‘Hệ thống giáo dục’ là một trong những điểm khác nhau giữa Pháp gia và các nước theo chủ nghĩa cực quyền. Pháp gia không trọng giáo dục, họ muốn biến con người thành ngu dân, gian dân… Còn chủ nghĩa cực quyền lại trọng giáo dục theo một cách khác. 

Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’

Theo Gramsci, ‘giai cấp vô sản mới’ nên là tội phạm, nữ quyền và thiểu số cấp tiến

Ở phần trước, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã giảng về câu chuyện: theo dự ngôn của Tuyên ngôn ĐCS, thì giai cấp công nhân sẽ cầm súng lật đổ giai cấp tư sản, nhưng trên thực tế thì giai cấp công nhân lại bảo vệ giai cấp tư sản. Điều này khiến nhiều đảng viên phải suy nghĩ.

Antonio Gramsci là nhà triết học, nhà văn, chính trị gia và là lý thuyết chính trị người Ý. Ông là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Ý.

Khi ấy là vào những năm 30, Gramsci – Bí thư ĐCS Ý trong thời gian ngồi tù đã phát hiện rằng: giai cấp thực hiện cách mạng không phải là giai cấp công nhân. Gramsci nhìn nhận: ‘Văn hoá phương tây và Cơ Đốc giáo đã che lấp cặp mắt của giai cấp công nhân’. Bởi vì chiểu theo văn hoá phương tây và Cơ Đốc giáo, một cá nhân phải nỗ lực làm việc để nuôi sống bản thân, phải tôn trọng trật tự xã hội để làm một công dân tốt v.v. Những giá trị quan như thế đã cắm rễ trong tâm của giai cấp công nhân. Do đó chỉ có phá huỷ tôn giáo và văn hoá, mới có thể kiến lập chủ nghĩa xã hội. 

Sau này Gramsci đã viết một cuốn sách trong ngục của Mussolini có tên ‘Ngục trung tráp ký’ (獄中劄記: bút ký trong ngục), trong đó Gramsci nói: “Giai cấp vô sản mới nên cấu thành từ tội phạm, phụ nữ và thiểu số cấp tiến”, ‘thiểu số cấp tiến’ là chỉ những tộc duệ (chủng tộc) thiểu số, hoặc người da màu, ‘phụ nữ’ là chỉ phong trào nữ quyền.

Chúng ta thấy rằng, vào những năm 30 của thế kỷ trước, Gramsci đã dự ngôn ‘giai cấp vô sản mới’ là: tội phạm, phụ nữ và thiểu số cấp tiến. Hết thảy những điều này hiện nay chẳng phải đang phát sinh ở Mỹ như là: Antifa, Black Lives Matter, phụ nữ cấp tiến v.v.

Gramsci cho rằng ‘chiến trường mới’ là các lĩnh vực văn hoá, gồm cả: giáo dục, giáo hội (nhà thờ), các tổ chức ở dân gian, văn học, truyền thông, giải trí, khoa học, lịch sử v.v. Gramsci nhìn nhận phải cải tạo triệt để những thứ này, thì trật tự xã hội và văn hoá mới bị ‘điên đảo’ (đảo lộn) bởi sự kiến lập của giai cấp vô sản này. Đây là quá trình kiến lập Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’, cũng cho thấy được quá trình thực hiện nó như thế nào.

Ở đây, Giáo sư Chương cũng giảng về sự khác nhau giữa Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ và Chủ nghĩa Lênin. Chủ nghĩa Lênin là dùng bạo lực để kiến lập nên chính quyền Chủ nghĩa Mác, sau đó mới tiêu diệt văn hoá truyền thống, giống như cách mạng văn hoá ở Trung Quốc. Còn Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ là thông qua việc tiêu diệt văn hoá truyền thống để kiến lập chính quyền Chủ nghĩa Mác. 

Con đường của 2 chủ nghĩa này hầu như tương phản. Do đó chúng ta thấy rằng: giữa đảng chính trị của Chủ nghĩa Lênin (đơn cử như ĐCSTQ) với Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ (ví như cánh tả cấp tiến của xã hội tự do) giống như ‘thuỷ hoả bất dung’ (nước lửa không dung hoà nhau).

Học phái Frankfurt

Gramsci là người Ý, còn có học phái của Đức nữa, cũng là đại bản doanh của Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’. Người sáng lập học phái này Lukacs người Hungary. Sau này ở Frankfurt, Lukacs thành lập viện nghiên cứu xã hội, về sau đổi tên thành ‘Học phái Frankfurt’ mà nhiều người biết như hiện nay. 

Max Horkheimer (phía trước bên trái), Theodor Adorno (phía trước bên phải), và Jürgen Habermas phía sau bên phải, năm 1965 tại Heidelberg.

Học phái Frankfurt muốn thông qua văn hoá để kiến lập chủ nghĩa xã hội, nó đặc biệt công kích lĩnh vực nghệ thuật. Học phái Frankfurt có rất nhiều nhân vật đại biểu như: Lukacs, Marcuse, Benjamin, Adorno v.v. Những người này vô cùng năng nổ tích cực ở Mỹ, họ từ Học phái Frankfurt mà đến Mỹ quốc, từ trợ giảng trở thành giáo sư Đại học Columbia, khởi tác dụng vô cùng lớn trong việc ‘quạt gió thổi lửa’ cho các cuộc vận động của học sinh vào cuối những năm 60 đầu những năm 70 ở Mỹ, hơn nữa những người này được coi là người dẫn dắt cho các em học sinh.

Những năm 60 được coi là Đại Cách mạng văn hoá của Mỹ, khi ấy xuất hiện nào là: Hippie, đồng tính luyến ái, nhạc Rock, giải phóng tình dục v.v. Những trào lưu tư tưởng và hiện tượng xã hội thời ấy nhanh chóng phổ cập đến khắp ‘hang cùng ngõ hẻm’ nước Mỹ. Những nhân vật chỉ đạo thời đó là nhóm người của Marcuse. Marcuse, Mác và Mao Trạch Đông được gọi là ‘3M’, những người có chữ M ở đầu.

Marcuse cho rằng: ‘Giai cấp công nhân không thể lãnh đạo cách mạng Chủ nghĩa Mác, bởi vì họ đang biến thành một bộ phận của giai cấp trung sản và giai cấp tư sản’. Vậy thì ai có thể lãnh đạo cách mạng xã hội đây? Vào những năm 50 của thế kỷ 20, Marcuse đã trả lời vấn đề này, ông nói: ‘Lãnh đạo cách mạng xã hội nên là liên minh cấu thành từ những người da đen, học sinh, phụ nữ của chủ nghĩa nữ quyền và những người đồng tính’. Đến thời điểm hiện nay đã hơn 70 năm, chúng ta quay đầu nhìn lại, thì những lời của Marcuse đang biến thành hiện thực.

Chúng ta thấy rằng Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ là một quá trình thâm nhập và phát triển, sớm là cách đây gần 140 năm tức năm 1884, khi đó Hội Fabian đã đặt định một bộ những thứ này, đó chính là Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’.

Giáo sư Chương giảng những câu chuyện trên là muốn nói rằng, Pháp gia không giảng truyền thừa văn hoá, mà chủ nghĩa cực quyền thông qua văn hoá để tiến hành tẩy não, hoặc thông qua văn hoá mà phá huỷ tín ngưỡng hiện hành (như Cơ Đốc giáo) hoặc trật tự xã hội.

Hệ thống giáo dục

‘Giáo dục’ là ‘tẩy não’

ĐCSTQ còn có một chỗ khác Pháp gia, đó là hệ thống giáo dục. Pháp gia không chú trọng giáo dục, Hàn Phi Tử nói: “Không lấy văn trong sách tre, mà lấy pháp luật để dạy; không lấy lời của tiên vương, mà lấy quan lại làm thầy”. Nho gia mới giảng giáo dục, còn Pháp gia thì không.

ĐCSTQ cũng có một bộ ‘hệ thống giáo dục’, ‘giáo dục’ của ĐCSTQ nói thẳng ra là ‘tẩy não’, nó bắt đầu tẩy não từ lúc còn trong nhà trẻ.

Là người từng sống ở Đại lục, Giáo sư Chương nhớ lại hồi mình còn học tiểu học, mở chương đầu tiên, câu đầu tiên tập viết là: “Mao chủ tịch sống mãi trong lòng của chúng ta”. Dưới thể chế của ĐCSTQ, từ tiểu học đến trung học cơ sở, từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, từ trung học phổ thông đến đại học, từ đại học đến nghiên cứu sinh, chỉ cần đi học là phải học các lớp chính trị. 

Ví như cấp trung học cơ sở có ‘Tu dưỡng thanh thiếu niên’, ‘Lịch sử ngắn gọn về sự phát triển xã hội’; đến trung học phổ thông thì có ‘Chủ nghĩa duy vật biện chứng’; đến đại học có ‘Triết học Chủ nghĩa Mác’, ‘Lịch sử cách mạng Trung Quốc’ v.v. ĐCSTQ dùng một bộ khoá học chính trị để tẩy não người dân. Giáo dục của nó không phải vì cấp tri thức, mà là thông qua biên soạn tài liệu giáo dục mà soán cải (篡改: thay đổi) lịch sử, để thích ứng với hình thái ý thức của ĐCSTQ. 

Trong chương đầu tiên của cuốn ‘Trung Hoa văn minh sử’, Giáo sư Chương đã đề cập đến việc: trong lịch sử Trung Quốc, mỗi lần cải triều hoán đại không phải là đấu tranh giai cấp. Nhưng khi bạn đọc tài liệu giảng dạy lịch sử của ĐCSTQ, nó sẽ nói cho bạn: ‘Đấu tranh giai cấp thúc đẩy xã hội phát triển, đã tạo thành cải triều hoán đại’. 

Ở Trung Quốc, khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thường có câu hỏi liên quan đến chính trị, chính là học sinh phải biểu đạt thái độ đối với những vấn đề đang xảy ra. Học sinh phải bảo trì nhất trí lập trường chính trị với ĐCSTQ mới có thi đậu rồi học tiếp. Ví như ĐCSTQ trấn áp Pháp Luân Công, trong bài thi tốt nghiệp phải khảo nghiệm thái độ của học sinh đối với Pháp Luân Công là gì, nếu không đúng ý của ĐCSTQ, học sinh sẽ không học lên được. Đây là phương pháp khống chế con người thông qua giáo dục của ĐCSTQ, còn Pháp gia thì không có thứ này.

Chúng ta biết rằng, một loại hình thái ý thức nếu muốn truyền thừa qua các thời đại, thì con đường quan trọng nhất chính là giáo dục. Nói cách khác, người ta phải nói những điều ấy cho thế hệ tiếp theo, mà việc này chỉ có thể thông qua giáo dục. 

Do đó Lênin của Liên Xô từng nói rằng: “Chỉ cần cho tôi một thế hệ trẻ, tôi có thể cải biến toàn bộ thế giới”, ý tứ là chỉ cần nắm được giáo dục, rồi tẩy não một thế hệ thanh niên, thì có thể cải biến toàn bộ thế giới. Lênin coi những người bị tẩy não thông qua học thuyết chủ nghĩa xã hội là ‘kẻ ngốc hữu dụng’, những người này đã trở thành công cụ thuận tay của chính quyền.

Lênin và câu nói vô cùng nổi tiếng: “Chỉ cần cho tôi một thế hệ trẻ, tôi có thể cải biến toàn bộ thế giới”. Ảnh chụp từ Trung Hoa văn minh sử tập 42.

Khi giáo dục thù hận, thế hệ trẻ sẽ làm loạn quốc gia mình

Cánh tả thâm nhập văn hoá, phá hoại giáo dục nước Mỹ vô cùng nghiêm trọng. Ngày 3/7/2020, trên núi khắc hình 4 vị cố tổng thống ở bang Nam Dakota, cựu tổng thống Trump đã phát biểu rằng: “Những đứa trẻ của chúng ta đã bị giáo dục thành thù hận đất nước chính mình”. Những đứa trẻ này sau khi lớn lên không thể biến nước Mỹ trở nên phồn vinh và an toàn, bởi vì chúng thù hận nước Mỹ, do đó chúng hy vọng làm nước Mỹ hỗn loạn. Nếu trong giáo dục không thể truyền tải giá trị quan truyền thống của nước Mỹ, thì nước Mỹ không còn là nước Mỹ nữa.

Là một chuyên gia về giáo dục và có tín ngưỡng chân chính, Giáo sư Chương nhìn nhận, giáo dục của nước Mỹ hiện nay vô cùng đáng sợ. Cái gọi là ‘Thuyết chủng tộc phê phán’ – CRT (Critical Race Theory) và các loại giáo dục giới tính biến thái đang huỷ hoại nhân luân (luân lý con người) và nhận thức cơ bản về lịch sử của thế hệ tiếp theo.

Năm 2019, một phóng viên của Thời báo New York là Nikole Hannah-Jones, đã khởi động hạng mục có tên ‘1619’. Hạng mục ‘1619’ đem lịch sử lập quốc của nước Mỹ mô tả là bắt đầu từ năm 1619 – năm người da đen châu Phi đến châu Mỹ.

Vốn dĩ lịch sử nước Mỹ là bắt đầu vào năm 1620, chính là một nhóm người di dân ngồi trên con thuyền Hoa Tháng Năm – Mayflower để đến nước Mỹ, sau đó kiến lập một quốc gia cấu thành từ tín đồ Cơ Đốc giáo. 

Nhưng hạng mục ‘1619’ này muốn thay đổi sự việc đó, nói rằng người da đen đã sáng tạo ra lịch sử nước Mỹ, hơn nữa còn đem lịch sử 400 năm của nước Mỹ (1619 – 2019) miêu tả là lịch sử người da đen bị áp bức, đổ máu mà đứng lên giành tự do. Bọn họ đem Chiến tranh giành độc lập năm 1776 miêu tả thành cuộc chiến tranh phát động bởi người da trắng vì muốn nô dịch và áp bức người da đen, chứ không phải là cuộc chiến giành tự do và ‘thiên phú nhân quyền’ (天賦人權: quyền con người mà Trời/Thượng Đế trao cho). 

Hạng mục ‘1619’ này đã làm điên đảo lịch sử nước Mỹ, đây là việc vô cùng đáng sợ. Nếu không ngừng rót vào đầu trẻ em những điều như ‘nước Mỹ vô cùng xấu ác, nên đập bỏ đi’, vậy thì đương nhiên chúng sẽ thù hận nước Mỹ.

Đoàn thể ngụy tôn giáo

Giáo sư Chương giảng một chút về đoàn thể ngụy tôn giáo. Pháp gia không tồn tại đoàn thể nguỵ tôn giáo, hơn nữa thời ấy cũng không có tôn giáo. Nhưng ĐCSTQ sau khi đoạt được chính quyền, liền kiến lập các chủng các dạng đoàn thể nguỵ tôn giáo như: Hiệp hội Phật giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo Tam tự ái quốc, Hồi giáo v.v. ĐCSTQ thông qua cái gọi là Hiệp hội tôn giáo để khống chế những tôn giáo này, mà người ở trong hiệp hội ấy phần đông là đảng viên ĐCSTQ. Họ mặc y phục của tăng nhân hoặc mục sư, nhưng điều giảng ra lại là lời của ĐCSTQ.

Giáo sư Chương lấy một ví dụ, vào ngày 11/12/2017, Đại hội 19 của ĐCSTQ vừa mới khai mạc, Phó hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc là Hoà thượng Ấn Thuận, ông đã nói như thế này trong ‘Lớp Tập huấn Học tập Tinh thần Đại hội 19 của Hiệp hội Phật giáo Hải Nam’: ‘Bản thân đã chép tay 3 lần báo cáo của Đại hội 19, hơn nữa còn chuẩn bị chép 10 lần’. Chúng ta nghe cũng phải giật mình, hoà thượng không chép Kinh Phật mà lại chép lời giảng của Tập Cận Bình, đây là điều vô cùng quỷ dị.

Hoà thượng Ấn Thuận còn nói: ‘ĐCSTQ chính là Phật, Bồ Tát hiện thế; báo cáo Đại hội 19 là Phật Kinh đương đại. Bạn đừng xem Phật Kinh, bạn xem Phật Kinh không đến được thế giới Cực Lạc, mà bạn phải xem những thứ của ĐCSTQ, xem báo cáo của ĐCSTQ’. Sau đó Ấn Thuận còn yêu cầu các tín đồ Phật giáo khác phải chép tay báo cáo Đại hội 19 với một cái tâm cung kính giống như ông, chép một lần sẽ có thể ngộ và thu hoạch mới. 

Sau đó ông nói thêm: ‘Đoàn thể Phật giáo phải tự giác duy hộ địa vị trung tâm của Tập Cận Bình, làm được: nghe theo đảng, đi theo đảng’. Là hoà thượng mà không đi theo Phật mà đi theo đảng, điều này quả thật khó hiểu. Vị hoà thượng này mang tăng phục nhưng lại nói những lời của ĐCSTQ.

Còn có một hoang đường nữa đó là: chúng ta biết rằng Đức Đạt-lại Lạt-ma (達賴喇嘛, có bản dịch là Đạt-lai Lạt-ma) là người có ảnh hưởng vô cùng lớn trong tâm mắt người Tây Tạng. Tôn giáo Tây Tạng có một truyền thống về chuyển thế, chính là sau khi Đạt-lai Lạt-ma viên tịch sẽ chuyển sinh. Cao tăng sẽ tìm đứa bé do Đạt-lai Lạt-ma chuyển thế, sau đó để nó học Phật, để nó tiếp tục công việc cứu độ chúng sinh mà đời trước đang làm. Đạt-lai Lạt-ma chính là chuyển sinh từng đời từng đời như thế, hiện tại là đời thứ 14. 

Nhưng hiện nay Đạt-lai Lạt-ma vô cùng lo lắng, bởi vì nếu sau khi ông viên tịch, ĐCSTQ rất có khả năng sẽ chọn một đứa trẻ không phải ông chuyển thế, sau đó xưng là Đạt-lai Lạt-ma. ĐCSTQ khống chế đứa bé này, từ nhỏ giáo dục nó bằng một bộ ‘văn hoá ĐCSTQ’, biến nó thành công cụ của tổ chức này. Sau đó thông qua ‘Đạt-lai Lạt-ma giả’ mà khống chế tôn giáo Tây Tạng. 

Sau này Đạt-lai Lạt-ma bèn nói: “Tuổi của tôi đã lớn, sau khi chuẩn bị viên tịch lần này sẽ không chuyển thế nữa, không quay lại nữa”, để tránh bị ĐCSTQ khống chế. Kết quả khiến ĐCSTQ tức giận. Chúng ta có thể xem bài viết trên tờ Thời báo New York có tiêu đề: ‘ĐCSTQ yêu cầu Đạt-lai Lạt-ma phải chuyển thế’. ĐCSTQ là đảng chính trị theo ‘vô Thần luận’, lại yêu cầu Đạt-lai Lạt-ma phải chuyển thế; đây là một thủ đoạn trần trụi không che đậy, muốn thông qua Đạt-lai Lạt-ma mà khống chế Tạng truyền Phật giáo.

Ngày 12/3/2015, tờ Thời báo New York đăng bài viết với tiêu đề: ‘Trung Quốc yêu cầu Đạt-lai Lạt-ma phải chuyển thế’. Ảnh chụp từ Trung Hoa văn minh sử tập 42.

Liên quan đến ĐCSTQ, chủ nghĩa cực quyền và Pháp gia, trong phần này Giáo sư Chương đã làm so sánh về 3 phương diện là: hệ thống văn hoá, hệ thống giáo dục và đoàn thể nguỵ tôn giáo. Phần tiếp theo, Giáo sư Chương sẽ giảng vì sao và làm thế nào ĐCSTQ phá hoại văn hoá truyền thống Trung Quốc, kính mời quý độc giả đón xem.

Mạn Vũ

Chú thích: Link Trung Hoa văn minh sử tập 42.