Mỗi dân tộc là một khái niệm văn hoá. Sau khi Hiếu Văn Đế tộc Tiên Ti tiến hành tấn tốc ‘Hán hoá’, thì không thấy được sự khác biệt giữa người Tiên Ti và người Hán. Điều này lại mang đến vấn đề chia rẽ dân tộc và một thảm hoạ thời Bắc Nguỵ. Rốt cuộc đây là chuyện gì?

Trong ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 3: Nam bắc đối trĩ, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã giảng về lịch sử Nam Bắc triều, trong đó có giải đáp vấn đề trên như sau.

Khái quát lịch sử Nam Bắc triều 

Lời bạch: ‘Phì Thuỷ chi chiến’ xảy ra vào năm 383 là một bước chuyển đối với lịch sử Trung Quốc, thủ lĩnh tộc Đê là Phù Kiên vì muốn thống nhất Trung Quốc đã thảm bại trong trận chiến này. Phương bắc lại tiến nhập vào thời kỳ chia cắt.

Năm 439, người tộc Tiên Ti là Thác Bạt Đảo đã thống nhất được phương bắc, kiến lập triều đại Bắc Nguỵ, còn chính quyền Đông Tấn ở phương năm vào năm 420 bị quyền thần Lưu Dụ soán đoạt. Thế là lịch sử Trung Quốc tiến nhập vào thời kỳ Nam Bắc triều. Vậy thì trong khoảng thời gian này đã xảy ra những sự việc gì?

Tranh vẽ mô phỏng thời kỳ đầu của Nam Bắc triều, với chính quyền Bắc Nguỵ của Thác Bạt Đảo ở phương bắc và chính quyền Lưu Tống của Lưu Dụ ở phương nam.

Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, cái tên ‘Nam Bắc triều’ đến từ một nhà sử học thời Đường tên là Lý Diên Thọ, ông đã viết 2 cuốn sách là ‘Nam sử’ và ‘Bắc sử’, đây cũng là 2 cuốn trong ‘Nhị thập tứ sử’ (24 bộ chính sử Trung Quốc). 

Điều ‘Bắc sử’ ghi lại không chỉ là lịch sử chia cắt phương bắc mà chúng ta nói hiện nay, mà nó đã đem toàn bộ lịch sử triều Tuỳ cũng ghi chép trong đó. Ban đầu, thời ‘Nam bắc đối trĩ’ (南北對峙: Nam bắc sóng đôi) lấy sông Hoài Hà làm biên giới 2 vùng, nhưng do phương nam nho nhã yếu ớt, còn phương bắc mạnh mẽ cứng rắn, cho nên biên giới của phương nam không ngừng hướng về nam, mãi lui về đến phía nam sông Trường Giang.

Ở tập 1: Hợp cửu tất phân, khi nói về đặc điểm thời kỳ ‘Ngũ Hồ thập lục quốc’, Giáo sư Chương đã giảng, sau ‘Vĩnh Gia chi loạn’ đã phát sinh 3 chiều hướng tương đối lớn:

  • Thứ nhất là ‘văn hoá đại thiên di’.
  • Thứ hai là ‘dân tộc đại dung hợp’.
  • Thứ ba là ‘Phật giáo đại phát triển’.

Giáo sư Chương sẽ lấy 3 chiều hướng này làm đầu mối để tổng kết một chút về lịch sử Nam Bắc triều.

3 thế hệ nhà Thác Bạt Đảo nỗ lực thống nhất phương bắc

Bắc Nguỵ thống nhất vào năm 439, do một người tộc Tiên Ti là Thác Bạt Đảo hoàn thành. Tổ phụ (祖父: ông nội) của Thác Bạt Đảo là Thác Bạt Khuê đã từng bước khuếch trương thế lực. Vốn dĩ Tiên Ti là dân tộc du mục phương bắc, cậu của Thác Bạt Khuê là Mộ Dung Thuỳ tộc Tiên Ti – chính là người năm đó xúi giục Phù Kiên phát động ‘Phì Thuỷ chi chiến’.

Thác Bạt Khuê là người rất có tài cán, dưới sự giúp đỡ của Mộ Dung Thuỳ, ông đã đánh bại dân tộc Nhu Nhiên phương bắc, sau đó không ngừng khuếch trương thế lực. Sau này Mộ Dung Thuỳ cảm thấy người cháu ngoại này đã hình thành uy hiếp đối với mình, cho nên giữa Mộ Dung Thuỳ và Thác Bạt Khuê đã phát sinh 2 cuộc chiến tranh.

Mộ Dung Thuỳ xác thực là rất lợi hại, đã đánh bại Thác Bạt Khuê. Nhưng ở trận chiến thứ hai vào năm sau, Mộ Dung Thuỳ bệnh chết. Sau khi Mộ Dung Thuỳ mất, Thác Bạt Khuê đã tiêu diệt nhà Hậu Yên. Đến thời con trai của ông là Thác Bạt Tự và cháu trai là Thác Bạt Đảo, dưới sự nỗ lực của 3 đời (Thác Bạt Khuê, Thác Bạt Tự và Thác Bạt Đảo), cuối cùng vào năm 439 đã thống nhất được phương bắc.

Tranh vẽ Thác Bạt Đảo. Năm 439, ông đã thống nhất phương bắc.

Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoằng tiến hành ‘Hán hoá’ tấn tốc mạnh mẽ

Sau khi Thác Bạt Đảo thống nhất phương bắc, ông bắt đầu kinh doanh với Tây Vực, có thể nói rằng thế lực tộc Tiên Ti ở phương bắc thời đó vô cùng cường đại. 

Sau khi Thác Bạt Đảo tạ thế, Bắc Nguỵ sa vào thời kỳ tranh đoạt quyền lực liên miên. Đến năm 471, hậu duệ của Thác Bạt Đảo tên là Thác Bạt Hoằng kế vị, đây là Hiếu Văn Đế thời Bắc Nguỵ rất nổi tiếng trong lịch sử. 

Tranh vẽ Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoằng. Năm 471, ông kế vị khi mới 5 tuổi.

Thác Bạt Hoằng khi kế vị chỉ mới 5 tuổi, toàn bộ quyền lực nằm trong tay của Thái hoàng thái hậu họ Phùng. Phùng Thái hoàng thái hậu có bối cảnh gia tộc là người Hán, cho nên có thể nói bà ấy rất tôn sùng văn hoá người Hán. Do đó vào thời ấy, Bắc Nguỵ đã bắt đầu công tác ‘Hán hoá’ một bộ phận, ví như bắt đầu coi trọng nông nghiệp, Nho học v.v.

Đến năm 490, Phùng Thái hoàng thái hậu bệnh mất, lúc này Hiếu Văn Đế bắt đầu tự mình chấp chính. Sau đó ông đã bắt đầu một loạt hoạt động ‘Hán hoá’ tấn tốc mạnh mẽ.

Năm 493, Hiếu Văn Đế lấy danh nghĩa nam chinh để dời đô thành từ Bình Thành (nay thuộc Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây) xuống Lạc Dương.

Năm 493, Bắc Nguỵ dời đô về phía nam, từ Bình Thành chuyển về Lạc Dương.

Việc dời đô này có vài chỗ tốt. Chỗ tốt thứ nhất, Lạc Dương là trung tâm của văn hoá Trung Quốc. Chúng ta biết rằng, bắt đầu từ thời Đông Hán đến khi Tào Phi kiến lập nhà Nguỵ, sau này đến Tây Tấn… đều lấy Lạc Dương làm đô thành, như thế tương đương với việc văn hoá chính thống Trung Hoa nằm chính tại địa phương này. Do đó đối với người muốn ‘Hán hoá’ như Hiếu Văn Đế mà nói, việc có thể chiếm cứ được Lạc Dương là điều lý tưởng trong tâm mắt của ông.

Chỗ tốt thứ hai, hễ đến Lạc Dương, thì đã cách xa tộc Nhu Nhiên ở phía bắc, mà Nhu Nhiên là uy hiếp ở phía bắc của Bắc Nguỵ; đồng thời cũng dễ dàng khuếch trương lãnh thổ ở phương nam. Do đó năm 493, Hiếu Văn Đế thiên đô (遷都: dời đô).

Sau khi thiên đô, ban đầu một số quý tộc Tiên Ti phản đối, nhưng Hiếu Văn Đế đã dùng quyền uy Hoàng đế bắt đầu thúc đẩy một loạt chính sách cấp tiến. 

Ví như ai đó muốn làm quan ở chính phủ trung ương, người đó phải nói Hán ngữ, không thể nói tiếng Tiên Ti; những người trên 30 tuổi nếu còn nói tiếng Tiên Ti, thì lập tức khai trừ, không cho làm quan nữa; sau đó còn cấm chỉ việc mặc y phục Tiên Ti, mà phải thay đổi thành Hán phục; khuyến khích quý tộc Tiên Ti thông hôn với người Hán, mà không khuyến khích thông hôn nội bộ người Tiên Ti với nhau; đồng thời còn quy định quý tộc Tiên Ti sau khi chết không được đem xương cốt an táng ở phương bắc, mà phải đặt quê quán ở Lạc Dương, để họ định cư, an táng, kết hôn ở Lạc Dương; đề xướng Nho học v.v. 

Hiếu Văn Đế còn muốn quý tộc Tiên Ti đổi họ thành họ của người Hán. Chúng ta biết rằng họ của tộc Tiên Ti rất dài; ví như họ Thác Bạt, Trưởng Tôn… Hiếu Văn Đế đi đầu trong việc này, ông đã đổi tên của ông từ ‘Thác Bạt Hoằng’ sang ‘Nguyên Hoằng’, tức đổi họ ‘Thác Bạt’ thành họ ‘Nguyên’.

Hiếu Văn Đế đổi họ cho giống người Hán, từ Thác Bạt Hoằng thành Nguyên Hoằng.

Vì những chính sách của ông rất cấp tiến, nên cũng nhanh chóng hoàn thành quá trình ‘Hán hoá’ của người Tiên Ti.

Sự chống cự đối với chính sách cấp tiến ‘Hán hoá’ của Hiếu Văn Đế

Thái tử bị giết

Đương nhiên những quý tộc cũ của Tiên Ti cũng chống cự rất ngoan cường, do đó đã nổ ra 2 sự kiện, một là Thái tử bị giết, hai là 6 trấn ở phương bắc xảy ra phản loạn (Lục trấn phản loạn – 六鎮叛亂)

Con trai của Hiếu Văn Đế cũng rất phản đối việc Hán hoá. Có một lần Hiếu Văn Đế xuất hành đến Tung Sơn, ông đã để Thái tử giám sát quốc gia, có quốc gia đại sự thì để Thái tử xử lý. Kết quả Thái tử chuẩn bị kế hoạch… chạy trốn. Thái tử chuẩn bị chạy từ Lạc Dương đến Bình Thành.

Khi đó một người nhận được uỷ thác của Hiếu Văn Đế để dạy dỗ Thái tử đã bị Thái tử giết. Sau khi nghe tin, Hiếu Văn Đế đại nộ, ông trở về rồi phế Thái tử. Sau khi phế được một năm, Hiếu Văn Đế đã đầu độc chết Thái tử.

Do đó chúng ta thấy rằng, vì để ‘Hán hoá’ mà Hiếu Văn Đế đã không tiếc trả giá.

Lục trấn phản loạn

Còn có một sự kiện nữa đó là ‘Lục trấn phản loạn’ ở phương bắc.

Khi Hiếu Văn Đế thiên đô về Lạc Dương, đã tránh được sự uy hiếp của tộc Nhu Nhiên ở phương bắc. Như thế vùng đất ở giữa sau khi dời đô về nam, tức vùng phía nam núi Âm Sơn và phía bắc sông Hoàng Hà, chính quyền Bắc Nguỵ đã thiết lập 6 trấn, tương với 6 tập đoàn quân sự để chống lại Nhu Nhiên ở phương bắc.

Ban đầu 6 trấn rất được coi trọng vì họ là rường cột quốc gia, là tấm bình phong bảo vệ quốc thổ của Bắc Nguỵ. Nhưng sau khi dời đô về Lạc Dương, Bắc Nguỵ bắt đầu ‘Hán hoá’. 

Giáo sư Chương thường giảng một dân tộc là một khái niệm văn hoá chứ không phải huyết thống, cho nên sau khi về phương nam thì các quý tộc của Bắc Nguỵ bắt đầu ‘Hán hoá’, sinh hoạt của họ giống như người Hán, chúng ta sẽ nhìn không rõ sự khác biệt giữa người Hán và người Tiên Ti. Nhưng những nhà quân phiệt của 6 trấn phương bắc vẫn bảo trì được tập tính sinh hoạt của tộc Tiên Ti; cho nên quý tộc Tiên Ti của 6 trấn này và quý tộc Tiên Ti ở Lạc Dương phương nam cứ như là 2 dân tộc khác nhau vậy.

Trước đó nữa, những quý tộc Tiên Ti phương bắc này còn có thể làm quan lớn ở chính phủ trung ương, bởi vì họ có thể lập công ở biên ải, làm rất nhiều cống hiến. Nhưng hiện nay do chính phủ trung ương ‘Hán hoá’, những quý tộc Tiên Ti này ngay cả Hán ngữ cũng không biết nói, nên những quý tộc này không thể làm quan ở chính phủ trung ương, do đó họ vô cùng bất mãn với tình cảnh hiện tại.

Vì sự thay đổi này đã dẫn đến sự chia rẽ dân tộc. Đến năm 523 đã xảy ra phản loạn của 6 trấn ở phương bắc, đại loạn kéo dài 4 năm. 

Sự trỗi dậy của Nhĩ Chu Vinh

Trong quá trình trấn áp phản loạn, đã xuất hiện sự quật khởi của một nhà quân phiệt đồn trú ở Tấn Dương (nay thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) tên là Nhĩ Chu Vinh (爾朱榮). Đây là người vùng Nhĩ Chu Xuyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông lấy tên đất làm họ, họ kép là Nhĩ Chu, còn tên là Vinh. 

Nhĩ Chu Vinh quật khởi (崛起: trỗi dậy), trở thành nhà quân phiệt có thế lực vô cùng lớn, đã bình định phản loạn 6 trấn. 

Lúc này nội bộ hoàng thất của Bắc Nguỵ cũng xảy ra vấn đề, chính là khi Hiếu Minh Đế khi ấy của Bắc Nguỵ có quan hệ không thể với Hồ Thái hậu, kết quả Hồ Thái hậu đầu độc chết Hiếu Minh Đế. Nhĩ Chu Vinh lấy danh nghĩa báo thù cho Hoàng đế mà đem quân tấn công đô thành Lạc Dương. Sau khi tiến vào Lạc Dương, Nhĩ Chu Vinh đã ném Hồ Thái hậu và tiểu Hoàng đế 2 tuổi mới lập tên là Nguyên Chiêu xuống sông Hoàng Hà dìm chết. 

Khi Nhĩ Chu Vinh tiến vào Lạc Dương, ông tồn tại một loại cảm giác sợ hãi và ngăn cách đối với tập đoàn quan lại phương nam. Nhĩ Chu Vinh cảm thấy quan lại phương nam sẽ uy hiếp mình, thế là ông lừa họ đến bờ sông Hoàng Hà để tế Trời. Nhĩ Chu Vinh triệu tập văn võ bá quan đến bờ sông Hoàng Hà, ông chỉ huy quân đội bao vây văn võ bá quan, để cho binh sĩ tha hồ đồ sát. Khi đó chốc lát đã hạ sát được 2000 người. 

Lúc này có thể nói quan lại ở Bắc Nguỵ bị đồ sát không còn một mống. Lịch sử gọi thảm hoạ này là ‘Hà âm chi biến’ (河陰之變).

Sau ‘Hà âm chi biến’, khi đó bách quan bị giết đến mức độ nào? Lúc này Nhĩ Chu Vinh đã lập một Hoàng đế tên là Hiếu Trang Đế, khi Hiếu Trang Đế kế vị, mãn triều văn võ chỉ có một Tán kỵ thường thị (散騎常侍: một chức quan, tương đương thị tùng người hầu của Hoàng đế) tên là Sơn Vĩ đến chúc mừng. Điều này nghĩa là toàn hộ tập đoàn quan lại đều bị sát hại. 

Dù Hiếu Trang Đế được Nhĩ Chu Vinh lập, nhưng Hoàng đế vô cùng bất mãn đối với Nhĩ Chu Vinh. Nhĩ Chu Vinh thời đó cũng không dám ở lại Lạc Dương, bởi vì ông biết rằng sau khi mình làm việc đồ sát quan lại thì người dân rất phẫn nộ, còn sĩ tộc phương bắc cũng hận ông ta đến tận xương tuỷ. Thế là Nhĩ Chu Vinh về lại Tấn Dương. 

Sau này Hiếu Trang Đế lại mời Nhĩ Chu Vinh vào đại điện, ông đã sắp đặt một kế, giấu một chuỷ thủ (dao găm) ở chỗ đầu gối. Khi Nhĩ Chu Vinh diện kiến Hoàng đế, Hiếu Trang Đế rút đao giết Nhĩ Chu Vinh.

Việc dời đô và ‘Hán hoá’ của Hiếu Văn Đế thời Bắc Nguỵ đã thúc đẩy đại dung hợp của dân tộc Trung Hoa, nhưng cũng vì thế mà dẫn khởi ‘Lục trấn phản loạn’ ở phương bắc. 

Trải qua một cuộc hỗn chiến và đồ sát, quân đội Bắc Nguỵ đã phân thành 2 nhà quân phiệt đông tây, Cao Hoan ở phía đông và Vũ Văn Thái ở phía tây. Mỗi người đều lập hậu duệ của Thác Bạt Đảo làm Hoàng đế. Chính quyền chia cắt này có thể tồn tại bao lâu, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 3: Nam bắc đối trĩ.

(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 3.