Trung hoa xưa được gọi là xứ Thần Châu, nơi có nền văn hóa Thần truyền rực rỡ 5.000 năm. Nói đến văn hóa Thần truyền, không thể không kể đến các con chữ tượng hình, thông qua các áng văn, lời thơ mà truyền tải lời nói của Thần về Đức, về Đạo. Nó như kim chỉ nam chỉ đạo những con chữ sinh thành dưới ngọn bút lông, là cái Chí, là quan niệm nghiêm túc về cuộc sống, nhằm định hướng cho cả một cộng đồng đi vào cái Đẹp của Đạo Đức cao cả. Xin mời các độc giả chiêm nghiệm điều đó qua tìm hiểu về chữ “Phối”, chữ “Hợp” và chữ “Điều” trong cảm ngộ của người xưa.

Ý nghĩa sâu xa của chữ “Phối”, chữ “Hợp” và chữ “Điều”

Chữ “Phối”-  – trong “phối hợp, điều phối, phối âm, phối khí, phối nhạc…”, gồm có bên trái là chữ DẬU trong 12 địa chi: Tý , Sửu, Dần… Thân, DẬU, Tuất, Hợi.

Nó được dân gian gắn cho hình tượng con Gà. Tuổi Dậu là tuổi Gà. Thời gian của một ngày có “Sáng,Trưa, Chiều, Tối” ứng với ẩn dụ “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, thì đời người khi đến Dậu là qua Lão và đối đầu với những năm tháng ê chề của chữ Bệnh để rồi đi về cõi bên kia là Tử. Không biết trôi nổi giữa bao lớp sóng luân hồi, có ai được đầu thai để làm người để đi qua cái chữ Dậu chập chờn này nữa không?

Ứng với một ngày thì Dậu là thời gian từ 5 giờ chiều đến 7 giờ chiều. Dân Á Đông hình như không mặn mòi với sự chi ly của thời gian. Một Thời Thần của cha ông ta là 2 giờ đồng hồ Tây! Thực ra ý nghĩa nhân sinh với cha ông mình không có bao lăm. Một Thế (thế hệ) chỉ 30 năm; một kỷ (chu kỳ trái đất) có 60 năm. Cho nên bài hát nào đó: “Em ơi, 60 năm cuộc đời” là nhìn dưới góc độ người Á Đông.

Mười hai con giáp. (Ảnh: Autoxe)

Nếu như con người sống là luân hồi, để trả nợ Nghiệp thì 50 năm bị hành trên thế gian là quá đủ cho người ta bầm dập rồi. Do đó, cái giới hạn ít ỏi của đời người, cùng với quan niệm về thời gian chậm rãi thường nhật cho người ta sống chậm, rất có ý vị với văn hóa phương Đông…. Nếu lan man bàn vấn đề này thì sẽ là câu chuyện Tết Ta có nên giữ hay là Tết Tây?

Chữ bên phải của PHỐI là “Kỷ” trong Thập Can: Giáp, Ất, Bính , Đinh, Mậu, KỶ,…Nó đứng vị trí số 6, số chẵn nên nhận những giá trị Âm Tính theo quan điểm Đạo Gia.

Bản thân chữ PHỐI còn tồn tại một cách hiểu nữa. Chúng song song tồn tại khi đoàn tàu tư duy phân tích của chúng ta lăn bánh. Nhưng hai đường thẳng song song này sẽ gặp nhau khi chúng ta dừng lại để tổng hợp những gì đã phân tích.

Nhìn chữ PHỐI ở góc khác thì đó là 2 chữ TỬU (rượu) và KỶ (mình).

Truy nguyên chữ này người ta thấy một hình ảnh rất cụ thể: Có một người đang quỳ bên một bình rượu lớn.

Tôi đã từng nghe kể về những con người được trời đất cho cái mũi và cái lưỡi thiên phú. Cả sự nghiệp của họ là nhờ cái bản năng trời cho này. Những hãng nước hoa nổi tiếng; những nhà hàng sang trọng cần những người này để pha chế gia giảm cho quý ông bà khó tính ngửi và uống rượu thông qua pha chế hàm lượng của rất nhiều thứ khác nhau! Một ly rượu sau khi đã pha chế có khi đắt hơn cả chục chai rượu thượng hạng. Một sản phẩm nước hoa mới pha chế có khi đắt hơn chục lần một hiệu nước hoa trước đó của cùng một hãng…

Hóa ra, người xưa cũng đã có những người kỳ tài này. Và cũng đã có những người sinh ra để mà… thưởng thức họ.

Đặc biệt, trong những đám cưới xưa, người ta luôn pha chế rượu về mùi vị, về sắc màu cho đôi tân hôn và cho rất nhiều các quý khách thích thưởng thức rượu.

(Ảnh: Twitter)

Bây giờ ta thử điểm qua một số nghĩa của PHỐI trong các cuốn Từ Điển tiếng Trung hiện đại. Tôi chọn ra đây một số nghĩa của PHỐI:

* Tạo màu rượu.
* Đôi lứa, vợ chồng.
* Nam nữ kết hôn; Như: hôn phối 婚 配.
* Sánh đôi, sánh ngang
* Hợp, kết hợp.
*Điều hòa, điều chỉnh; Như: phối dược 配藥 pha thuốc, phối sắc 配色 pha màu, phối nhãn kính 配眼鏡 điều chỉnh kính đeo mắt.Trong nghĩa gốc thì chính là PHỐI TỬU: điều hòa, điều chỉnh, pha màu và vị cho rượu, phù hợp với rất nhiều đối tượng khác nhau.

Hóa ra, chữ Phối xuất hiện và mở rộng nghĩa từ sự kiện người ta… nên vợ, nên chồng theo quy luật của ông Trời đã định. “Phối” là sản phẩm làm cho vợ chồng nhường nhịn nhau, chung sống với nhau tới đầu bạc răng long.

Hôn nhân ngày xưa luôn có sự hoàn hảo, hòa hợp; tinh tế và cao thượng. Cái cách pha rượu và chén rượu được pha đặc biệt cho vợ chồng uống trong tiệc cưới hóa ra là một biểu tượng! Cuộc trăm năm cần phải PHỐI mới giữ trọn được Đạo phu thê. Công phu lắm, nghệ sỹ lắm, tinh tế lắm. “Tương kính như tân” là cách mà ông bà dạy những lứa đôi sau khi giao bôi cùng chén rượu hồng…

Hình tượng khi chiều về (giờ Dậu), một mình (chữ Kỷ là cá nhân đơn độc) ngồi tựa cửa nhìn xa ngóng mọi thành viên trong gia đình về sum họp bên bàn ăn buổi tối… Cho ta thấy chữ Phối có ý nghĩa sâu xa và thiêng liêng biết bao trong quan hệ của người xưa.

Chữ PHỐI đã được mở rộng ngoài quan hệ vợ chồng thân thuộc, ngoài cái người pha rượu và người thưởng thức rượu. Nhưng cái nghĩa gốc vẫn phải duy trì. Người pha rượu ấy có thể gặp trong khái niệm: người ĐIỀU PHỐI một hạng mục nào đó gồm nhiều người tham gia.

(Ảnh: Pinterest)

Đã là người pha rượu, chế nước hoa thì tiêu chuẩn đầu tiên phải là người có am hiểu rất tinh về sản phẩm.

Người điều phối là người phải am hiểu chuyên môn về sản phẩm mình định chế tạo. Phải có máu nghệ sỹ để biến điệu những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân nhưng phải phù hợp với mọi người!

Đặc điểm thứ hai là, người điều phối phải phục vụ thỏa mãn tất cả các thành viên của mình. Các sản phẩm không hoàn toàn một khuôn theo lối sản phẩm công nghệ. Nó được tài hoa của người đó phối màu, phối khí, phối âm….Và ,” phối ẩm” sao cho ai uống cũng thấy hợp lý. Nhà hàng đưa ra một số thùng rượu, một số chất liệu cố định, nhưng người biết Phối thì ai cũng khen. Không thể có chung một loại sản phẩm nào cho mọi người dùng như là sự cưỡng bức, ép buộc!

Chữ Điều trong tiếng Hán

Nghĩa gốc của nó là “Cành nhỏ”. Từ đó mà có các nghĩa phái sinh:

* Hạng mục, điều mục (như: điều khoản 條款, điều lệ 條例).
* Thứ tự, hệ thống (như: hữu điều bất vấn 有條不紊 có mạch lạc không rối).
* Thông suốt, không trở ngại.

Như vậy, người Điều Phối nhìn được hạng mục một cách tổng thể như nhìn cái cây. Nhưng sau đó, người ấy phải biết phân hạng mục một cách rất tự nhiên, rất hợp lý, rất đẹp như các cành của cây. Chúng liên đới một cách thứ tự, hệ thống tùy kỳ tự nhiên như không có sự sắp đặt. Mà thực ra đã có cái tâm cái tài của người biết sắp đặt!

Bây giờ chúng ta hãy nhìn chữ PHỐI dưới góc độ của người tham gia cùng PHỐI HỢP với ĐIỀU PHỐI.

Chữ HỢP – -nghĩa ban đầu có hình ảnh cái chum, cái vại đang được đậy nắp lại. Chẳng hạn, chúng ta đổ đầy lúa vào chum, hoàn tất việc cất giữ đồ vật; chúng ta đậy lại để bảo vệ không cho chuột, hoặc nước mưa làm hư hại sản phẩm. Đó là Hợp. Vâng, đây là một thí dụ điển hình cho hai chữ Hợp Lý.

Có thể lưu ý một số nghĩa của HỢP:

* Đóng, nhắm, ngậm (như: hợp nhãn 合眼 nhắm mắt, chợp mắt).
* Tụ hội, góp (như: bi hoan li hợp 悲歡離合 buồn vui chia cách xum vầy, đồng tâm hợp lực 同心合力 cùng lòng hợp sức),
* Pha chế.
* Cả, tất cả (như: hợp hương 合鄉 cả làng, hợp ấp 合邑 cả ấp, hợp gia hoan 合家歡 cả nhà vui mừng).
* Cùng, cùng nhau (như: hợp xướng 合唱 cùng nhau hát).

Như vậy, có những gì quý giá cần gìn giữ thì chúng ta cho vào một tập thể, tập hợp để cho mọi lạp tử “không chia lìa lứa đôi” thì đó là Hợp. Chính vì vậy mà cả nhà cùng vui, mọi người cùng tụ họp tự nguyện tấu nhạc!

“Hợp” còn có nghĩa của “Phối” nghĩa là pha chế sao cho mọi điều đều viên dung hoàn hảo!

Có một chuyện vui về chữ HỢP như sau:

Dương Tu là quân sư của Tào Tháo. Rất nhiều lần ông vượt tài chủ mình, khiến Tào tăng trưởng tật đố.

Tào Tháo (Ảnh: Pinterest)

Có lần, người ta đem tới tặng cho Tào Tháo một hộp bánh, Tào ăn thử một miếng, khen ngon rồi viết lên trên hộp bánh chữ “一 合 酥” nghĩa là “một hộp bánh“, Dương Tu thấy thế đem bánh ra chia cho lính mỗi người một miếng ăn chơi. Tào Tháo biết thế tức lắm, nhưng vì quý trọng người tài nên hậm hực hỏi Dương Tu sao lại làm vậy? Dương Tu trả lời: “Ôi Chủ Công của tôi ! Ngài viết lên trên hộp bánh là “mỗi người một miếng”, tôi làm sao dám trái lệnh?“. Lý do là trong tiếng Hán, chữ “一 合 酥” ( nhất hợp tô) có thể tách thành “一人一口酥” ( nhất nhân nhất khẩu tô – bỏ cái mũ của chữ 合 xuống thành chữ 人 và chữ 一) có nghĩa là “mỗi người một miếng“. Lúc này Tào đã bắt đầu cảnh giác với Dương Tu.

Như vậy, hiểu nôm na thì “Hợp” là: Tất cả mọi người phải cùng đồng lòng, chung một tiếng nói (nhân nhất khẩu), chung một mâm, sướng khổ có nhau, sống trong tình huynh đệ như chung một nhà (chữ Khẩu có các nghĩa đó).

“Phối hợp” là cảnh giới rất cao của một xã hội lấy Đạo Đức làm trọng

Có chữ “Phối” kết cùng “hợp” ( PHỐI HỢP) thì ý nghĩa của nó còn sâu xa hơn nhiều: Mọi thành viên phải là một ly rượu sau khi đã được pha chế hoàn hảo Sự kết hợp là làm cho nhau thăng hoa và giá trị thêm. Trong ly rượu ấy, nếu phân chất thì có thể thành phần khác nhau, giá trị khác nhau. Nhưng khi ở trong một ly rượu thì chúng không có sự phân biệt!

Phối hợp là kết các thành viên thành một sản phẩm có giá trị cao hơn nhiều so với khi cộng tất cả các giá trị lại với nhau.

Thông qua tìm hiểu chữ PHỐI và một vài kết hợp của nó, ta thấy chữ này biểu hiện sự liên kết hoàn toàn tự nhiên. Giá trị của nó là hướng về cái cao cả thăng hoa, hoàn toàn vượt xa khỏi hệ điều hành mệnh lệnh, cưỡng bức của những quy định bắt buộc khi mà con người sống với nhau bằng tự tư, không còn tâm pháp chế ước câu thúc do chính mỗi con người tự điều chỉnh!

Rõ ràng, PHỐI HỢP, ĐIỀU PHỐI là cảnh giới rất cao của một xã hội lấy Đạo Đức làm trọng. Một xã hội “Đức trị” từng trường tồn từ xa xưa, mà hôm nay khi đứng trong sự suy thoái đạo đức của thời Mạt Pháp, chúng ta còn cho đó là thứ phong kiến, không tưởng.

(Ảnh: Pinterest)

Một người Điều Phối mà không để cho cái “Cây” của mình mọc tự nhiên, tươi cành tốt lá mà cứ chăm chăm chặt cành này, bẻ cành kia thì không thể gọi là điều phối. Chiếc lá vàng hãy để nó tự rơi, cành cây kia khi hết bổn phận tiếp nhựa sống cho cây, tự nó khô thì đó mới là tùy kỳ tự nhiên.

Một sự PHỐI HỢP mà dùng các điều khoản, các mệnh lệnh, các quy định thì ly rượu ấy pha ra ai uống ắt sẽ không thể cảm thấy ngon. Người khôn ngoan sẽ không uống cái ly rượu “phối” bằng tự tư, bằng sự thiếu trân quý sản phẩm, để cho nó biến chất, giảm giá trị, thậm chí trở nên có hại.

Có thể mọi người tự suy ngẫm về hai cụm từ: “Phối hợp vô điều kiện” và “Chấp hành vô điều kiện”.

Cụm từ trước là trạng thái “vô cầu nhi tự đắc” (không cưỡng cầu mà tự nhiên được), là hành vi xuất tự trong tâm. Khi vấn đề đã được tất cả các thành viên bàn bạc thống nhất đồng tâm, đồng ngữ thì mọi người sẽ đồng hành thực hiện; chẳng cần phải chấp hành. Cụm từ sau là cách thức như của Hít le, của ý chí cá nhân (một người hoặc một nhóm người). Kết quả thường là chuốc lấy thất bại. Nó làm cho người ta lầm tưởng về chính mình. Do đó mặc chiếc áo giấy lúc nào không hay…

La Vinh

Vài nét sơ lược về tác giả: Nhà văn, nhà thơ La Vinh là người thầy giáo dạy văn vô cùng tận tâm và đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Anh là đồng tác giả của rất nhiều đầu sách như Tuyển Chọn Những Bài Văn Hay nhiều tập, Để học tốt Ngữ văn, Những bài văn chọn lọc v.v.. của các nhà xuất bản lớn trên cả nước như Nhà Xuất Bản Đại học Quốc gia Tp. HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Sư Phạm…

Bạn bè thân thiết gọi anh là “Đại nhân” bởi năng lực sáng tác văn thơ nhanh và nhiều đến kinh ngạc của anh. Văn thơ anh đa màu sắc, nhiều khi sắc cạnh, gai góc, với những ý thơ, tứ thơ “lạ lùng” mãnh liệt, nhiều khi lại tha thướt êm ái như một thiếu nữ dịu dàng, khi thì lại hừng hực cuộn dâng như dòng thác đổ…Thơ văn của anh đong đầy những suy tư về kiếp nhân sinh, về thân phận con người, luôn chân thành bộc bạch chính con người anh, mà chúng ta có thể đúc kết trong hai từ: “sóng biển”, vốn vừa ồn ào và mãnh liệt, vừa lắng đọng và dịu êm…