Minh Thành Tổ Chu Lệ (1360–1424) là vị hoàng đế kiệt xuất của triều Minh và cũng là một trong những hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử các triều đại Đế vương của Trung Hoa…

Thời hoàng đế Chu Lệ trị vì, triều Minh lớn mạnh cả về kinh tế, văn hóa, quân sự và thương mại… trên lĩnh vực văn hóa, Vua Minh Thành Tổ coi trọng phát triển cả Tam giáo (đạo Phật, đạo Lão và đạo Nho), triều đình tiến hành cải cách khoa cử, nhà vua còn lệnh cho người biên soạn bộ bách khoa toàn thư hết sức đồ sộ với tên gọi: Vĩnh Lạc Đại Điển.

Về kinh tế, triều Chu Lệ thực hiện chính sách tiến bộ: thu hồi đất đai phân phát cho dân nghèo bị mất đất trong chiến tranh, giảm tô, miễn thuế cho những khu vực chịu hậu quả của chiến tranh tàn phá.

Về thương mại, hoàng đế Thành Tổ cho mở mang xây dựng các công trình cảng biển, xây dựng hạm đội tàu viễn dương mạnh khám phá các vùng đất mới như Đông Á, Đông Nam Á, châu Úc, Ả Rập và sang cả châu Mỹ.

Về quân sự, Chu Lệ Minh Thành Tổ từng hạ chỉ chinh phạt sang dải đất Mông Cổ 5 lần, không ngừng mở rộng lãnh thổ, khiến Mông Cổ phải thuần phục triều cống và trở thành nước chư hầu của triều Minh kể từ đó.

Vế đối kỳ lạ của Minh Thành Tổ và câu chuyện vua sáng tôi hiền
Minh Thành Tổ được coi là vị hoàng đế kiệt xuất nhất của Triều đại nhà Minh, và là một trong các Hoàng đế kiệt xuất nhất trong lịch sử của Trung Quốc. (Ảnh: wikipedia.org)

Minh Thành Tổ cũng được người đời ca tụng là vị Đế vương thông kim bác cổ, học rộng tài cao, tuy là thân mệnh Thiên Tử, đứng trên muôn người nhưng ông lại rất mực cầu thị và khiêm tốn, nhà vua thường xuyên đàm đạo với các bá quan vốn được coi là học cao hiểu rộng trong triều để tự trau dồi tri thức cho bản thân. Câu chuyện đối đáp giữa Minh Thành Tổ với văn thần Giải Tấn sau đây là một ví dụ nhỏ:

Một hôm, Minh Thành Tổ Chu Lệ ngồi đàm đạo văn chương với văn thần Giải Tấn, ông có nói: “Ta có một câu đối ‘Sắc nan’ (sắc khó), nhưng mãi vẫn chưa nghĩ ra được vế đối”.

Giải Tấn lập tức đáp lời: “Dung dị” (dễ dàng).

Chu Lệ nói: “Khanh đã nói dễ dàng, vậy hãy đối đi”

Giải Tấn nói: “Chẳng phản thần đã đối rồi đó sao?”

Chu Lệ ngây người ra mãi, bỗng bừng tỉnh ngộ. Vốn dĩ từ “Sắc nan” có nguồn gốc từ Luận ngữ – Vi chính:

Thuở trước, khi được Tử Hạ hỏi về chữ Hiếu, Khổng Tử có nói rằng: “Sắc nan” , ý nghĩa là con cái phụng dưỡng cha mẹ, cần phải luôn giữ sắc mặt vui vẻ hòa ái, đó là việc rất khó.

Nay trước câu hỏi của Minh Thành Tổ Chu Lệ, Giải Tấn đối lại là: “Dung dị” (dễ dàng), cũng có nguồn gốc từ bài luận: Phi hữu tiên sinh luận của Đông Phương Sóc đời Đông Hán, trong đó có đoạn viết:

“Đùa bỡn sao! Làm sao có thể được? Làm sao có thể được? Nói sao dễ dàng (dung dị) vậy! … Hôm nay mà không đúng, trái lại sẽ coi là hành vi phỉ báng vua, không còn lễ bề tôi, hậu quả sẽ tổn thương đến thân, rồi chịu cái danh bất hạnh, tiền nhân cũng bị giết vạ lây, bị thiên hạ chê cười, do đó nói sao mà dễ dàng vậy” . Ý nghĩa là trước mặt vua nói về các việc được mất, đều không thể khinh suất được.

Trong tình huống này, Giải Tấn đã khéo mượn chữ “Dung” với nghĩa Dung mạo, để đối với chữ “Sắc” với nghĩa Sắc mặt; còn chữ “Dị” (dễ) được đối với chữ “Nan” (khó), tạo thành vế đối cực kỳ khéo léo và tinh tế.

Câu đối có 4 chữ, mỗi vế đối chỉ vỏn vẹn 2 chữ nhưng đều có nguồn gốc từ các kinh điển, gắn liền với các điển cố, điển tích xa xưa, lại hàm chứa cả tầng ý nghĩa sâu xa của đạo làm con cái và đạo làm bề tôi… đây cũng lại là một tầng nội hàm sâu hơn nữa của cả hai vế đối! Mà vốn dĩ khi xưa từ các bậc trí giả hiền triết cho đến tầng lớp văn sỹ thường dân đều coi việc thông kim các cổ, ôn cố tri tân – ôn cũ biết mới, là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá một con người có vốn học thức uyên bác, học sâu hiểu rộng hay không vậy.

Vế đối kỳ lạ của Minh Thành Tổ và câu chuyện vua sáng tôi hiền
Câu chuyện đối đáp giữa Minh Thành Tổ với văn thần Giải Tấn thể hiện sự đức độ khiêm tốn và trí huệ của cổ nhân, là sự tích thú vị cho chúng ta chiêm nghiệm. (Ảnh: pixpo.net)

Cổ nhân thường nói: Vua sáng thì có tôi hiền. Vua sáng đôi khi không chỉ là vị vua giỏi giang, thông tuệ mọi mặt, mà còn là người biết hòa hợp với bề tôi, biết lắng nghe và quý trọng nhân tài, có như thế mới chiêu mộ được những bề tôi hiền giỏi quanh mình, từ đó mà giúp vua chia sẻ gánh nặng giang sơn xã tắc, giúp vua chăm lo cho bách tính lê dân trong ngoài hưng thịnh, trên dưới thuận hòa.

Ngoài ra, vua sáng còn là người biết tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi ở bên các tôi hiền, tướng giỏi, sỹ tốt… để học hỏi điều hay lẽ phải từ họ, cũng từ đó mà giúp bản thân mình ngăn ngừa và tránh xa được cái ác cái xấu, mỗi ngày càng có thêm sự trau dồi học vấn, tu dưỡng đạo đức, khiến cho bậc minh quân càng thêm minh mẫn sáng suốt hơn. Đây cũng là cơ hội thể hiện phẩm chất cao đẹp của bậc Thiên tử đế vương: tuy vị thế vô cùng tôn quý nhưng phẩm đức lại chân chính, luôn ‘Bình dị cận nhân’, gần gũi với quần thần, khiến quan hệ vua tôi mỗi ngày càng thân thiết gắn bó… nếu làm được như vậy thì lo gì giang sơn không vạn năm bền vững, đất nước không muôn thuở thái bình.

Triêu Lộ

Từ Khóa: