Vương Dương Minh, tên thật là Thủ Nhân, tự Bá An, là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc; ông còn là người văn võ song toàn, từng là tướng mang quân đi dẹp loạn nhiều lần. 

Là nhân vật hàng đầu của Trung Quốc trong 500 năm qua, Vương Dương Minh đã có những thành tựu xuất sắc trong thư pháp, thơ ca, văn xuôi, triết học, quân sự, chính trị, giáo dục, v.v. Chỉ vỏn vẹn 3 câu, Vương Dương Minh đã nói ra chỗ huyền diệu của đạo trời, đạo đất và đạo người, đáng để chúng ta dùng cả một đời để chiêm nghiệm và thực hành.

Hành sự theo đạo của trời

Quẻ “Càn” đầu tiên trong “Kinh Dịch” nói rằng: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, tạm hiểu là: Hành động của trời mạnh mẽ lắm; người quân tử, noi theo đó, mà bất cứ hành vi nào cũng tự cường tự lực, không bao giờ ngưng. 

Quẻ “Càn” ở đây tượng trưng cho trời, có đặc điểm là rất to lớn, rất cứng rắn, rất ngay thẳng, bởi vậy người quân tử nên không ngừng vận hành giống như Trời vậy, cương nghị chắc chắn, không ngừng cố gắng vươn lên, để thể hiện thiên đạo “không ngừng sinh sôi”.

Một đời của người ta, dù là tiên thiên cũng vậy, hay là hậu thiên cũng vậy, đều luôn phải trải qua một vài hoàn cảnh ác liệt hoặc lớn hoặc nhỏ. Nhưng có một điểm cần hết sức lưu ý, đó là càng lúc khó khăn thì chúng ta càng phải vững bước tiến về phía trước. Khó khăn không đáng sợ, cái đáng sợ là con người không có tinh thần tự cường của đạo trời.

Thời đại học thuyết Chu Tử nhất thống thiên hạ, Vương Dương Minh đã đưa ra học thuyết “tri hành hợp nhất”, tức là sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, mang lại sự xung kích rất lớn đối với người dân thời đó. Mọi người không thể lý giải được chủ ý của nó, có rất nhiều người kinh ngạc, còn người chỉ trích và phê bình thì nhiều vô số kể.

Vương Dương Minh từng hình dung hoàn cảnh của mình như sau: “Vách núi chặn đằng trước; đuôi hổ phía sau lưng. Non cao phía bên trái, hang sâu ở bên phải. Chân dẫm trên gai góc, mưa tuyết càng loạn xạ …”.

Vào năm Gia Tĩnh thứ nhất (năm 1522), Vương Dương Minh đã là đại công thần trong việc bình định loạn Phiên vương, nhưng ông vẫn bị các quan trong triều công kích. Năm đó, đề thi tiến sĩ do quan Lễ bộ phụ trách ra đề, trong phần thi vấn đáp có liên quan đến tâm học, người ra đề ngầm hy vọng các thí sinh sẽ chỉ trích Vương Dương Minh, có thể thấy tình cảnh của Vương Dương Minh khó khăn đến thế nào. Dù vậy, ông vẫn luôn tin tưởng chắc chắn rằng lý thuyết của mình là chính xác, rõ ràng. Điều này cho chúng ta thấy rằng ý nghĩa lớn của duy tâm và nguồn sức mạnh nội tâm chính là nằm ở việc tuân theo lương tâm của chính mình và thực sự là bản thân mình.

Đây không phải là muốn sao làm vậy, mặc sức làm càn, mà là kiên định với những gì bản thân mình cho là đúng, là một loại khí phách hiên ngang.

Dù hoàn cảnh gian khổ thế nào, thân phận thấp kém ra sao, việc sinh tồn khó khăn đến mấy cũng không được bỏ cuộc, không được đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Chăm chỉ tích cóp, kiên trì làm những việc đúng đắn, làm những việc phù hợp với đạo trời, thế thì vận may thường sẽ không hẹn mà đến.

Những người tự mình cố gắng sẽ có trời giúp, càng cố gắng sẽ càng may mắn về sau.

Xử thế theo đạo của đất

Cái đạo của Đất nằm ở chỗ, đạo được thông đức được dày, có thể chở vạn vật, mang nặng mà không nói, không oán không hận.

“Thái Căn Đàm” nói rằng: “Đất ở chỗ thấp nên mới trở thành biển cả, người ở chỗ thấp nên mới thành bậc vương giả”.

Luôn luôn giữ được thái độ thấp giọng và khiêm tốn là một loại trí tuệ to lớn của đời người. Đây là một sự tu dưỡng, một tấm lòng, một chiến lược, và càng là quy tắc vàng trong đạo xử thế của giữa người với người.

Vương Dương Minh coi “kiêu ngạo” là bệnh nặng số một của đời người.

Vương Dương Minh nói: “Khuyết điểm của người thời nay, phần lớn đều là cao ngạo. Muôn ngàn tội lỗi, đều từ cao ngạo mà ra, cao ngạo là tự cao tự đại, tự cho mình là đúng, không chịu khuất phục người khác. Bởi vậy, đứa con hễ đã cao ngạo thì không thể hiếu thuận cha mẹ, là em mà cao ngạo mà không thể kính nhường anh chị, là bề tôi mà cao ngạo thì không thể trung thành”.

Một con người phàm là cuồng vọng kiêu ngạo, thì ắt sẽ rước lấy sự căm ghét từ người khác, nếu nghiêm trọng còn sẽ mang lại tai họa cho mình.

Niên Canh Nghiêu thời kỳ đầu con đường làm quan rất thuận lợi, hoàng đế Khang Hy rất trọng dụng ông. Thuận theo quyền lực càng ngày càng lớn và địa vị càng ngày càng cao, ông đã trở nên cuồng vọng tự đại, không những không biết thu mình, trái lại còn dưỡng thành tác phong hống hách ngang ngược.

Niên Canh Nghiêu đối với các quan trong ngoài triều đều rất ngông cuồng, vô lễ. Khi đưa công văn đến các quan Đô đốc, Tuần phủ của các tỉnh, ông cũng gọi thẳng tên họ. Không chỉ vương công quý tộc Mông Cổ, đến cả con rể của hoàng đế cũng phải hành lễ với ông.

Cuối cùng, vào năm Ung Chính thứ ba, tình thế thay đổi đột ngột, Niên Canh Nghiêu bị Hoàng đế Ung Chính cắt bỏ tước vị, liệt kê 92 tội lớn và ra lệnh cho ông tự vẫn.

Vương Dương Minh nói: “Người khiêm tốn là nền tảng của mọi điều lành, còn kẻ kiêu căng là thủ lĩnh của điều ác”.

Tại sao khiêm tốn lại là nền tảng của mọi điều lành?

Bởi vì “người khiêm tốn là chuôi thóp của đức”. Một người biết khiêm tốn sẽ nhìn ra ưu điểm trên thân người khác, xem lại khuyết điểm của mình. Như vậy dù là làm người hay là làm việc, đều có thể được người khác thấu hiểu, tôn trọng, và sáng ngời đức hạnh.

“Chu Dịch” nói: “Khiêm thì cao mà sang, thấp nhưng không thể vượt qua”. Vậy nên, người càng khiêm tốn thì càng cao quý.

Lấy đạo của người mà câu thúc tâm mình

Một người cần phải làm chủ được cái tâm của mình, như vậy mới có thể trở nên cao quý. Nếu muốn làm chủ được cái tâm của mình, thì chỉ có thể dựa vào việc tự câu thúc cái tâm mình.

Vương Dương Minh nói: “Nếu ban ngày làm việc mà cảm thấy buồn bực không yên, thế thì hãy tĩnh tọa. Ngay cả khi bạn không muốn đọc sách, thì bạn vẫn phải đọc nó. Đây là phương pháp tùy bệnh bốc thuốc”.

Trong tâm mỗi người thường có một sự mâu thuẫn rất lớn, tính lười mạnh mẽ và tiềm năng to lớn cùng tồn tại ngay bên trong thân thể. Trong tình huống không có áp lực, con người sẽ trở nên rất lười biếng, làm việc lề mề, qua loa cẩu thả, thích được thoải mái. Đó là hạng người bình thường.

Sau khi thêm áp lực và sự thúc ép nhất định, không ngừng nỗ lực hướng tới mục tiêu, thì tiềm năng của con người sẽ được kích thích xuất lai, thể hiện ra những chỗ khác biệt của mình. Loại áp lực này có thể là ngoại lực, nhưng tốt nhất là xuất phát từ bên trong bản thân mình, cũng chính là  tinh thần tự giác ước thúc chính mình.

Để làm được ước thúc bản thân, điều quan trọng là mỗi ngày bạn phải làm những việc mà mình không nguyện ý làm, nhưng nó lại có lợi cho bản thân, mượn điều này để rèn giũa và kiểm soát tâm tính của mình. Nói cách khác, bạn phải đi ngược lại với tính khí của mình, cần thường xuyên thúc ép bản thân, thay đổi bản thân.

Như vậy, bạn sẽ không vì những nghĩa vụ mà mình cần phải thật sự cần phải hoàn thành kia mà cảm thấy thống khổ. Lâu dần, loại hành vi tự ước thúc này sẽ trở thành thói quen chi phối hành vi của bạn.

Chỉ có cho đi sự cố gắng và công phu nhiều hơn người khác, và từ từ loại bỏ đi những thói quen xấu của mình thông qua mỗi một  lần mài dũa cưỡng ép, thì dần dần mới có thể loại trừ đi những tập khí xấu của mình, mới có thể phục hồi ánh sáng vốn có trong tâm.

Con người ta chỉ có câu thúc tâm mình mới có thể cuối cùng có một ngày đạt được cảnh giới cao minh “muốn gì làm nấy mà vẫn tuân thủ khuôn phép”.

Theo Aboluowang
Thanh Hoa biên dịch