Những người yêu thích bộ truyện Tây Du Ký nổi tiếng của nhà văn Ngô Thừa Ân hẳn vẫn còn nhớ rõ một trong những tình tiết ly kỳ nhất, đó là chuyện về “Lục Nhĩ mỹ hầu”, hai Tôn Ngộ Không thật – giả lẫn lộn, đánh nhau điên đảo càn khôn.

1. Vì sao chỉ Phật Tổ Như Lai phân biệt được thật giả? 

Lục Nhĩ Mỹ Hầu tính tình hung ác, biến thành bộ dạng của Tôn Ngộ Không rồi gây ra biết bao điều thị phi. Đến ngay cả sư phụ Đường Tăng cũng bị con khỉ hung ác đó… cho một gậy thiết bổng đánh ngất đi. Trước đó, Đường Tăng vì giận Ngộ Không giết người vô cớ (thực ra là giết mấy tên cướp hung ác) nên lập tức lần tràng hạt niệm “Khẩn cô nhi chú”, xiết vòng kim cô khiến Ngộ Không đau đến vỡ đầu, sau đó đuổi đi. 

Ngộ Không bèn bỏ về Hoa Quả Sơn, và lần này là bỏ thật, về nhà tụ tập lũ khỉ luyện tập võ nghệ, không thấy nhắc đến hai chữ “thỉnh kinh” nữa. Sau khi Ngộ Không ra đi, Lục Nhĩ Mỹ Hầu đến cướp hết hành lý của thầy trò Đường Tăng, đánh Đường Tăng bị thương như đã nói. Khi tỉnh ra, Đường Tăng lại tưởng là Ngộ Không đến trả thù, bèn nghi oan cho học trò mình.

Đương nhiên, Ngộ Không không thể chịu được nỗi oan ức này, bèn xốc tới đánh nhau với Lục Nhĩ Mỹ Hầu một trận kinh thiên động địa. Nhưng tài nghệ của cả hai ngang ngửa nhau, đấu mãi mà vẫn bất phân thắng bại. Cả Lục Nhĩ và Ngộ Không chỉ còn biết mời chư vị thần tiên trên trời giúp phân biệt thật giả, trả lại sự trong sạch cho mình. 

Tuy nhiên, ngay đến cả Pháp nhãn của thần thánh, gương chiếu yêu của Lý Thiên Vương, Pháp nhãn của Quan Âm Bồ Tát… cũng đều không nhìn ra được ai là thật, ai là giả. Cuối cùng, hai con khỉ lại lao vào giao đấu với nhau, kiện lên đến tận Tây Thiên, nhờ  Phật Tổ Như Lai phân giải. Hồi thứ 58: “Nhị tâm làm loạn càn khôn rộng. Một thể khó tu tịch diệt chân” kể rằng: 

Lục Nhĩ Mỹ Hầu tính tình hung ác, biến thành bộ dạng của Tôn Ngộ Không rồi gây ra biết bao điều thị phi. Ảnh dẫn theo youtube.com

Phật tổ chắp tay nói: 

– Quan Âm tôn giả, ngài xem hai Hành Giả này, ai thật ai giả? 

Bồ Tát nói: 

– Vừa rồi họ có tới hoang sơn của đệ tử, đệ tử cũng không phân biệt nổi. Họ lại lên cả thượng giới, xuống cả âm phủ, cũng không ai nhận ra. Vì vậy họ mới tới cầu với Như Lai, muôn ngàn lần mong Phật tổ phân giải giúp cho. 

Như Lai cười nói: 

– Các ngài pháp lực to lớn thật nhưng chỉ biết được mọi việc trong vòng trời, mà không biết hết các giống vật trong đó, và càng không biết rộng khắp các giống loài trong vòng trời. 

Chỉ vài câu nói của Phật Tổ đã chỉ ra nhiều thiên cơ và được xem như là lời tiên tri mà ngay cả thần thánh cũng chưa liễu giải được. Ở đây đã chỉ ra những chỗ thiếu sót trong các phương thức tu luyện của chúng Thần nơi Thiên Cung Địa Phủ, cũng như đại chúng nơi Linh Sơn pháp hội. 

Thứ nhất, chư Thần nơi Thiên Cung Địa Phủ cùng đại chúng nơi Linh Sơn pháp hội chỉ lo chú tâm tu luyện, hoàn toàn không biết rằng Lục Nhĩ Mỹ Hầu có tới tận 6 cái tai, mọi việc trong thiên hạ nó vốn chỉ cần đứng một chỗ là biết được tường tận.

Ví như, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người đứng đầu chúng Thần nơi thiên đình: “Tu trì từ nhỏ, tinh tấn trải qua 1750 kiếp, mỗi một kiếp lại là 129.600 năm”. Như vậy, Ngọc Đế đã khổ tu hơn hai ức năm (tức là hơn 226 triệu năm), công lực hùng hậu đứng đầu chúng Thần. Nhưng ngay cả bảo kính chiếu yêu của Ngọc Đế cũng vẫn không thể phân biệt ra được đâu là Ngộ Không thật, Ngộ Không giả. 

Lý do là vì sao? Phật Như Lai chỉ với một câu đã nói trúng trọng điểm, rằng: “Các ngài pháp lực to lớn thật nhưng chỉ biết được mọi việc trong vòng trời, mà không biết hết các giống vật trong đó, và càng không biết rộng khắp các giống loài trong vòng trời”. 

Phật Tổ đã chỉ ra nhiều thiên cơ mà ngay cả thần thánh cũng chưa liễu giải được. Ảnh dẫn theo youtube.com

Như Lai chủ biên Tam Tạng Chân Kinh “35 bộ, tổng cộng 15.144 quyển“, chính là đã mở ra một con đường lớn tu Chân, cánh cửa chính Thiện. Phàm là thiên văn, địa lý, nhân vật, chim thú, hoa cỏ, vật dụng, việc người, trong Tứ Đại Bộ Châu, thật không bỏ sót thứ nào, là một bộ “bách khoa toàn thư” toàn diện. Vậy nên, Đức Phật Như Lai chỉ cần nhìn qua một cái đã biết rõ Mỹ Hầu vương thật giả. 

Thứ hai, bởi chúng Thần trong Thiên Cung Địa Phủ và Linh Sơn pháp hội hoàn toàn không một ai biết đến sự tồn tại của Lục Nhĩ Mỹ Hầu, càng không biết đến loại kỹ thuật “nghe trộm ngoài nghìn dặm” này. Vậy nên, rất nhiều kế hoạch bí mật và pháp thuật tu luyện thảy đều bị Lục Nhĩ Mỹ Hầu nghe trộm và rèn luyện thành thục. 

Sau khi bị Phật Như Lai phát hiện ra chân tướng, “Con di hầu sợ quá lông tóc dựng đứng, biết chừng khó thoát, vội vàng lắc mình một cái, biến thành một con ong mật, bay vút lên không, bị Như Lai tung ngay chính chiếc bát bằng vàng lên úp chụp, con ong rơi xuống. Mọi người không biết, cứ ngỡ con ong chạy thoát“. Chính ngay cả Quan Âm Bồ Tát thần thông quảng đại, hiểu tận chân tơ kẽ tóc cũng không phát hiện ra. Có thể thấy được rằng, Lục Nhĩ Mỹ Hầu không phải là công phu hạng thường. 

Vật cưỡi của Địa Tạng Vương Bồ Tát là Đế Thính cũng có năng lực “nghe trộm” như thế, hơn nữa phạm vi nghe trộm khắp cả Tam giới: “Núi sông xã tắc, động tiên, phúc địa nơi Tứ Đại Bộ Châu”. Theo lẽ thì pháp lực của Đế Thính phải hơn cả Lục Nhĩ Mỹ Hầu nhưng nó lại bảo Địa Tạng Bồ Tát rằng: “Yêu quái này thần thông chẳng kém gì Tôn Đại Thánh, quỷ thần cõi u minh có bao nhiêu pháp lực đâu, nên không thể bắt nổi“.

Thực ra chức trách của Đế Thính là giúp đỡ Địa Tạng Vương Bồ Tát hiểu rõ thiện ác của nhân gian, giống như một “người thám thính”, còn về tu luyện pháp thuật nó vốn không phải vào hàng thâm sâu gì. Trước khi Tôn Ngộ Không đại náo Địa Phủ, Đế Thính cũng đứng ngoài cuộc, không phải là không muốn mà căn bản là đánh không lại. Vật cưỡi của Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm lần lượt hạ phàm đại chiến trực diện với Tôn Ngộ Không, duy chỉ có Đế Thính không tham dự cũng là bởi pháp lực của Đế Thính cũng chỉ được bấy nhiêu thôi.

Ở một khía cạnh nào đó, Đế Thính cũng lại giống như Vương Ngữ Yên trong tiểu thuyết “Thiên Long Bát Bộ” của Kim Dung. Bí kíp võ công trong thiên hạ cô đều thuộc lòng như cháo chảy, chỉ cần nhìn thoáng qua một cái là biết rõ đường tơ kẽ tóc. Thế nhưng bản thân Vương Ngữ Yên lại không hề biết một ngón võ nào, chân yếu tay mềm, không ra nổi một đòn. 

Xem thêm: Vì sao Đức Phật thấy cả dòng họ của mình bị giết hại nhưng vẫn không ra tay cứu?

2. Vì sao Lục Nhĩ Mỹ Hầu bị đánh chết?

Đã là thiên cơ thì không thể tiết lộ, còn Lục Nhĩ Mỹ Hầu lại nghe trộm được hết cả, rồi làm ra những việc không nên. Chuyện Bồ Đề Tổ Sư thu nhận đồ đệ, Đường Thái Tông du ngoạn âm phủ, Tôn Đại Thánh đại náo thiên cung, Phật Pháp của Như Lai truyền sang Đông Thổ… vốn đều là những kế hoạch bí mật trong Phật môn, thảy lại đều bị Lục Nhĩ Mỹ Hầu nghe trộm cả.

Nhưng chỉ nghe thôi cũng không vấn đề gì, nó lại còn chạy ra bên ngoài phá hoại việc thỉnh kinh. Vậy nên thật sự không thể dung nó tiếp được. Hơn nữa, Tôn Ngộ Không đánh chết chỉ là “nhục thân” của Lục Nhĩ Mỹ Hầu mà thôi, còn linh hồn của nó mãi mãi đã được lưu giữ lại Linh Sơn.

Bởi vì, thứ nhất, Tôn Ngộ Không từ lâu đã đem toàn bộ tên tuổi của loài khỉ xóa khỏi sổ sinh tử. Thứ hai, nếu như đem hồn phách của Lục Nhĩ Mỹ Hầu thả ra khỏi Linh Sơn, như thế rất có thể nó sẽ học theo Ngộ Không đại náo Địa Phủ như trước, thậm chí mượn xác hoàn hồn giống như Lý thị – vợ của Lưu Toàn vậy. Thứ ba, Ngã Phật từ bi, đối với yêu ma phần nhiều đều lấy hàng phục là chính chứ rất ít khi hạ thủ thanh trừ. 

3. Vì sao xuất hiện Lục Nhĩ Mỹ Hầu?

Lục Nhĩ Mỹ Hầu (mỹ hầu 6 tai) và Tôn Ngộ Không 500 năm trước là cùng thuộc một họ. Tôn Ngộ Không 500 năm trước cũng là một yêu tinh đại náo thiên cung. Tề Thiên Đại Thánh năm ấy bản lĩnh đầy mình, thần thông quảng đại, từ Linh Tiêu Bảo Điện đến Diêm La Địa Ngục, không nơi nào là không dám đến, không chốn nào là không dám quậy.

Đối với các thần tiên mà nói, chỉ một con khỉ này thôi cũng đủ đau đầu, lao lực lắm rồi! Trải qua bao phen khốn đốn mới đưa được Ngộ Không vào con đường chính đạo, phò tá sư phụ Đường Tăng tới Tây Thiên thỉnh kinh. Nhưng có điều “ma tâm” bên trong con khỉ ấy vẫn chưa trừ bỏ dứt, chỉ đợi có dịp là lại nổi lên. 

Ngộ Không phò tá Đường Tăng đi lấy kinh nhưng lại không buông bỏ ma tâm, lâu ngày khiến nó mạnh dần lên đó chính là Lục Nhĩ Mỹ Hầu. Ảnh dẫn theo youtube.com

Trước khi Lục Nhĩ Mỹ Hầu xuất hiện gây họa thì chính Ngộ Không đã nổi hung tâm đánh chết mấy tên cướp. Huyền Trang niệm chú xiết vòng kim cô không ngừng, Ngộ Không lại một lần nữa bị đuổi. Ngộ Không đến Bồ Tát kiện, Bồ Tát phán xử theo lẽ công bằng, nói về tội sát sinh. Nhưng Ngộ Không lần này lại muốn bỏ tu luyện và xin được gỡ bỏ vòng kim cô trên đầu để về Hoa Quả Sơn làm người thường.

Muốn từ bỏ tu luyện, trở về làm phường giặc cướp, ấy chính là phản bội sư môn. Một khi xuất ra loại “ma tâm” này thì một cá nhân sẽ phải nhận hậu quả nghiêm trọng. Ngộ Không dù mới chỉ nói ra bằng lời nhưng cũng đã phải gánh lấy “khẩu nghiệp” nặng nề: Lục Nhĩ Mỹ Hầu xuất hiện, đánh nhau với hắn đến long trời lở đất.

Như vậy xem ra Lục Nhĩ Mỹ Hầu kia chính là ma tâm của Ngộ Không tạo ra vậy. Và cuộc chiến giữa Ngộ Không và Lục Nhĩ cũng chính là cuộc giằng xé nội tâm giữa một bên là Phật tâm (sang Tây thỉnh kinh, tu thành chính quả) và một bên là ma tâm (về Hoa Quả Sơn, làm thành tướng cướp). Cuối cùng thì chỉ có Phật Tổ Như Lai mới có thể hóa giải cái nạn này.

Các vị Bồ Tát, chư Thần tiên không phân biệt được mỹ hầu sáu tai với Tôn Ngộ Không là bởi đó không phải là ma từ ngoài vào mà là ma từ trong tâm xuất ra. Ngộ Không đã phát tâm phò tá Đường Tăng thỉnh kinh nhưng lại phát ra loại ma tâm dơ bẩn ấy thì quả thực là mắc trọng tội, chính là tội phỉ báng, khinh nhờn Phật Pháp. Dù võ công có cao cường đến mấy, thần thông siêu việt chừng nào, Ngộ Không cũng không thể nào vượt nổi kiếp nạn này. 

Sở dĩ vượt qua kiếp nạn là vì Ngộ Không đã thực sự xuất ra thiện tâm, muốn quay về phò tá sư phụ Đường Tăng, lại muốn trừ bạo ác, lấy lại lẽ phải, công bằng. Xét kỹ ra thì việc Ngộ Không bỏ đi lần này cũng chỉ vì tâm nóng giận nhất thời với Đường Tăng, không chịu nổi oan ức (đánh cướp mà vẫn bị quở phạt). Trong tâm Ngộ Không phần Phật tính đã chiến thắng ma tính nên cuộc chiến này Mỹ Hầu vương của chúng ta rốt cuộc đã lành lặn mà vượt qua.

Tôn Ngộ Không đã vượt qua ma tính của mình. Ảnh dẫn theo youtube.com

Thực là:

Tu tâm dưỡng tính phải chuyên cần
Một phút sa đà tổn hại thân
Dứt mê, trừ ác lòng kiên định
Viên mãn ngày kia ắt thành Thần