Là giảng viên đại học uy tín của Đà Nẵng, tốt nghiệp tiến sĩ ngành vật lý tại Hàn Quốc, sở hữu một mái ấm gia đình hạnh phúc, dường như anh đã có tất cả những gì mà một con người bình thường phấn đấu và mong ước trong đời: sự nghiệp rạng danh và gia đình hạnh phúc…

Nhưng câu chuyện cuộc đời anh được kể lại một cách mộc mạc, giản dị và chân thành, cùng với nụ cười hiền hòa khiến chúng tôi thấm thía thêm nhiều điều khác nữa…

DKN: Xin chào Tiến sĩ, anh có thể chia sẻ với độc giả những ấn tượng của anh về đất nước Hàn Quốc và những trải nghiệm trong thời gian là nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc?

T.S Nguyễn Hữu Nhân: Ấn tượng đầu tiên của tôi là Hàn Quốc là quốc gia kết hợp rất tốt giữa phát triển hiện đại và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Người Hàn Quốc thực hành Nho giáo cho đến ngày nay, nên người dân nơi đây rất coi trọng đạo đức và lễ nghĩa. Chúng ta dễ dàng thấy cảnh người dân Hàn Quốc nghiêng người, cúi đầu rất thấp khi chào nhau thể hiện sự khiêm nhường và tôn trọng người đối diện. Người Hàn Quốc còn rất coi trọng nhân tài và người trí thức. Ở Hàn Quốc, các giáo sư rất được kính trọng và có địa vị rất cao trong xã hội.

Một trong những điều tôi ấn tượng nhất đối với người Hàn Quốc là thái độ làm việc nghiêm túc và tận tâm; biểu hiện đầu tiên nhất là người Hàn Quốc luôn đúng giờ. Có lẽ tôi là người cảm thụ rõ nhất về sự tận tâm trong công việc của người Hàn Quốc vì chính bản thân được chứng kiến và trực tiếp hưởng lợi từ điều đó. Còn nhớ những ngày tôi bị bệnh lao màng não năm 2015, khi đó Hàn Quốc đang bị dịch cúm MERS rất nghiêm trọng, nhiều trường học đã phải tạm thời đóng cửa, nhiều người bị cách ly vì nghi nhiễm bệnh, người dân cả nước rất hoang mang lo lắng. Điều nguy hiểm là các triệu chứng của bệnh lao màng não và bệnh MERS khá giống nhau, nếu lúc đó các bác sĩ Hàn Quốc không tận tâm, mà dưới áp lực của xã hội lại vội kết luận tôi mắc bệnh MERS thì có lẽ giờ đây tôi không thể ngồi đây để nói chuyện với các độc giả Đại Kỷ Nguyên rồi.

Có lẽ việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đã tạo nên sức mạnh tinh thần và đoàn kết trong người dân, giúp đất nước Hàn Quốc phát triển kinh tế một cách thần kỳ, trở thành một trong “bốn con rồng châu Á” (bao gồm Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) và ổn định cho đến ngày nay. Nên cũng nói các giá trị văn hóa truyền thống là có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trường ĐH Chonnam, Hàn Quốc, nơi Nhân đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ.

Nhìn những thành tích học tập đáng nể của anh, ai cũng ngưỡng mộ, anh có thể chia sẻ với độc giả Đại Kỷ Nguyên về những kỷ niệm và con đường học hành thời thơ ấu?

Từ nhỏ tôi đã đạt được rất nhiều điều mà mọi người gọi là “thành tích”. Từ cấp một tôi đã là một học sinh giỏi, được tuyển thẳng lên cấp hai; lên cấp hai tôi đạt nhiều thành tích hơn với các giải học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Điều này khiến tôi dễ dàng vào được trường chuyên THPT của tỉnh. Tôi tiếp tục đạt được nhiều thành tích trong những năm cấp ba ở trường chuyên, với các giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và giải năm của Tạp chí Vật lý & Tuổi trẻ. Nhờ đó tôi được tuyển thẳng vào đại học mà không phải thi. Ngày các bạn phải căng thẳng vất vả lặn lội đi thi đại học, thì tôi lại ung dung ở nhà, tất cả những điều này khiến bản thân tôi cùng gia đình rất tự hào. Tôi chọn học trường Đại học danh tiếng nhất miền Nam, sau khi học xong đại học tôi có học bổng đi du học thạc sĩ và tiến sĩ tại đất nước Hàn Quốc. Tôi hiện đã tốt nghiệp tiến sĩ và là giảng viên đại học ở Đà Nẵng và đang làm trao đổi hợp tác nghiên cứu sau tiến sĩ ở Hàn Quốc.

Tôi chia sẻ những điều này để muốn nói rằng nếu như bình thường thì với tất cả những “thành tích” này, tôi có thể đã rất hài lòng và tự hào về bản thân mình rồi. Nhưng còn có một điều còn khiến tôi tự hào hơn hết thảy những điều đó. Tôi sẽ đề cập ở phần sau.

Anh sở hữu nhiều thành tích học tập đáng nể, có lẽ anh may mắn sinh ra trong một gia đình rất có truyền thống học hành?

Gia đình tôi cũng là một gia đình bình thường như các gia đình khác thôi, nhưng có điều đặc biệt là có truyền thống hiếu học và yêu nghề “gõ đầu trẻ”: cả 5 cô ruột của tôi đều là giáo viên từ cấp 1 đến cấp 3. Cả gia đình vẫn giữ các giá trị đạo đức truyền thống như tôn sư trọng đạo, lễ phép, kính trên nhường dưới… Đó là điều quý giá trong xã hội hiện đại sống quá nhanh quá gấp bây giờ, nhiều khi người ta quên những giá trị truyền thống đó. Với tôi, đạo đức và lễ nghĩa là những điều căn bản, là cái gốc của sự thành công chứ không chỉ là học thức và tri thức.

Cơ bản từ nhỏ tôi khá ngoan hiền, chỉ biết ăn học thôi. (Cười)

Vợ chồng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhân cùng thầy hướng dẫn trong buổi nhận bằng tiến sĩ tại Hàn Quốc.

Anh có thể kể về bước ngoặt lớn trong đời anh đã khiến nhân sinh quan của anh thay đổi?

Bước ngoặt lớn nhất trong đời tôi là vào năm 2015, là những năm tôi còn đang học tiến sĩ tại Hàn Quốc, khi đó tôi bị bệnh lao màng não, đây là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao và nếu được cứu sống thì cũng thường để lại di chứng nặng. Tôi được nhập viện trong tình trạng mất ý thức, khi đó bác sĩ đã nói người nhà chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Sau khi mất ý thức 2 ngày, khi tỉnh dậy thì thấy mình trong bệnh viện với khắp người tôi được nối với 6-7 ống dẫn và dây điện từ các máy đo. Tôi xuất viện sau 11 ngày nằm viện và phải tiếp tục điều trị ở nhà, tôi cần tái khám mỗi 1-2 tháng và phải uống thuốc tây liên tục trong vòng 1 năm sau đó.

Sau khi xuất viện, tôi quan tâm đến việc đi tìm lời giải cho sức khỏe và tinh thần, vì thấy đời người sao mong manh quá và thật vô thường. Tôi tự lên mạng tìm hiểu, đầu tiên tôi tìm hiểu Yoga của Ấn Độ, sau khoảng 1 tháng thì thấy không phù hợp lắm vì quá nhiều bài tập nhưng lại không giúp được tôi nhiều. Sau đó tình cờ một người bạn nhắc đến 3 chữ Pháp Luân Công, tôi tò mò nên tự lên mạng tìm hiểu. Vì tính tôi thích đơn giản nên sau khi biết môn này chỉ có 5 bài luyện công nên tôi liền thử tập theo các video hướng dẫn. Ấn tượng đầu tiên của tôi là các bài tĩnh công giúp tôi đỡ đau đầu rất nhiều (lúc đó tôi mới xuất viện khoảng 1-2 tháng nên đầu tôi còn rất đau). Một tháng sau tôi bắt đầu đọc các sách của Pháp Luân Công, tôi bắt đầu với cuốn “Pháp Luân Công”, sau đó là cuốn “Chuyển Pháp Luân”, ấn tượng của tôi về Pháp môn này là rất rõ ràng và có hệ thống.

Do mới xuất viện nên lúc đó cơ thể tôi vẫn còn rất mệt và thường kèm theo đau đầu, ngoài ra trong 11 ngày nằm viện tôi bị lấy tủy nhiều lần để xét nghiệm nên đã ảnh hưởng tới cột sống, khiến tôi thường xuyên bị đau lưng. Nhưng đọc sách và luyện các bài công pháp giúp tôi rất nhiều, lưng tôi ít bị đau, đầu cũng đỡ đau rất nhiều. Tôi thấy sức khỏe mình cải thiện rất đáng kể, sau 3 tháng luyện công tôi đã dừng hẳn uống thuốc tây vì tôi biết điều tôi đang học còn tốt hơn thuốc tây nhiều lần. Sau 6 tháng khi tái khám bác sĩ nói cơ thể tôi hồi phục nhanh hơn bình thường, các vi khuẩn lao gần như biến mất, mặc dù tôi đã không dùng thuốc tây hơn 2 tháng. Sau 1 năm tôi tái khám lần cuối cùng, bác sĩ nói tất cả vi khuẩn lao đều không còn, mặc dù tôi chỉ uống thuốc 3-4 tháng đầu tiên. Nhìn lại quãng thời gian đó tôi thực sự biết ơn Pháp Luân Công rất nhiều, nếu không thì với 1 năm uống thuốc tây liên tục không biết sẽ ảnh hưởng đến cơ thể tôi như thế nào.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhân trong tư thế luyện công bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công.

Ngoài những giá trị về sức khỏe, anh còn tìm thấy những điều tâm đắc nào khác?

Càng học tôi càng sáng tỏ nhiều điều, hiểu được quan hệ giữa đức và nghiệp, vì sao mà con người nên làm điều tốt, tránh làm điều xấu. Càng học tôi càng tự hào và trân quý với những gì mình đã chọn học. Về sau tôi hiểu được điều tôi đang học là Phật Pháp chân chính, tôi càng tự hào hơn về những gì mình được học; tôi biết các học viên khác cũng sẽ có cùng cảm giác như tôi sau khi học Pháp Luân Công: tự hào và trân quý.

Sự việc tôi khó quên nhất là những ngày đầu về Đà Nẵng năm 2017, khi đó tôi còn ở phòng trọ ở tầng 2. Một ngày khi tôi mới về tới nhà ở tầng trệt để xe máy, thì một chị hàng xóm nhà kế bên ra mắng vì để nước trong bao rác ở tầng trên chảy xuống phòng chị ở tầng dưới. Rõ ràng bị oan, vì tôi mới đến nên chưa có nhiều rác. Nếu bình thường như lúc trước tôi sẽ có phản ứng thông thường như bao người là tức giận mà cãi lại, có thể sẽ dẫn chị lên phòng để xem rõ ràng hoặc ít nhất trong tâm sẽ rất khó chịu và nói lại những lời khó nghe. Nhưng lúc ấy tôi lập tức bình tĩnh và nhớ đến những lời dạy của Sư phụ và biết đây là một khảo nghiệm, phải oan uổng thì mới là khảo nghiệm! Tôi bình tĩnh nói “em mới đến chưa có rác chị à, chắc có lẽ là phòng bên cạnh, để tí em lên nói họ chú ý”. Lập tức chị thay đổi thái độ và nét mặt, có lẽ chị cũng không nghĩ tôi sẽ bình tĩnh như vậy, có lẽ chị đang chờ đợi một sự phản kháng hay cãi vã nào đấy. Mặc dù chỉ là một sự việc nhỏ nhưng đây là một lần tôi ý thức rõ ràng nhất về sự thăng hoa tâm tính nhờ tu luyện Pháp Luân Công, nếu là tôi trước đây thì sẽ không làm được như thế. Sau sự việc đó, chị rất quý vợ chồng tôi, khi vợ chồng tôi chuyển đi nơi khác chị tiếc mãi không thôi. Khi tặng hoa sen Chân-Thiện-Nhẫn cho chị chị rất vui, còn dặn dò vợ tôi môn này rất tốt sau này nhớ tập theo chồng đi.

Ở nơi công tác, tôi cũng luôn cố gắng tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để làm việc và đối đãi với đồng nghiệp, làm gì cũng nghĩ đến người khác trước. Một lần có anh đồng nghiệp nói: “Không bao giờ thấy Nhân nó tranh đấu gì, lúc nào cũng đứng trên phương diện của trường mà nghĩ, lúc nào cũng nghĩ cho trường, không bao giờ nghĩ cho bản thân”. Tôi biết có được trạng thái đó chính là nhờ tu luyện Pháp Luân Công và đây cũng là trạng thái chính thường phổ biến của những người học Pháp Luân Công. Tất nhiên, còn rất nhiều lần tôi đã không làm được tốt, chưa thật sự đạt tiêu chuẩn một người tu luyện, nhưng càng ngày tôi càng làm tốt hơn, càng ngày càng tiến bộ hơn.

Con người không ai không mắc sai sót, không ai không phạm phải sai lầm, khác biệt là ở chỗ người tu luyện luôn nhìn nhận lỗi lầm, sửa sai và làm tốt hơn trong tương lai, ngày càng đồng hóa với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Nhiều khi không nhận ra sự thay đổi của bản thân, nhưng sau mỗi một năm quay đầu nhìn lại thì thấy sự khác biệt thật to lớn. Nhiều người mới gặp cứ nghĩ bản thân tôi vốn đã như vậy, nhưng thực ra không phải, trước đây tôi rất ích kỷ, nhưng từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tôi biết quan tâm người khác nhiều hơn, cố gắng luôn nghĩ cho người khác trước, nghĩ cho cơ quan (trường) trước.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhân (phải) cùng bạn học viên trước cửa Nhà sách Thiên Thê-Seoul, Hàn Quốc.

Xin anh cho biết cảm nhận của anh về môi trường tu luyện Pháp Luân Công tại Hàn Quốc? Cảm nhận của anh về các học viên Hàn Quốc mà anh biết?

Hàn Quốc là một nước dân chủ với tự do tôn giáo tín ngưỡng, người dân sống hài hòa và tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Chính quyền luôn ủng hộ tự do tín ngưỡng của Pháp Luân Công, đây là một điều may mắn mà những học viên ở Hàn Quốc được hưởng.

Các học viên Pháp Luân Công ở Hàn Quốc đều rất thiện lương, phần lớn họ đều lớn tuổi nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh khi có cơ hội. Hình ảnh tôi nhớ nhất là những ngày Pháp hội vào tháng 10 năm 2018 ở Seoul, các cô chú học viên Hàn Quốc nhìn rất hiền hậu và chất phác, luôn sẵn sàng phụ giúp người dân đẩy các xe hàng khi lên dốc. Còn các học viên tôi biết trong khu vực rất nhẫn nại, khi học Pháp chung họ luôn vui vẻ chờ mình đọc Pháp bằng tiếng Việt, và luôn kiên nhẫn giải thích vấn đề cho tôi vì tiếng Hàn của tôi không được tốt.

Nhờ sự thiện lương này của các học viên Hàn Quốc mà Pháp Luân Công luôn được người dân nơi đây chào đón và ủng hộ.

Tôi rất nể phục các học viên Pháp Luân Công Hàn Quốc, ngoài việc vẫn ra công viên giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công cho người dân du lịch đến từ Trung Quốc Đại lục, các học viên Hàn Quốc rất nghiêm túc khi phối hợp, sức mạnh chỉnh thể của họ rất lớn, nên các học viên Hàn Quốc làm được rất nhiều việc lớn như tổ chức Pháp hội châu Á, các đợt diễu hành lớn.

Một buổi luyện công chung của các học viên Pháp Luân Công tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: minghui.org)

Có thông tin cho rằng học viên Pháp Luân Công đã tu luyện là bỏ mặc không quan tâm gì đến gia đình, không thờ cúng tổ tiên nữa… anh nhận định ra sao về những thông tin này?

Tôi ở xa gia đình nên người cảm nhận sự rõ thay đổi của tôi sau khi tu luyện chính là vợ tôi. Trong một quãng thời gian tôi chưa biết cách cân bằng quan hệ gia đình, nên sau khi sinh em bé thì nhiều vấn đề phát sinh do vậy 2 vợ chồng nảy sinh khá nhiều mâu thuẫn. Sau đó tôi có xem video của một học viên Pháp Luân Công chia sẻ những xung đột gia đình tương tự, ông cũng có nhiều mâu thuẫn với vợ. Một lần sau khi mâu thuẫn xảy ra, ông đến gặp Sư phụ Lý Hồng Chí để “giãi bày tâm sự”. Sau khi ông đem sự tình kể với Sư phụ, Sư phụ mỉm cười nói ông “sau khi về đến nhà nhớ là phải đối xử thật tốt với vợ…”.

Nghe xong tôi cảm thấy những lời nói đó dường như dành cho mình, và mình cần phải đối xử tốt với vợ hơn nữa. Vậy đâu có chuyện là tu luyện Pháp Luân Công là bỏ mặc gia đình đâu? Sư phụ Lý Hồng Chí luôn dạy các học viên phải luôn nghĩ cho người khác trước, đối xử với tất cả mọi người với chữ Thiện.

Sau đó tôi dần dần biết nghĩ đến cảm xúc của vợ nhiều hơn, giúp đỡ vợ nhiều hơn, nhiều công việc nhỏ thôi nhưng 2 vợ chồng cùng làm nên cũng vui vẻ hơn. Trước kia tôi cứ nghĩ sao vợ mình không quan tâm mình như thế này, sao không phục vụ mình thế kia. Nhưng tu luyện Đại Pháp khiến tôi học được kim chỉ nam “luôn nghĩ đến người khác trước”. Vậy là từ khi biết nghĩ cho vợ nhiều hơn thì vợ cũng đối lại với tôi tốt hơn, từ đó 2 vợ chồng sống hài hòa hơn, nên hầu như không còn mâu thuẫn gì nữa. Từ đó tôi hiểu được thế nào là “tu nội mà an ngoại”, bản thân chỉ cần thay đổi chính mình, tự tìm cái sai ở bản thân mà sửa, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn mà không cần cưỡng ép người khác thay đổi.

Sau khi biết Đại Pháp là tốt, Sư phụ của Đại Pháp dạy người ta làm người tốt, giờ đây vợ tôi cũng bắt đầu tìm hiểu Pháp Luân Công. Hai vợ chồng tôi thường xuyên cùng nhau nghe Pháp, con gái tôi cũng rất thích học thơ của Sư phụ và xem ảnh Thần Phật trong sách. Nhờ phúc của Đại Pháp, bây giờ gia đình tôi rất vui vẻ và hòa thuận, tôi thực sự rất biết ơn Đại Pháp.

Đối với việc thờ cúng tổ tiên, Pháp Luân Công không bao giờ cấm thờ cúng tổ tiên, đó chỉ là những tuyên truyền ác ý.

Dưới góc độ của một nhà khoa học, anh có thể chia sẻ cảm nhận về nội dung trong sách Chuyển Pháp Luân?

Bản thân là một nhà khoa học, từ nhỏ học chuyên về vật lý nên khi nhìn nhận sự việc tôi luôn đòi hỏi sự logic mới chịu, không dễ tin theo những lý luận không thuyết phục. Bản thân cũng khá cố chấp không tin vào các hiện tượng huyền bí, cho rằng đều là bịa đặt giả mạo hoặc dùng kỹ xảo.

Nhưng sau đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi bị lôi cuốn và thuyết phục bởi những giải thích rõ ràng những vấn đề thâm sâu trong tu luyện bằng kiến thức khoa học hiện đại. Chấn động đầu tiên sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân là hiểu được về “đức” cũng là vật chất. Cũng như tiền bạc ở thế gian, đức có thể tích được bằng cách làm việc tốt hay chịu khổ, và cũng có thể tiêu dùng đi đổi lại bằng các loại phúc phận. Như vậy, những sướng khổ trong đời đều do lượng đức nhiều ít của bản thân mà đổi lấy, cũng giống như mua bán trao đổi hàng hóa ở thế gian vậy, là một điều hết sức rõ ràng chứ không phải chung chung mơ hồ như trước đây.

Tôi cũng rất ấn tượng với những giải thích rất khoa học trong cuốn Chuyển Pháp Luân về không gian khác, con mắt thứ ba, cảm quan của thực vật v.v. bằng những bằng chứng khoa học hiện đại. Cuối cùng, tôi hiểu được Pháp Luân Đại Pháp chính là Phật Pháp, là khoa học thực sự, có thể giải thích được sự tồn tại của vạn sự vạn vật trong vũ trụ này. Được học môn khoa học cao như vậy, đối với một người làm khoa học chẳng phải là điều may mắn nhất sao?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhân đang đọc sách Chuyển Pháp Luân-cuốn sách chính của Pháp Luân Công.

Anh nhận định như thế nào về những thông tin trái chiều về Pháp Luân Công?

Tôi biết được một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người ngại ngùng tiếp xúc với Pháp Luân Công là những thông tin trái chiều về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Bản thân tôi lúc đó lần đầu tiên nghe đến và tiếp xúc với Pháp Luân Công nên cũng không biết nhiều về cuộc đàn áp này, tôi chỉ học các nguyên lý trong sách và chỉ thấy rất tốt.

Lúc đó tôi rất ngây ngô nghĩ rằng, có vẻ đây chỉ là một trò đùa hay hiểu lầm gì đó, chỉ cần cho họ xem sách là xong rồi, trong sách Pháp Luân Công chỉ dạy người ta làm người tốt thôi mà, lại bị đàn áp là sao?! Sau này tôi mới hiểu rõ đạo lý tương sinh tương khắc, một khi cái Thiện xuất lai cái ác sẽ ra sức cản trở, càng Thiện bao nhiêu thì cái ác lớn bấy nhiêu sẽ cản trở. Vì Pháp Luân Công là tốt nhất nên cuộc đàn áp này cũng độc ác nhất, phi lý nhất từ cổ chí kim.

Tôi thấy nể phục nhất ở sự thiện lương và ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công. Trong khi bị bức hại khốc liệt như vậy ở Trung Quốc nhưng cách hành xử của các học viên Pháp Luân Công lại rất ôn hòa, dùng tất cả các biện pháp thiện lương để phản đối cuộc bức hại như: thỉnh nguyện hoặc gửi thư tới những người cầm quyền của Trung Quốc, diễu hành, thu thập chữ ký, sản xuất các chương trình truyền hình, báo điện tử… Biểu hiện Thiện của các học viên Pháp Luân Công trong ma nạn này khiến cho tôi thấy môn này chính càng thêm chính, khiến tôi càng thêm tin tưởng về chọn lựa của mình. Đặc biệt sau này tôi rất xúc động khi biết được các học viên ở Trung Quốc phải mạo hiểm mạng sống của mình để đi nói sự thật cho từng người dân, kể cả cảnh sát, chỉ mong họ hiểu được sự thật, không bị ĐCSTQ lừa dối mà phạm tội phỉ báng Phật Pháp, chỉ mong họ có một tương lai tốt đẹp.

Trong quá trình tu luyện anh có từng gặp khó khăn gì không?

Tôi có những khó khăn ban đầu trong việc nói sự thật về Pháp Luân Công cho người thân. Thực ra trước đây tôi cũng hay gặp nhiều trở ngại tâm lý khi nói chuyện với người khác về Pháp Luân Công. Nhưng sau một thời gian tu luyện ở Việt nam, tôi thay đổi dần dần, giờ đây tôi khá thoải mái khi nói với người khác về chủ đề Pháp Luân Công. Bây giờ mỗi khi tiếp xúc người khác tôi đều sẽ tặng họ hoa sen may mắn Chân-Thiện-Nhẫn và nói cho họ về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp, môn tập này được chào đón trên khắp thế giới nhưng lại bị đàn áp ở Trung Quốc như thế nào, cũng như nạn mổ cướp nội tạng sống phi nhân tính do ĐCSTQ thực hiện.

Ngày 20/7/2019 ở Seoul, Hàn Quốc: Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhân tham gia cuộc diễu hành tưởng niệm 20 năm ngày Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại ở Trung Quốc.

Vì sao các học viên Pháp Luân Công cần phải nói sự thật như vậy?

Theo tôi, đó là bởi vì tôi hiểu cuộc bức hại này không chỉ đơn thuần là vấn đề nhân quyền và tín ngưỡng nữa, mà là cuộc chiến thật sự giữa cái Thiện và cái ác; còn là một phép thử lương tri của mỗi cá nhân trên toàn thế giới: chúng ta bảo vệ giá trị Chân-Thiện-Nhẫn, hay chọn thái độ im lặng đều thể hiện sự chọn lựa tương lai của mỗi cá nhân chúng ta, vì chẳng phải tương lai sẽ được định đoạt bởi những quyết định của hôm nay hay sao? Do vậy tôi nghĩ mỗi người đừng im lặng trước cái ác, càng không nên để những lời lừa dối kia gây hiểu lầm, làm lỡ mất cơ duyên vạn cổ này của mọi người. Hãy tự mình tìm hiểu, tự mình trải nghiệm trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào.

Hiện tại tôi đang ở Hàn Quốc để làm nghiên cứu sau tiến sĩ, mọi trao đổi mọi người có thể gửi email cho tôi về địa chỉ: [email protected].

Xin chân thành cảm ơn anh đã dành chút thời gian quý báu để chia sẻ cùng độc giả của Đại Kỷ Nguyên!

Bài viết:
Hàn Mai

Ảnh:
Nhân vật cung cấp

Thiết kế:
Bình Bình

Bài viết: Hàn Mai
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiết kế: Bình Bình