Mục lục bài viết
Cổ nhân nói: phía trên đầu chữ “sắc” có thêm một chữ “đao” – dùng câu ngạn ngữ này là thích hợp hơn cả để nói về Hướng Trung Phát, Tổng bí thư thứ ba của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Đương thời khi tại Thượng Hải, Hướng Trung Phát đã bao dưỡng một kỹ nữ để thâu hoan, kết quả ông ta thực sự đã vứt đi tính mạng…
Khoảng 9 giờ ngày 22/6/1931, Hướng Trung Phát, nguyên Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, vội vã bước ra khỏi khách sạn Đức Hoa ở Thượng Hải, đến tô giới Pháp đường Thiện Chung để thuê ô tô. Đang thuê xe để đi thì bị lực lượng tuần tra bắt giữ ở đó. Vào sáng sớm ngày 23/6, Hướng Trung Phát bị dẫn độ về Bộ tư lệnh cảnh bị Tùng Hỗ – Thượng Hải. Đến 3 giờ sáng ngày 24/6, ông ta bị “xử bắn tại chỗ”.
Chết vì háo sắc
Trước khi Hướng Trung Phát bị bắt, lãnh đạo ĐCSTQ Chu Ân Lai đang sắp xếp để chuyển ông ta đến “Tô khu trung ương” ở Giang Tây, vì vào tháng 4/1931, Cố Thuận Chương, một gián điệp của Trung ương ĐCSTQ bị bắt vì “nổi loạn” ở Vũ Hán. Vào thời điểm đó, Tiền Tráng Phi, một gián điệp của ĐCSTQ đột nhập vào nội bộ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Nam Kinh, sau khi nhận được tin Cố Thuận Chương bị bắt, người này ngay lập tức thông tri cho Chu Ân Lai ở Thượng Hải. Chu Ân Lai đã tổ chức chuyển dời các cơ quan trọng yếu và nhân sự quan trọng của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tại Thượng Hải với tốc độ nhanh nhất.
Hướng Trung Phát được chuyển đi đến nơi ở của Chu Ân Lai. Chu Ân Lai nhiều lần cảnh báo ông ta không được tùy tiện ra ngoài. Nhưng trước khi đến Giang Tây, Hướng khăng khăng đòi đến gặp cô kỹ nữ được ông ta bao dưỡng là Dương Tú Trinh, chưa gặp chưa đi. Vào ngày 21/6/1931, Chu Ân Lai có việc cần đi ra ngoài, và trước khi đi, ông ta đã nhiều lần nói với Hướng Trung Phát: “Dù việc gì cũng đừng đi ra ngoài”. Nhưng chỉ một lúc, Hướng Trung Phát không nhịn nổi, đã đến thẳng khách sạn Đức Hoa để gặp Dương Tú Trinh. Mặc dù đã đồng ý rời đi ngay khi gặp mặt, nhưng gặp mặt rồi, Hướng quyết không rời đi, nhất quyết ở lại khách sạn hoan lạc cả đêm. Sau một đêm thác loạn, sáng hôm sau ông ta bị bắt tại nơi thuê xe.
Khi Hướng Trung Phát còn trẻ, ông ta đã kết hôn với Lưu Tú Anh, một nông phụ ở Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Sau khi Hướng Trung Phát từ Liên Xô trở về Thượng Hải vào năm 1928, Trung ương ĐCSTQ đã cử người đưa vợ con của ông ta đến Thượng Hải. Tuy nhiên, Hướng Trung Phát chỉ sống cùng vợ hơn một năm đã ly thân. Các bạn đọc hãy lưu ý rằng Hướng và vợ mới ly thân, nhưng chưa ly hôn. Sau đó, với thân phận là một tay buôn đồ cổ, ông ta sống trên tầng hai của một cửa hàng may mặc gần đường Thiện Chung ở khu Tô giới Pháp, vụng trộm với kỹ nữ Dương Tú Trinh trong nhà thổ trên đường Hạ Môn.
Theo hồi ức của Trương Kỷ Ân, Cục trưởng Cục Cơ mật của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, kể lại rằng Dương Tú Trinh là một phụ nữ Ninh Ba có dáng người yểu điệu và chút nhan sắc. Đương thời, Từ Ân Tăng, trưởng Phòng điều tra các vấn đề về đảng của Ban Tổ chức Trung ương Quốc dân đảng, cũng nói rằng Dương Tú Trinh rất đẹp và đã trả cho Hướng Trung Phát 8.000 tệ để mua cô ta. Sau cái chết của Hướng Trung Phát, Chu Ân Lai cũng từng nói: “Tiểu lão bà của ông ta đã được Lý Lập Tam và Quan Hướng Ứng đồng ý trả tiền mua, vì Hướng thường đến kỹ viện, e rằng ông ta sinh chuyện!” Hướng Trung Phát vì háo sắc mà toi mạng, được gọi là “phần tử hủ bại cấp tối cao” đầu tiên trong lịch sử ĐCSTQ.
Từ “Liệt sĩ” biến thành “kẻ phản đồ”
Sau khi Hướng Trung Phát bị bắt, bốn người có liên quan đến ông ta cũng bị bắt: một người là bồ nhí của ông ta, Dương Tú Trinh, người còn lại là Trần Tông Anh sống cùng Dương Tú Trinh, người thứ ba là Trương Kỉ Ân sống tại số nhà 1141 đường Qua Đăng trong khu Tô giới Công cộng Thượng Hải, và người thứ tư là Trương, vợ của Trương Việt Hà.
Mặc dù Dương Tú Trinh đã được Hướng Trung Phát chuộc thân từ kỹ viện, nhưng cô ta không biết thân phận thực sự của Hướng, chỉ biết Hướng là một tay buôn đồ cổ có tiền. Dương Tú Trinh sau khi bị bắt, cô ta không thú nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với ĐCSTQ, nhưng vì sống chung với đầu sỏ ĐCSTQ nên bị kết án hai năm tù.
Từ khi bị bắt đến khi ra tù, Trần Tông Anh chưa bao giờ tiết lộ thân phận đảng viên ĐCSTQ. Trần là vợ của Nhậm Bật Thời, một thành viên của Cục Chính trị ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, không lâu sau khi bà sinh con gái, Nhậm Bật Thời đã sắp xếp cho vợ sống tại nhà Hướng trước khi đến “Tô khu Trung tâm” ở Giang Tây. Sau khi Trần Tông Anh bị bắt, bà ta tự xưng mình là một nông phụ, không biết về tình huống của Hướng, sau nửa năm bị giam giữ, bà ta được trả tự do do không đủ bằng chứng.
Từ khi bị bắt đến khi ra tù, Trương Kỉ Ân và vợ Trương Việt Hà đã không tiết lộ tư cách đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Trương Kỉ Ân được anh họ bảo trợ tại ngoại. Trương Việt Hà cũng được trả tự do do không đủ bằng chứng sau khi bị tạm giam nửa năm.
Vào ngày 10/12/1931, Mao Trạch Đông, lãnh đạo ĐCSTQ, đã ban hành một lệnh thông tập có liên quan đến Cố Thuận Chương, cho rằng Hướng Trung Phát đã bị bán đứng, dẫn đến việc Hướng bị “gặp nạn”, là do Cố Thuận Chương phản cách mạng và đầu hàng. Vào thời điểm đó, Hướng Trung Phát đã bị giết gần nửa năm, và Mao đã nhận định Hướng là “liệt sĩ” của ĐCSTQ.
Vào tháng 9/2007, cuốn “Liên Cộng bố cáo, Quốc tế Cộng sản và cuộc vận động Xô viết Trung Quốc” do Nhà xuất bản Lịch sử ĐCSTQ xuất bản đã tiết lộ: Một báo cáo bằng văn bản của Cơ quan Mật vụ của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản gửi cho Quốc tế Cộng sản ngày 3/6/1932 cho biết: Việc Hướng Trung Phát “bị bắt và giết đều là kết quả của sự phản bội của Cố Thuận Chương”. Lúc đó, Hướng đã bị xử bắn gần một năm, và Quốc tế Cộng sản đã công nhận Hướng là “liệt sĩ” của ĐCSTQ. Nhưng lịch sử hiện tại của ĐCSTQ lại nói rằng Hướng Trung Phát là “phản đồ”, dựa trên những ký ức mâu thuẫn về ĐCSTQ vào năm 1949, thiếu bằng chứng đáng tin cậy.
Nhà lãnh đạo duy nhất của ĐCSTQ xuất thân từ công nhân
ĐCSTQ được thành lập dưới sự thao khống của đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX). Từ năm 1921 đến năm 1927, các cuộc cách mạng do ĐCSTQ thực hiện dưới sự chỉ huy của ĐCSLX đều thất bại. Tuy nhiên, ĐCSLX đặt mọi trách nhiệm lên đầu lãnh đạo đệ nhất Trần Độc Tú và lãnh đạo đệ nhị Cù Thu Bạch của ĐCSTQ, vì cho rằng họ đều là phần tử trí thức và không đáng tin cậy; rằng để lãnh đạo cuộc cách mạng Trung Quốc một cách chính xác, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ đội ngũ cán bộ công nhân.
Hướng Trung Phát là người gốc Hán Xuyên, Hồ Bắc, gia nhập Hán Dương công binh xưởng với tư cách học việc năm 14 tuổi, và năm 16 tuổi học việc tại xưởng làm lụa Hán Dương. Gia nhập ĐCSTQ năm 1922, trường kỳ tham gia vận động công nhân, tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ tư, thứ năm và thứ sáu của ĐCSTQ, và được bầu làm thành viên của Ủy ban Trung ương lần thứ tư và thứ năm. Năm 1927, ĐCSTQ tổ chức Hội nghị ngày 7/8 tại Vũ Hán, và Hướng Trung Phát được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản.
Tháng 10 năm 1927, Hướng Trung Phát dẫn đầu một đoàn đại biểu công nhân và nông dân Trung Quốc sang Liên Xô tham gia lễ kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Mười. Sau sự kiện này, ông ta ở lại Liên Xô và trở thành đại biểu của ĐCSTQ tại Quốc tế Cộng sản và là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tháng 6 năm 1928, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của ĐCSTQ được tổ chức tại Mátxcơva. Vì xuất thân là một công nhân, được sự ủng hộ của ĐCSLX, Hướng Trung Phát được “bầu” làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ĐCSTQ và Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ.
Cuối năm 1928, Hướng Trung Phát từ Liên Xô trở về. Tuy đã làm một số công việc, nhưng do xuất thân là một công nhân, có trình độ kém, rất nhiều việc phải nhờ đến Lý Lập Tam, Ủy viên thường vụ Tổng cục chính trị ĐCSTQ kiêm bộ trưởng Bộ tuyên truyền trung ương ĐCSTQ – người từng du học ở Pháp và trường kỳ tham gia các phong trào công vận – soạn thảo văn bản dự thảo hộ, rồi mới dám viết hoặc nói. Ngày 11/6/1930, cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ đã thông qua nghị quyết “Cao trào cách mạng mới và thắng lợi đầu tiên ở một hoặc một số tỉnh” do Lý Lập Tam soạn thảo, thúc giục thực thi kế hoạch mạo hiểm mang tên “Hội sư Vũ Hán, ẩm mã Trường Giang”.
Dưới sự lãnh đạo của Lý Lập Tam, Hướng Trung Phát ra mệnh lệnh, tại nhiều địa phương phát động bạo động, binh biến, bãi công, biểu tình, đâu đâu cũng mãnh tả mãnh xung, nhưng kết quả đều thất bại và bị Quốc tế Cộng sản phê bình nghiêm khắc. Tháng 1/1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, ĐCSTQ đã triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI để tiến hành phê bình Lý Lập Tam. Hướng Trung Phát đã kiểm thảo tại hội nghị, và bày tỏ nguyện ý chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do xuất thân là một công nhân, Hướng Trung Phát vẫn được bầu làm Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Tuy nhiên, sau đó, quyền lực dần bị khống chế bởi Vương Minh và Bác Cổ, những người trở về từ Liên Xô.
Nhiều nghi vấn về trường hợp của Hướng Trung Phát
Theo lịch sử ĐCSTQ, sau khi Hướng Trung Phát bị bắt, đã thú nhận thêm 4 người, một trong số đó là Trương Kỉ Ân. Vào tháng 9/1979, khi Lý Hoa Minh và Thẩm Ức Cầm của Viện Lịch sử Thượng Hải phỏng vấn Trương Kỉ Ân, người đứng đầu Ban cơ yếu của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ vào những năm 1930, Trương đã đưa ra bốn điểm nghi ngờ:
Đầu tiên, một ngày trước khi Trương Kỉ Ân và vợ bị bắt, họ có linh cảm rằng sẽ có chuyện không ổn, việc bắt giữ họ có thể không liên quan gì đến Hướng Trung Phát.
Thứ hai, Hướng Trung Phát biết rằng bốn người sau đó đã bị bắt, ngoại trừ người bồ nhí của ông ta, ba người còn lại đều là đảng viên Cộng sản Trung Quốc, nhưng không ai trong số họ bị tiết lộ danh tính là đảng viên Cộng sản, điều đó cho thấy Hướng Trung Phát đã không tố họ.
Thứ ba, lời thú nhận hàng nghìn ký tự được lưu truyền sau cái chết của Hướng Trung Phát có thể là giả.
Thứ tư, trước khi Hướng Trung Phát bị bắt, Quan Hướng Ứng, thành viên Cục Chính trị ĐCSTQ kiêm bí thư Quân ủy Cục Trường Giang, và Dư Xương Sinh, thư ký của Hướng Trung Phát, đã bị bắt vào tù. Nhưng không ai trong số họ bị lộ, và cuối cùng họ được tại ngoại, điều này cũng cho thấy Hướng Trung Phát đã không tố họ.
Ngoài ra, có hai điểm nghi vấn đặc biệt về vụ bắt giữ Hướng Trung Phát:
Đầu tiên, “Phỏng vấn Trương Vĩnh Cầm, quả phụ của Cố Thuận Chương và con gái Cố Lợi Quần” của kênh truyền hình vệ tinh ‘Phượng Hoàng’ cho biết vào năm 1983, Lý Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại thương của ĐCSTQ, đã đến Thượng Hải để gặp quả phụ của Cố Thuận Chương và con gái. Trong những năm 1930, Lý Cường là đệ tứ trưởng khoa của Chi bộ đặc biệt của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, và Cố Thuận Chương là đệ tam trưởng khoa. Hai người đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm. Lý Cường nói: “Tôi có thể chứng minh rõ với các bạn rằng, Hướng Trung Phát không bị phản bội bởi Cố Thuận Chương!” Tóm lại, kẻ nào trên trái đất đã bán đứng Hướng Trung Phát? Nó hiện tại vẫn còn là một bí ẩn.
Thứ hai, nhiều sử sách nói rằng Hướng Trung Phát đã bị xử tử bởi Hùng Thức Huy, chỉ huy của Bộ tư lệnh cảnh bị Tùng Hỗ – Thượng Hải, sau khi phát điện báo cho Tưởng Giới Thạch để xin chỉ thị. Từ “Hồi ký của Hùng Thức Huy” xuất bản năm 2010, trước và sau khi Hướng Trung Phát bị bắt, Hùng Thức Huy hoàn toàn không ở Thượng Hải, mà ở Nam Xương, làm Tổng tư lệnh Bộ trưởng tham mưu, ngày ngày bên cạnh Tưởng Giới Thạch. Bằng cách này, làm sao ông ấy phải phát điện báo cho Tưởng? Đặc biệt, cuốn “Hồi ký của Hùng Thức Huy” dài 40 vạn chữ không một chữ nào đề cập đến vụ bắt giữ lãnh đạo ĐCSTQ. Tóm lại, Hướng Trung Phát chết như thế nào? Nhà sử học Trần Ích Nam, sau khi khảo chứng các chi tiết liên quan, tin rằng nó có thể là do một sự cố trong quá trình tra tấn.
ĐCSTQ háo sắc dâm loạn có truyền thống
Hướng Trung Phát vì háo sắc mà chết, đều có căn nguyên. Lão tổ bối của ĐCSTQ – Marx, cũng ham mê sắc dục, đã ngoại tình với Helen, người giúp việc của bà vợ Jenny, và đã có con. Engels không kết hôn mà sống chung với nữ công nhân nhà máy Mary và Lisy, em gái của Mary, và các cháu gái của họ. Lênin chết vì bệnh giang mai. Stalin từng thác loạn với vô số phụ nữ.
Theo Lý Duệ, người từng là thư ký của Mao Trạch Đông, Mao Trạch Đông bị người vợ đầu tiên của ông ta, Dương Khai Huệ, gọi là “lưu manh chính trị, lưu manh sinh hoạt”, vì Dương phát hiện ra rằng Mao đã cưỡng hiếp em họ của bà. Sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, Mao Trạch Đông đã dâm loạn với thê nữ nhà người, với thư ký, với y tá, với diễn viên, v.v… khó mà kể hết. Cho đến nay, các quan chức ĐCSTQ thân bại danh liệt bởi háo sắc dâm loạn vẫn đang tiếp tục ‘ngựa quen đường cũ’.
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch