Ở nhiều quốc gia phát triển, để tìm hiểu thêm về một người mới quen, người ta sẽ đặt câu hỏi “Cuốn sách yêu thích của bạn là gì?”, hay thậm chí khi phỏng vấn một trong những vị lãnh đạo quyền lực nhất thế giới – Tổng thống Mỹ, nhà báo cũng hỏi “Ngài đang đọc quyển sách nào vậy?” thay vì hỏi “Ngài có hay đọc sách không?”.

Bởi đọc sách đã là nhu cầu thiết yếu của những người thành công hay những dân tộc hùng mạnh chứ không chỉ là một sở thích. Và cuốn sách bạn đang đọc có thể nói lên nhiều điều về con người bạn.

Người Nhật Bản đã chứng minh được sức mạnh thần kỳ và khiến cả thế giới biết tới những nét tinh hoa trong văn hóa lâu đời của mình. Có nhận định cho rằng, sở dĩ họ trưởng thành nhanh chóng từ một nước chư hầu của Trung Hoa hùng mạnh ngay bên cạnh, từ một đất nước không được thiên nhiên ưu đãi thành một cường quốc có tiếng nói trên thế giới là nhờ ý thức không ngừng phát triển và hoàn thiện bản thân của từng người dân. Trong đó việc hình thành văn hóa đọc với một tinh thần cầu thị là tiền đề rất quan trọng.

Người Nhật Bản đọc sách trên tàu điện ngầm. Ảnh dẫn theo japan.net.vn

Một ngàn năm trước họ đã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học kẻ thù, mà chỉ sợ vô minh vì không học. (Trích SGTT)

Vào thời Minh Trị, công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tiên ra đời là công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen. Rất nhiều quyển sách phương Tây được dịch sang tiếng Nhật tiêu thụ được hàng triệu bản, đó là con số rất lớn nếu chúng ta biết rằng dân số của Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ khoảng hơn 30 triệu người.

Một dân tộc nổi tiếng không kém về sự thông thái của mình là Do Thái. Dân tộc đã sản sinh ra rất nhiều danh nhân và thiên tài cho thế giới này lại có một tập tục thú vị rằng, các bà mẹ Do Thái tạo cho con thói quen thích sách ngay từ khi chúng còn nhỏ bằng cách nhỏ vài giọt mật lên cuốn sách và cho bé liếm. Khi đó, trong nhận thức non nớt của đứa trẻ, sách là cái gì đó rất ngọt ngào, hấp dẫn. Người Do Thái coi sách là bảo bối của cả đời, họ cho rằng đặt sách phải đặt ở phía đầu giường, nếu đặt ở phía cuối giường thì là bất kính. Những thói quen này đã khiến Do Thái trở thành một dân tộc yêu sách nhất trên thế giới. Israel ngày nay cũng đang là nước đứng đầu thế giới về dân số từ 14 tuổi đọc sách, đứng đầu về số đầu sách xuất bản theo đầu dân. Không một người Do Thái thành đạt nào lại không tranh thủ thời gian để đọc, để học.

Trẻ em Do Thái đọc sách. Ảnh dẫn theo Wikipedia

Một trong những cái nôi của báo chí và văn học thế giới – nước Đức, nơi có những Schiller, Goethe, Grimm, Heiselberg, Leibniz… là nơi có thư viện nhiều hơn trung tâm giải trí. Trong một khảo sát tháng 7/2015 với 25.000 người từ 14 tuổi trở lên, có đến 68,7% số người thích đọc sách và thường xuyên đọc sách, 29,6% đặc biệt đam mê sách. Năm 2015, 44,6% người Đức đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tuần.

Trên thế giới, nhiều tỷ phú như Warren Buffet, Oprah Winfrey, Bill Gates hay những người thành công khác đều dành rất nhiều thời gian để đọc mỗi ngày.

Warren Buffet đã nói rằng ông dành khoảng 80% thời gian của mình để đọc, xây dựng và tích lũy kiến thức. Ông nổi tiếng với câu nói: “Tôi thường ngồi trong văn phòng của mình và đọc hầu như tất cả mọi ngày”.

Nữ hoàng truyền thông Hoa Kỳ, Oprah Winfrey bắt đầu đọc từ khi còn là một đứa trẻ và cho đến tận bây giờ bà vẫn giữ thói quen đó. “Tôi đã bắt đầu làm quen với sách khi mới ba tuổi, và sớm phát hiện ra cả một thế giới thú vị từ sách để chinh phục, vượt xa phạm vi trang trại của gia đình chúng tôi ở Mississippi”, bà chia sẻ.

Nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates cũng là một tín đồ của sách, thậm chí ông còn có thư viện lớn hàng ngàn mét vuông để lưu giữ những quyển sách và các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. “Tôi thực sự đã có rất nhiều ước mơ khi tôi còn là một đứa trẻ, và không ít trong số đó đã trở thành hiện thực chính là nhờ tôi đã có cơ hội đọc rất nhiều”, ông khiêm tốn cho biết.

Tỷ phú Bill Gates cũng là một tín đồ của sách. Ảnh dẫn theo Gatesnotes

Không còn gì phải nghi ngờ rằng việc đọc giúp bạn hiểu biết, thông minh hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn và khoáng đạt, tự tại hơn. Một dân tộc ham đọc sách cũng có sức mạnh nội tại bền vững hơn. Ai cũng biết lợi ích của việc đọc sách, nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu của các dân tộc hùng mạnh và những người thành công trên thế giới. Nhưng để thu được những giá trị tuyệt vời từ sách thì không phải ai cũng hiểu rằng: Đọc cũng phải học!

Trước tiên, để có thể bỏ thời gian và tâm huyết ra đọc một cuốn sách, ít nhất bạn phải có ham muốn đọc nó. Ham đọc sách là yếu tố cốt lõi của văn hóa đọc, không phải cứ đọc thật nhiều thì gọi là ham đọc, mà là ý thức được rằng mình sẽ lĩnh hội được thêm kiến thức, được truyền cảm hứng tích cực sau khi đọc một cuốn sách. Bỏ qua nghĩa đen của từ ngữ, nếu xác định được việc đọc sách là để mang lại những lợi ích về tri thức và hoàn thiện nhân cách thì ham đọc ở đây nên được hiểu là ham học hỏi chứ không phải chỉ là đọc thật nhiều hoặc đọc bất kỳ thứ gì. Khi bạn luôn có ý thức như vậy thì bạn sẽ tập trung, nghiền ngẫm để thấy được những thông điệp thú vị và việc chọn lựa sách để đọc cũng sẽ chất lượng và hiệu quả hơn.

Đã có rất nhiều bài báo, ý kiến phân tích lợi ích từ văn hóa đọc của một dân tộc sẽ tạo ra sức mạnh tri thức như thế nào. Và tất nhiên, sức mạnh của tri thức và giáo dục chính là nội lực quan trọng hơn hết thảy những tiềm lực tài chính và quân sự của một quốc gia. Chúng ta đã nghe nhiều những lời hô hào, có cả những nỗ lực từ nhiều cá nhân, tổ chức và chính phủ. Nhưng đứng trước lời khẳng định: “Đọc sách là tốt”, đã nhiều người trong giới trí thức Việt đưa ra câu hỏi rằng, vậy “Đọc cái gì?”

Những trang sách cũng là một thế giới phong phú, đa dạng với đủ thứ thượng vàng hạ cám, nên cũng sẽ có những quyển sách không mang lại cho bạn nhiều giá trị xứng đáng với thời gian và công sức mà bạn bỏ ra để đọc nó. Thế nên, đọc sách là phải có chọn lọc và sự ham đọc với định hướng về lợi ích thu được sẽ giúp bạn sàng lọc ra những loại sách hữu ích cho bản thân.

Những cuốn sách tốt là những cuốn giúp bạn học hỏi được, thêm thông tin mới, đem đến cảm hứng và tư liệu cho sự suy ngẫm, hỗ trợ có giá trị cho quan điểm riêng, thấu hiểu những lo âu và vấn đề của người khác.

Những cuốn sách tốt là những cuốn đem đến cảm hứng và tư liệu cho sự suy ngẫm, thấu hiểu những lo âu và vấn đề của người khác. Ảnh dkn.tv

Có người đọc rất nhiều truyện tình cảm sướt mướt, lúc nào cũng cầm trên tay quyển sách, nhưng đó có thật sự là yếu tố ham học hỏi tiên quyết trong văn hóa đọc không? Nếu sau khi đọc một quyển sách, bạn chỉ thu được những rung cảm ủy mị, những say đắm mê man, những ảo mộng không tưởng, những cảm giác thỏa mãn bởi cảm xúc được đẩy lên cao trào, những kích thích ham muốn buông thả, phóng túng thì sở thích đọc những loại sách đó có thể được xếp vào nhu cầu giải trí chứ không nên được gọi là ham học hỏi. Thậm chí có những loại sách truyện mà chức năng giải trí của nó cũng không lành mạnh thì sẽ có nguy cơ khiến tâm hồn bạn bị thương tật và lệch lạc mà thôi.

Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng ham muốn đọc sách một cách lành mạnh. Bạn đừng nóng vội đọc những cuốn sách có nội dung quá khó mà hãy bắt đầu từ những gì mình thích trước. Nhưng phải đảm bảo rằng bạn thu thập được những điều mới mẻ, có ý nghĩa sau mỗi cuốn sách mình đã đọc. Chúng ta không thể rèn luyện được một cái nhìn thấu đáo khi đọc không có chủ đích. Nếu những gì chúng ta nhớ sau khi gấp sách lại chỉ là vài câu nói ấn tượng của một nhân vật nào đó, một mớ thông tin đã bị làm rối bởi cách diễn đạt hoặc dịch thuật mầu mè. Không thể rút ra được một ý chính chủ đạo nào. Thậm chí tâm trí đang muốn lao vào xem nốt bộ phim còn dang dở mà vẫn phải đọc cho xong cuốn sách vì nó đang là chủ đề nóng ở cơ quan…Tất cả những trạng thái đó đều sẽ khiến việc đọc của bạn trở nên vô bổ và làm giảm bớt hứng thú đối việc đọc.

Mỗi lần đọc sách hãy thôi thúc trí tưởng tượng, đặt ra những câu hỏi và tìm câu trả lời từ những gì đang đọc, độc thoại với chính mình, hoàn thiện dần nhân cách và ngôn ngữ. Như có người đã nói, đọc sách là bước vào thế giới của người khác, cảm nhận bằng đôi mắt, hơi ấm bàn tay và trái tim của người khác qua con chữ, từ đó hiểu được chính mình.

Đọc sách một cách chú tâm. Ảnh dkn.tv

Khi chúng ta đã tiếp thu được một lượng sách cùng vốn liếng tri thức kha khá và những trải nghiệm cảm xúc tích cực, ta sẽ bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, nắm bắt được mạch tư duy và cái đích nhắm tới của người viết. Thậm chí bạn có thể có những ý tưởng mở rộng hơn cả điều mà người viết nhắm tới. Là một người đọc tốt, bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn với những gì mình biết, đồng thời bạn sẽ lựa chọn được những đầu sách nào hay và hữu ích cho mình.

Có một câu nói thế này: “Sách chỉ là tấm gương, con khỉ không thể nhìn qua đó mà thành thánh nhân.”

Thế nên đọc sách không phải là chỉ đọc lên những dòng chữ rồi để nó trôi đi mất, không phải chỉ là nắm bắt những thông tin bề mặt, hời hợt rồi vội kết luận. Không phải là chỉ là giải trí đơn thuần mà không rút ra được những giá trị nhân văn tích cực. Càng không phải là để chứng tỏ, hiển thị với ai. Đọc sách là trải nghiệm một hành trình đầy thú vị bởi bạn sẽ không biết trước mình sẽ thấy những gì trên hành trình đó. Đôi khi cả quyển sách chỉ cho bạn một ý tưởng mới, nhưng nó có thể thay đổi cách nghĩ và cuộc đời bạn.

Ai cũng biết ý nghĩa lớn lao của việc hình thành văn hóa đọc lành mạnh trong mỗi người để tập hợp sức mạnh của cả một quốc gia. Nhưng văn hóa đó phải thật sự có chiều sâu và thực chất. Có ý kiến cho rằng, một xã hội phát triển hay thụt lùi thì phải xem gốc rễ của việc đọc sách có sâu hay không? Những người đang đọc thì đọc những sách gì? Điều đó quyết định tương lai của một dân tộc.

Thế nên ngay từ ngày hôm nay, bạn hãy nuôi dưỡng khát khao đối với việc đọc sách, hình thành thói quen và rồi nó sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu. Và như mọi nhu cầu thiết yếu khác của con người, nếu không lành mạnh, nó có thể làm bạn tổn thương một cách từ từ.

Thu Hiền

 Xem thêm: