Mục lục bài viết
Vào khoảng những năm 1970, không ít người tại khu Trung Quan Thôn, Bắc Kinh đã nhìn thấy một ông lão: ông lão lưng còng xuống, lê đôi giày bông đã hỏng, lang thang trên đường phố. Đôi khi, ông mua hai quả táo nhỏ trong cửa hàng, vừa đi vừa nhai, khi gặp một sinh viên mà ông biết rõ, ông nói: “Con có tiền thì cho lão vài xu, lão không muốn nhiều.”
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến với “Trăm Năm Chân Tướng“! Hôm nay chúng ta sẽ kể câu chuyện cuộc đời bi ai của lão hành khất bất đắc dĩ này.
Lão nhân khốn khổ này là Diệp Xí Tôn, người đã sáng lập Khoa Vật lý học và Viện Lý học của Đại học Thanh Hoa, đồng thời là một trong những người đặt nền móng cho ngành vật lý cận đại của Trung Quốc. Học trò của ông, 79 người là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc; Vương Cam Xương, Tiền Vĩ Trường, Tiền Tam Cường, Triệu Cửu Chương và những khoa học gia danh tiếng khác… đều được thụ hưởng sự vun trồng của ông.
Được mệnh danh là “bậc thầy của những bậc thầy”, tại sao những năm cuối đời Diệp Xí Tôn lại khốn khổ như vậy? Ông ấy trong cuộc đời mình đã trải qua những thăng trầm nào?
Người sáng lập Khoa Vật lý và Viện Lý học Thanh Hoa
Diệp Xí Tôn, nguyên danh Diệp Hồng Quyển, sinh ra ở Thượng Hải vào năm 1898. Diệp gia là một gia đình khoa bảng, vừa là quan hoạn. Ông nội của Diệp Xí Tôn là một quan chức ngũ phẩm của Thanh triều, xử lý việc vận chuyển hàng hóa đường biển cho chính quyền nhà Thanh; Cha của ông là một cử nhân bác học và một nhà giáo dục ở huyện ấp Thượng Hải.
Từ năm 5 tuổi, cha đã dạy Diệp Xí Tôn đọc và viết, khi hơi lớn một chút, ông được gửi đến một trường tư thục để học “Luận ngữ” của Khổng Tử, tiếp thụ giáo dục truyền thống của Trung Quốc. Năm 1911, Diệp Xí Tôn chưa đầy 13 tuổi, được nhận vào Học viện Thanh Hoa và trở thành lứa sinh viên đầu tiên ở đó. Sau đó, ông đến Đại học Chicago Mỹ để học vật lý, và nhận bằng cử nhân năm 1920. Cùng năm đó, ông vào Đại học Harvard để học tiến sĩ. Trong quá trình học tiến sĩ, Diệp Xí Tôn, 23 tuổi và các bạn đồng học, trong thí nghiệm trắc định hằng số Planck của khóa trình đã thu được dữ liệu tốt nhất lúc đó, giá trị trắc định đã được giới vật lý học quốc tế vận dụng nhiều năm.
Năm 1924, Diệp Xí Tôn trở về Trung Quốc sau khi nhận bằng tiến sĩ và trở thành phó giáo sư tại Khoa Vật lý, Đại học Quốc gia Đông Nam. Năm 1925, trường Thanh Hoa thành lập Đại học, ông được mời về làm phó giáo sư vật lý học, năm sau thăng lên giáo sư, sáng kiến Khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa với tư cách là trưởng khoa. Năm 1929, Viện Vật lý học của Đại học Thanh Hoa được thành lập, Diệp Xí Tôn làm viện trưởng, được bầu làm một trong bảy bình nghị viên quyết định các chính sách trọng đại của trường. Kể từ đó, Diệp Xí Tôn luôn là một trong những nhân vật lãnh đạo cốt lõi của Đại học Thanh Hoa, nhiều lần dùng danh nghĩa chủ tịch hội ủy viên giáo vụ và quyền hiệu trưởng để chủ trì giáo vụ.
Dưới sự lãnh đạo của Diệp Xí Tôn, Khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa đã mời về được nhiều nhân tài ưu tú, và khoa cũng trở thành cứ địa bồi dưỡng tinh anh khoa học công nghệ của Trung Quốc.
Học trò yêu theo Trung cộng lập đại công nhưng lại bị đả thành “đặc vụ”?
Trong số rất nhiều học sinh của ông, Hùng Đại Chẩn, người thi đỗ vào Đại học Thanh Hoa năm 1931, là một môn sinh đắc ý của Diệp Xí Tôn, cũng là người đã triệt để thay đổi vận mệnh của ông.
Năm 1935, Hùng Đại Chẩn sau khi tốt nghiệp đã lưu lại trường với tư cách là trợ giảng, sống trong nhà của Diệp Xí Tôn, người độc thân, với tư cách là trợ lý. Hai thầy trò rất quý mến nhau. Vào một ngày tháng 3 năm 1938, Hùng Đại Chẩn bất ngờ nói với Diệp Xí Tôn rằng cậu sẽ từ bỏ danh ngạch du học ở Đức mà cậu đã đạt được, thay vào đó chuyển đến Kí Trung để giúp đỡ người dân ở đó vũ trang kháng Nhật, nơi đó đang cần nhân viên kỹ thuật.
Theo bài báo “Cái chết của Hùng Đại Chẩn và Triệu Cửu Chương”, nguyên lai là lúc đó, Trương Trân, bộ trưởng Y tế của Quân khu Kí Trung của ĐCSTQ (nguyên là trợ giáo Đại học Phụ Nhân), nhận được chỉ lệnh của Lã Chính Thao, tư lệnh viên của Quân khu Kí Trung, tìm một nhóm phần tử trí thức và nhân viên kỹ thuật đến căn cứ địa, tham gia vận chuyển, chế tạo chất nổ và các công tác khác. Trương Trân sau đó lẻn vào Bắc Bình, qua giới thiệu tìm đến Hùng Đại Chẩn, động viên anh ta đi kháng Nhật.
Hùng Đại Chẩn mong muốn cứu quốc, nhưng bị mê hoặc bởi tuyên truyền của ĐCSTQ, vì vậy đã quyết định đi Kí Trung. Hùng Đại Chẩn nói với Diệp Kí Tôn suy nghĩ của mình, Diệp Kí Tôn không tán thành, nhưng cũng không cách nào cực lực ngăn cản, nên đành phải để cậu học trò đi.
Sau khi đến Quân khu Kí Trung, tài năng của Hùng Đại Chẩn được Lã Chính Thao tán thưởng. Ba tháng sau, anh ta được cử làm trưởng bộ phận cung cấp, phụ trách toàn diện công tác vật tư của cả địa khu. Đồng thời, Hùng Đại Chẩn bắt đầu chuẩn bị thành lập tổ nghiên cứu kỹ thuật, tiến hành nghiên cứu và phát triển thuốc nổ liệt tính, mìn và kíp nổ, đồng thời nghiên cứu và lắp đặt các công cụ liên lạc sóng ngắn.
Để có được nhiều tư nguyên hơn, chẳng bao lâu, Hùng Đại Chẩn lặng lẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Diệp Xí Quần. Với sự hỗ trợ của thầy Diệp, anh ta nhanh chóng tập hợp hơn một trăm trí thức trẻ xung quanh mình, và lấy được những vật tư quân dụng then chốt. Xưởng sản xuất chất nổ ở căn cứ Kí Trung tiếp tục phát triển, sau đó, một tập hợp vũ khí lớn với hơn 2.000 công nhân đã được xây dựng, có khả năng chế tạo số lượng lớn mìn, lựu đạn, đạn phục trang, đạn trịch, đạn đồng, cũng như xưởng công binh sửa chữa các loại súng lớn.
Lã Chính Thảo cuối đời đã viết trong hồi ký của mình rằng Hùng Đại Chẩn “đã có những đóng góp quan trọng trong việc sáng kiến khu căn cứ chống Nhật”.
Nói đến đây, chúng ta cần đề cập đến một điều nữa, các bộ phim của ĐCSTQ như “Địa lôi chiến”, “Địa đạo chiến” và “Bình nguyên tác chiến” nói rằng nào là nông dân phát triển các phương pháp bản địa, phát minh ra bom mìn để diệt lũ quỷ v.v. tất cả đều là dối trá lừa người, không phải là sự thực lịch sử. Sự thực đằng sau địa lôi chiến là thân ảnh của những phần tử trí thức yêu nước như Hùng Đại Chẩn.
Tuy nhiên, Hùng Đại Chẩn đương thời căn bản không hiểu bản chất sát nhân của ĐCSTQ, đã nhanh chóng gặp nguy vận. Vào thời điểm then chốt của cuộc kháng chiến chống Nhật, Cộng sản đảng ở đại bản doanh Diên An do quan hệ ngày càng xấu đi với Quốc dân đảng của Trung Hoa Dân Quốc, đã thành lập “Bộ diệt gian” ở nhiều khu vực căn cứ khác nhau, phát động cái gọi là “vận động diệt phản” để thanh tẩy đặc vụ hán gian.
“Bộ diệt gian” của Quân khu Kí Trung không thể không có thành tích, vì vậy nó liền nhắm vào bộ phận cung cấp với hàng đống phần tử trí thức, nghi ngờ rằng có một tổ chức đặc vụ khổng lồ trong nội bộ quân khu. Bằng cách này, Hùng Đại Chẩn trở thành nhân vật cầm đầu, và những phần tử trí thức trẻ khác cũng phải chịu chung kiếp nạn.
Vào mùa xuân năm 1939, hơn 100 người trong đó có Hùng Đại Chẩn toàn bộ bị đả thành đặc vụ Trung ương Đoàn kết của Quốc dân đảng, tất cả đều bị bắt và tra tấn khốc hình. Sau khi Diệp Xí Tôn biết chuyện, ông đã liên lạc với cả Quốc dân đảng và Cộng sản đảng để cố gắng giải cứu các học trò. Chính trong thời gian giải cứu, Hùng Đại Chẩn, mới 26 tuổi, đã bị bí mật hành quyết trong quá trình Cộng sản đảng chuyển di cơ quan quân khu.
Quý vị có biết Hùng Đại Chẩn đã chết như thế nào không? Vào thời khắc cuối cùng, anh ấy vẫn dè sẻn một viên đạn, nói rằng viên đạn đó để đi đánh quân Nhật, còn bản thân mình thà bị ném đá vào đầu mà chết. Và kẻ hành hình quả thực đã đặt khẩu súng xuống, đi tìm một hòn đá lớn, ném nó vào đầu Hùng Đại Chẩn….
Vào ngày 23 tháng 6 năm 1947, Diệp Xí Tôn đã viết đoạn này trong nhật ký của mình:
“Hôm nay là tiết Đoan Ngọ theo lịch cũ. Mỗi lần đến Đoan Ngọ, tôi đều nghĩ đến Đại Chẩn. Tiết Đoan Ngọ chín năm trước, cậu ấy đã từ nội địa đến Thiên Tân, thật là bất ngờ. Ai biết được câu chuyện về sau lại bi thảm như thế, mấy ngày nay tôi đang đọc ‘Bạch Thạch đạo nhân ca khúc’, nhìn thấy câu ‘Ngũ nhật thê lương tâm sự’, khiến tôi càng bi thống.”
Kể từ khi thầy trò lưỡng nhân chia lưỡng lộ đến lúc đó đã là 8 năm, Diệp Xí Tôn vẫn đang hoài niệm về cậu học trò đắc ý mà mình từng thân thiết.
Bị giam giữ vì những tội danh ngụy tạo, đại sư vẫn lạc
Trước khi bị ĐCSTQ giết, khẳng định Hùng Đại Chẩn không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng nhiều thập kỷ sau, ân sư Diệp Xí Tôn của mình sẽ vì mình mà phải chịu bức hại.
Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, “vụ án đặc vụ Hùng Đại Chẩn” lại bị lật lên. Vì Hùng Đại Chẩn là học trò của Diệp Xí Tôn và được Tôn hiệp trợ sau khi tòng quân, do đó Diệp Xí Tôn, người thậm chí không phải là một đảng viên Quốc dân đảng, đã bị vu hãm là đầu sỏ của chính quyền Quốc dân đảng cài vào trong trường, nói rằng Hùng Đại Chẩn được ông phái đi đột nhập vào căn cứ địa của ĐCSTQ.
Theo hồi ký “Đóng góp và bi kịch của Diệp Xí Tôn” và các ghi chép khác, từ tháng 6 năm 1967, Diệp Xí Tôn, gần 70 tuổi, đã bị hồng vệ binh Đại học Bắc Kinh (ông được điều đến Đại học Bắc Kinh năm 1952) xông đến cướp bóc, bỏ tù, lục soát nhà và nhốt vào chuồng bò. Sự tra tấn về thể xác và xúc phạm cá nhân khiến ông gần như suy sụp tinh thần.
Ông xuất hiện thính giác ảo, cho rằng có điện đài đang theo dõi mình. Cháu trai Diệp Minh Hán ghi lại: “Nhất cử nhất động đều có phản ánh, khi ông nhấp một ngụm trà, điện đài nói ông uống nhầm trà, và khi ông bước ra ngoài, điện đài gọi ông lập tức trở về”. Cháu trai Diệp Minh Hán nhìn ông “thậm cảm bi lương”, và nói: “Ông là giáo sư vật lý, ông biết sóng điện không thể xuyên qua tường, căn bản không có chuyện đó đâu, đó là huyễn cảm.” Diệp Xí Tôn đáp: “Phải, là tai ông điếc, không nghe được.”
Ngày 28 tháng 6 năm 1968, một tai nạn lớn hơn ập đến, Diệp Xí Tôn chính thức bị tổ công tác của Quân ủy Trung ương bắt giữ và bỏ tù hơn một năm.
Tháng 11 năm 1969, ông được trả tự do trở lại Đại học Bắc Kinh, nhà trường tiếp tục tiến hành điều tra “vấn đề đặc vụ” của ông, đồng thời cắt lương của ông, chỉ trừ lại một khoản nhỏ sinh hoạt phí. Nhà của ông đã bị tịch thu, nơi cư trú đã đổi chủ, ông bị đưa vào ký túc xá sinh viên. Vị học giả kiêm giáo sư nổi tiếng từng một thời phong độ ung dung này nay lâm bệnh nặng, tiểu tiện không tự chủ, hai chân sưng tấy run rẩy, toàn thân cúi gập chín mươi độ.
Lúc đó, nhiều người đã gặp Diệp Xí Tôn ở khu vực Trung Quan Thôn. Ông mái tóc bạc phơ, đi một đôi giày vải rách xẻ một ngón lang thang ngoài đường, có lúc đi lủi thủi một mình, có lúc lại đi xin ăn ở những quán nhỏ.
Sau đó, ông dần dần khôi phục lại một chút thần trí. Có một lần Tiền Tam Cường gặp ông trên đường ở Trung Quan Thôn, vừa nhìn thấy thầy, anh lập tức chạy đến chào và bày tỏ sự quan tâm. Nhưng ông vừa thấy anh đến liền nói: “Cậu mau tránh xa ta, tránh ra tránh ra, sau này gặp lại đừng để ý ta nữa, tránh ta xa xa.”
Tiền Tam Cường lúc đó là Thứ trưởng Bộ Cơ khí hai, phụ trách công trình bom nguyên tử. Người học trò biết rõ dụng ý của thầy: ông biết rằng đối với một công tác quan trọng như vậy, tối cấm kỵ lai vãng với những người có vấn đề chính trị, ông sợ rằng Tiền Tam Cường sẽ vì điều này mà gặp phải bất hạnh.
Hai năm sau, Trương Chi Tường, một giáo viên tại Đại học Bắc Kinh, đang đạp xe đạp thì nhìn thấy Diệp Kế Tôn trong một kí túc xá bên ngoài khuôn viên trường.
Trương Chi Tường nhớ lại: “Thầy đã không còn nhận ra tôi nữa, tôi nói tôi là Trương Chi Tương, thầy nói ồ ồ, ngồi ngồi. Thầy đang ngồi trên một chiếc ghế mây, chỉ cho tôi thấy chân thầy sưng tấy đến mức không thể đi. Thầy cũng không phàn nàn, rất bình tĩnh. Có lẽ thầy đã không còn được như xưa. Tôi cũng không biết nói gì nhiều, tôi nói tiên sinh hãy bảo trọng nhiều nhiều, tôi sẽ, tôi sẽ…” Nói đến đây, Trương Chi Tường nước mắt chan hòa, “… Tôi liền rời đi, và không bao giờ gặp lại thầy nữa.”
Cháu trai của Diệp Xí Tôn, Diệp Minh Hán, nói: “Chú tôi chưa bao giờ nói với bất kỳ ai rằng cuộc sống của ông ấy thật bi thảm. Cách nhìn của ông ấy dường như là trên thế giới và trong lịch sử có rất nhiều sự tình oan uổng, không cần phải than thở về nhân sinh của chính mình. Ông ấy đối đãi với khổ đau của chính mình một cách thản nhiên.”
Ngày 13 tháng 1 năm 1977, Diệp Xí Tôn qua đời vì bệnh tật. Lúc cuối đời, nhà vật lý học Tiền Lâm Chiếu đến thăm ông, lấy cuốn “Tống Thư” ra và lật đến một đoạn trong “Ngục trung dữ sanh chất thư” do Phạm Diệp viết: “Ngô cuồng hấn phúc diệt, khởi phục khả ngôn, nhữ đẳng giai đương dĩ tội nhân khí chi, nhiên bình sanh hành dĩ tại hoài, do ứng khả tầm, chí ư năng bất, ý trung sở giải, nhữ đẳng hoặc bất tất tri.”
Đại khái ý tứ là nói, ta trong vô ý mà chiêu họa sát thân, cũng không có gì để nói, các người có thể coi ta như tội nhân mà vứt bỏ. Nhưng hành trang một đời của ta thế nào, bản thân ta tự biết rõ trong tâm. Những gì ta nghĩ trong đầu, các người làm sao hiểu được.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Xem trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch