Sài Gòn như một điểm dừng không thể đi thêm được nữa của người lao động nghèo. Mặc cho đất chật người đông, chi phí đắt đỏ, bất kì người lao động nào đi tìm đất hứa đều nghĩ đến Sài Gòn: làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm, bán me xoài cóc ổi, bán trái cây dạo…. Ngay cả với những người chẳng có gì ngoài thẻ căn cước thì cũng có thể dùng tấm thẻ ấy cầm cho đại lý vé số để mang vé số đi bán mỗi ngày.
Những phận người bị bỏ quên
Những người bán vé số ở Sài Gòn số đa phần đã ngoài 70, 80, cụ già nhất khoảng hơn 90 tuổi, còn trẻ thì cũng ngót nghét 60. Nếu nhìn những ngón chân của các cụ – những bàn chân của người nông dân gần hết cả đời lội trong bùn ruộng, giờ lại lang thang khắp các đường hẻm Sài Gòn để mưu sinh, hẳn ai cũng không khỏi xót xa: Lòng bàn chân bẹt, các ngón tõe rộng và cong queo, móng chân không bị quặp thì cũng bị thối hỏng gần hết. Có lẽ đấy là kết quả của việc suốt nhiều năm đi bộ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày trong đôi dép nhựa cứng, để bán hết khoảng 100-300 tờ vé số.
Nhìn chung, việc bán vé số trên đất Sài Gòn thời kinh tế khó khăn chật vật lắm, cạnh tranh khốc liệt, mà trong cuộc cạnh tranh này, người nghèo bao giờ cũng thua thiệt nhiều thứ. Dù vậy, vẫn chẳng thể chối bỏ một thực tế là công việc này đã giúp rất nhiều người già sống qua những năm cuối đời một cách tự chủ và đủ đầy hơn. Bởi, nếu về quê, cái nghèo sẽ chào đón trong vòng vài ngày, sau đó cái đói ghé đến, thậm chí chết cũng không có tiền mà mua quan tài.
Vậy nên, dù đã ở tuổi đời thuộc vào dạng “cổ lai hy”, những người bán vé số vẫn chấp nhận bước ra đường trong cái nắng bể đầu ở Sài Gòn, chào mời từng tấm vé số. Họ đâu có nơi mà nương tựa, rồi nếu nghỉ bán cũng chẳng có gì để ăn, không có chỗ mà ở.
Thực ra, một số cụ vẫn có con cái còn điều kiện chăm sóc, chỉ đi bán vé số để phụ giúp các con và cảm giác mình còn có ích, nhưng đa phần đều không may mắn được như vậy. Lao động đối với các cụ không còn là niềm vui hay vận động để tăng cường sức khỏe và sự minh mẫn, nó là gánh nặng bi đát mà họ không thể đặt xuống, trừ khi cạn kiệt sức lực.
Chỉ biết dựa vào nhau trong quán trọ trần gian
Khi quê hương không còn là chùm khế ngọt, và những đứa con đã không còn là chỗ dựa khi về già, các cụ trong “hội vé số” đành tìm đến nhau, dựa vào nhau để cùng đi qua những năm tháng cuối đời. Mặc dù chỉ là mấy vách tường dựng lên tạm bợ, mấy căn phòng ọp ẹp sống qua ngày đoạn tháng, nhưng nơi đây đã cưu mang biết bao cụ già bất hạnh.
Cùng dìu dắt nhau qua từng “hang cùng ngõ cụt” Sài Gòn bán vé số, chia nhau hộp cơm khô, bát canh nguội, xẻ đôi tấm bạt nhường chỗ ngủ… Họ, những cụ già bán vé số ở Sài Gòn đã đùm bọc nhau như thế ngót cũng được 10 năm có lẻ.
Ban ngày, các cụ tản ra mỗi người một ngõ, đêm về thì tụm năm tụm bảy ở góc đường, rỉ rả tận khuya, người này chờ người kia, đủ chị em rồi mới trở về “nhà”. Cứ như vậy, họ gạt hết những chuyện buồn đau, những đồng may bán đắt hay đôi chân đi đến toét máu chả hay… mà sống “thiệt quê”, “thiệt gia đình”. Vừa giỡn với nhau vài chuyện, vừa bưng hộp cơm nguội thi nhau nhai trệu trạo, âu cũng là một nguồn vui sống giữa chốn xô bồ này.
Ở trọ trần gian, có quê mà chẳng dám về vì đâu còn ai dòm ngó. Không nghĩ đến thì thôi, chứ cứ nhắc đến về quê cho con cái phụng dưỡng mà cay xè mắt. Thôi thì ở lại đây, cực nhưng còn có người bầu bạn, có đồng ra đồng vào mua bát cơm, ổ bánh mỳ rồi dành dụm chút ít mai đây có chết còn mua được cái quan tài mà mai táng. Nghĩ mà sao thấy lòng đau đớn lạ!
Thiện Nam