Nhân dịp đầu năm mới, vua Lê Thánh Tông mặc thường phục vi hành để xem xét tình hình dân chúng. Ði tới đâu, nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, trong lòng vui mừng lắm. Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn, kết hoa mà cũng chẳng thấy đối liễn gì hết.

Vua lấy làm ngạc nhiên, rẽ vào hỏi. Chủ nhà trả lời rằng: “Chẳng giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám khoe khoang gì với ai cho thêm tủi!”. 

Vua ngạc nhiên, hỏi: “Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ?”. 

Chủ nhà thưa: “Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi… mót phân người để bán thôi ạ!”. 

Nghe xong, vua cười nói: “Nếu vậy nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng là vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn!”. 

Nói đoạn, vua lấy giấy bút, đề giùm cho một đôi câu đối như sau:

Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Ðề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm

Tạm dịch:

Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian

Khách qua lại, nhìn thấy câu đối ai cũng kinh ngạc trầm trồ.

(Chân dung vua Lê Thánh Tông. Ảnh dẫn theo nguoinoitieng.tv)

***

Vua Lê Thánh Tông đã ứng xử đúng theo phong cách của một vị minh quân, đức độ sáng ngời. Câu đối của vua vừa tài hoa, tràn đầy khí phách, cũng vừa rất hợp cảnh, hợp tình, quả đúng là tuyệt vời.

“Đảm đang khó khăn thiên hạ”, “Tận thu lòng dạ thế gian”… đều là những việc làm của bậc quân tử, chẳng ai có thể nghĩ đó là lời ví von cho công việc của một anh chàng gánh phân!

Thế nhưng, trên đời không có loại nghề nghiệp nào là thấp kém, hèn hạ. Nếu bạn có thể dụng tâm, làm thật tốt phần việc của mình thì chính là đang có một nghề nghiệp tuyệt vời nhất.

Một người quét rác suốt ngày tay lấm chân lem, bụi bặm dính đầy, mồ hôi nhễ nhại nhưng nào có ai chê việc họ làm là thấp hèn, hạ tiện? Con đường bạn đi, khu phố bạn ở liệu có còn giữ được dáng nét nên thơ, trữ tình nữa khi một sáng thức dậy không còn nhìn thấy những người lao công?

(Ảnh dẫn theo thivien.net)

Người công nhân đào than cả ngày bị vùi lấp trong hầm lò, mặt mũi nhem nhuốc, hít đầy bụi khói nhưng nếu không có cái nhem nhuốc ấy chẳng phải rất nhiều người sẽ không có đủ than nấu bếp, sưởi ấm trong mùa lạnh giá đó sao?

Chẳng cần phân biệt sang hèn, nhọc nhằn, chỉ cần có thể đảm đương được những việc khó khăn ít người làm được trên đời, chỉ cần sống tròn đạo nghĩa, thu phục được nhân tâm thì nghề nghiệp nào cũng trở thành vô cùng cao quý.

Ngược lại, dù làm thứ nghề nghe có vẻ cao sang đến đâu, mà tâm địa hẹp hòi, đánh rơi đạo đức, thì lại càng trở nên tai hại.