>> Xem trọn bộ: “Phép tắc người con”

(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Thấy người tốt

Diễn giải

Nhìn thấy ưu điểm hoặc sở trường của người khác thì phải mong muốn bản thân mình cũng có thể được như họ. Cho dù trình độ còn cách rất xa với người ta thì cũng phải có quyết tâm dốc toàn tâm toàn lực, dần dần cũng theo kịp họ.

Thấy khuyết điểm hoặc sai lầm của người khác thì phải lập tức kiểm tra xem xét lại những tư tưởng và hành vi của bản thân mình. Nếu mình cũng có những cái xấu như thế thì phải lập tức thay đổi, hoàn thiện. Nếu mình không có những cái xấu đó thì cũng phải tăng cường cảnh giác, không được biết rõ rồi mà còn cố tình phạm lỗi lầm, giẫm vào vết xe đổ của người ta.

Câu chuyện tham khảo:

Chu Xứ trừ tam quái

Ngày xưa, vào triều Tấn ở Trung Quốc, ở một làng nhỏ của Nghĩa Hưng, có một người thanh niên tên gọi là Chu Xứ. Cha mẹ đều qua đời sớm khi cậu còn nhỏ. Cậu lớn lên khỏe mạnh và dũng cảm, nhưng vì không được giáo dục và chăm sóc tốt, cậu thường đánh nhau với người khác, gây nhiều phiền phức trong làng. Ngày thành tuần, tuần thành tháng, tháng thành năm, những rắc rối mà Chu Xứ gây ra trở nên càng tồi tệ. Giống như một quái vật, cậu bị tất cả những người trong làng xa lánh.

Một ngày nọ khi đi tản bộ xuống phố, Chu Xứ khi ấy đã là một thanh niên, thấy một đám đông đang nói chuyện rất căng thẳng về việc gì đó. Tò mò, anh ghé lại gần, nhưng đám đông liền tản đi.

Cảm thấy một chút bực mình, anh ta tóm lấy một người già và hỏi: “Mọi người đang nói về điều gì?” Ông già sợ hãi trả lời : “Làng này đang bị 3 con quái vật tấn công. Một là con hổ ở Nam Sơn. Một con khác là giao long ở Trường Kiều Hà. Chúng giết rất nhiều người…” Không đợi người đàn ông già nói xong, Chu Xứ hét to lên: “Là hổ hay giao long, chúng ta không có gì phải sợ. Tôi sẽ giết những quái vật này trong tức khắc”. Sau khi lập lời thề, Chu Xứ liền lập tức bắt đầu thực hiện phận sự.

Ông già sợ hãi trả lời : “Làng này đang bị 3 con quái vật tấn công”.

Khi Chu Xứ đến Nam Sơn, anh tìm hổ khắp nơi trên núi. Sau một thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng anh đã tìm được dấu vết của con vật hung ác. Nhưng sự vui mừng kéo dài không lâu, con hổ ẩn trong bóng cây và nhảy qua đầu với những chiếc răng bén như dao cạo. Nhưng trước khi con hổ kịp đáp xuống đất, trong nháy mắt, Chu Xứ đã quay lại, nhảy lên lưng hổ. Với tất cả sức mạnh của mình, Chu Xứ đã nắm nhanh được đầu hổ và đập nó vào tảng đá sắc bén, cho đến khi nó chết.

Trước khi Chu Xứ kịp lấy lại hơi, anh ta bắt đầu đi đến Trường Kiều Hà. May mắn thay, anh không phải mất thời gian lâu để tìm con giao long độc ác. Anh thấy giao long đang tắm nắng trên hòn đảo giữa sông. Chu Xứ âm thầm bơi ra đảo, bò đến sau con thú, và chụp lấy cổ nó mà bóp cho nghẹt thở. Nhưng giao long khỏe hơn cọp và ném Chu Xứ vào cái cây. Chu Xứ không để yên và rít lên: “Ta sẽ không để yên cho cổ ngươi cho đến khi ngươi ngừng thở!”. Không kể là con giao long khỏe đến thế nào, nó vẫn không thể thoát khỏi sự kiềm chặt của Chu Xứ. Sau 3 ngày 3 đêm, cuối cùng con thú đã chết. Kiệt sức, Chu Xứ lăn ra ngủ và không tỉnh dậy liền trong 2 ngày 2 đêm.

Chu Xứ đấu với giao long 3 ngày 3 đêm cho đến khi giao long chết.

Những lời bàn tán nhanh chóng truyền đi trong làng rằng Chu Xứ đã giết được các quái vật và chết sau khi kiệt sức. Dân làng tổ chức ăn mừng linh đình trong 3 ngày 3 đêm, và cuối buổi lễ tất cả đều hát hân hoan: “3 con quái vật đã chết, 3 con quái vật đã chết. Hoan hô, hoan hô, hoan hô!” Khi những người làng đang hát, Chu Xứ trở về nhà. Chỉ khi đó, anh mới nhận ra những người trong làng xem anh như quái vật thứ ba.

Chu Xứ nhận ra mình chính là “con quái vật thứ ba”.

Chu Xứ cảm thấy xấu hổ vô cùng và nguyện sẽ cải tà quy chính. Anh muốn thay đổi và trở thành một người tử tế. Nhưng khi nghĩ đến mình cũng đã lớn tuổi, lại không học hành cẩn thận, muốn sửa chữa lỗi lầm làm mới lại mình, làm lại từ đầu thì có được không? Do đó anh mặt mày ủ rũ, không biết nên làm như thế nào?

Một hôm, anh ngẫu nhiên nghe được dân làng nói chuyện vùng quận Ngô (Tô Châu, Giang Tô ngày nay) có hai anh em là Lục Cơ và Lục Vân có tài học lớn, có kiến giải độc đáo về rất nhiều sự tình, và cũng rất vui lòng giúp đỡ mọi người. Thế là Chu Xứ liền quyết định đến quận Ngô tìm anh em Lục Cơ, Lục Vân đưa ra ý kiến giúp anh. Đến nhà họ Lục, người anh là Lục Cơ đi ra ngoài chưa về, chỉ có người em là Lục Vân ở nhà. Thế là Chu Xứ đem đầu đuôi sự tình và những lo nghĩ của mình ra nói với Lục Vân, hy vọng được chỉ giáo. Lục Vân nghe xong rồi nói với Chu Xứ rằng: “Người xưa coi trọng nhất là câu nói ‘Sáng nghe Đạo thì tối có thể chết’”.

Chu Xứ đến nhờ Lục Vân chỉ giáo.

Chu Xứ vội hỏi: “Không biết ý nghĩa là gì?”

Lục Vân nói: “Đó chính là nói một người chỉ cần buổi sáng nghe được đạo lý lớn của Thánh hiền thì cho dù đến tối có chết cũng cảm thấy đã không uổng phí cuộc đời này. Huống hồ huynh tiền đồ còn có hy vọng, do đó không được khinh suất mà buông bỏ. Con người chỉ sợ không có chí khí và không có mục tiêu, chứ không cần phải lo danh tiếng không được lưu truyền”.

Chu Xứ cần cù học tập, sửa chữa lỗi lầm.

Chu Xứ nghe được lời này thì vô cùng phấn chấn mãi, từ đó sửa chữa lỗi lầm làm mới bản thân, cần cù khắc khổ học tập, cuối cùng đã trở thành một người có thành tựu.

Do đó “Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp” là rất có đạo lý.

(Ảnh minh hoạ trong bài sử dụng từ bộ phim hoạt hình “Tam Tự Kinh (bài 1): Câu chuyện Chu Xứ trừ Tam Quái” của NTD)

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

見 人 善 即 思 齊
縱 去 遠 以 漸 躋
見 人 惡 即 內 省
有 則 改 無 加 警

2. Âm Hán Việt

Kiến nhân thiện, tức tư tề
Túng khứ viễn, dĩ tiệm tê
Kiến nhân ác, tức nội tỉnh
Hữu tắc cải, vô gia cảnh.

3. Pinyin Hán ngữ

Jiàn rén shàn,jí sī qí
Zòng qù yuǎn,yǐ jiàn jī
Jiàn rén è,jí nèi xǐng
Yǒu zé gǎi,wú jiā jǐng.

4. Chú thích:

– Thiện: tốt. Người tốt hoặc việc tốt gọi là thiện. Ở đây có nghĩa là ưu điểm, sở trường.
– Tư: hy vọng, mong muốn.
– Tề: giống, bằng.
– Túng: mặc dù, cho dù.
– Khứ: khác biệt, khoảng cách.
– Dĩ: khiến, làm cho.
– Tê: đuổi kịp, ngang bằng với người dẫn đầu.
– Ác: xấu. Trái nghĩa với thiện, chỉ người hoặc việc không tốt, bất lương. Ở đây có nghĩa là sai trái, lỗi lầm.
– Tỉnh: nghĩa là kiểm tra, kiểm điểm lại tư tưởng hành vi của bản thân.
– Cải: cải thiện, sửa chữa.
– Gia: tăng thêm.
– Cảnh: cảnh giác.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch