DKN.TV

Đi xin chữ đầu năm, bạn có biết mực Tàu, giấy bản được tạo ra như thế nào?

Nhìn đơn giản nhưng quy trình tạo ra những thỏi mực Tàu và giấy bản để viết thư pháp đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và sự kì công của người nghệ nhân.

Mực tàu và giấy bản là những công cụ giúp các thi sĩ, nhà thư họa tạo lên các tuyệt tác thư pháp mỗi dịp Tết đến, xuân về, và quy trình tạo ra chúng không khỏi khiến người ta phải thán phục trước sức sáng tạo của cổ nhân xưa.

Mực Tàu

Nguyên liệu sản xuất mực không quá phức tạp nhưng các công đoạn tạo ra một thỏi mực đẹp, chất lượng cao đòi hỏi sự cẩn thận của người thợ.

Thợ thủ công sẽ chọn những loại gỗ đặc biệt có nhiều nhựa, sau đó đốt nhựa thu về muội than đen. Nguyên liệu thứ hai là keo được lấy từ da và xương động vật. Người ta cũng thường sản xuất mực trong mùa Đông vì thời tiết lạnh, dễ làm thỏi mực cứng lại.

Mực tàu mài với chút nước trong nghiên mực (Ảnh: Thuphapviet)

Quá trình sản xuất mực được bắt đầu từ 3 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều. Các cộng đoạn nhào bột, định hình các thỏi mực chỉ được làm trong khoảng thời gian này vì lý do nhiệt độ ổn định, khô ráo và có độ ẩm thấp.

Công việc đầu tiên để tạo thỏi mực mới là nung chảy keo, trộn với bột. Bột sau khi trộn với keo dạng chất lỏng sẽ trở nên dẻo như đất sét và được nhào nặn thủ công. Sau khi nhào bột đến độ thích hợp, thợ làm mực sẽ dùng khuôn để định hình các thỏi mực trong khoảng 40 phút. Sau khi được ép trong khuôn, thỏi mực hình thành sẽ nặng trung bình khoảng 38g.

Sản phẩm sau đó được gỡ khỏi khuôn và cho vào hộp gỗ. Trong công đoạn làm khô mực, thợ thủ công lấy tro mịn cho vào một giá gỗ, sau đó phủ lớp giấy mỏng lên trên lớp tro mịn được san phẳng.

Các thỏi mực sẽ được xếp lần lượt trên lớp giấy. Sau khi trải qua nhiều ngày sấy khô với phương pháp trên, các thỏi mực được nối với nhau bằng rơm và lại được phơi trong các căn buồng khô ráo trước khi được đóng hộp và đưa ra thị trường.

Giấy bản

Giấy bản hay giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt…), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

Giấy dó (Ảnh: thehluk)

Với lịch sử gần 2000 năm, quy trình để tạo ra được những tờ giấy bản mỏng, đẹp, bền cần trải qua những công đoạn như sau:

Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó. Cây dó giấy cao chừng 5-10m, một gốc thường có nhiều thân nhỏ, vỏ cây màu nâu nhạt hay xám, nhẵn, có nhiều sợi rất dai. Cây Dó giấy thường mọc nhiều ở vùng Trung Du và miền núi độ cao chừng 50-600m, như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Hà Tây, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Vào mua thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, người làm giấy bắt đầu đi bóc vỏ cây để mang về làm giấy.

Vỏ cây sau khi thu hoạch được lột lớp vỏ đen, lấy lượt vỏ trắng xé nhỏ, ngâm nước vôi để tẩy từ 1-2 ngày. Sau đó vớt ra, bó thành từng mớ, ngâm tiêp vào nước vôi tôi. Đủ độ, vỏ Dó sẽ được chuyên sang thùng nấu, sau lại dỡ ra ngâm nước cho hết vôi, nhặt bỏ các mấu cây nhỏ còn sót lại. Dó được đem đi rửa tiếp, cho vào bể ngâm 15-20 ngày, rồi vớt ra, cho vào cối giã nhuyễn từ 3-5 tiếng, đem đãi lấy nước trong. Bã Dó sẽ được nắm chặt, rửa sạch thêm một lần nữa.

Vỏ cây dó (Ảnh: thepach)

Ngoài cây Dó, để làm nên được tờ giấy, các nghệ nhân còn phải có thêm vỏ cây Mò. Cây này cho một chất nhớt cần thiết để khi seo giấy, các tờ giấy khộng dính vào nhau. Đồng thời, nó cũng có tác dụng giúp giữ nguyên màu sắc của mực khi viết trên giấy.

Bã Dó được hòa vào một bồn nước (còn gọi là tàu) có pha nhựa cây mò. Hỗn hợp này gọi là “huyền phù” mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy.

Công đoạn tiếp theo là seo giấy. Người thợ dùng “liềm seo” tức khuôn mành trúc hoặc nứa ken dày, chao đi chao lại trong bể bã Dó. Bã giấy được múc vào liềm ở trong khuôn rồi dùng tay rung đều khi đủ độ dầy của tờ giấy mới thôi. Seo giấy là khâu quan trọng của nghề làm giấy. Nó thể hiện sự khéo léo và quyết định chất lượng của sản phẩm giấy.

Tranh vẽ mô tả các công đoạn làm giấy thời xưa (Ảnh: Tinhhoa)

Các tờ giấy thành phẩm sau khi seo, được xếp thành chồng dày, nén kiệt nước, rồi phơi khô. Công đoạn này người ta gọi là biểu giấy. Giấy có thể biểu lên tường, lên các mặt phẳng để khô tự nhiên, nhưng cũng có thể dùng công nghệ sấy lò. Sau khi giấy được làm khô, khi đó người ta lại tiếp tục bóc, đóng thành tập.

Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy, ẩm nát. Khi seo nó tạo ra cấu trúc dạng sợi liên kết với nhau tự nhiên kiểu mạng nhện, nhiều lớp, đa chiều. Chính đặc điểm này khiến giấy được sản xuất từ vỏ cây Dó có tuổi thọ đến 500 năm, nên người xưa, không chỉ dùng in kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, mà còn in tranh dân gian. Đặc biệt hơn cả, là chất liệu này còn dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Một bức thư họa trên mực Tàu giấy bản có từ đời nhà Đường (Ảnh: Pinterest)

Tuy đã có mực hay giấy đẹp nhưng điều quan trọng nhất là người cầm bút nhất định cần có khí lực mạnh mẽ, nội tâm an hòa và một tinh thần an vui, mẫn tiệp mới có thể cho ra đời các bức thư họa hoàn mỹ nhất.

Hoài Anh

Exit mobile version