Mục lục bài viết
Vào triều Đường, diện tích cương vực có lúc đạt đến 12 triệu km2 (gấp 40 lần diện tích Việt Nam bây giờ), đây là con số rất lớn, nhưng điều này lại mang đến một số ‘phiền phức’ cho Đại Đường.
Chúng ta biết rằng, một quốc gia cần có quân đội để canh giữ biên cương. Vì quốc gia quá rộng lớn nên không thể lúc nào cũng xin mệnh lệnh từ trung ương, cho nên vào triều Đường đã thiết lập rất nhiều ‘phiên trấn’ (藩鎮: trấn ở ngoài kinh thành) để canh giữ biên giới, và người đứng đầu ‘phiên trấn’ gọi là ‘Tiết độ sứ’ (節度使).
Nhưng nếu Tiết độ sứ là người có dã tâm thì sẽ mang đến những cuộc phản loạn, An Lộc Sơn với ‘An Sử chi loạn’ (安史之亂: loạn An Sử) chính là một Tiết độ sứ.
Thêm vào đó, sau thời kỳ ‘An Sử chi loạn’, vấn đề ‘phiên trấn’ cũng mang đến nhiều phiền phức cho triều Đường. Đây rốt cuộc là chuyện gì?
Trong loạt bài lịch sử ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 4 ‘Lưỡng Tống phồn hoa’, ở tập 1 ‘Phiên trấn cát cứ’, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã thuận tiện giảng về vấn đề ‘phiên trấn’ này của triều Đường, đồng thời đưa thêm một số thông tin rất có giá trị tham khảo về triều Tống như sau.
- Loạt bài Lưỡng Tống phồn hoa
Đặc điểm nổi bật của triều Tống
Lời bạch: Trong ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 ‘Tuỳ Đường thịnh thế’, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã giảng giải cho chúng ta thời đại hoàng kim của lịch sử Trung Quốc là Thịnh Đường. Đến những năm Thiên Bảo sau thời ‘Khai Nguyên thịnh thế’, từ năm 755 đến 763 đã phát sinh sự kiện ‘An Sử chi loạn’ kéo dài 8 năm, từ đó Đại Đường rơi vào thời kỳ chia cắt. ‘Ngũ đại Thập quốc’ về bản chất là sự tiếp nối quá trình chia cắt của Đại Đường. Mãi đến năm 979, Bắc Tống trên cơ bản lại thống nhất.
Phần ‘Tiếu đàm phong vân’ này chính là bắt đầu giảng từ những năm tháng biến động đó.
Ưu điểm
Giáo sư Chương Thiên Lượng sẽ bắt đầu giảng về phần 4 ‘Tiếu đàm phong vân’ có tên là ‘Lưỡng Tống phồn hoa’, cũng tức là lịch sử của Lưỡng Tống.
Lưỡng Tống là triều đại vô cùng giàu có trong lịch sử Trung Quốc. Thời Bắc Tống, thu nhập tài chính trong một năm của quốc gia từng đạt tới 150 triệu quán (Quán – 貫: xâu tiền).
Chúng ta biết rằng vào thời nhà Thanh, trải qua 130 năm tích luỹ của thời ‘Khang Càn thịnh thế’ (thời kỳ thịnh thế của vua Khang Hy, Càn Long), thu nhập tài chính của quốc gia trong một năm không quá 40 triệu lượng bạc trắng. Đương nhiên một quán tiền đồng chưa chắc đã tương đương với một lượng bạc trắng, đồng thời thu nhập tài chính của quốc gia cũng không tương đương với tổng giá trị mà tất cả quốc dân sản xuất, nhưng Lưỡng Tống xác thực là vô cùng giàu có, thậm chí có thể nói là thời đại giàu có nhất trong các vương triều của Trung Quốc.
Nói đến Lưỡng Tống, chúng ta thường nghĩ tới thể thơ Tống từ, hình thức văn học này của thời Tống vô cùng phát triển. ‘Đường Tống bát đại gia’, tức 8 nhà văn học lớn thời Đường – Tống gồm:
- Hàn Dũ.
- Liễu Tông Nguyên.
- Âu Dương Tu.
- Tô Tuân.
- Tô Thức.
- Tô Triệt.
- Tăng Củng.
- Vương An Thạch.
Ngoài Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên thuộc triều Đường, thì 6 người còn lại xuất hiện vào triều Tống.

Thêm vào đó, khoa học kỹ thuật vào thời Tống cũng rất phát triển. Chúng ta biết rằng Thẩm Quát đã viết cuốn ‘Mộng Khê bút đàm’, trong đó đề cập đến ‘Tứ đại phát minh’ gồm:
- Giấy.
- Kỹ thuật in.
- La bàn.
- Thuốc súng.
Ngoại trừ kỹ thuật in xuất hiện vào thời Minh, thì 3 phát minh còn lại xuất hiện vào thời Tống.
Hơn nữa, chính trị thời Tống vô cùng thanh minh (清明: trong sạch). Chúng ta biết rằng lịch sử các triều đại Trung Quốc thường thấy vài loại tình huống, ví dụ như: hoạn quan can chính, ngoại thích chuyên quyền, hoặc tàn sát lẫn nhau trong nội bộ tông thất. Những sự việc trên có rất ít vào thời Tống, thậm chí có thể nói là hoàn toàn không có.
Tống Thái Tổ đã từng hạ lệnh không giết ‘ngôn quan’ tức người can gián, cho nên toàn bộ bầu không khí chính trị thời Tống vô cùng khoan dung, những án oan thời ấy ít hơn nhiều so với triều đại khác. Đây là một vài ưu điểm nổi trội của thời Tống.
Nhược điểm
Đương nhiên thuận theo sự phát triển văn hoá, thì quân sự triều Tống có sự suy yếu.
Chúng ta biết rằng vào thời ‘Ngũ đại Thập quốc’, Thạch Kính Đường tự xưng Hoàng đế, sau đó cắt nhượng 16 châu của vùng Yên Vân phương bắc cho Khiết Đan; cho nên sau thời kỳ Bắc Tống khai quốc, vùng Yên Vân vẫn chưa thu về quốc hữu.
Do đó chúng ta thấy rằng toàn bộ triều Tống vẫn luôn trong hoàn cảnh bị cường địch vây quanh. Vào thời Bắc Tống, phía bắc là tộc Khiết Đan hùng mạnh, phía tây bắc có Tây Hạ cũng hình thành uy hiếp, phía tây nam có Thổ Phồn và Đại Lý.
Vào những năm cuối thời Tống, tộc Nữ Chân quật khởi (崛起: trỗi dậy) đã tiêu diệt được nước Liêu, sau đó thiết kỵ tiến về nam, rất nhanh đã tiêu diệt Bắc Tống. Còn quan hệ giữa Nam Tống và nước Kim ở phương bắc có nét giống với thời kỳ Nam Bắc triều, tức lấy sông Trường Giang làm giao giới.
Vì thế khi nói về Lưỡng Tống, có lúc chúng ta gọi Bắc Tống là một vương triều thống nhất, thì cách nói này có chút miễn cưỡng. Bởi vì khi Giáo sư Chương giảng ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 ‘Tần Hoàng Hán Vũ’ đã từng nói rằng về một khái niệm đó là: Một vương triều nếu được xưng là một vương triều thống nhất, thì trên cơ bản phải chiếm lĩnh một vùng đất mà Tần Thuỷ Hoàng đã khai tịch (khai mở), tức vùng Hoa Bắc, Hoa Trung và Hoa Nam rộng 3 triệu km2 (gấp 10 lần diện tích Việt Nam).
Nhưng phía bắc của Bắc Tống không đến được Trường Thành, nên chưa đủ 3 triệu km2, đồng thời nước Liêu và nước Kim lại bị Hán hoá sâu sắc, cho nên về cơ bản thời ấy là thiên hạ đồng tồn vài quốc gia.

Đến thời trung hậu kỳ của Nam Tống, người Mông Cổ ở phía bắc quật khởi. Chúng ta biết rằng thiết kỵ Mông Cổ của Thiết Mộc Chân đã hoành tảo đại mạc (tung hoành khắp nơi), đến năm 1206, Thiết Mộc Chân xưng là Thành Cát Tư Hãn. Sau đó đại quân của ông nam hạ và tây chinh, tức tấn công về phía nam và phía tây.
Vào thời Thành Cát Tư Hãn và những người kế vị của ông như Oa Khoát Đài Hãn, Mông Ca Hãn, Mông Cổ từng có 3 cuộc tây chinh. Khi đó thiết kỵ Mông Cổ đã đánh một mạch tới bờ sông Đa-nuýp của châu Âu.

Nam Tống và đại quân tây chinh của Mông Cổ đồng thời tồn tại, cho nên khi Giáo sư Chương giảng lịch sử Nam Tống, thì không thể không nhắc đến lịch sử của các nước như Kim, quá trình người Mông Cổ khuếch trương lãnh thổ…
Do đó Giáo sư Chương giảng ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 4 ‘Lưỡng Tống phồn hoa’, trên thực tế là bắt đầu giảng từ trung kỳ của Đại Đường, tức bắt đầu từ thời ‘An Sử chi loạn’, một mạch giảng đến sự diệt vong của Nam Tống, tức câu chuyện ‘Nhai Sơn hải chiến’ (sẽ có trong tập miễn phí số 41 mà Giáo sư Chương cho phép xem, chúng tôi sẽ sớm đưa đến cho quý độc giả).
Chúng ta biết rằng về mặt quân sự của Lưỡng Tống tương đối yếu nhược, loại yếu nhược này có quan hệ với quốc sách của họ, mà quốc sách Lưỡng Tống kiến lập lại có quan hệ rất lớn với ‘An Sử chi loạn’, thậm chí có thể nói: Sở dĩ Lưỡng Tống yếu nhược như vậy, chính là do hậu hoạ của ‘An Sử chi loạn’. Do đó khi Giáo sư Chương giảng về việc chế định quốc sách của Lưỡng Tống, thì không thể không bắt đầu giảng từ ‘An Sử chi loạn’.
Phiên trấn cát cứ
Vào thời Đường Đại Tông, ‘An Sử chi loạn’ đã gióng lên hồi chuông báo hiệu sự suy yếu triều Đường, bởi vì Đại Đường lúc ấy đã ‘sức cùng lực tận’, đồng thời quân đội trung ương không mạnh, còn nhờ cậy giúp đỡ của quân đội tộc Hồi Hột để bình định phản loạn.
Đại Đường vì muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, cho nên sau ‘An Sử chi loạn’, họ không những không tước trừ những phiên trấn phản loạn, mà còn để những tướng quân phiên trấn từng phản loạn tiếp tục làm Tiết độ sứ.
Vào thời Đường Đại Tông, có tổng cộng 8 Tiết độ sứ vô cùng không cung kính trung ương. Giáo sư Chương sẽ bắt đầu giảng lần lượt từ bắc xuống nam:
- Ở phía bắc trên cùng là Lý Hoài Tiên làm U Châu Tiết độ sứ (nay thuộc vùng Bắc Kinh).
- Từ U Châu về nam một chút là Thành Đức Tiết độ sứ (nay thuộc huyện Chính Định tỉnh Hà Bắc).
- Từ Thành Đức đi về nam một chút là Nguỵ Bác Tiết độ sứ (nay thuộc huyện Đại Danh tỉnh Hà Bắc). Đây là một phiên trấn vô cùng hùng mạnh.
- Phía tây của Nguỵ Bác Tiết độ sứ là Chiêu Nghĩa Tiết độ sứ do Tiết Tung đứng đầu. Tiết Tung là cháu của Tiết Nhân Quý.
4 Tiết độ sứ này là phía bắc sông Hoàng Hà, họ đều là bè đảng còn lại của An Sử, tức bộ tướng còn lại của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh.

- Đi qua Hoàng Hà về nam có Điền Thần Công làm Biện Tông Tiết độ sứ (nay thuộc Khai Phong tỉnh Hà Nam). Đây là một nơi rất đáng chú ý, bởi vì sau này ‘Chu Ôn soán Đường’, gồm cả 4 vương triều thời Ngũ đại đều định đô ở Khai Phong, hay còn gọi là Nam Kinh.
- Phía tây của Biện Kinh Tiết độ sứ còn có Đổng Tần làm Hoài Tây Tiết độ sứ. Sau này này Đổng Tần được triều đình tặng tên là Lý Trung Thần. Địa phương Hoài Tây sau này cũng phát sinh phản loạn, tạo thành rất nhiều phiền phức cho Đại Đường.
- Còn có một phiên trấn rất mạnh ở vùng Sơn Đông hiện nay tên là Bình Lô Tiết độ sứ. Tên gọi Bình Lô Tiết độ sứ này có tính hiểu lầm, bởi vì ban đầu Bình Lô Tiết độ sứ là An Lộc Sơn, sau này An Lộc Sơn kiêm nhiệm Tiết độ sứ ở Phạm Dương và Hà Đông. Khi đó Bình Lô là ở khu Triều Dương tỉnh Liêu Ninh (tức đông bắc Trung Quốc). Sau ‘An Sử chi loạn’, do phát sinh một loạt chiến loạn, Bình Lô Tiết độ sứ được đổi cho một người tên là Hầu Hi Dật, sau đó binh lực chuyển từ vùng Liêu Đông đi về nam đến Sơn Đông. Bình Lô Tiết độ sứ cũng gọi là Truy Thanh Tiết độ sứ.

- 7 Tiết độ sứ ở trên đều là bè đảng còn lại của An Sử. Còn có một Tiết độ sứ ở địa phương là giao giới của Hà Nam và Hồ Bắc tên là Lương Sùng Nghĩa, người này cũng vô cùng không cung kính triều đình.
Do đó Tiết độ sứ của 8 địa khu này không ngừng phát sinh phản loạn vào thời Đường Đại Tông và Đường Đức Tông.
Triều đình vì để phòng bị 8 Tiết độ sứ trên, lại thiết lập thêm 26 phiên trấn ở Trung Nguyên. Vào thời của Đường Huyền Tông khi ‘An Sử chi loạn’ nổ ra, ở Trung Quốc chỉ có 10 phiên trấn; nhưng sau khi ‘An Sử chi loạn’ kết thúc, tức vào những năm Đường Đại Tông, số lượng phiên trấn đã đạt đến con số 34. Sau đó đến thời Đường Đức Tông, lại tăng lên con số 40 phiên trấn. Do đó Đại Đường sau biến cố ‘An Sử chi loạn’, trên thực tế là rơi vào thời kỳ chia cắt.
Những phiên trấn của Đại Đường kỳ thực có thể phân thành 4 loại:
- 8 Tiết độ sứ mà Giáo sư Chương giảng vừa rồi là những phiên trấn phản loạn.
- Một loại phiên trấn thuộc về ‘Trung Nguyên trấn át’ (中原鎮遏), chuyên môn phòng bị 8 phiên trấn phản loạn. Phiên trấn ‘Trung Nguyên trấn át’ này trên cơ bản ở vùng Trung Nguyên và Thiểm Tây.
- Có 8 phiên trấn đặt ở vùng Giang Nam tương đối cung thuận với trung ương, những phiên trấn này đều cung phụng nộp thuế. Thời ấy nguồn tài chính của triều Đường đến từ 8 phiên trấn ở Giang Nam này.
- Ngoài ra còn có phiên trấn đặt ở phía tây, tức vùng Cam Túc và Thiểm Tây để phòng bị vùng biên giới tây bắc.
Do đó phiên trấn của Đại Đường thời đó ‘tinh la kỳ bố’ (星羅棋布: giăng bày như sao trên trời như cờ trên bàn).
Năm 763, tuy rằng ‘An Sử chi loạn’ được bình định, nhưng vì Đại Đường dung túng cho bè đảng của An Sử, nên lại rơi vào cục diện khó khăn là ‘phiên trấn cát cứ’, rất nhiều phiên trấn trở thành địch thủ với trung ương. Đến thời Đường Hiến Tông, phiên trấn tạm thời quy thuận triều đình, nhưng sau loạn cục lại khởi, dẫn đến Đại Đường diệt vong.
Vậy thì ‘phiên trấn chi loạn’ có những đặc điểm gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 4 tập 1: Phiên trấn cát cứ (藩鎮割據).
(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 4 tập 1.