Khoảng mấy ngày gần đây, trên mạng Trung Quốc xuất hiện một từ đó là ‘nhân khoáng’ (人礦: con người như khoáng sản), nhưng đã nhanh chóng bị ĐCSTQ phong sát. Vì sao lại như vậy? Bởi vì từ này ẩn chứa một sự thật phũ phàng mà ĐCSTQ không muốn cho nhiều người biết…
Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 6/1, nhân nói về câu chuyện ‘Cách mạng pháo hoa’ ở một số địa phương của Trung Quốc, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã có một số nhìn nhận rất thú vị về từ này như sau.
Giáo sư Chương nói, trên mạng có một từ rất nóng đó là ‘nhân khoáng’ (人礦). Kỳ thực từ này Giáo sư Chương đã xem cách đây 2 3 ngày trước, nhưng hôm nay mới có thời gian đọc nhiều hơn để nói về sự việc này.
Sau từ ‘thảng bình’ (躺平: nằm thẳng) và ‘nhuận’ (潤, pinyin là run4, đọc giống Run nghĩa là chạy khỏi Trung Quốc), thì lại xuất hiện một từ mới rất nóng nữa là ‘nhân khoáng’. Trước đây từ ‘nhân khoáng’ này đã xuất hiện trên các nền tảng lớn như Weibo, Tiktok, Zhihu v.v. nhưng đã bị phong sát kịch liệt.
Ý nghĩa của ‘nhân khoáng’ là: người Trung Quốc ‘đọc sách 20 năm, trả tiền nhà 30 năm, nuôi bệnh viện 20 năm’, từ trước đến nay đều bị ĐCSTQ vắt kiệt sử dụng. Tức là người Trung Quốc giống như khoáng sản bị ĐCSTQ sử dụng vắt kiệt.
Giáo sư Chương nhìn nhận, hiện nay người Trung Quốc đã có một loại nhận thức về cảnh ngộ của mình, đó là:
Từ tiểu học, cha mẹ bỏ tiền để con lên lớp học bồi dưỡng này môn nọ, hy vọng có thể đậu vào một trường đại học tốt trong tương lai, sau đó có thể tìm một công việc tốt. Lúc này, trên thực tế là ‘đầu tư’ tiền vào Bộ Giáo dục, nuôi Bộ Giáo dục. Sau đó khi đi làm, người ấy bắt đầu nộp thuế cho chính phủ, sau đó kiếm lợi nhuận cho công ty, cũng không dễ dàng gì mà kiếm được tiền. Sau đó có tiền lại trả tiền mua nhà, biến thành ‘phòng nô’ (房奴: cày như nô lệ để trả tiền nhà). Đợi đến khi khoản nợ cuối cùng trả hết, người ấy đã 60 tuổi, đến tuổi nghỉ hưu rồi. Sau khi nghỉ hưu thì số tiền còn lại kiếm được dùng để làm gì? Chính là bắt đầu vào bệnh viện, nuôi bệnh viện.
Do đó trên thực tế, người này tương đương với việc: ban đầu đọc sách học tập để nuôi Bộ Giáo dục, rồi nuôi nhà, sau đó nuôi bệnh viện, cả một đời hầu như không có khi nào sống cho mình.
Giáo sư Chương dẫn bài viết của trang Aboluowang trong đó có tổng kết 10 điều đã trải qua của ‘nhân khoáng’, cũng tức là 10 sự thật của ‘nhân khoáng’.
Sự thật thứ nhất nói rằng, ý nghĩa ‘nhân khoáng’: bạn là tài nguyên chứ không phải là chủ thể; bạn là công cụ chứ không phải là mục đích; năng lượng dùng hết một đời là để thành tựu người khác, chứ không phải truy cầu khát vọng nhân sinh của bạn. Nói cách khác nhân sinh (cuộc đời) của bạn không do bạn quyết định.
Thứ hai, cuộc đời của ‘nhân khoáng’ chia làm 3 giai đoạn: Khai thác, Sử dụng, Xử lý cặn bã còn lại. Mười năm đầu, đầu tư giáo dục cho bạn, đây là quá trình Khai thác, để bạn sau này có thể làm việc. Sau khi bạn làm được việc, bạn bắt đầu trả nợ thế chấp (mua nhà mua xe), đây là quá trình Sử dụng. Cuối cùng, khi bạn hết giá trị sử dụng, thì sẽ bị xử lý theo cách ít ô nhiễm nhất (có thể là thiêu).
Thứ ba, năng lượng sinh ra trong suốt một đời của ‘nhân khoáng’, ngoài việc thúc đẩy xã hội tiến về phía trước, thì còn có một phần để khai thác ‘nhân khoáng’ mới. Tức là bạn sinh con, thì con của bạn chính là ‘nhân khoáng’ mới, sau đó một phần tiền của bạn dành để nuôi dạy con cái, điều này nghĩa là: ‘nhân khoáng’ mới này có thể được sử dụng bởi doanh nghiệp hoặc ĐCSTQ.
Điều thứ tư rất thú vị đó là: Dưới tình huống đặc thù, ‘nhân khoáng’ không thể tái tạo. Khả năng là do: năng lượng của ‘nhân khoáng’ bị sử dụng tiêu hao cực lớn, không thể khai thác ‘nhân khoáng’ mới. Hoặc ‘nhân khoáng’ có ý thức làm chủ thể, biết rằng thật vô nghĩa khi tiêu hao bản thân để khai thác ‘nhân khoáng’ mới. Hoặc là ‘nhân khoáng’ kháng cự để thành ‘khoáng sản cuối cùng’.
Giáo sư Chương nói rõ hơn rằng, điều thứ tư này chúng ta đã thấy khi Thượng Hải phong thành, đã nghe một câu rất nổi tiếng đó là: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng” (vì không muốn con mình bị ‘khai thác’, nên quyết định không sinh con, bản thân chịu đựng đến đây, không lưu lại khổ đau cho đời sau). Một khi họ ý thức được một đời vô cùng khổ, con cái thế hệ sau cũng sẽ theo con đường như vậy, nên rất nhiều người không muốn sinh con nữa. Điều này sẽ tạo ra khủng hoảng dân số đối với ĐCSTQ.
Phía sau còn có rất nhiều sự thật về ‘nhân khoáng’, Giáo sư Chương chỉ chia sẻ vài mục như vậy. Dù thế nào, trong đó cũng có một số cách nói rất sâu sắc.
Ví như điều thứ sáu nói một cách ẩn dụ rằng: Nếu dầu mỏ đốt không đủ, sẽ sinh ra các loại khí có hại như CO, SO2. Với đạo lý đồng dạng, nếu ‘nhân khoáng’ dùng không hao hết, thì sẽ có khoảng trống để ‘suy nghĩ những sự việc có hại’. Hoàn cảnh xã hội ‘tốt đẹp’, phải nghĩ cách dùng cho hết năng lượng của ‘nhân khoáng’!
Điều này nghĩa là gì? Phiên dịch cho dễ hiểu là: Không cho bạn bất cứ thời gian rảnh nào để suy nghĩ về những điều như tự do, dân chủ… Để cho bạn mỗi ngày từ lúc mở mắt phải bôn ba cầu thực, để cho bạn cả ngày suy nghĩ ăn cái gì cái gì, làm thế nào trả tiền nhà v.v. Đến tối bạn đã sức cùng lực kiệt, không thể suy nghĩ thêm ‘vì sao lại mệt như thế’. Đây là phương pháp ĐCSTQ sử dụng ‘nhân khoáng’.
Nói tóm lại, từ ‘nhân khoáng’ bị phong sát toàn bộ bởi vì nó nói lên được sự thật tàn khốc…
Rất nhiều người cho rằng nỗ lực một đời có thể trở thành người làm chủ, hoặc nâng cấp mình lên trong xã hội Trung Quốc, nhưng trên thực tế giai tầng xã hội ở Trung Quốc đã cố định.
Rất nhiều người, thậm chí những người học đại học danh tiếng như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa… họ cho rằng mình đã trở thành người hơn người khác. Nhưng trên thực tế là có những kẻ học hành không ra sao, nhưng vì có tiền và có quan hệ nên đi du học, sau này mở công ty rồi thuê lại những sinh viên hàng đầu làm thuê cho họ. Đây là những chuyện đã xảy ra.
Do đó ở Trung Quốc, dù bạn nỗ lực học tập công tác, nhưng xã hội lại không cho bạn cơ hội thăng tiến. Nhưng nếu có người chỉ vì muốn sống tốt, thì khi kinh tế Trung Quốc không tốt nữa, những huyễn tưởng về những năm tháng bình yên sẽ bị phá vỡ.
Giáo sư Chương nhìn nhận, ĐCSTQ có thể đang đặt cược. Sau khi ông Tập Cận Bình rút lại chính sách Zero COVID, chính là để phục hồi sản xuất, mà phục hồi sản xuất là để cứu vãn khó khăn kinh tế hiện nay. Do đó hiện nay Tập Cận Bình dường như đang đặt toàn bộ hy vọng đặt vào khôi phục kinh tế.
Nhưng nếu kinh tế không thể khôi phục, mọi người sẽ không cam tâm làm ‘nhân khoáng’ nữa. Khi người ta không cam tâm, người ta sẽ không phục tùng, mà ĐCSTQ lại sợ việc người ta không phục tùng, cho nên sự thống trị của tổ chức này sẽ gặp nguy hiểm. Còn tình huống tiếp theo như thế nào, chúng ta chỉ có thể quan sát thêm một thời gian.
Mạn Vũ