DKN.TV

Vô sinh, hiếm muộn: Chọn y học hiện đại hay y học cổ truyền?

Lấy vợ, lấy chồng, sinh con dường như không còn được “tự nhiên” như xưa nữa, khi mà có đến 8-10% cặp vợ chồng ở Việt Nam có thể bị vô sinh. Các lý do có thể là: Môi trường sinh sống ô nhiễm, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, stress kinh niên, lạm dụng thuốc tránh thai, phá thai, quan hệ tình dục quá sớm, và còn rất nhiều yếu tố khác nữa…

Hiếm muộn, vô sinh là một chứng bệnh có mức ám ảnh, gây thương tổn về mặt tâm lý bậc nhất đối với không chỉ bệnh nhân mà với cả gia đình, những người thân quen gần gũi nhất trong gia đình. Đây bị coi là nỗi bất hạnh nhất của đời người. Khi một cặp vợ chồng cưới nhau 2-3 năm chưa có con thì các lo lắng bắt đầu đè nặng và ngày càng lớn dần theo thời gian.

Thông tin về việc có một số thầy thuốc Nam chữa được vô sinh, hiếm muộn thực hư ra sao? Cơ sở đánh giá và mức độ tin cậy trong việc chữa trị căn bệnh này thế nào?

Nguyên nhân thực trạng khả năng chữa trị căn bệnh này thế nào?

Ngày nay, y học hiện đại (YHHĐ) đã cố gắng rất nhiều, có nhiều phương pháp mới đễ điều trị chứng vô sinh như: Thụ tinh trong ống nghiệm, cấy trứng… Nhưng kể cả các giải pháp tiên tiến như vậy, với chi phí rất đắt đỏ không phải ai cũng thực hiện được thì xác xuất thành công cũng chỉ đạt trên dưới 50%. Để tìm hiểu, đi sâu vào mục tiêu chữa trị căn bệnh “khó nhằn” này cần phải bắt đầu lại từ đầu. Từ các lý giải theo phương pháp biện chứng luận trị mà Đông y đã đề cập hàng ngàn năm nay.

Điều cần biết đầu tiên là độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ là từ 22-33 tuổi. Qua 33 tuổi thì các chức năng liên quan sức khỏe sinh sản giảm dần. Qua tuổi 37 trở đi thì vấn đề sinh sản trở thành yếu tố có khả năng nguy hiểm cho người mẹ và cả thai nhi tùy theo thể trạng của người mẹ. Tuy trên thực tế vẫn có một số trường hợp phụ nữ qua tuổi 50 vẫn sinh con. Nhưng nên nhớ rằng đó là trường hợp có độ an toàn là rất hiếm gặp.

Khi một cặp vợ chồng cưới nhau, người phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, nếu người bạn đời của họ có chức năng sinh sản bình thường, cùng muốn có con nhưng sau 2 năm chung sống và không dùng bất cứ một biện pháp tránh thai nào vẫn chưa mang thai thì đã có dấu hiệu hiếm muộn (vô sinh nguyên phát). Sau 3-5 năm thì được xem là vô sinh thứ phát (bệnh). Nhìn chung, nguyên nhân vô sinh chiếm đa số là ở nữ giới với khoảng 85% ca hiếm muộn, vô sinh.

Các nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn, vô sinh

1 – Nguyên nhân do cấu tạo các bộ phận sinh sản của phụ nữ bị dị tật, dị dạng

Ở một số phụ nữ, bộ phận sinh dục bị dị tật, dị dạng bẩm sinh hoặc do ảnh hưởng bởi các khối u, viêm loét lâu ngày khiến trong quá trình giao hợp tinh trùng không tiến vào tử cung để gặp trứng được. Với nguyên nhân này, nếu nhẹ thì giải pháp độn gối dưới mông hay các tư thế giao hợp mà âm hộ ở vị trí cao hơn phần thân là một cải thiện hữu ích. Trường hợp nặng thì buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật.

2 – Môi trường tử cung không phù hợp

Ở một số phụ nữ có cơ chế dị ứng đặc biệt, hệ thống tự vệ tự nhiên xem tinh trùng như một tác nhân lạ nên tự cô lập hoặc chống lại sự xâm nhập của tinh trùng, không cho tinh trùng tiếp cận với trứng để thụ thai. Ở một số trường hợp thuộc nhóm này thì trong tử cung của phụ nữ lại có một lượng hỗn hợp các enzyme làm gia tăng độ pH khiến tinh trùng bị chết khi đi vào tử cung cũng khiến việc thụ thai không thể thực hiện được.

3 – Tâm lý và tính khắc kỵ giữa vợ và chồng

Các nghiên cứu của YHHĐ đã chứng minh rằng: Khi người phụ nữ trong trạng thái bị stress nặng, không có cảm giác về tình dục (lãnh cảm) thì khả năng thụ thai bị ảnh hưởng rất lớn.

Các nghiên cứu, phát hiện qua kinh nghiệm chữa trị và thống kê của y học cổ truyền (YHCT) chỉ ra rằng: Do đặc tính cơ địa, ở một số trường hợp các cặp vợ chồng có cơ địa khắc kỵ lẫn nhau, sinh ra chứng bệnh lãnh tinh cũng là một nguyên nhân lớn gây ra hiếm muộn vô sinh. Các cặp vợ chồng này khi chia tay, quan hệ với người khác thì hoàn toàn bình thường, thậm chí sức khỏe sinh sản rất tốt.

4 – Nguyên nhân do các bệnh khác

Các bệnh u xơ tử cung, viêm tử cung, gan, thận… có thể gây ra những biến chứng làm phát sinh ra căn bệnh hiếm muộn, vô sinh.

Trong môi trường đời sống công nghiệp hóa ngày càng cao hiện nay. Một bộ phận lớn các cặp vợ chồng trẻ đặt mục tiêu sự nghiệp lên trước. Thường có kế hoạch sinh con muộn hơn, nhều chị em xây dựng gia đình muộn và có kế hoạch sinh con sau tuổi 30. Trước đó, lại có một thời gian dài có quan hệ tình dục và áp dụng các biện pháp tránh thai bằng thuốc điều chỉnh hoocmon. Đa số trong đó lại dùng thuốc không đúng cách hoặc hoàn toàn không tuân thủ các nguyên tắc sử dụng của thuốc, dẫn đến hiện tượng “quen” hoặc bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ do thuốc gây ra. Làm mất đi sự cân bằng khí huyết, âm dương trong cơ thể… Cũng là nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn, vô sinh.

Biến chứng do nạo phá thai nhiều lần ở nhóm nguyên nhân này là yếu tố có tỷ lệ vô sinh cao nhất thường gặp.

5 – Nguyên nhân từ người đàn ông

Hiếm muộn, vô sinh xuất phát từ người nam tuy chiếm chỉ khoảng 15% các ca hiếm muộn, vô sinh nhưng hầu hết do nguyên nhân khả năng sinh lý yêu và tỷ lệ tinh trùng quá thấp (dân gian thường gọi là có nước không có cái). Đây là nhóm nguyên nhân bệnh khó chữa nhất đối với căn bệnh này. Sử dụng thuốc YHCT cổ tác dụng tốt nhưng đòi hỏi sự kiên trì và điều trị trong thời gian dài mới có kết quả.

Điều trị vô sinh, hiếm muộn như thế nào?

Thực tế chữa trị cho thấy: Ngoài các nguyên nhân bất khả kháng như dị tật phần phụ (tử cung dị thường, nhi dạng, u xơ tử cung lớn…), viêm xơ ống dẫn trứng do lao, do nạo phá thai nhiều lần .v.v. Việc chữa vô sinh, hiếm muộn bằng thuốc YHCT cho kết quả tốt, tỷ lệ thành công cao đối với các nguyên nhân hiếm muộn,vô sinh khác đã nói ở trên. Bởi thực chất các nguyên nhân khác tựu trung là các lý do gây nên sự rối loạn sinh lý, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mất cân bằng âm dương trong cơ thể bệnh nhân mà ra.

Xác định chính xác bệnh nhân bị vô sinh vì lý do nào: Do thận dương hư; Tỳ dương hư; Đàm trệ; Thận âm hư, can khí sơ tiết bất điều; Khí huyết lưỡng hư cùng huyết ứ … sẽ định phương điều trị một cách hiệu quả.

Người bị thận dương hư, tỳ khí hư kèm theo đàm trệ biểu hiện hiện có thể nhận biết: Hiếm muộn, kinh nguyệt chậm kỳ, huyết kinh ít, huyết kinh có màu nhạt, loãng có lẫn huyết khối sẫm màu. Bạch đới khí hư, loãng, nước tiểu trong. Sắc da xanh nhợt, nặng thì vàng nhạt; hay đau mỏi lưng, đau bụng dưới; thường sợ lạnh, chân tay lạnh, nặng thì lưng lạnh, ăn kém, mệt mỏi, ngủ nhiều, nếu có đàm trệ thì người bệnh cảm thấy nặng đầu, mình; đại tiện phân nát. Chất lưỡi nhợt, có vết hằn răng quanh lưỡi; mạch trầm trì, nhu, tế hoặc đới hoạt.

Nguyên nhân do bẩm sinh hoặc do sống trong môi trường lạnh ẩm, ăn nhiều các thức sống lạnh, dung nạp các loại chất bất lợi (ví dụ sử dụng thuốc ngừa thai lâu ngày) làm ức chế sự phát triển của thận khí. Sinh ra chứng thận dương hư, dẫn đến tử cung bị lạnh, không thụ thai được.

Theo Ts Lê Lương Đống (Bệnh viện YHCT Hà nội): Có thể điều trị bằng các loại thuốc có tác dụng ôn bổ thận, tỳ, hóa đàm, làm ấm tử cung giúp cho việc thụ thai dễ dàng hơn như sau: Ðẳng sâm, đỗ trọng, tục đoạn, phục linh, bạch truật, trần bì, hương phụ, hoàng kỳ, đương quy, bạch thược, a giao, ngải diệp, ngô thù du, tiều hồi, quế chi… các bài thuốc thường dùng như thận khí hoàn, kim quỹ thận khí, khai uất nhị trần thang… Và tất nhiên để có được sự hướng dẫn cụ thể cách điều trị, dùng thuốc cho hợp lý nên tìm đến các thầy thuốc chuyên nghiệp.

Người bị thận âm hư thường có các triệu chứng như: vô sinh, kinh chậm kỳ, sắc kinh đỏ, lượng ít. Người gầy khô, buổi chiều thường hâm hấp khó chịu, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, vú teo nhẽo, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, vàng, mạch tế sác. Muốn thụ thai được, cần phải bổ can thận để dưỡng tinh huyết. Bài thuốc thường dùng là bát vị quy thược…

Những người bị can khí uất kết, can hỏa vượng: ngoài rối loạn kinh nguyệt như trên, còn thường tỏ ra bực dọc khó chịu, dễ cáu gắt, miệng đắng, mắt hoa, ngực sườn tức, mạch huyền. Phương pháp điều trị là: dưỡng huyết hòa can. Thời kỳ đầu thường dùng bài tiêu dao tán gia vị. Khi can được giải uất, can khí sơ tiết điều đạt thì chuyển sang củng cố bằng bài tứ vật thang, quy tỳ thang…

Ở những người quá béo, đàm thấp trệ, không thể có thai, mặc dù đã kiểm tra tử cung, vòi trứng tốt, cần điều trị bằng bài khai uất nhị trần thang để đàm thấp được giải trừ mới có thể thụ thai được. Bệnh vô sinh cũng thường xảy ra ở người khí huyết hư kiêm huyết ứ. Triệu chứng của bệnh này là: kinh nguyệt chậm kỳ, đau bụng trước khi thấy kinh, lượng kinh ít, sắc sẫm, kém tươi, người gầy yếu, mệt mỏi, sắc mặt xanh, ăn ngủ kém. Ðiều trị cần bổ dưỡng khí huyết tùy theo tình trạng cụ thể.

Ngoài các dạng bệnh lý, để chuẩn bị điều kiện cho việc thụ thai tốt và cho ra đời những đứa con khỏe mạnh, người mẹ tương lai nhất thiết phải được điều hòa kinh nguyệt tốt. Trước kỳ kinh cần dưỡng huyết, ôn dương, hòa can và tăng cường lưu thông huyết, tránh huyết ứ, trong kỳ kinh, cần điều hòa khí huyết, dưỡng âm và hoạt huyết khứ ứ; giữa kỳ kinh, trong giai đoạn rụng trứng, cần bổ âm và ôn thận dương để thúc đẩy sự rụng trứng.

Ngày nay, khoa học phát triển, có thể giúp đỡ thụ thai trong ống nghiệm. Tuy nhiên, đó là yếu tố hỗ trợ bên ngoài, do vậy không ít trường hợp không thành công. Theo chúng tôi, để đảm bảo tỷ lệ thành công cao, người phụ nữ cần được chuẩn bị yếu tố bên trong đầy đủ. Việc chuẩn bị này là một trong những lợi thế mà y học cổ truyền có thể mang lại.

Như vậy, bạn có thể nhờ đến can thiệp của y học hiện đại, y học cổ truyền nhưng có lẽ vấn đề chỉ được giải quyết triệt để nhất khi những nguyên nhân nêu trên phải được xử lý tối đa. Xây dựng một lối sống gần gũi tự nhiên và truyền thống sẽ giúp bạn giải tỏa được rất nhiều vấn đề sức khỏe, điều mà xã hội hiện đại ngày nay sẽ không bao giờ làm được.

Theo thuocyhocdantoc.com

Xem thêm:

Exit mobile version