàng là người giỏi nhìn người, ông đã tiến cử Nhạc Dương chiếm lĩnh Trung Sơn, tiến cử Tây Môn Báo quản lý Nghiệp thành, tiến cử Ngô Khởi chiếm lĩnh Tây Hà. Do đó ông cho rằng mình có công lao rất lớn trong kiến lập nước Ngụy.

Đến một ngày Ngụy Văn hầu hỏi Lý Khôi: “Ông đã nói với ta, nhà nghèo nghĩ về vợ hiền để giúp đỡ, quốc gia loạn thì nghĩ đến lương thần phò tá. Hiện tại ta muốn tìm một tài năng để làm Thừa tướng, ông xem Địch Hoàng hay Ngụy Thành ai mới là người thích hợp?”. Ngụy Thành là em trai của Ngụy Văn hầu, Địch Hoàng là đại thần bình thường. Lúc đó Lý Khôi không nói, Ngụy Văn hầu nhất định buộc ông phải nói, khi này ông mới nói: “Ngài không cần hỏi thần, thần sẽ đưa ra năm nguyên tắc, ngài căn cứ trên năm nguyên tắc đó mà chọn”. Đó là năm nguyên tắc nào?

Lý Khôi nói: “Thứ nhất là bình thường người ấy quan hệ tốt với ai. Thứ hai là khi có của cải người ấy cho ai tiền. Thứ ba là khi có quyền lực người ấy tiến cử ai, tiến cử người hiền có tài hay chỉ là người thân thích, không quan tâm đến tài đức. Thứ tư là khi lâm vào cảnh khốn cùng, xem người đó có vì muốn giải thoát khó khăn mà làm những việc không nên làm hay không. Thứ năm là khi rất nghèo khó, xem người ấy có vì muốn phú quý mà lấy những thứ không nên lấy hay không”. Điều thứ tư và thứ năm, nói rõ hơn là người ấy vì muốn giàu có, thoát cảnh khốn cùng liệu có làm những việc vượt quá giới hạn hay không.

Ngụy Văn hầu nói: “Ta đã biết rồi”. Lý Khôi đứng dậy rời khỏi cung. Khi ông qua nhà Địch Hoàng thì bị Địch Hoàng cản lại và nói rằng: “Tôi nghe nói quốc vương đã thỉnh giáo ông về việc ai có thể làm Thừa tướng, ông đã tiến cử ai?”. Lý Khôi đáp: “Nên là giao cho Ngụy Thành”.

Địch Hoàng nói: “Tôi muốn bàn luận với ông một chút. Ông cảm thấy tôi có điểm nào không bằng Ngụy Thành? Khi vua lo lắng về Trung Sơn, tôi tiến cử Nhạc Dương; khi vua lo nghĩ về Nghiệp thành, tôi tiến cử Tây Môn Báo; khi vua nghĩ ngợi về Tây Hà, tôi tiến cử Ngô Khởi… Ông nói tôi có điểm nào không bằng Ngụy Thành nào?”.

Lý Khôi nói: “Tôi vừa nói với quốc vương năm điều để lựa chọn người làm Thừa tướng, để tôi nhắc lại lần nữa cho ông. Ông sao có thể so sánh với Ngụy Thành. 9/10 bổng lộc của Ngụy Thành, ông ấy dùng để nuôi dưỡng nhân tài hoặc phân phát cho bách tính, ông chỉ dùng 1/10 số tiền ấy cho mình; còn ông thì sao, tất cả tiền ông đều lấy về mình; đây là điều thứ nhất. Thứ hai, những người Ngụy Thành tiến cử là những ai? Ngụy Thành tiến cử Bốc Tử Hạ, Điền Tử Phương, Cốc Lương Xích, Công Dương Cao, Đoàn Can Mộc, mỗi người họ đều trở thành thầy hoặc bạn của nhà vua. Còn ông tiến cử Nhạc Dương, Tây Môn Báo, Ngô Khởi, những người họ đều là… bề tôi của vua. Cho nên ông làm sao sánh với Ngụy Thành được!”.

Địch Hoàng sau khi nghe xong cảm thấy lúng túng xấu hổ, một lúc sau nói với Lý Khôi: “Vừa rồi tôi lỡ lời, mong ông bỏ quá cho, tôi hy vọng từ đây đến cuối đời được làm đệ tử của ông”.

Ngụy Văn hầu không chỉ là người giỏi dùng người, mà còn là người rất có nhãn quan chiến lược. Sau khi ba nhà phân Tấn, nhà họ Hàn từng giao ước với nhà họ Ngụy đánh hạ nhà họ Triệu, nhưng Ngụy Văn hầu nói: “Nhà họ Triệu là anh em của tôi, tôi không thể tấn công họ”. Lúc đó nhà họ Hàn rất tức giận rồi rời đi. Qua một đoạn thời gian, nhà họ Triệu lại đến nói với Ngụy Văn hầu: “Tôi cùng ông hãy đánh hạ nhà họ Hàn”. Ngụy Văn hầu cũng nói như thế, ông nói: “Nhà họ Hàn là anh em của tôi, tôi không thể đi đánh họ”. Kết quả nhà họ Triệu cũng rất phẫn nộ rồi rời đi.

Sau này nhà họ Hàn và nhà họ Triệu nghe nói về nguyên nhân Ngụy Văn hầu cự tuyệt đều rất cảm động, cho nên hai nhà đã đến nước Ngụy triều kiến. Nước Ngụy khi đó là một quốc gia rất lớn mạnh, hơn nữa Nguỵ Văn hầu còn tránh được việc thảo phạt lẫn nhau của hai nhà còn lại sau khi phân Tấn.

Tranh vẽ Nguỵ Văn Hầu (ảnh: Wikipedia).

***

Chiến lược của Ngụy Văn hầu khiến tam Tấn (3) tránh được nội loạn, đồng thời hướng ánh nhìn của mỗi nhà ra bên ngoài. Ngô Khởi công hạ được Tây Hà cho Ngụy Văn hầu, đối với nước Tần mà nói là một thất bại rất lớn. Ngô Khởi chỉ huy quân Ngụy vượt sông, tiêu trừ cứ điểm quân sự của nước Tần ở địa khu Tây Hà, quân Ngụy lại chiếm thêm Lâm Tấn, Vương Thành, Nguyên Lý, Lạc Âm, Hợp Dương, Âm Tấn. Quân Ngụy không chỉ chiếm được Tây Hà mà còn chiếm được Thiểm Tây, khống chế đường giao thông hoàng kim giữa phía tây và Trung Nguyên.

Vùng đất Tây Hà là giao giới của ba con sông Hoàng Hà, Vị Hà và Lạc thủy, là một nơi rất màu mỡ. Hoàng Hà vốn là nơi hiểm yếu để phòng ngự, Tây Hà lại bị chiếm, hơn nữa con đường giao thông hoàng kim từ phía tây sang Trung Nguyên lại bị nước Ngụy chiếm, những điều ở trên khiến nước Tần ngày càng suy yếu.

Năm 362 TCN Tần Hiếu công kế vị. Khi đó ông cảm thấy nếu cứ phát triển tiếp như thế, nước Tần sẽ mau chóng diệt vong. Thế là ông phái người dán cáo thị ghi rằng: “Những môn khách, quần thần, người nào có được kế hay khiến nước Tần hùng mạnh, trẫm sẽ cấp quan và phong đất cai trị”.

Thế là có một người mang theo “Pháp kinh” (cuốn sách về pháp luật) của Lý Khôi từ nước Ngụy đi về hướng tây sang nước Tần. Người này đến nước Tần được cho là người bắt đầu biến nước Tần thành “nước giàu binh mạnh”. Khi nhắc đến Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của ông. Rốt cuộc vị đó là ai, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: “Thương Ưởng biến pháp”.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Ghi chú:

(1) Tư Mã Nhương Thư hay Điền Nhương Thư là danh tướng nước Tề thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Hoa, được người đời sau ví như “Khương Tử Nha tái thế”.
(2) Nguyên gốc là: Cư thị kỳ sở thân, phú thị thị kỳ sở dữ, đạt thị kỳ sở cử, cùng thị kỳ sở bất vi, bần thị kỳ sở bất thủ. (居視其所親,富視其所與,達視其所舉、窮視其所不為,貧視其所不取)
(3) Tam Tấn: chỉ ba nhà Hàn – Triệu – Ngụy.