Hàn Phi Tử nói: “Bọn Nho sĩ lấy văn loạn pháp, bọn hiệp khách lấy võ để vi phạm điều cấm”, thì rõ ràng Pháp gia ghét Nho gia.

Năm 1974, ở Trung Quốc Đại lục đã diễn ra một cuộc vận động rầm rộ tên là ‘Phê Lâm phê Khổng’ (phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử). ĐCSTQ giống Pháp gia nên phê phán Khổng Tử là điều dễ hiểu. 

Vậy tại sao lại đặt Lâm Bưu ngang hàng với Khổng Tử; rốt cuộc Lâm Bưu là người như thế nào, có liên quan gì đến Nho gia; lịch sử Trung Quốc có gì đáng chú ý trong giai đoạn của ông ấy?

Bắt đầu từ phần này, Giáo sư Chương Thiên Lượng sẽ so sánh hệ thống tư tưởng của Pháp gia và ĐCSTQ. Vì sao Giáo sư Chương muốn giảng điều này? Bởi vì cách làm của ĐCSTQ rất giống cách làm của Pháp gia. 

Là người nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương nhìn nhận, một chủng hình thái ý thức muốn cắm rễ ở bất cứ xã hội nào, đều phải qua quá trình ‘bản địa hoá’, nếu không sẽ bị bài xích bởi hình thái ý thức ban đầu.

Điều này giống như Phật giáo truyền nhập vào Tây Tạng đã hấp thụ rất nhiều điều của Bổn giáo (笨教); Phật giáo sau khi truyền nhập vào Trung Quốc, đã trải qua quá trình ‘bản địa hoá’ để cải tạo thành Thiền tông có phần giống Đạo gia v.v. Thậm chí nhà hàng Trung Quốc đến nước Mỹ cũng phải thêm ít vị ngọt mới có thể được xã hội Mỹ quốc tiếp nhận. 

Hình thái ý thức ngoại lai của Chủ nghĩa Mác cũng vậy, trong quá trình bén rễ ở Trung Quốc cũng phải làm công việc ‘bản địa hoá’, chính là kết hợp với những điều của Pháp gia.

Mao Trạch Đông là ‘Mác kết hợp với Tần Thuỷ Hoàng’

Mao Trạch Đông (bên trái) và Tần Thuỷ Hoàng (bên phải). (Ảnh: Wiki)

ĐCSTQ từng có một lần đem lịch sử Trung Quốc giải thích thành lịch sử ‘Nho Pháp đấu tranh’ (儒法鬥爭), chính là lịch sử đấu tranh giữa Nho gia và Pháp gia. Vì sao? 

Giáo sư Chương giải thích, bởi vì vào năm 1974, ĐCSTQ từng triển khai một cuộc vận động rầm rộ với quy mô toàn quốc tên là ‘Phê Lâm phê Khổng’. Giáo sư Chương muốn giảng một chút về bối cảnh của sự kiện này để mọi người thấy được rằng: ĐCSTQ sùng bái Pháp gia nhưng lại phản đối Nho gia.

Mao Trạch Đông từng có một câu nói rất nổi tiếng. Chuyện là vào năm 1973, khi hội kiến Phó Tổng thống Ai Cập là ông Hussein el-Shafei, Mao Trạch Đông nói: “Tần Thuỷ Hoàng là hoàng đế phong kiến Trung Quốc nổi tiếng nhất, tôi cũng là Tần Thuỷ Hoàng, là Mác thêm với Tần Thuỷ Hoàng, vượt qua Tần Thuỷ Hoàng. Lâm Bưu cũng lăng mạ tôi là Tần Thuỷ Hoàng, tôi tán thành Tần Thuỷ Hoàng, chứ không tán thành Khổng Phu Tử”.

Ở đây, Mao Trạch Đông đã đề xuất được vị trí lịch sử của cá nhân mình chính là Mác kết hợp với Tần Thuỷ Hoàng. Nói cách khác, Mao Trạch Đông đã tiến hành quá trình ‘bản địa hoá’ chủ nghĩa Mác, kết hợp nó với Pháp gia của Trung Quốc. Mao Trạch Đông cho rằng, ông đồng thời là đại biểu cho ‘hai gia’, tức là vừa đại biểu cho Chủ nghĩa Mác, cũng đại biểu cho Tần Thuỷ Hoàng (nhà Tần từ đầu đến cuối là thực hành tư tưởng của Pháp gia).

Mà Pháp gia vô cùng chống Nho gia. Hàn Phi Tử từng nói câu như thế này: “Bọn Nho sĩ lấy văn loạn pháp, bọn hiệp khách lấy võ để vi phạm điều cấm”, cho nên Hàn Phi Tử vô cùng căm ghét Nho gia; ông rằng chính bởi bọn văn – võ bên nho làm đen tối/làm hỏng xã hội, cho nên Nho gia và Pháp gia ‘không đội trời chung’.

Mao Trạch Đông là một người sùng bái nhân vật của Pháp gia, nên ông nhất định ‘phản Nho’ (反儒: phản đối/chống lại Nho gia). Mao Trạch Đông đã phát động cuộc vận động ‘phản Nho gia’ như thế nào? Một bước ngoặt vô cùng quan trọng chính là ‘sự kiện Lâm Bưu’. 

Sự kiện này trong lịch sử là điều bí ẩn, ở đây Giáo sư Chương cũng không nói rằng phải giảng chân tướng (sự thật) của việc này ra, thậm chí sự thật có thể vĩnh viễn không trả lại nguyên gốc được. Do đó Giáo sư Chương chỉ là muốn giảng rằng: vì sao ĐCSTQ đem lịch sử Trung Quốc giải thích thành lịch sử đấu tranh của Nho gia và Pháp gia.

Đôi nét về Lâm Bưu

Giáo sư Chương giảng một chút về cuộc đời của Lâm Bưu và 3 ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh Triều Tiên đến cục diện châu Á.

Ngày 6/1/1974, ĐCSTQ làm một cuộc vận động ‘Phê Lâm phê Khổng’ có thanh thế cực lớn, toàn quốc bắt buộc phải tham gia. ‘Phê Lâm’ chính là phê phán Lâm Bưu, ‘phê Khổng’ chính là phê phán Khổng Tử. Việc xếp Lâm Bưu và Khổng Tử ngang hàng làm nhiều người cảm thấy kỳ quái; nhưng trên thực tế, trên thân của Lâm Bưu có rất nhiều thứ của Nho gia. Tuy ông ấy không hiển lộ rõ ràng như Bành Đức Hoài, nhưng Lâm Bưu xác thực khá tôn sùng ‘Trung Dung’ của Nho gia.

Lâm Bưu. (Ảnh: Wiki)

Khi đó Lâm Bưu ở tại Mao Gia Loan, một địa phương kế bên Trung Nam Hải. Tại nơi ở của mình, Lâm Bưu đã treo một bức liễn, trong đó ghi rằng:

Du du vạn sự
Duy thử vi đại
Khắc kỷ phục lễ

Tạm dịch:
Xa xăm vạn sự
Duy đó là lớn
‘Khắc kỷ phục lễ’
(ước thúc bản thân, khôi phục phép tắc)

Mà ‘Khắc kỷ phục lễ’ là điều Khổng Tử đề xướng. Lâm Bưu thường nói về ‘Trung Dung’ và những điều có liên quan đến Khổng Tử, cho nên về một số phương diện Lâm Bưu rất tán thành Khổng Tử.

Là người nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương đánh giá Lâm Bưu là một nhân vật truyền kỳ (傳奇: điều đặc biệt được lưu truyền). Lâm Bưu sinh năm 1907 tại Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Năm 1926 (lúc 19 tuổi), ông vào Học viện Quân sự Hoàng Phố. Học viện Quân sự Hoàng Phố là do Tưởng Giới Thạch kiến lập, ban đầu tên là Trường Sĩ quan Lục quân Trung Hoa Dân Quốc, bởi vì trường nằm ở khu Hoàng Phố – một quận của thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, cho nên mới gọi là Học viện Quân sự Hoàng Phố.

Tháng 3/1926, Lâm Bưu nhập học, đến tháng 10/1926 thì tốt nghiệp, trở thành học sinh khoá thứ tư của Hoàng Phố. Giữa Lâm Bưu và  Tưởng Giới Thạch có cảm tình (thiện cảm) với nhau; Lâm Bưu thường gọi Tưởng Giới Thạch là Hiệu trưởng, hơn nữa khi nghe nói Lâm Bưu mất, Tưởng Giới Thạch vô cùng đau lòng. Tưởng Giới Thạch vẫn luôn hy vọng Lâm Bưu có thể làm nên việc lớn, hơn nữa hai người họ có một số trao đổi thư từ bí mật.

Năm 1930, Lâm Bưu mới 23 tuổi đã trở thành chỉ huy của Đệ tứ Hồng quân, đến 25 tuổi đã thăng lên đến chức chỉ huy quân đoàn, do đó Lâm Bưu là một nhân vật trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Năm 1936 đã phát sinh Sự biến Tây An (Tây An sự biến: 西安事變), quân đội của ĐCSTQ bị Tưởng Giới Thạch hợp thành ‘Bát lộ quân’ thuộc Quân đội Cách mạng Quốc dân. Vì nó là một tổ chức quân đội, cho nên Lâm Bưu làm chỉ huy Sư đoàn 115 trong đó. 

Năm 1937, khi Lâm Bưu 30 tuổi tuổi xảy ra Sự kiện Lư Câu Kiều (sự kiện mở đầu chiến tranh Trung – Nhật). Ngày 7/7/1937, Nhật Bản bắt đầu xâm lược toàn diện Trung Hoa. Tháng 9/1937, Lâm Bưu phục kích đại quân cung cấp quân nhu (Truy trọng – 輜重: lương thực, khí giới) của Nhật Bản. Khi đó Mao Trạch Đông gửi 5 bức điện báo yêu cầu Lâm Bưu không được đánh Nhật Bản, nhưng Lâm Bưu vẫn đánh, kết quả tiêu diệt được hơn 1000 người, thu được rất nhiều quân nhu của Nhật Bản, lịch sử gọi đây là Đại thắng Bình Hình Quan.

Năm 1938, Lâm Bưu đi họp qua địa phương là Diêm Tích Sơn. Vì thiếu thông tin liên lạc từ trước, nên Lâm Bưu mặc chiếc áo của quân bị bắt ở Bình Hình Quan. Binh lính Diêm Tích Sơn cho rằng ông là người Nhật, liền bắn vào đầu Lâm Bưu, từ đó về sau ông bị bệnh. Lâm Bưu bắt đầu sợ gió, sợ lạnh, sợ nóng, sợ nắng, sợ nước v.v., ông có rất nhiều cấm kỵ mà chúng ta sẽ cảm thấy không thể tưởng tượng nổi. Sau này Lâm Bưu đến Liên Xô dưỡng bệnh, đến năm 1941 thì về nước.

Khi dưỡng bệnh ở Liên Xô, phán đoán của ông về cục diện châu Âu hoàn toàn khác với Stalin. Lâm Bưu cho rằng Hitler nhất định tấn công Liên Xô, nhưng Stalin không nghe, cũng không có chuẩn bị. Sau khi về nước vào năm 1941, Lâm Bưu đảm nhận Hiệu trưởng Đại học Quân sự – Chính trị kháng Nhật, sau này đảm nhận Hiệu phó Trường Đảng Trung ương.

Khi ấy Mao Trạch Đông đang làm ‘vận động chỉnh phong’ (vận động chỉnh đốn phong cách đảng viên) ở Diên An, đang thanh trừ thành phần dị biệt. Theo ghi chép của nhà văn Thư Vân, trong quá trình chỉnh phong ở Diên An, Lâm Bưu không chỉnh đốn bất cứ một người nào. Cho nên Lâm Bưu kỳ thực là một tướng quân đánh trận, chứ không phải là người thích chỉnh trị người khác.

Sau khi Thế chiến hai kết thúc không lâu, đã xảy ra cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và ĐCSTQ, Lâm Bưu dẫn đầu Quân đội Dã chiến thứ tư (gọi tắt là Tứ Dã – 四野) đánh từ vùng Đông Bắc Trung Quốc đến đảo Hải Nam. Hầu như giang sơn của ĐCSTQ, thì 2/3 là do Lâm Bưu lấy, hơn nữa xưa nay ông chưa đánh thua trận nào, là một ‘thường thắng tướng quân’. Vì thế Tưởng Giới Thạch gọi Lâm Bưu là ‘Hàn Tín đương đại’. 

3 ảnh hưởng của Chiến tranh Triều Tiên đối với cục diện châu Á

Đến năm 1950 xảy ra Chiến tranh Triều Tiên, Lâm Bưu khi đó muốn hữu hảo với Hoa Kỳ, không muốn nương nhờ Liên Xô, cho nên khi đó ông từ chối đem binh đến Triều Tiên. Mao Trạch Đông nhất định muốn ông đi, nhưng ông nói mình bị bệnh, không lãnh binh được. Sau đó Bành Đức Hoài đến thăm, Lâm Bưu lúc ấy nói: ‘Chúng ta không bằng nước Mỹ, không thể dẫn lửa thiêu thân’. 

Năm 1950, sản lượng thép một năm của Trung Quốc chỉ bằng 610 nghìn tấn, còn của Mỹ là 98,6 triệu tấn; chỉ là số lẻ của số lẻ so với Mỹ, cho nên Lâm Bưu cảm thấy không cách nào đánh được Mỹ. Nước Mỹ có quá nhiều thép, chế tạo rất dễ dàng máy bay và đại pháo, ĐCSTQ không có nhiều thép như vậy. Khi Thế chiến hai kết thúc, GDP của Mỹ chiếm 51% GDP toàn thế giới, chính là quốc lực của Mỹ đã vượt qua tất cả các quốc gia còn lại, vậy thì làm sao ĐCSTQ có thể đánh Mỹ? Vì vậy Lâm Bưu kiên quyết không xuất binh, trong tâm của ông là thái độ thân Mỹ.

Chiến tranh Triều Tiên có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện châu Á, cụ thể ở 3 điểm sau.

Thứ nhất là Hạm đội 7 của Mỹ tiến nhập vào Đài Loan, đã ngăn ĐCSTQ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Thứ hai là, sau khi Mao Ngạn Anh (con trai Mao Trạch Đông) tham chiến ở Triều Tiên bị không quân Mỹ thả bom chết, Mao Trạch Đông không có người kế thừa. Nếu không như thế thì Trung Quốc sẽ giống ‘cha truyền con nối’ như Bắc Hàn. 

Thứ ba là ảnh hưởng từ sự phát triển tấn tốc (nhanh chóng) của kinh tế Nhật Bản. Tổng tư lệnh liên quân của Mỹ ở Thái Bình Dương nhận định rằng: Nếu để Nhật Bản trường kỳ nghèo khó, họ sẽ đi theo con đường chủ nghĩa quân phiệt.

Giáo sư Chương phân tích thêm rằng, thông thường một quốc gia càng nghèo, càng biến động, càng khủng hoảng nghiêm trọng, dân chúng càng dễ dàng mong muốn một người mạnh mẽ xuất hiện, từ đó dễ dàng đi về con đường chủ nghĩa cực quyền, cũng tức là con đường phát xít hoặc chủ nghĩa cộng sản. Cho nên để kinh tế Nhật Bản phát triển, để mọi người đều sống tốt… lại là một phương pháp tốt để Nhật Bản duy trì hoà bình. 

Sau khi bùng nổ Chiến tranh Triều Tiên, nước Mỹ đặt một lượng lớn đơn hàng quân dụng từ Nhật Bản, để cho kinh tế nước này phát triển tấn tốc. Thời ấy xuất khẩu trong một năm của Nhật Bản, thì có đến 27% là xuất sang Mỹ để làm vật tư quân nhu cho Chiến tranh Triều Tiên. Nước Mỹ còn giúp Nhật Bản gia nhập Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT – General Agreement on Tariffs and Trade) v.v. khiến kinh tế Nhật Bản cất cánh. 

Do đó 3 ảnh hưởng lớn của Chiến tranh Triều Tiên là: Đài Loan được bảo vệ, Nhật Bản cất cánh, Mao Ngạn Anh chết vì nổ bom.

Có cảm giác Lâm Bưu giống tăng nhân

Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, ĐCSTQ bắt đầu đánh giá quân hàm tướng lĩnh. Lâm Bưu là người trẻ nhất trong 10 Đại nguyên soái của ĐCSTQ, chỉ mới 48 tuổi. Cho nên tuy rằng Lâm Bưu chiến công đệ nhất, nhưng ông lại xếp ở vị trí thứ 3, bởi vì Chu Đức và Bành Đức Hoài lớn tuổi hơn ông.

Lâm Bưu không tham gia nghi thức nhận quân hàm, thoái thác rằng bản thân mình không được khoẻ. Trên thực tế, Lâm Bưu không được khoẻ thật, nhưng ông sợ ‘công cao át chủ’, cho nên từ sau 49 tuổi, ông luôn ‘xa đông sống độc’ (xa đông đúc để sống đơn độc), không giao thiệp với bất cứ ai. 

Lâm Bưu xem nhẹ ‘danh’, không tham gia nghi thức phong hàm tướng soái; đối với ‘lợi’ cũng xem rất nhẹ; dục vọng của ông cũng vô cùng ít, chỉ ăn bánh bao và cháo loãng, không ăn những gì quá ngon, thứ ông thích ăn nhất là đậu chiên vàng. Đối với phụ nữ, ông cũng không có hứng thú, giống như một tăng nhân ‘không hứng thú với phồn hoa thế gian’ (1). Hơn nữa ông lại sợ nắng, sợ nước, sợ gió, sợ nóng… cái gì cũng sợ. Ông không giao lưu với qua lại với người khác, việc duy nhất ông làm đó là trầm tư trong thời gian dài.

Thứ Lâm Bưu kén chọn nhất là… y phục, không phải là mặc quần áo nào cho đẹp, mà là chỉ có yêu cầu về độ ấm quần áo. Người bình thường vào mùa đông sẽ mặc áo bông cho ấm, nhưng Lâm Bưu không thế. Ông mặc ‘đơn y’ (單衣: áo mỏng mặc mùa hè), hơn nữa là mặc từng lớp từng lớp, mặc một lớp đơn y rồi lại mặc một lớp nữa, hơn nữa mỗi lớp quần áo có yêu cầu về độ ấm, tức là mặc trên thân cần độ ấm bao nhiêu.

Ngoài điều đó ra, Lâm Bưu không có bất cứ dục vọng nào. Điều này khiến ‘người cho rằng Lâm Bưu có dã tâm’ không cách nào giải thích được. Không có dục vọng, vậy cần quan vị để làm gì? Người bình thường không thể liễu giải được.

Trong cuộc đời Lâm Bưu đã làm một chuyện khiến người ta khó mà lý giải. Đó là trong thời kỳ Đại nhảy vọt, Mao Trạch Đông đã làm chết hàng triệu người, các đồng chí khác chỉ trích Mao chủ tịch, nhưng Lâm Bưu không làm vậy. Điều này thật khó hiểu, bởi vì Lâm Bưu vô cùng đề phòng Mao Trạch Đông. 

Nhưng sau sự cố tai nạn máy bay ở Mông Cổ khiến Lâm Bưu tử vong, người ta vào nhà Lâm Bưu rồi lật lại nhật ký của ông thì dần dần có được câu trả lời, hơn nữa ông còn nhìn thấu bản chất của Mao Trạch Đông. Rốt cuộc sự thể ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:
(*) Link Trung Hoa văn minh sử tập 40.
(1) Nguyên gốc là Bất thực nhân gian yên hoả – 不食人間煙火: không ăn đồ khói lửa của thế gian, ở đây dịch cho thoát ý là ‘không hứng thú với phồn hoa thế gian’.