Quan Vũ là một trong những anh hùng được yêu thích nhất trong “Tam Quốc diễn nghĩa” với khí chất phi phàm, anh dũng tuấn tú. Câu chuyện ông một mình cầm đao sang Đông Ngô dự hội đàm với Đại đô đốc Lỗ Túc đã được lưu truyền suốt hàng nghìn năm qua như một giai thoại có một không hai. 

Hiểm địa Kinh Châu

Câu chuyện có lẽ cần kể từ trận thư hùng Xích Bích năm 208 giữa quân Tào Ngụy và liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị. Giáp binh trăm vạn giao tranh, đôi bờ Trường Giang ánh lửa chói lòa, phong vân lại nổi lên. Bị kế hỏa công của Chu Du và Gia Cát Lượng đốt trụi mấy ngàn chiến thuyền, Tào Tháo không còn cách nào khác phải bỏ lại Kinh Châu, rút về phía Bắc. 

“Tam Quốc diễn nghĩa” kể rằng, trong trận Xích Bích, Gia Cát Lượng lợi dụng lúc Ngô Ngụy đang giao tranh kịch liệt, nhanh chóng cử người đi đánh chiếm các châu quận của Kinh Châu. Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long… lần lượt thu về Nam Quận, Tương Dương, Võ Lăng, Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng.

Kinh Châu là ngã ba đường của thiên hạ, là nơi Tam Quốc tranh đoạt (Ảnh: tienphong.vn).

Kinh Châu là ngã ba đường của thiên hạ, là vùng đất có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, anh hùng thiên hạ đều muốn chiếm cứ. Sau trận đại chiến hao binh tổn tướng, Tào Tháo phải rút một chân ra khỏi Kinh Châu, chỉ còn giữ quận Nam Dương và một phần Giang Hạ ở phía Bắc. Về phía Đông Ngô, tiếng là thắng trận nhưng cũng thiệt hại không nhỏ. Chẳng bao lâu sau, Đại đô đốc Chu Du ốm bệnh mà chết, để lại khoảng trống cực lớn.

Như vậy, Ngụy và Ngô đã dần đánh mất đi lợi thế ở Kinh Châu. Còn Lưu Bị thì nổi lên như một chư hầu mạnh, có đầy đủ yếu tố để hùng cứ một phương: Một quân sư đại tài (Gia Cát Lượng), các võ tướng anh dũng (Quan, Trương, Triệu) và mảnh đất địa lợi số một (Kinh Châu).

Vì sao Quan Vũ được giữ Kinh Châu?

Năm 211, Lưu Bị tiến vào đất Thục, Kinh Châu được giao lại cho Quan Vũ trấn thủ. Khi ấy, trong tay Vân Trường có cả trời cả đất, thu gồm đất đai 4 quận rưỡi (Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng và một nửa quận Giang Hạ). Xét tình thế bấy giờ, chỉ Quan Vũ là đủ sức gánh vác trọng trách ấy. Ông là đệ nhất hổ tướng của Lưu Bị, vừa giỏi võ công lại đọc nhiều binh thư, có thể nói là văn võ song toàn. Uy thế của Quan Vũ khiến cả những kẻ đối địch như Chu Du, Lục Tốn phe Đông Ngô hay Trình Dục phe Tào Ngụy cũng phải nể phục, cho là hào kiệt hiếm có trên đời.

Sau này có người cho rằng đánh mất Kinh Châu là tội lớn của Quan Vũ, cũng là lỗi dùng người của Lưu Bị, Gia Cát Lượng. Thiết nghĩ, nói thế là chưa công bằng. Đánh mất thành trì đương nhiên là lỗi của đại tướng nhưng đó âu cũng là thiên thời ứng chiếu mà thành. Nếu Quan Vũ không đánh mất Kinh Châu thì nhà Thục Hán có lẽ chỉ chục năm sau đó đã thống nhất được thiên hạ. Thế Tam Quốc phân tranh khi ấy liệu có còn, cán cân lực lượng cân bằng Ngụy – Thục – Ngô liệu có còn? Hơn nữa, Quan Vũ mất Kinh Châu trong khi đang mải chinh chiến ngoài sa trường, đánh Tương Dương, Phàn Thành trong cuộc Bắc phạt Tào Ngụy, cũng là một chuyện vạn bất đắc dĩ.

Bản đồ Tam Quốc, biên giới 3 nước Ngụy, Thục, Ngô (Ảnh: langnam2.blogspot.sg).

Người nổi tiếng nhìn người và dùng người cẩn thận như Gia Cát Lượng chọn Vân Trường trấn thủ Kinh Châu là hoàn toàn có lý do. Nếu không phải Vân Trường, thì ai sẽ là người được giao trọng trách? Trương Phi nóng tính, lỗ mãng, từng đánh mất Từ Châu vào tay Lã Bố vì ham rượu, đương nhiên không thể tin dùng. Triệu Tử Long xưa nay vốn chỉ quen đi theo Lưu Bị làm hộ vệ, việc nhỏ có thể gánh vác chu toàn nhưng nói thống lĩnh đại quân, bàn mưu tính kế, vạch sách lược, cai quản châu phủ thì cơ bản không có sở trường.

Các tướng lĩnh còn lại dưới trướng Lưu Bị đều thường thường bậc trung, không gì nổi bật. Quan Vũ kiêu dũng phi phàm, chém Nhan Lương, giết Văn Xú, qua 5 ải chém 6 tướng, lại trung thành tột bậc, cự tuyệt Tào mà một lòng thờ Lưu, còn gì để không tin tưởng nữa đây?

Một đao dự hội 

Lưu Bị chiếm lấy hai phần ba Kinh Châu nhưng cũng không thể ung dung ngồi hưởng thái bình. Phía Bắc, Tào Tháo luôn lăm le cất quân phục thù trận Xích Bích. Phía Đông, Tôn Quyền, Chu Du như hổ đói ngồi rình, chỉ hận không thể sống mái một phen với Lưu Bị, Gia Cát Lượng. Do vậy, tiếng là chiếm được Kinh Châu nhưng Lưu Bị vẫn phải hòa hoãn, cầu thân cùng Đông Ngô, đánh tiếng là mượn đất, lại cưới em gái của Tôn Quyền để thông gia hòa hảo. Đương nhiên Tôn Quyền không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận cắt đất cầu thân, tạm nuốt mối hận trong lòng.

Sau khi đẩy lùi đại binh phương Bắc, Ngô hầu Tôn Quyền không còn lo lắng đến Tào Tháo nữa. Trong lòng ông lúc này, Lưu Bị mới thực là kẻ nguy hiểm nhất. Từ chỗ không một mảnh đất cắm dùi, thua chạy liên miên từ Tân Dã đến Giang Hạ, Lưu Bị trong một đêm có được mấy quận Kinh Tương, sừng sững như hổ ngồi nhìn Trung Nguyên. Kinh Châu lại là hiểm địa sát nách Đông Ngô, Tôn Quyền làm sao không lo cho được.

Vậy nên, ông ba lần bảy lượt giục Lỗ Túc kiếm cớ sang sông đòi đất, thậm chí còn có lúc định phát binh đánh úp Kinh Châu. Lỗ Túc khi ấy làm Đại đô đốc thay Chu Du đã mất, vốn không thích chuyện can qua, chỉ một lòng duy trì hòa hảo liên minh hai nhà Tôn – Lưu.

Với cái nhìn đầy sắc sảo của mình, Lỗ Túc nhận ra rằng chỉ có liên kết với nhau, Tôn Lưu hai nhà mới cự được Tào Tháo ở mặt Bắc. Ngô và Thục chính là như răng với môi, tuy có lúc răng cắn phải môi nhưng quả thực không sống thiếu nhau được. Nếu liên minh tan vỡ, Tào Tháo với sức mạnh vượt trội của kỵ binh phương Bắc kéo xuống đủ sức đạp bằng hai nước như thế gió lốc quét lá vàng vậy.

Khi đối địch với Quan Vũ ở phía bên kia Trường Giang, Lỗ Túc luôn rất mềm mỏng, khéo léo, chủ động hòa đàm. Ở bên này sông, Quan Vũ ngày đêm thao luyện binh mã, Bắc cự Tào Tháo, Đông dè Tôn Ngô, phòng thủ vô cùng cẩn mật. Không còn cách nào khác, phía Đông Ngô bèn dùng kế mời Vân Trường sang sông uống rượu, định khống chế, uy hiếp, đòi trả đất bằng không thì ám sát.

Bên Đông Ngô cho Cam Ninh, Lã Mông phục sẵn 50 đao phủ ở tiệc rượu, phát thư mời Vân Trường sang sông hòa đàm. Được thư, Vân Trường chẳng cần suy nghĩ, lập tức đồng ý, y hẹn sang sông. Bộ tướng đều can không cho Vân Trường đi và cho rằng đây là tiệc Hồng Môn Yến (bữa tiệc nguy hiểm nổi tiếng lịch sử khi Hạng Vũ mời Lưu Bang đến dự). Tuy vậy, Vân Trường vẫn nhất nhất quyết đi, vác đao lên thuyền, chỉ dẫn theo mươi hộ vệ, chèo thuyền nhỏ, thuận gió sang sông.

Quan Vũ đi thuyền tới dự tiệc của Lỗ Túc (Ảnh chụp màn hình Youtube).

Y hẹn, Quan Vũ một mình một đao, lên bờ uống rượu, nói cười vui vẻ, điềm nhiên như không. Lỗ Túc trên bàn tiệc nhắc đến chuyện đòi lại Kinh Châu, Vân Trường gạt đi mà rằng: “Đó là việc công nhà nước, trong tiệc rượu không nên nhắc đến làm chi!”. Khi Lỗ Túc quyết tâm căn vặn đến cùng, cho rằng Lưu Bị nói lời không giữ, Vân Trường nổi giận khẳng khái đáp: “Việc ở Ô Lâm, anh tôi xông pha mũi tên hòn đạn, cố sức để cùng phá giặc, có lẽ đâu khó nhọc mà không được thước đất nào? Túc hạ lại còn muốn đòi đất ư?”.

Thái độ dứt khoát ấy của Vân Trường không khỏi khiến các tướng Đông Ngô bất bình, 50 tay đao phủ phục sẵn dưới bàn tiệc, chỉ chực lao lên đoạt mạng ông. Nhưng Vân Trường vẫn điềm nhiên mời Lỗ Túc cạn chén, cuối cùng dắt tay Lỗ Túc, bước đi liêu xiêu, tiến thẳng ra bờ sông. Quân Ngô thấy Lỗ Túc bị Vân Trường tay kẹp Thanh Long đao dẫn đi như thế thì không dám nhúc nhích tiến đến, bất lực nhìn theo.

Ra đến bến sông, Quan Vũ để Lỗ Túc ngơ ngác ở lại bến nước, vén áo bào, ném long đao cho Chu Thương cầm, ung dung bước lên thuyền, thuận buồm về Kinh Châu. Gió thổi vun vút, con thuyền của Quan Vũ lướt đi như một mũi tên, phút chốc đã biến mất giữa làn sóng Trường Giang cuồn cuộn. Quân Ngô đứng sững người như phỗng đá trên bờ, Lỗ Túc cũng lắc đầu nhìn theo, im lặng chẳng nói gì, chỉ nghe tiếng cười sảng khoái, ung dung của Quan Vũ là còn vang mãi, hòa vào tiếng gió Trường Giang vọng đến.

Screen Shot 2016-08-26 at 1.46.03 PM
Vân Trường nắm tay Lỗ Túc cùng bước ra bến sông (Ảnh chụp màn hình Youtube).

Cái dũng của Vân Trường

Là người cơ trí, từ trước khi sang sông, cơ bản Vân Trường đã biết được mưu mẹo của phía Đông Ngô. Thân là đại tướng, trấn thủ Kinh Tương, nhận sự phó thác của đại ca Lưu Bị, không có chuyện ông liều mình đi vào giữa hiểm địa, phó mặc sống chết vào tay người khác như thế. Thế nhưng vì sao Vân Trường vẫn thản nhiên xách đao dự hội, không chút mảy may đề phòng?

Đầu tiên, Quan Vũ không phải là hạng tướng xoàng, ngược lại là “Thần tướng” kiêu dũng vô song. Chỉ vài mươi tay đao phủ quèn không thể làm khó ông. Vân Trường từng qua 5 ải, chém 6 tướng, giữa trận tiền thúc ngựa Xích Thố lấy đầu Nhan Lương, Văn Xú như vào chỗ không người, mấy tên phục binh tầm thường quả thực chẳng bõ bèn gì. Sử chép Quan Vũ mình cao 9 thước (tức hơn 2 mét), mặt đỏ phừng phừng, cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm long đao, quả như thiên binh thiên tướng. Quân địch có lẽ chỉ nhìn thấy Quan Vũ thôi đã phải quỳ gối khiếp sợ, nói chi là dám ám sát?

Vân Trường lưu danh sử sách sau lần cầm đao dự hội ở Đông Ngô (Ảnh chụp màn hình Youtube).

Thứ hai, Quan Vũ là người nắm đằng chuôi, luôn chủ động trong mọi cuộc đối đầu với Đông Ngô. Ông biết Lỗ Túc là người quân tử, sẽ không dùng mưu hèn kế bẩn. Ông cũng biết nếu Lỗ Túc hại mình, liên minh Tôn Lưu tan vỡ, ắt là chuyện chẳng có lợi cho Đông Ngô. Tào Tháo sẽ thừa cơ dốc binh xuống phục thù trận Xích Bích, Đông Ngô ắt là nguy khốn. Lỗ Túc cũng hiểu chuyện này, càng muốn giữ hòa khí với Thục, nên càng không có lý do để ám toán Quan Vũ.

Thứ ba, sở dĩ Quan Vũ nhất quyết phải sang sông, lại sang một cách đường đường chính chính, ung dung ngạo nghễ đến vậy là bởi ông muốn biểu dương sĩ khí, trấn áp quần hùng Giang Đông. Cam Ninh, Lã Mông cũng là tướng giỏi của Đông Ngô, ấy vậy mà khi thấy hào khí đường đường của Quan Vũ thì đều ngây người hóa phỗng. “Quan Vũ còn thì Kinh Châu còn, Đông Ngô đừng mong đòi đất”, ấy chính là lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo mà Vân Trường gửi đến toàn cõi Giang Đông, gửi đến Tôn Quyền trong chuyến sang sông đầy hào hùng này.

Có bài thơ làm chứng về chuyện Quan Vũ sang Đông Ngô dự hội như sau:

Một đao phó hội uống thờ ơ
Coi nhỏ Đông Ngô tựa trẻ thơ
Khí khái anh hùng trong cuộc rượu
Hàm Trì gấp mấy Lạn Tương Như 

Lạn Tương Như, người nước Triệu thời Chiến Quốc, nhận lệnh vua Triệu cầm ngọc bích họ Hòa sang sứ nước Tần. Tần Chiêu Tương vương vốn rất thích viên ngọc này, hứa đổi lại 15 thành trì cho nước Triệu. Nhưng Lạn Tương Như xét tình thế, thấy vua Tần muốn nuốt lời, bèn cầm viên ngọc bích định đập nát trước mặt Tần Chiêu Tương vương.

Vua Tần quý ngọc, không nỡ trái ý, bèn hạ lệnh lấy bản đồ khoanh 15 thành đổi cho nước Triệu. Lạn Tương Như lại biết đó chỉ là kế lừa, quyết không giao ngọc, yêu cầu vua Tần phải trai giới sạch sẽ 5 ngày rồi mới dâng. Trong thời gian ấy, ông ngầm sai người mang ngọc về Triệu quốc, còn mình thì thân hành đến cung vua nhận tội. Vua Tần giận lắm nhưng cũng không dám giết Lạn Tương Như vì sợ ảnh hưởng đến tình đồng minh Tần – Triệu, sau thả ông về.

Lạn Tương Như một mình một ngựa, vào đất Tần, giỡn mặt vua Tần mấy lần, sau cùng vẫn thu được ngọc bích về cho nước Triệu, đường hoàng ra khỏi Hàm Cốc quan, chính là tấm gương nghìn năm về lòng trung dũng, gan dạ. Lại liên tưởng đến chuyện “đơn đao phó hội” mới thấy cái dũng khí ngút trời của Quan Vũ còn có phần hào sảng hơn biết bao nhiêu vậy. 

Văn Nhược