Đó là vào những năm tháng uất ức của dân tộc, khi Minh Thành Tổ phái Trương Phụ đem quân xâm lược nước Đại Ngu non trẻ của nhà Hồ năm 1407. Nhà Hồ kháng chiến thất bại, Hồ Quý Ly cùng nhiều triều thần bị bắt đem về Trung Quốc, quốc gia rơi vào tay ngoại bang… 

Nguyễn Trãi, thân là một quan chức dưới triều Hồ, nhất định không chịu quy hàng nhà Minh. Ông bỏ trốn, lang thang phiêu bạt nhiều nơi và lưu lại rất nhiều thi phẩm cho hậu nhân. 

“Vãng hứng” là một trong những bài thơ trong “Ức Trai thi tập” mà ông sáng tác khi ở ẩn tại Côn Sơn. Bài thơ dẫn dắt người đọc trở về những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời cố nhân, khi ông, một Nho sinh vừa khởi nghiệp, đang tràn đầy hoài bão tế thế, thì vương triều tan nát:

Cùng hạng u cư khổ tịch liêu,
Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu.
Thôn hoang nhật lạc hà thê thụ,
Dã kính nhân hy thủy một kiều.
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu.
Qui lai độc bằng lan can tọa,
Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu.

Tạm dịch
Xóm nghèo đơn chiếc chiều quạnh hiu,
Khăn đen gậy trúc kẻ cô liêu.
Mặt trời thôn dã nơi đâu lạc,
Lối tắt người thưa chẳng một kiều.
Kim cổ vô cùng sông lẳng lặng,
Anh hùng ôm hận cảnh tiêu điều.
Một mình một bóng lan can tọa,
Nhất phiến trăng hàn treo bích tiêu.

Thưởng thức thi phẩm

Hai câu mở đầu bài thơ “Cùng hạng u cư khổ tịch liêu, Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu” mở ra cảnh tượng xóm nghèo cùng khổ chốn quạnh hiu vắng người qua lại, thấp thoáng một kẻ khăn đen gậy trúc lang thang cô độc buổi chiều tà. Cả người và cảnh đều ngậm một nỗi u uất khốn cùng khi nương náu ở nơi chẳng mấy bóng người lai vãng. Bằng hàng loạt các từ cùng, u, khổ, tịch, ô, liêu, vãn đưa người đọc vào hoàn cảnh cô đơn tăm tối “liễu ám hoa minh” dường như không lối thoát của thi nhân.

Hai câu tiếp theo “Thôn hoang nhật lạc hà thê thụ, Dã kính nhân hy thủy một kiều”  mô tả bức tranh buổi chiều tà nơi xóm vắng, khi mặt trời dần lặn qua những rặng cây, sông nước hoang vu chẳng có một cây cầu. Câu hỏi “nhật lạc hà thê thụ”, mặt trời lạc xuống ngọn cây nào, như muốn cứa vào nỗi cô đơn sầu muộn. Nhà thơ ví mình như thể mặt trời nơi xóm hoang, dẫu lạc ở chốn nao cũng chẳng ai đoái hoài. Cụm từ “thủy một kiều”, sông không cầu, càng tăng thêm cảm thụ nơi đây dường như đã bị cả thế giới lãng quên.

Hai câu tiếp theo “Kim cổ vô cùng giang mạc mạc, Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu” bước vào tâm sự chính của nhà thơ. Non nước sơn hà tự cổ chí kim vẫn lặng lẽ mong chờ, mà người anh hùng ôm hận như chiếc lá tiêu điều xơ xác. Ông, với khí chất của người anh hùng tràn đầy hoài bão tế thế, nay lạc vào cảnh nước mất nhà tan, thất cơ lỡ vận, đành ôm nỗi hận. 

Hai câu kết của bài thơ “Qui lai độc bằng lan can tọa, Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu”, nhà thơ một mình trở về nhà, ngồi tựa lan can, ngắm một mảnh trăng lạnh lẽo treo trên bầu trời màu bích. Ông đối sánh hình ảnh bản thân “độc bằng lan can tọa” – ngồi một mình tựa lan can, với hình ảnh “băng thiềm quải bích tiêu” – mặt trăng lạnh treo trên trời xanh, ẩn ý sự chờ đợi trong tĩnh lặng, phảng phất nỗi niềm hiu quạnh. Nhà thơ dường như không còn nhiều tâm trạng u uất nữa, mà bình tâm ngồi đó lặng lẽ chờ. Ông tin ở mệnh Trời, tin rằng nước Việt nhất định rồi sẽ đến ngày trở về với vua tôi Đại Việt, vận mệnh rồi sẽ đến lúc người anh hùng có thể thỏa chí tung hoành, khôi phục giang sơn gấm vóc.

Kỳ thực, ông Trời khi trao cho ai sứ mệnh lớn lao, sẽ luôn thử thách ý chí của người đó đến tận cùng. Vào những năm tháng lẩn trốn gian nan cô quạnh này, không những chẳng khiến Nguyễn Trãi đầu hàng, mà còn nung nấu ước nguyện, tôi luyện chí khí của người anh hùng. Đến khi gặp được Lê Lợi, ông như được chắp cánh ước mơ, hết mình phò tá nhà Lê phục quốc. Quả là “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, nếu có thể giữ mình không gục ngã trong đêm trường gian khổ, thì tương lai tươi sáng chẳng còn xa.  

Nhân vật đằng sau bài thơ Đường

Nguyễn Trãi (chữ Hán: 阮廌, 1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai (抑齋), là một nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ lớn thời Hậu Lê. Ông bác học đa tài, danh tác bao trùm nhiều lĩnh vực: Văn chính luận (Bình Ngô Đại Cáo, Quân trung từ mệnh tập), Lịch sử (Lam Sơn thực lục, Vĩnh Lăng thần đạo bi), Địa lý (Dư địa chí) và lưu lại rất nhiều thi phú (Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng hồ di sự lục)… 

Ông tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” và là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Trãi người làng Nhị Khê (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội), là con của Nguyễn Phi Khanh, tiến sĩ cuối đời Trần, cháu ngoại tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, là tôn thất, đại thần triều Trần. Khi nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ lập nên nhà Hồ, Nguyễn Trãi tham gia dự thi, thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi làm quan dưới triều Hồ với chức Ngự sử đài chính chưởng. Khi nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc, còn ông chạy trốn để thoát khỏi sự truy bắt của quân Minh. Bài thơ “Vãng hứng” chính là trong số những tác phẩm được ông sáng tác trong thời gian ở ẩn này. Sau khi nước Đại Ngu của triều Hồ rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự thống trị của nhà Minh. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn, đề ra chiến lược cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đầu năm 1427, Lê Lợi phong cho Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư, kiêm chức Hành Khu mật viện sự. Lê Lợi sai dựng một tòa lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, trên bờ sông Hồng, cao ngang tháp Báo Thiên, hàng ngày ngồi trên lầu trông vào thành Đông Quan xem xét hoạt động của quân Minh; Nguyễn Trãi ngồi hầu ở ngay tầng dưới để bàn luận quân cơ và thảo thư từ đi lại.

Tại đây, Nguyễn Trãi đã viết hàng chục bức thư gửi vào thành Đông Quan chiêu dụ Vương Thông, gửi đi Nghệ An chiêu dụ Thái Phúc cũng như dụ hàng các tướng lĩnh nhà Minh ở Tân Bình, Thuận Hóa và một số thành trì khác. Kết quả đạt được rất khả quan: các thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa ra hàng đầu năm 1427. Bản thân Nguyễn Trãi cũng đã từng cùng với viên chỉ huy họ Tăng vào dụ hàng thành Tam Giang, khiến Chỉ huy sứ thành này là Lưu Thanh ra hàng vào khoảng tháng 4 năm 1427.

Ông đã đem thân vào dụ hàng thành Đông Quan năm lần. Quân Minh ở Giao Chỉ càng bị cô lập nhanh chóng, chỉ còn cố thủ được ở một số thành như Đông Quan, Cổ Lộng, Tây Đô… mà thôi.

Cuối năm 1427, Minh Tuyên Tông xuống chiếu điều binh cứu viện Vương Thông, sai Liễu Thăng đem 10 vạn quân từ Quảng Tây, Mộc Thạnh đem 5 vạn quân từ Vân Nam, cùng tiến quân sang Việt Nam. Với trận Chi Lăng – Xương Giang, hai đạo viện binh của nhà Minh với số lượng lên tới hơn 10 vạn quân đã bị quân Lam Sơn tiêu diệt hoàn toàn.

Đầu năm 1428, ngay cả khi chưa chính thức lên ngôi vua, Bình Định Vương Lê Lợi đã đại hội các tướng và các quan văn võ, định công ban thưởng. Ngày 29 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi ở điện Kính Thiên tại Đông Kinh, đại xá thiên hạ, giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để bố cáo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh.

Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, an táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn. Nguyễn Trãi tiếp tục phục vụ dưới triều đại vua Lê Thái Tông với chức vụ Nhập nội hành khiển và Thừa chỉ. Những lần thăng chức sau đó, Nguyễn Trãi được phong Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự.

Năm 1442, cả nhà Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu ân xá cho ông. 

Ảnh hưởng của Nho giáo với tư tưởng Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Tư tưởng Nguyễn Trãi không được ông trình bày thành một học thuyết có hệ thống hay chứa đựng trong một trước tác cụ thể nào, mà được thể hiện rải rác qua các tác phẩm của ông. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ yếu, có sự kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam lúc đó.

Nguyễn Trãi vận dụng xuất sắc các tư tưởng Nho giáo vào công cuộc khởi nghĩa cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước thời kì đầu nhà Hậu Lê.

Tư tưởng nhân nghĩa: Tư tưởng nhân nghĩa là nội dung cốt lõi trong toàn bộ hệ thống tư tưởng triết học – chính trị của Nguyễn Trãi. Tư tưởng ấy có phạm vi rộng lớn, vượt ra ngoài đường lối chính trị thông thường, đạt tới mức độ khái quát, trở thành nền tảng và chuẩn mực của quan hệ chính trị, là nguyên tắc quản lý, lãnh đạo quốc gia. Nhân nghĩa gắn liền với tư tưởng nhân dân, tinh thần yêu nước. Nhân nghĩa còn thể hiện ước mơ xây dựng xã hội lý tưởng cho nền thái bình muôn thuở như thời Nghiêu Thuấn.

Tin vào mệnh trời: Nguyễn Trãi tin ở mệnh trời, ông coi Trời là đấng tạo hóa sinh ra muôn vật. Cuộc đời của mỗi con người đều do mệnh trời sắp đặt. Vận nước, mệnh vua cũng là do trời quy định. Nhưng Trời không chỉ là đấng sinh thành, mà còn có tình cảm, tấm lòng giống như cha mẹ. Lòng hiếu sinh và đạo trời lại rất hòa hợp với tâm lý phổ biến và nguyện vọng tha thiết của lòng người, đó là hạnh phúc, ấm no và thái bình. Nếu con người biết tuân theo lẽ trời, mệnh trời, thì có thể biến yếu thành mạnh, chuyển bại thành thắng. Và ngược lại, ông tin rằng, nếu con người không theo ý trời, thì có thể khiến yên thành nguy và tự rước họa vào thân.

Tư tưởng yêu nhân dân: Nguyễn Trãi đầy lòng thương dân, yêu dân và trọng dân. Ông khẳng định nhân dân là lực lượng sản xuất ra vật chất của xã hội và động lực quyết định sự suy vong của triều đại, đất nước. Ông được coi là nhân vật lịch sử có tư tưởng nhân dân cao quý nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Quan điểm sống: Nguyễn Trãi khuyên con người ta nên tu thân theo các tiêu chuẩn Nho giáo, sống trung dung, tuân theo tam cương ngũ thường, đặc biệt là đạo hiếu và đạo trung.

Sau khi giải oan án cho Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông trong bài “Quân minh thần lương” (君明臣良) của tập thơ “Quỳnh uyển cửu ca” đã khen ngợi ông: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (抑齋心上光奎藻). Nguyên văn bài thơ như sau:

Cao Đế anh hùng cái thế danh
Văn Hoàng trí dũng phú doanh thành
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi sự
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình

Tài liệu tham khảo: Wiki 1,  Wiki 2

Hương Thảo dịch thơ và biên soạn