Người Nhật ban đầu chào đón MacArthur với sự hoài nghi, nhưng đến khi ông trở về nước, họ đã tiễn ông với những giọt nước mắt biết ơn và trân trọng.

Khi Douglas MacArthur, 65 tuổi, được bổ nhiệm làm Tư lệnh tối cao tại Nhật Bản của Lực lượng Đồng minh (SCAP) vào tháng 8/1945, ông trở thành người quyết định số phận của đất nước châu Á này sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Ông đến Tokyo vào ngày 30/8, và được giao nhiệm vụ giám sát việc xuất ngũ của các lực lượng quân sự Nhật Bản cũng như khôi phục nền kinh tế của đất nước này. Ngày 2/9/1945, khi chính thức chấp nhận sự đầu hàng của quân Nhật Bản trên tàu USS Missouri ở Vịnh Tokyo, ông cam kết rằng sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để tạo ra một thế giới tốt hơn cho người dân Nhật Bản.

MacArthur ký vào Văn kiện đầu hàng của Nhật Bản trên tàu USS Missouri. Tướng Mỹ Jonathan Wainwright và Tướng Anh Arthur Percival đứng đằng sau ông (ảnh: Wikipedia).

Trong khoảng thời gian ngắn 6 năm, ông đã làm việc chăm chỉ để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ chế độ phong kiến Nhật Bản và cải cách hệ thống chính trị, kinh tế, giáo dục hoàn toàn dựa trên mô hình của Mỹ. Ông đã mở đường cho Nhật Bản trở thành một quốc gia tiến bộ và thịnh vượng.

Yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ, cấm quân đội tấn công và cướp đồ ăn của người Nhật

Sau khi đến Nhật Bản, MacArthur đã ngay lập tức cấm quân đội Đồng minh tấn công người Nhật và lấy thức ăn của họ. Ông yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cứu trợ thực phẩm khẩn cấp cho Nhật Bản để ngăn chặn nạn đói và bất ổn chính trị. Sau chiến tranh, Nhật Bản ở trong tình trạng nghèo đói với 9 triệu người vô gia cư, 13 triệu người thất nghiệp và 10 triệu người đang sống trong nạn đói.

Trong hoàn cảnh chi phí thực phẩm đã tăng 7,5 lần, ưu tiên của MacArthur là đưa ra giải pháp để giải quyết nạn đói. Ông thiết lập một mạng lưới phân phối thực phẩm và giảm quân số quân nhân Hoa Kỳ xuống còn 200.000 người, tận dụng thực phẩm dư thừa để giúp đỡ người dân Nhật Bản.

Trong năm tài chính 1946, Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp cứu trợ thực phẩm khẩn cấp trị giá 92 triệu đô la Mỹ. Quốc hội Hoa Kỳ đã đáp ứng tất cả các yêu cầu để chu cấp cho những người Nhật đang đói khát theo đề nghị của MacArthur. Kết quả là vào năm 1948, các công chức Nhật Bản được hưởng chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày. Năm 1949, trữ lượng lương thực của Nhật lên tới 3 triệu tấn, trong khi sản lượng gạo năm 1950 đạt 9,5 triệu tấn. Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch bãi bỏ chương trình tem thực phẩm vào tháng 4/1951 nhưng phải hoãn lại vì Chiến tranh Triều Tiên và sự can dự bất ngờ của Trung Quốc.

MacArthur khuyến khích hình thành nền dân chủ kiểu Mỹ. Ông tiếp tục thúc đẩy cải cách dân chủ của Nhật Bản bằng cách ban hành Chỉ thị Shinto (Thần đạo) để bãi bỏ sự ủng hộ của nhà nước đối thế lực mà quân Đồng minh cho rằng đã đóng góp phần lớn nguyên nhân dẫn đến Thế chiến II.

Vào ngày 4/10/1945, ông cũng ra lệnh thả tất cả các tù nhân chính trị, và quyết định xét xử và trừng phạt tất cả các tội phạm chiến tranh của Nhật Bản.

Để thực hiện điều đó, các thẩm phán Mỹ đã tổ chức nhiều tòa án quân sự khác nhau, phát hiện ra hơn 5.700 quan chức có tội, trong đó 149 người bị kết án tử hình. Có 28 nhà lãnh đạo quân sự và chính trị đã bị xét xử và buộc tội tại Toà án quân sự quốc tế Viễn Đông ở Tokyo, 25 trong số đó bị kết tội, với 6 bị cáo bị kết án tử hình.

Phi quân sự hóa nhưng cương quyết giữ lại ngai vàng cho Nhật hoàng

MacArthur chủ trương tạo ra một Nhật Bản phi quân sự hóa, dân chủ hóa và phi tập trung hóa. Chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh được trao quyền kiểm soát trực tiếp các đảo chính của Nhật Bản (Honshu, Hokkaido, Shikoku, Kyushu) và các đảo xung quanh để hạn chế chủ quyền quốc gia, trong khi các tài sản xa xôi bị chia rẽ giữa các cường quốc Đồng minh khác.

Sự chiếm đóng kéo dài trong 6 năm 8 tháng và kết thúc vào ngày 8/9/1951, khi 51 quốc gia ký Hiệp định Hòa bình San Francisco. Sau khi Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 28/4/1952, Nhật Bản trở thành một quốc gia có chủ quyền độc lập, và năm 1956, đã gia nhập Liên hợp quốc.

Hoa Kỳ đã huy động 350.000 quân đóng quân tại Nhật Bản để đảm bảo Nhật tuân thủ các điều khoản đầu hàng. Lính Mỹ giải phóng tù nhân, sa thải tất cả các quan chức quân đội, giải giáp và giải tán Quân đội Nhật Bản, buộc hơn 7 triệu lính Nhật phải nghỉ hưu và trở về với gia đình.

Ngoài ra, Hải quân Nhật Bản cũng bị bãi bỏ, đồng thời tất cả đạn dược, vũ khí và tất cả các thiết bị quân sự bị phá hủy. Ngành công nghiệp quân sự chuyển sang sản xuất hàng tiêu dùng.

Với sự quyết liệt của MacArthur, Hoàng đế Hirohito sẽ vẫn ở trên ngai vàng.

Quyết định cho phép Hoàng đế giữ ngai vàng là một điều gây tranh cãi. Nó đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Đồng minh, những người đã thúc đẩy việc xét xử Hirohito như một tội phạm chiến tranh. Trong khi Hirohito tự nhận trách nhiệm hoàn toàn cho Chiến tranh Thái Bình Dương, MacArthur coi Hoàng đế là biểu tượng của Nhật Bản – một sự ổn định và hài hòa – và cho rằng ý tưởng xét xử Nhật hoàng sẽ không được người dân Nhật Bản ưa chuộng.

MacArthur và Hoàng đế Nhật Bản, Hirohito, tại cuộc họp đầu tiên của họ, tháng 9 năm 1945 (ảnh: Internet).

Nếu không có sự hiện diện của Hoàng đế, Đại tướng nghĩ rằng quốc gia sẽ rơi vào hỗn loạn, vì nó sẽ bị chia rẽ do các cuộc đấu tranh phe phái, dẫn đến bất ổn chính trị. Ông đưa ra giả thuyết rằng binh lính Nhật Bản sẽ phát động một cuộc chiến du kích chống lại quân chiếm đóng. Quyết định của McArthur đã truyền được cảm hứng, vì người dân Nhật Bản có truyền thống tuân theo nghiêm ngặt lời nói của Hoàng đế và họ không có bất kỳ ý định tấn công nào đối với quân chiếm đóng.

MacArthur và Hoàng đế Hirohito đã gặp nhau tổng cộng 11 lần và Hoàng đế đã chấp nhận các chính sách của chính phủ Nhật Bản được đưa ra dưới sự hướng dẫn của MacArthur. Vào ngày 1/1/1946, Hirohito đọc Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân loại (Ningen-sengen) trên đài phát thanh. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hoàng đế tuyên bố rằng ông là một người bình thường, từ bỏ khái niệm trở thành một vị Thần sống, điều đó có nghĩa là ông cũng từ bỏ quyền lực tối cao của mình đối với quốc gia. Tuyên bố này của Nhật hoàng đã khiến MacArthur trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại Nhật Bản.

Mang lại tự do đích thực cho người Nhật

Đồng thời với việc xóa bỏ triệt để chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, MacArthur đã phát động một cuộc cải cách dân chủ toàn diện của Nhật Bản về chính trị, kinh tế và giáo dục, bắt đầu từ việc sửa đổi Hiến pháp.

Ông đã thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp Meiji, được ban hành vào năm 1889, để dân chủ hóa đất nước. Vào tháng 2/1946, dự thảo đầu tiên đã được đệ trình, nhưng nó không được Đại tướng chấp nhận. Ông lập nên một Hội đồng gồm 25 người Mỹ và yêu cầu họ soạn thảo Hiến pháp mới trước cuộc họp của quân Đồng minh (26/2/1946), để nước ngoài không thể can thiệp vào chính trị Nhật Bản.

MacArthur vào năm 1945 (ảnh: Wallhere).

Hiến pháp mới do người Mỹ soạn thảo thể hiện quan điểm của Hoa Kỳ về tự do, dân chủ và chủ nghĩa biệt lập. Hoàng đế bị tước bỏ quyền lực tối cao và chỉ đóng vai trò là một biểu tượng của Nhà nước và sự thống nhất của nhân dân, cũng như trụ cột tinh thần của chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản, còn quyền lực thực sự được chuyển giao cho người dân.

Quan trọng nhất, Điều thứ Chín Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ: “Chiến tranh, như một quyền lực tối cao của quốc gia đã bị bãi bỏ. Nhật Bản từ bỏ nó như một công cụ để giải quyết tranh chấp và thậm chí để bảo vệ an ninh của chính mình. Không có lực lượng quân đội, hải quân hoặc không quân Nhật Bản nào được ủy quyền và tham chiến”.

Hiến pháp cũng đảm bảo các quyền kháng cự cơ bản của con người, mang lại cho người dân Nhật Bản quyền tự do ngôn luận và hội họp. Nó cũng cho phép người phụ nữ có quyền bầu cử.

Vào ngày 10/4/1946, Nhật Bản đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và bầu ra chính phủ đầu tiên cùng thủ tướng hiện đại đầu tiên của mình – Shigeru Yoshida. Hoàng đế Hirohito và đại đa số người dân Nhật Bản đều ủng hộ Hiến pháp mới. Ngày 3/11/1946, Hoàng đế trình bày Hiến pháp trước Quốc hội, bắt đầu thực hiện nó từ ngày 3/3 năm sau – đánh dấu chiến thắng về cải cách chính trị.

Cải cách kinh tế, tăng trưởng phúc lợi

Trong khi thực hành dân chủ hóa đất nước, MacArthur cũng tiến hành những cải cách kinh tế táo bạo. Ông đã thực hiện cải cách ruộng đất và phân phối lại quyền sở hữu trong hệ thống nông nghiệp, điều này không chỉ cải thiện nền kinh tế mà còn cả phúc lợi của nông dân.

Đây được coi là mô hình cải cách ruộng đất thành công nhất trên thế giới và bản thân Đại tướng nói rằng đây là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông. Các chủ đất đã buộc phải bán tất cả số đất mà họ không cày cho nhà nước với giá định sẵn. Nhà nước sau đó đã bán đất cho những người nông dân không sở hữu đất, ưu tiên cho những người đang canh tác đất. 

Ngoài ra, ông cũng tổ chức lại các tổ chức công đoàn và mở rộng quyền lực của họ, trao cho người lao động quyền đình công.

Chạm đến trái tim người Nhật

MacArthur đã hướng dẫn những người lính Mỹ tôn trọng người dân địa phương, bao gồm cởi giày trước khi vào nhà, tôn trọng các chuẩn mực văn hóa và giúp đỡ những trẻ em kém may mắn.

Những điều nhỏ bé như vậy đã làm thay đổi thái độ của người Nhật đối với lính Mỹ, từ sợ hãi sang tôn trọng. Trong vòng 6 tháng ngắn ngủi trên đất Nhật Bản, người dân địa phương đã không cảm thấy mối đe dọa nào từ phía lính Mỹ. 

MacArthur không đi du lịch nhiều ở Nhật Bản và hiếm khi tiếp xúc với người Nhật, mà chỉ gặp gỡ với một vài quan chức cấp cao của Nhật Bản, nhưng một số lượng lớn người Nhật vẫn bị ông chinh phục. Hầu hết các công dân đối xử với ông bằng sự tôn trọng giống như cách họ đối xử với Hoàng đế của mình và coi ông như là vị cứu tinh của Nhật Bản.

Họ tặng ông vô số quà tặng và gửi tới ông khoảng nửa triệu lá thư. Nhiều người bày tỏ lòng biết ơn đối với các chính sách hào phóng của ông.

Một bức tượng của Tướng Douglas MacArthur, được thiết kế bởi Walker Hancock, được đặt bên ngoài Đài tưởng niệm MacArthur ở Norfolk Virginia (ảnh: Shutterstock).

Những lá thư này nhiều đến nỗi họ đã truyền cảm hứng cho nhà văn Nhật Bản Sodei Rinjiro viết một cuốn sách tên là “Kính gửi Tướng MacArthur: Thư của người Nhật trong thời kỳ chiếm đóng của Mỹ” xuất bản năm 2001. Tác giả Sodei đã đọc hơn 10 nghìn bức thư và trích dẫn 120 bức trong cuốn sách của mình.

Mặc dù Gai Gaijin Shogun (vị tướng nước ngoài) này gần như hoàn toàn kiểm soát đất nước, người dân Nhật Bản vẫn thích ông. Họ nghĩ rằng ông đang giải phóng họ khỏi chiến tranh, khỏi sự áp bức của chế độ chính trị độc tài Nhật Bản, cũng như khỏi sự tuyệt vọng và đói khát.

Năm 1949, MacArthur đã thực hiện một sự thay đổi sâu rộng trong cấu trúc quyền lực SCAP để làm tăng đáng kể sức mạnh của những người cai trị bản địa Nhật Bản, và sự chiếm đóng bắt đầu đi tới thoái trào. Ông đã trao lại quyền lực cho chính phủ Nhật Bản nhưng vẫn ở lại Nhật Bản cho đến khi được Tổng thống Harry S. Truman triệu hồi vào ngày 11/4/1951.

Rất đông người Nhật Bản đứng bên đường tiễn tướng MacArthur (ảnh chụp màn hình Youtube).

Trên đường từ nơi cư trú đến sân bay Atsugi, hàng trăm ngàn người Nhật đã đứng xung quanh tòa nhà để tiễn ông. Họ đi cùng ông với tiếng hô vang dội: Nguyên soái!

Sự khôn ngoan và hiểu biết chính trị của ông, cùng với sự bao dung của ông đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Nhật Bản. Ông đã giúp Nhật Bản chuyển sang một kỷ nguyên phát triển mới, trong 10 năm, Nhật Bản trở thành nền kinh tế hùng mạnh thứ hai trên thế giới, tự hào là một xã hội ổn định và phát triển.

Nhờ những đóng góp đáng trân trọng của mình, MacArthur đã được người Nhật vinh danh là một trong Mười hai người tạo dựng nước Nhật (The Twelve Men Who Made Japan) trong cuốn sách cùng tên của Sakaiya Taichi xuất bản năm 2003. Chính sách và sự tôn trọng của ông đã góp phần tạo ra Nhật Bản hiện đại như chúng ta biết ngày nay.

Thuần Dương
Theo The BL