Mục lục bài viết
Xuân vận – cuộc đại thiên di lớn nhất thế giới
Những khuôn mặt náo nức
Những dòng người cuồn cuộn hối hả
Những phố xá ùn tắc
Những nhà ga, bến xe đông đúc
Những phi cơ lên xuống tấp nập
Những chuyến tàu, chuyến xe đi lại không ngớt
Đó là quang cảnh cuộc đại di cư lớn nhất thế giới vào mỗi cuối năm âm lịch ở Trung Quốc, có tên gọi là “Xuân vận”.
Tên gọi này xuất hiện từ năm 1979, có nghĩa là di chuyển trong dịp Tết, lúc ban đầu có chừng 100 triệu lượt người, đến năm 2018 đã tăng lên đến khoảng 3 tỷ lượt người. Sau mấy năm trầm lắng do dịch bệnh và hạn chế di chuyển, ước tính Tết Quý Mão này có chừng 2,1 tỷ lượt di chuyển sau khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa,
Khởi đầu, Xuân vận chủ yếu là người lao động đi làm ở tỉnh ngoài quay trở về đoàn tụ với gia đình ở quê hương vào dịp Tết âm lịch cổ truyền. Nay có cả người Trung Quốc ở hải ngoại về thăm quê ở đại lục và nhất là người đại lục đi ra ngoại quốc vì những lý do khác nhau.
Tết Nguyên đán là Tết của đoàn tụ
Tết nguyên đán là kỳ nghỉ lễ hết sức quan trọng đối với một số nước Châu Á.
Với người Việt xưa vốn coi trọng gia đình, Tết nguyên đán đã trở thành kỳ lễ quan trọng nhất trong năm, vì đó chính là một dịp gia đình sum họp.
Trong cuốn “Đất lề quê thói”, tác giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu viết:
“Lúc này những người vì công danh tài lợi phải bôn ba đất khách mới cảm thấy nỗi sầu hiu quạnh xa quê hương, xa gia đình. Cho nên ngày xưa người đi làm xa, người buôn tứ xứ không ai là không nghĩ đến Tết tìm về với họ hàng làng xóm. Trừ người làm quan không dễ gì vắng nhiệm sở, ai đi xa bất cứ làm gì mà Tết không về, là coi như vất vả khổ cực lắm.”
Bởi vậy, thi hào Nguyễn Du trong những năm tháng tha hương đã từng viết:
Trời xấu bấy lâu, cửa đóng hoài,
Tuần hoàn thời tiết rét rồi oi,
Tha hương đất khách rời năm cũ,
Quỳnh Hải từ đâu xuân đến đây…
(“Xuân Nhật ngẫu hứng” – Lương Trọng Nhàn dịch)
Thời hiện đại, “Xuân này con không về” là câu cửa miệng của những người Việt xa nhà lúc Tết đến Xuân sang, nguyên là tên một nhạc phẩm nổi tiếng.
Truyền thống xem trọng gia đình, gia tộc của người Hoa cũng là một trong các yếu tố khiến họ cực kỳ coi trọng Tết nguyên đán. Dù ở bất cứ đâu, người ta đều mong được trở về nhà để quây quần bên gia đình, thưởng thức bữa tối giao thừa còn được gọi là “bữa tối đoàn tụ”. Tết mà phải lưu lạc xa nhà cũng là nỗi khổ tâm của người Hoa.
Hơn nghìn năm trước, trong một mùa xuân lưu lạc như thế, thi hào Đỗ Phủ đã viết:
Sông xanh càng trắng chim trời
Núi cao biếc thắm rạng ngời đỏ hoa
Thấy rằng năm hết xuân qua
Hôm nao mới được về nhà thăm quê?
(Tuyệt cú 12 – Hải Đà dịch)
Chưa bao giờ hết những người Hoa mong ngóng ngày về quê hương ăn Tết, nên ngày nay mới có hoạt động Xuân vận sôi động như thế. Nhưng năm nay, là một xuân vận dị thường trên toàn cõi Trung Hoa.
Một mùa xuân tan tác bi thương trên khắp các quê hương Trung Hoa đại địa
Ngày 29/12/2022, xuất hiện một đoạn video trong đó có người nói rằng nhà tang lễ ở Hàng Châu bắt đầu xếp hàng từ đêm hôm trước và sẽ đợi đến ngày hôm sau. Trong video, có cảnh hàng dài những người đang chờ đợi, một người đàn ông nói: “Tôi đã xếp hàng từ tối qua, hôm nay tôi đang đợi đến lượt để đưa thi thể vào hỏa táng, ở đây như một biển người!” (1)
Một người khác từ Quảng Đông thì viết: “Tôi làm việc trong bệnh viện, thấy người chết mỗi ngày. Lò hỏa táng làm việc liên tục hàng ngày nhưng vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Một ngày nọ lái xe trên đường, nhìn thấy biển người đang ăn mừng năm mới trên phố, tôi cảm thấy thật hỗn loạn”. (2)
“Theo hãng tin AP, sáng ngày 5 tháng 1 năm 2023, Bệnh viện Thùy Dương Liễu ở phía Đông Bắc Kinh đã chật cứng bệnh nhân mới. Bệnh viện đã hết giường vào sáng hôm đó, nhưng xe cấp cứu vẫn tiếp tục đưa đến thêm nhiều bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi. Những người đến sau phải nằm cáng hoặc ngồi trên xe lăn ngoài hành lang để thở oxy để duy trì sự sống…
Trong một video được lan truyền trên internet vào ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Nhà tang lễ Hương Sơn ở thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, hầu hết hài cốt của người quá cố không được thiêu hủy hoàn toàn trước khi bị vứt bỏ, điều này bị cáo buộc là phi đạo đức. Người quay video cho biết: ‘Đây là lò hỏa táng ở Trú Mã Điếm. Hãy nhìn xương cột sống này, thịt vẫn chưa được thiêu hết. Hãy nhìn những mẩu xương này. Chúng đều chưa bị thiêu hết, vẫn còn tất cả các đốt sống đây này.’” (3)
Khắp nơi trên đất Hoa lục là cảnh đau thương tang tóc, thi thể nằm la liệt không chỗ chứa, từ trên giường bệnh rải xuống khắp sàn, tràn ra đường cái. Xác cũ thiêu chưa hết đã tống ra thiêu xác mới. Người già mất mạng, người trẻ cũng không thoát, chết nhiều như ngả rạ, nhanh đến không kịp trối trăng.
Dịch vụ hỏa táng cháy hàng, quan tài cháy hàng, đất chôn thây cháy hàng, nhưng chỉ có xác người là chưa cháy hết.
Mỗi suất hỏa táng là hàng chục ngàn tệ, tương đương với vài trăm triệu đồng tiền Việt. Nhân dân than khóc vì không đủ tiền để chết. Chết vẫn chưa phải là hết, vì còn phải nộp khoản phí mãi lộ khổng lồ trước khi đến Quỷ Môn Quan.
Vậy nên trên trời quạ bay, dưới đất xác nằm, tử khí mang mang, âm phong mịt mịt.
Trung Hoa đại địa đã trở thành Trung Hoa đại nghĩa địa.
Điều lạ lùng là theo báo cáo chính thức, thì hầu như họ chết vì đủ thứ lý do, trừ dịch COVID.
Vô số người còn sống thì chen nhau làm hộ chiếu xuất ngoại, như thể chạy đua với tử thần. Theo con số thống kê chính thức, khoảng 55% trong gần 2,1 tỷ người tham gia Xuân vận là về quê thăm thân. Nhưng liệu quê hương còn là chốn thanh bình?
Cư dân mạng ở Hàng Châu đăng một video, trong đó đã nói: “Hàng ngàn năm nay, ngày Tết luôn là lễ đón chào, chúc mừng năm mới. Từ lúc nào mà việc đón Tết lại trở thành tiễn biệt người thân, tưởng niệm về quá khứ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã động đến phép tắc từ xưa chưa bao giờ thay đổi của vũ trụ!” (4)
Đã lưu lạc còn tang tóc – Xuân này con về mẹ ở đâu?
Đài VOA đăng tải câu chuyện của Quan Nghiêu (Guan Yao), một thanh niên gốc Hoa 40 tuổi ở California. Trong 8 ngày, anh đã mất đến 5 người thân.
Hôm 22/12/2022, anh chia sẻ trên Twitter: “Bắc Kinh ở bên kia đại dương, tin tức xấu cứ nối đuôi nhau mà đến. Đầu tiên là bố vợ của tôi qua đời hôm 14/12 năm rồi, 6 ngày sau thì bố ruột của tôi qua đời, cùng ngày đó người chú thân yêu của tôi cũng qua đời và sau đó là đến một người bà họ hàng. Chỉ trong một tuần ngắn ngủi, đã có 4 người thân của tôi ở Bắc Kinh qua đời rồi. Thật là đau đớn!” (5). Một ngày sau, người bà nội thân thiết nhất của anh cũng qua đời. Quan Nghiêu tâm sự với phóng viên: “Tâm trí tôi rối bời, thật là bức bách”.
Bà nội 85 tuổi của Quan Nghiêu bị sốt dai dẳng và có kết quả xét nghiệm dương tính. Anh đã chứng kiến cái chết của bà mình ở viện qua màn hình video. Còn bố vợ anh bất ngờ khó thở vào buổi sáng; bố anh lên cơn đau tim và qua đời khi đang ngủ; chú của anh được đưa đến bệnh viện thì phổi đã trắng. Không có ai trong số họ được ghi trong giấy chứng tử là chết vì COVID.
Trong khi đó, CDC Trung Quốc báo cáo rằng “không có trường hợp nào tử vong do COVID”.
Từ 3 năm trước, Quan Nghiêu đã cảnh báo với người thân đừng tin vào những lời dối trá nhằm che đậy dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc. Ba năm sau, việc bãi bỏ phong tỏa đột ngột được cho là nguyên nhân trực tiếp của thảm họa này. Ba năm phong tỏa như vậy là vô ích, những chịu đựng thống khổ của người dân Trung Quốc trong ba năm ấy là vô ích. Quan Nghiêu nói rằng: “Mỗi ngày nghĩ lại chuyện này tôi thật cực kỳ cực kỳ tức giận đến mức có thể đập bàn ăn sáng.” (6)
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết nguyên đán. Những năm trước đây dù xa cách người thân nửa vòng Trái đất và không biết khi nào có thể gặp lại, Quan Nghiêu vẫn có thể gọi điện về nhà chúc Tết bà và bố cùng họ hàng, tâm sự và giúp họ lạc quan. Xuân nay anh vẫn tha hương, nhưng chẳng chiến chinh mà gia đình mất mát, quê hương đỏ lửa.
Nghe như thể một mùa xuân lưu lạc và tang tóc trong nhạc phẩm “Xuân này con về mẹ ở đâu”:
Mẹ ơi! Trong thời chinh chiến
Bao mùa xuân con chẳng về nhà
Thanh bình chưa kịp vui cùng mẹ
Lại đành xa cách quê hương.
Mẹ ơi! Bao mùa xuân đến
Bao lần con mong mỏi ngày về
Xuân này con về quê tìm mẹ
Thì mẹ giờ đã ra đi. (7)
Vì đâu nên nỗi?
Việc vội vã chấm dứt chính sách phong tỏa dịch bệnh trên toàn quốc của chính quyền ĐCSTQ được cho là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh trở lại, ít nhất đó là lý do trên bề mặt. Chính quyền đã không có bất cứ sự chuẩn bị nào, người dân lại càng không có sự chuẩn bị. Như thường lệ, ngoại giới chỉ có thể suy đoán lý do của quyết định vội vã đầy uẩn khúc này.
Nhưng cũng chẳng cần mất công đi tìm lý do cụ thể đối với một tổ chức có bản chất sợ hãi sự thật như ĐCSTQ, đồng thời nó chưa từng xem người dân xứng đáng được đối xử như những con người. Những ngày gần đây, trên mạng Trung Quốc xuất hiện một từ đó là “nhân khoáng” (人礦: con người như khoáng sản), nhưng đã nhanh chóng bị ĐCSTQ phong sát. Ý nghĩa của từ này đó là người Trung Quốc “đọc sách 20 năm, trả tiền nhà 30 năm, nuôi bệnh viện 20 năm”, trước nay đều bị coi như một loại khoáng sản để ĐCSTQ vắt kiệt.
Khái niệm “nhân khoáng” có lẽ vẫn còn thiếu khía cạnh “nhân cụ”, nghĩa là sử dụng người dân như công cụ để đấu đá, trấn áp lẫn nhau, để nó tiếp tục duy trì quyền lực. Dùng nông dân để bức hại địa chủ trong cải cách ruộng đất; dùng công nhân để bức hại chủ xưởng trong cải tạo tư sản công thương; dùng học trò bức hại thầy giáo, con cái bức hại cha mẹ trong Đại cách mạng văn hóa; và dùng toàn dân bức hại phong trào Pháp Luân Công mấy chục năm gần đây… Đó là tà thuyết trị quốc theo kiểu “Dùng thiện thì dân thân với nhau, dùng gian thì dân thân với chế độ” của Pháp gia.
Để người dân có thể làm những việc đại nghịch bất đạo ấy mà không sợ báo ứng, ĐCSTQ phải xóa sạch hoặc làm vấy bẩn đạo đức và văn hóa truyền thống của một “lễ nghi chi bang – quốc gia nghi lễ”, phải nhồi nhét thuyết vô Thần, thuyết tiến hóa, đồng thời phủi sạch lý niệm Nhân Quả của Phật gia vốn ăn sâu vào văn hóa Á Đông truyền thống thiện lành.
Như thế, tội lỗi đã lan tràn trên khắp Trung Hoa đại địa từ suốt hơn 7 thập kỷ nay.
Và bây giờ thì đến lượt dịch bệnh lan tràn như một loại báo ứng.
Nhân dân Trung Quốc từ nay sẽ không còn im lặng
Câu chuyện của Quan Nghiêu chắc chắn không phải là cá biệt. Nhà khoa học nổi tiếng về virus COVID 19 là Diêm Lệ Mộng cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy con số người bị nhiễm bệnh và tử vong là rất lớn, không chỉ người già, mà cả người trẻ. Một người cha tên Li Bing ở tỉnh An Huy có con trai 27 tuổi chết vì COVID hôm 30/12/2022 cảnh báo thế hệ trẻ sẽ bị gia tăng lây nhiễm, và rằng theo quan sát của ông những người già trong nhiều gia đình ở khu phố nơi ông ở đã chết hết.
ĐCSTQ như thường lệ, che đậy sự thật và khủng bố những người dám tiết lộ sự thật trái ý nó. Đối với những người Hoa ở hải ngoại, thân nhân của họ ở quốc nội được chính quyền Hoa lục sử dụng như con tin để khống chế và bịt miệng họ.
Trước khi bà của Quan Nghiêu được hỏa táng, có một số kênh truyền thông tìm đến Quan Nghiêu, hy vọng được phỏng vấn câu chuyện của anh nhưng đều bị anh từ chối.
Anh nói: “Tôi lo họ (chính quyền) sẽ âm thầm làm gì đó. Ví như bà là người quan trọng với tôi như vậy, chỉ vì tôi xuất hiện trước ống kính mà bà không được hỏa táng thì người nhà sẽ hận tôi cả đời.” (8)
Hiện giờ, cả 5 người thân đều đã được hỏa táng, Quan Nghiêu không còn kiêng dè gì nữa.
Người dân Trung Quốc ngày nay cũng không cần kiêng dè gì nữa. Biểu tình và bất tuân dân sự đã dần trở nên ngày càng quen thuộc. Những người dân biểu tình đòi số tiền đã bị ngân hàng chiếm dụng; những công nhân biểu tình chống lại tình trạng đối xử tệ bạc với người lao động; những sinh viên biểu tình trong phong trào giấy trắng; một người đàn ông được ví như “người xe tăng” mới, dán biểu ngữ chống ĐCSTQ trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh; những người dân ngang nhiên chống lệnh cấm đốt pháo ở nơi công cộng; những du học sinh và người Hoa ở ngoại quốc biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở hải ngoại… và những người tuyệt vọng với ĐCSTQ như Quan Nghiêu đang phơi bày sự thật.
Phải chăng đó là những cánh én báo xuân sang trên Trung Hoa đại địa? một mùa xuân thực sự mà người dân Trung Quốc đã ngóng chờ từ lâu lắm rồi.
Hồi Hương
Chú thích:
(1), (2), (4): Theo trithucvn.org
(3): theo minghui.org
(5), (6), (8): Theo trithucvn.org dẫn nguồn từ VOA
(7): Trích nhạc phẩm “Xuân này con về mẹ ở đâu” của nhạc sĩ Nhật Ngân