“Chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…”

Mới tinh mơ, khi còn đang mắt nhắm mắt mở, Hạnh đã ngân nga câu hát và cười tủm tỉm một mình. Hôm qua cậu bạn gửi cho cô một video hài hước về chú voi con trên thảo nguyên châu Phi rộng lớn khiến cô ôm bụng cười ngặt nghẽo. Đúng là dẫu khoác trên mình thân xác lớn nhỏ khác nhau thì trẻ con vẫn giữ nguyên những nét hồn nhiên, thơ ngây như đúng thiên tính của mình.

Voi con lăn đùng ra giữa đường ăn vạ và phản ứng bất ngờ của bầy voi

Những chú voi to sừng sững khẽ đung đưa thân hình đồ sộ của mình trên thảo nguyên châu Phi. Bởi lẽ nơi này cỏ đã héo úa, đất đã khô cằn, thời tiết ngày càng nóng hơn, khiến nguồn thức ăn trở nên khan hiếm. Chúng phải di chuyển tới vùng đất có thức ăn và nước uống mới. Bé voi con sau chuỗi ngày “việt dã” cũng đã thấm mệt và muốn dừng lại nghỉ ngơi. Nhưng nhìn lại cả đoàn voi vẫn hối hả chẳng chịu dừng bước. Kể cả voi bố, voi mẹ cũng “lạnh lùng” bước qua, không nhìn bé voi lấy một lần.

Cậu bé chợt nảy ra ý tưởng mới lạ và bỗng chốc lăn đùng ra giữa đường ăn vạ như cách tụi con nít thường làm để được người lớn chú ý và cưng nựng, vỗ về, kiếm cớ mè nheo. Ai bảo chỉ có những chú cún con chũm chĩm ngộ nghĩnh, các bạn mèo con mắt tròn xoe ngơ ngác dễ thương hay chú gà con vàng ươm kêu chíp chíp mới hóm hỉnh và đáng yêu nào? Nhìn bộ dạng ngộ nghĩnh, lém lỉnh của cậu bé voi, Hạnh cười khoái chí: “Cậu bé thật đáng yêu quá!”.

Hạnh chợt nhớ đến cu Tý, đứa cháu nhỏ đang chập chững bước thấp bước cao của mình, cũng thường “ăn vạ” theo kiểu này. Cu cậu đang chơi đùa vui vẻ mà chẳng may vấp ngã là nằm im tại chỗ. Cậu he hé con mắt nhìn xem có ai đang ở quanh đó không. Nếu có người là cu cậu khóc nổi làng nước, ầm ĩ nỉ non cho đến khi có người ra nâng dậy thì mới yên.

Ông nội thấy vậy xót cháu, chạy vội ra bế thốc cu Tý lên, mà cu cậu vẫn khóc thút thít. Ông xuýt xoa: “Hòn gạch làm cháu ông ngã à. Hư quá! Đánh ừa nào”. Cu Tý vẫn làm già, ôm chầm lấy cổ ông khóc nức nở. Ông lại xoa xoa cái chân cu cậu rồi hắng giọng: “Ky đâu! Đánh ừa chó Ky nào!”. Bà nội cuống quýt: “Cu Tý giỏi nào, không sao, không sao! Bà yêu, bà yêu nào”. Bà phải dúi cho cu Tý cái bánh, cái kẹo cu cậu mới chịu nín. Lâu dần thành quen, đến nỗi từ ngày đầu tiên cu Tý biết nói không phải là gọi mẹ, gọi bà hay gọi ba, mà là “Ky!”. Mỗi lần cu Tý giậm cái chân ngắn cũn, cong môi lên quát: “Ky! Ky!”, cả nhà lại cười lăn cười bò. Chỉ tội nghiệp chó Ky hễ nghe thấy réo tên mình là sợ co rúm cả người lại, bốn chân luống cuống tìm chỗ thoát thân vì không biết mình vừa phải mắc phải lỗi gì.

Loài voi cũng giống con người, cũng biết ăn vạ lúc mỏi chân, nhưng cách ứng xử của đàn voi thì lại hơn hẳn những ông bố bà mẹ của chúng ta ngày nay. (Ảnh: Youtube)

Hạnh thầm nghĩ chắc mẹ voi cũng sẽ vội vàng chạy đến bên cậu và âu yếm dùng cái vòi nhấc bổng cậu bé lên như vậy. Nhưng thật bất ngờ chẳng thấy bóng dáng mẹ cu cậu đâu. Voi bố cao to đi lướt qua voi con cũng chẳng buồn ngoái lại nhìn bộ dạng đang nhăn nhó, vật vã của cậu.

Voi con vẫn muốn làm già, cứ nằm chềnh ềnh giữa đường, thà làm vướng chân cô bác voi trong đoàn, chứ nhất quyết không chịu nhúc nhích. Cậu bé chờ đợi một ánh mắt đồng cảm và ai đó dừng lại bước chân, vỗ về cho cậu được nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng hết chú voi này đến chú voi khác vẫn đăm đăm nhìn về phía trước. Mãi đến khi thành viên cuối cùng của đàn đi qua cũng ngó lơ như chốn không người thì voi con mới bắt đầu ý thức được hành vi làm nũng này của mình chỉ vô dụng. Chú voi bé nhỏ đành miễn cưỡng đứng lên, lặc lặc cái chân chạy theo đoàn, tiếp tục cuộc hành trình gian nan.

Hạnh thấy thật khâm phục cách giáo dục nghiêm khắc của những chú voi to với cậu bé con này. Không ai bảo ai mà chúng đều cùng chung một suy nghĩ, một cách ứng xử. Phải chăng cả đoàn đều biết rằng cuộc sống phía trước của những chú voi con sẽ chẳng thể bình yên, phẳng lặng. Nên cách tốt nhất là huấn luyện cho những cô bé, cậu bé của mình mạnh mẽ và dẻo dai ngay từ khi còn nhỏ.

Phớt lờ đi hành động ăn vạ, cả đàn voi dạy cho chú voi con biết vâng lời. (Ảnh: Youtube)

Cô bạn và cách giáo dục con nghiêm khắc như đàn voi nọ

Cô bạn Ngọc Anh của Hạnh cũng có cách giáo dục tương tự như vậy. Một lần nọ Hạnh sang nhà Ngọc Anh chơi, hai cô bạn đang chuyện trò rôm rả thì cu Bi khóc ré lên. Hóa ra cu cậu vấp ngã trên sàn nhà. Ngọc Anh cũng không vội vàng chạy lại như bao bà mẹ khác, cô điềm tĩnh, nhẹ nhàng nói: “Bi giỏi lắm, Bi tự đứng lên nào!”. Như một thứ bản năng cu Bi vẫn nằm im, thách thức sự nhẫn nại của mẹ. Ngọc Anh cuối cùng cũng đứng lên, bước đến bên Bi. Nhưng cô không nâng Bi dậy mà chỉ nhẹ nhàng nói: “Bi xin lỗi nền nhà nào! Bi làm ‘bạn nền nhà’ đau rồi đấy. Bi có thấy bạn ý đang khóc hu hu không?”. Cu Bi ngơ ngác, rồi mếu máo: “Xin nhỗi!”.

Ngọc Anh vui vẻ quay sang giải thích: “Bọn nhóc tinh lắm cậu ạ! Mềm nắn rắn buông! Mọi người cứ bảo trẻ con không biết gì, chúng biết hết đấy. Nên mình phải rèn cho cu cậu tính tự lập, dám làm dám chịu ngay từ nhỏ. Mình thấy các bà các mẹ hay bảo con “đánh ừa” thứ nọ thứ kia cũng không đúng. Việc tuy nhỏ nhưng lại dưỡng thành thói quen không tốt là đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác”. Hạnh gật gù: “Chí phải! Chí phải!”.

Chặng đường trước mắt đầy khó khăn, dạy trẻ kiên cường đứng dậy chứ không phải ôm ấp chúng vào mình. (Ảnh: Namyang)

Thương thay cho kiếp voi vừa phải không ngừng di chuyển tìm nguồn sống, lại phải chống chọi với nạn săn bắt của con người

Mỗi lần nhớ tới chú voi con ngộ nghĩnh, Hạnh lại tua lại video nhìn ngắm bộ dạng đáng yêu của cậu và cười tủm tỉm một mình.

Hạnh nghe người ta đồn rằng đeo vòng tay bằng xương voi, ngà voi có thể trừ tà nhưng cô không tin lắm. Có ông chủ cửa hàng lưu niệm còn đon đả chào mời khách hàng: “Lông đuôi voi tốt lắm, may mắn lắm, mang theo người vừa có thể xua đuổi tà khí, đường công danh, sự nghiệp lại hanh thông như diều gặp gió, cầu được ước thấy!”. Vậy nên dẫu bán tín bán nghi vẫn có nhiều người sắm cho mình những món đồ trang sức như nhẫn hay vòng tay lông đuôi voi. Còn các sản phẩm trang sức được chế tác từ ngà voi nghe đồn có công dụng chữa bệnh phong thấp, phòng nhiễm độc tốt lắm, khiến ngà voi được đẩy lên với giá trên trời.

Hạnh nghĩ: “Vạn vật hữu linh”, ngay cả nhành cây ngọn cỏ cũng có linh hồn, huống chi một loài động vật đồ sộ như những chú voi khổng lồ như vậy. “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, ông Trời lại nhìn vào những thiện niệm và đức hạnh của con người mà thưởng phạt phân minh. Làm tổn hại tới sinh mệnh khác để cầu may mắn cho bản thân chẳng khác chi “kẻ ác” mà muốn “thiện báo”. Lẽ nào Trời đất lại đảo lộn mà có cái lý ngược đời như vậy? Xưa nay các bậc Thánh Thần chân chính chỉ dạy con người tu sửa cái tâm của mình, hướng thiện và biết lo nghĩ cho người khác. Từ đó mà tích đức, tiêu tai, mới có được hạnh phúc và may mắn về sau. Đó chẳng qua chỉ là lời quảng cáo cho “trơn lưỡi” của những người vô thần vô thánh muốn lợi dụng lòng tin ngây ngô và tâm lý cầu may của con người để bán buôn, trục lợi mà thôi.

Vì lợi nhuận lớn, những chú voi tội nghiệp vẫn đang có nguy cơ săn bắn để lấy ngà. (Ảnh: westcoastfmnamibia.com)

Hạnh thầm nghĩ: “Không đeo trang sức ngà voi, lông đuôi voi có lẽ cuộc sống của họ còn may mắn bình an. E rằng đeo vào thì trừ tà, may mắn, hoạn lộ thênh thang đâu chẳng thấy, chỉ gieo mầm họa cho tương lai sau này”. Chí ít thì khi đặt mình vào địa vị của những chú voi hiền lành bị săn bắn, giết hại để lấy lông đuôi, lấy ngà, lấy da ấy, chúng ta cũng phải rùng mình khi nghĩ đến nỗi đau đớn thể xác và hoảng loạn trong tinh thần mà mình phải gánh chịu. Cuộc sống vốn lẽ công bằng, làm tổn hại đến các sinh linh khác thì trước sau cũng phải trả thôi. Kiếp này không ốm đau bệnh tật, gia đình lục đục, nạn lớn nạn nhỏ thì kiếp sau lại đầu thai làm động vật mà dùng thân xác bù đắp nỗi đau cho chúng. Vậy nên làm người lương thiện vẫn tốt hơn cho mình và tương lai sau này.

Nghĩ tới đây Hạnh thoáng rùng mình: “Ôi chú voi bé bỏng, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với em!”.

“Chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…” câu hát ngộ nghĩnh, đáng yêu lại văng vẳng bên tai Hạnh.

Mời bạn thưởng thức video:

Minh Nguyệt