Những người tín Thần cho rằng mình không phải là Thần, cho nên họ thường rất khiêm hạ. Bởi vì vũ trụ mênh mang, thời – không vô hạn, tri thức một đời người (khoảng trăm năm) không thể so sánh nổi những huyền diệu vô hạn vô biên của vũ trụ. Thần có thể đạt đến vô hạn vô biên đó, còn con người lại quá nhỏ bé.

Trái ngược với khiêm hạ là kiêu ngạo. Trong 7 tội lỗi lớn nhất của con người theo Cơ Đốc giáo, thì Kiêu ngạo đứng vị trí đầu tiên. Tại sao lại như vậy?

Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 7/12/2022, nhân câu chuyện Elon Musk nói phiên bản ‘new Twitter’ của ông sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên truyền thông dòng chính, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chia sẻ về tâm ‘Kiêu ngạo’ như sau.

Bối cảnh

Đầu tiên Giáo sư Chương nói một chút về bối cảnh lúc đó. Giáo sư Chương cho rằng, 

Đầu tháng 12 năm ngoái 2022, Elon Musk cho rằng ‘new Twitter’ của ông gây áp lực cạnh tranh lên truyền thông dòng chính. Giáo sư Chương đánh giá, loại áp lực này sẽ khiến truyền thông dòng chính không còn ‘cao cao tại thượng’ nữa.

Là người sinh sống ở Mỹ và nghiên cứu các vấn đề xã hội, Giáo sư Chương thấy rằng, cánh tả của Mỹ có một loại ‘ý thức tinh anh’. Loại ‘ý thức tinh anh’ này chính là: họ nói cho người khác cái gì là đúng cái gì là sai, gồm cả việc suy nghĩ vấn đề như thế nào. Những cách nghĩ này kỳ thực là một loại khác biệt rất lớn so với những người của phái bảo thủ (bảo vệ truyền thống). 

Những người của phái bảo thủ tin Thần, khi tin Thần họ sẽ không cho rằng bản thân mình là Thần. Cho nên những người của phái bảo thủ chân chính vô cùng khiêm hạ.

Trong Cơ Đốc giáo xem Kiêu ngạo là tội lỗi lớn nhất của con người. Trong thể hệ tôn giáo mà nhìn: Nếu một người kiêu ngạo, thì sau đó có thể phạm tội rất nặng. Loại tội này có thể dẫn người ấy đứng cùng với hàng ngũ của Satan. Do đó Cơ Đốc giáo xếp Kiêu ngạo là tội lỗi lớn nhất trong ‘7 tội lỗi của con người’.

Kiêu ngạo là bản tính của Satan

Trong Cơ Đốc giáo có một khái niệm gọi là Satan, người Trung Quốc dịch từ này thành ‘ma quỷ’ (魔鬼). Vậy thì Satan từ đâu đến? Kỳ thực nó đến từ một Thiên sứ sáu cánh (tiếng Anh là Seraph) bên cạnh Thượng Đế. Thiên sứ ấy vừa thông minh, vừa có hình tướng vô cùng mỹ lệ, sau thân phóng ra các chủng các dạng hào quang vô cùng đẹp đẽ.

Nhưng chính vì ông là Tổng đại Thiên sứ ngồi trước mặt Thượng Đế, nên ông cảm thấy bản thân mình còn cao hơn Thượng Đế. Đây chính là tâm Kiêu ngạo. Thế là Thiên sứ sáu cánh ấy bắt đầu đối kháng với Thượng Đế, rồi biến thành Satan. Do đó trong tôn giáo coi Kiêu ngạo là tội rất lớn.

Quay lại với hiện tại, nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, cánh tả có đặc điểm là kiêu ngạo. Họ cho rằng có thể chi phối hướng đi của xã hội, họ nói về ‘biến đổi khí hậu’, thì bạn không được chất vấn về kết luận ấy. Họ còn nói về việc sử dụng ma tuý; nói hành động cướp là ‘cướp của người giàu chia cho người nghèo, là phản kháng của người bị áp bức’ v.v. Họ thông qua phương thức như thế để chi phối cách đánh giá về thị phi thiện ác.

Elon Musk nói bản ‘Twitter mới’ sẽ khiến truyền thông dòng chính không thể ‘cao cao tại thượng’. Bởi vì nếu Twitter cho những tiếng nói khác nhau xuất hiện và biện luận với nhau, giống như một loại cân bằng, thì Twitter sẽ càng ngày càng đi về hướng báo cáo sự thật. Những người đi lấy tin tức sẽ có xu hướng không lấy tin tức ở truyền thông dòng chính, mà họ sẽ đến Twitter để xem điều gì là chân thật. Khi nền tảng truyền thông xã hội càng ngày càng được công chúng đón đọc và tiếp nhận, thì truyền thông dòng chính sẽ nhận phải áp lực rất lớn.

Trên đây là nói về kiêu ngạo và tác hại của kiêu ngạo. Trái ngược với Kiêu ngạo là Khiêm tốn. Trong văn hoá truyền thống, Khiêm (謙) được xem là một mỹ đức. Vì sao lại như vậy?

Quẻ Khiêm có 6 hào đều tốt

Trong Kinh Dịch có quẻ nói về Khiêm, đó là quẻ số 15: Địa sơn Khiêm. Quẻ này có một điểm là: Hào nào cũng tốt. Vậy thì rốt cuộc đức Khiêm có những điểm gì mà tốt như vậy?

Chữ Kiêm (兼) trong chữ Khiêm (謙)

Trước tiên, trong văn tự truyền thống, chữ Khiêm (謙) được hợp thành từ bộ Ngôn (言: nói), và chữ Kiêm (兼: kiêm nhiệm). Chữ Kiêm này chỉ âm, nhưng có một anh từng chia sẻ cho tôi chữ Kiêm lại thể hiện một phần nào đó của chữ Khiêm.

Khi chúng ta giao tiếp, thường hay gặp tình huống này, đó là có người rất giỏi, nhưng ít thấy người ấy nói hay chia sẻ gì cả. Ví như người ấy có chuyên môn về tâm lý học chẳng hạn, khi có người bạn đến hỏi, nếu người ấy nói ‘tôi không rành’ thì điều ấy hơi khiên cưỡng. Có thể một số người cho rằng ấy là biểu hiện của khiêm tốn, nhưng ‘người anh chia sẻ chữ Kiêm’ không cho là như vậy. 

Anh ấy nhìn vào chữ Kiêm (兼) rồi chia sẻ đại ý như thế này. Trong cuốn Hoạ thuyết Hán tự (hoặc Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị), thì chữ Kiêm là hình ảnh một cái tay cầm 2 bông lúa. Số 2 là con số rất hay, nó là số nhỏ nhất trong số nhiều, nếu nói nhiều cũng không phải là nhiều, mà ít cũng không phải là ít. Khi người khác cần sự hỗ trợ/tư vấn/xin lời khuyên thì mình đưa cho họ ‘một bông lúa’, nó ở mức vừa phải. Cả hai đều vui vẻ ‘tôi đưa cho anh một bông, tôi giữ lại một bông, chúng ta mỗi người đều ‘có’, chứ không phải tôi khư khư giữ hai bông cho mình’. Đây là thể hiện của sự khiêm hạ, trung dung, không đi về cực đoan.

Giải tự chữ Khiêm.

‘Đại quốc hạ lưu‘ (大國下流: Đại quốc như nước chảy chỗ thấp)

Bản thân Khiêm là luôn đặt mình ở chỗ thấp, điều này rất có lợi.

Khi chúng ta học môn Cơ học, thì có 3 trạng thái. Thứ nhất là Bất ổn định, thứ hai là Vô định, thứ ba và Cân bằng ổn định. Từ thì tôi có thể nhớ không rõ lắm, nhưng có 3 hình vẽ minh hoạ cho điều này. Đó là một viên bi đặt ở 3 chỗ:

  • Đặt trên đỉnh: Dễ rơi.
  • Đặt trên mặt phẳng: Bất định (có thể lăn bất cứ đâu).
  • Đặt ở ở lòng chảo (thấp nhất): Ổn định nhất.

Việc đặt ở vị trí thấp nhất làm vật cân bằng ổn định. 

Đạo lý tương tự, khi quốc gia đặt mình ở chỗ thấp cũng rất có lợi. Lão Tử giảng: “Đại quốc hạ lưu” (大國下流: Đại quốc như nước chảy chỗ thấp). Đại quốc giống như ‘bách xuyên quy hải’, trăm sông chảy về biển lớn. Đây là lý do vì sao có câu rằng: Biển nhiều nước hơn tất cả, bởi vì biển thấp hơn tất cả. 

Nếu đại quốc có thể khiêm hạ, thiên hạ tự nhiên sẽ quy phục. Giữa đại quốc và tiểu quốc có quan hệ như thế này: đại quốc càng khiêm hạ, tiểu quốc càng cảm thấy không có sự uy hiếp, họ sẽ muốn dựa vào đại quốc. Nếu tiểu quốc cũng khiêm hạ, thì họ sẽ nhận được sự tín nhiệm của đại quốc, đại quốc sẽ không suốt ngày muốn tiêu diệt họ. Do đó, dù là đại quốc hay tiểu quốc đều nên khiêm hạ.

‘Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn’ (Thượng thư)

Về kết giao giữa người với người, thì người ta có xu hướng muốn kết giao với người kiêm hạ, biết lắng nghe. Khi họ đặt mình xuống để lắng nghe người khác, họ sẽ có được sự đồng cảm với người đối diện.

Khi bậc quân chủ đi tìm hiền tài cũng như vậy, họ phải khiêm hạ mới có được nhân tài. Ví như tích ‘tam cố mao lư’ (三顧茅廬), Lưu Bị trai giới ba lần hạ cố đến thăm nhà cỏ của Khổng Minh, hay như Chu Văn Vương đến Vị thuỷ thỉnh Khương Tử Nha, ông cũng phải đi chân trần, sau đó tự tay kéo xe Khương Tử Nha đi 800 bước v.v.

Đây là khiêm hạ (謙下: đối đãi khiêm tốn, đặt mình xuống dưới).

Còn một từ mà tôi rất tâm đắc đó là ‘Khiêm hư’ (謙虛), ‘hư’ có nghĩa là trống/rỗng. Khi vật đạt đến cực điểm sẽ đi xuống. Trong ‘Thượng thư’ có câu ‘Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn’ (謙受益,滿招損), ý tứ là: Khiêm hạ nhận được thụ ích, mãn đầy chiêu mời tổn thất. Khi nhìn vào lịch sử chúng ta sẽ thấy được những người đạt đến đỉnh cao sẽ ‘công thành thân thoái’. Còn ngược lại, nếu ‘công thành mà thân không thoái, ắt có hoạ về sau’.

Trong ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 1, Giáo sư Chương đã từng kể về nhiều nhân vật lịch sử mà bản thân họ biết rằng: khi một vương triều hoặc một người khi đạt đến đỉnh cao, thì sau đó sẽ đi về hướng suy bại.

Tôn Tử – người viết cuốn Binh pháp Tôn Tử cùng Ngũ Tử Tư công chiếm đô thành Dĩnh Đô và diệt được nước Sở, thì đây là một thắng lợi vô cùng huy hoàng nhưng cũng đầy rẫy gian nan. Để cho dễ hình dung sự việc: một nước Ngô nhỏ bé diệt được nước Sở cường đại, giống như Mexico diệt được nước Mỹ rộng lớn vậy.

Ngũ Tử Tư vì để báo thù cho cha và anh trai nên mới tiêu diệt nước Sở. Sau khi diệt Sở, Ngũ Tử Tư thấy rằng đại sự trong đời đã làm xong, đồng thời lập được đại công cho nên ông chuẩn bị hưởng thụ cuộc sống. 

Lúc này, Tôn Tử mới nói với ông rằng: “Tử Tư có biết đạo Trời không? Nóng qua lạnh đến. Xuân đi thu đến. Ngô vương cậy nước cường thịnh, tứ bề vô lo, ắt sinh kiêu ngạo. Công đã thành mà thân không thoái, ắt có hoạ về sau”. Tôn Tử khuyên Ngũ Tử Tư cùng đi với mình, Ngũ Tử Tư không đi, Tôn Tử tự mình ‘công thành thân thoái’. Kết quả 20 năm sau, Ngũ Tử Tư bị Ngô Vương Phù Sai ép phải tự sát, còn nước Ngô bị nước Việt tiêu diệt.

Hay như câu chuyện của Lý Tư. Khi Lý Tư giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, công danh sự nghiệp của ông đã đến cực điểm. Mỗi người con trai của Lý Tư đều lấy công chúa (con gái của Tần Thuỷ Hoàng), mỗi người con gái của Lý Tư đều lấy con trai của Tần Thuỷ Hoàng, Lý Tư là một trong Tam công, con trai Lý Do của ông là Thái thú quận Tam Xuyên (tương đương với tỉnh trưởng).

Trong một lần Lý Do từ Tam Xuyên về quê thăm nhà, Lý Tư đã thiết đặt đại yến tiệc để nghênh tiếp con trai. Khi ấy Lý Tư nhìn thấy toàn bộ bài trí mới than thở rằng: ‘Thầy ta là Tuân Tử (còn gọi là Tuân Khanh) từng nói rằng: Vật cấm thái thịnh, sự việc kỵ ở chỗ quá hưng thịnh. Hiện nay gia tộc ta hưng vượng như vậy, đã đạt đến đỉnh cao rồi, như thế sẽ đi dần về hướng suy bại’. Trung Quốc cổ đại có những câu tương tự như vậy: Thịnh cực tất suy, Bĩ cực thái lai, Bác cực tất phục…

Tuân Tử và câu nói: ‘Vật cấm thái thịnh’ (Sự vật kỵ đi về hướng quá cường thịnh). Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 4: Hoạ khởi tiêu tường (Hoạ khởi âm thầm).

Lúc đó Lý Tư nói: ‘Tư này là kẻ áo vải đất Thượng Sái, một tên đầu đen ở nơi làng xóm, nhà vua không biết ta hèn kém, cất nhắc lên đến thế này. Nay ta ở địa vị bầy tôi không thua kém ai, có thể nói là giàu sang cùng cực rồi vậy. Phàm sự vật đến cùng cực rồi thì sẽ suy, ta không biết sau này sẽ chết ở đâu’. Kết quả vào tháng 7 năm Nhị Thế thứ hai, Lý Tư bị chém ngang lưng, trước đó còn bị ngũ hình. Ngũ hình là trước khi chết còn bị thích chữ lên mặt, cắt ngón chân, cắt mũi v.v.

Khi vật đến cực điểm thì sẽ đi về hướng suy bại, cho nên rất nhiều nhân vật lịch sử thường ‘công thành thân thoái’, gồm cả việc Thương Thánh Phạm Lãi sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn cũng ‘công thành thân thoái’, sau đó 3 lần giàu nhất thiên hạ, cũng là 3 lần phân phát hết tài sản. Tôi nhìn nhận Phạm Lãi muốn làm cho vật chất của mình ‘hư không’ đi, cũng có nét giống chữ Khiêm hư (謙虛).

‘Vật kỵ thái thịnh’ (vật kỵ quá thịnh), nhưng đối với những người có tín ngưỡng chân chính, thì việc nâng cao cảnh giới đạo đức là tích càng nhiều càng tốt, cho nên việc trọng đức, hành thiện, khuyến thiện, làm người tốt, làm người tốt hơn nữa, đây là điều rất được khích lệ.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) 7 tội lỗi lớn nhất của con người theo Cơ Đốc giáo: Kiêu ngạo – Pride, Lười biếng – Sloth, Tham ăn – Gluttony, Đố kỵ – Envy, Phẫn Nộ – Wrath, Tham lam – Greed, Dâm ô – Lust.