Đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” ai cũng biết Quan Vân Trường văn võ song toàn, đứng đầu “Ngũ hổ tướng” nhà Thục Hán, sức địch muôn người, khó ai sánh kịp. Thế nhưng trong nghiệp cầm quân của mình, ông từng phải chịu thất bại đau đớn trước một danh tướng cũng không kém phần xuất sắc khác. Người đó chính là Từ Hoảng.

Mãnh tướng văn võ kiêm toàn

Nếu Lưu Bị có “Ngũ hổ tướng” dũng khí ngút trời: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung thì Tào Tháo cũng có 5 dũng tướng xuất sắc của riêng mình. Sử sách chép lại 5 mãnh tướng nhà Tào Ngụy là: Nhạc Tiến, Trương Cáp, Trương Liêu, Vu Cấm và đặc biệt là Từ Hoảng. Từ Hoảng (169 – 227), tên chữ là Công Minh, sinh ra ở Dương Quận (nay thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Hồi trẻ, Từ Hoảng theo dưới trướng Xa kỵ tướng quân Dương Phụng đi đánh dẹp quân “Khăn Vàng”, được phong là Kỵ đô úy.

Năm 196, sau khi loạn thần Đổng Trác chết, Từ Hoảng theo dưới trướng Dương Phụng, hộ giá đưa Hán Hiến Đế trở về kinh đô cũ Lạc Dương. Tuy nhiên khi ấy Lạc Dương đã trở thành một tòa thành hoang phế, tôn miếu nhà Hán đổ nát, không thể định đô. Cùng lúc, Tào Tháo dẫn quân bản bộ đến Lạc Dương đón xa giá thiên tử và ngỏ ý muốn rời đô đến Hứa Xương. Tuy nhiên, Dương Phụng không chấp nhận và đem quân đánh nhau với Tào Tháo để “cướp” lại Hiến Đế về. Phụng thua, Tào Tháo ung dung rước xa giá về Hứa Xương. Từ Hoảng bèn ra hàng Tào Tháo.

Kể từ đó, Tào Tháo rất tin dùng Từ Hoảng, thường mang theo bên mình và giao cho nhiều trọng trách lớn. Trước sau, Từ Hoảng đã diệt Lã Bố, đánh Lưu Bị, phá Nhan Lương, Văn Xú, Mã Siêu và đặc biệt là đập tan tập đoàn Viên Thiệu, đối thủ lớn nhất của Tào Tháo ở miền bắc Trung Hoa.

“Tam Quốc chí” (Trần Thọ) nhận xét về Từ Hoảng như sau: “Hoảng có tính tiết tiện giản dị mà cẩn thận, khi dẫn quân đi thường cho người dò xét ở đằng xa, lúc trước đánh không thắng, lúc sau lại gắng đánh tiếp, truy đuổi quân địch giành thắng lợi, quân sĩ chẳng được nhàn hạ ngồi ăn. Hoảng thường than rằng: “Cổ nhân thường lo chẳng gặp được đấng minh quân, nay ta may mắn gặp được, phải lấy việc lập công để báo đáp, đâu vì danh dự cá nhân!” Hoảng trọn đời chẳng chịu nhún mình giao kết cùng người khác”.

Chân dung Từ Hoảng trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn nghĩa thời nhà Thanh (ảnh: Wikipedia).

Không chỉ dũng mãnh phi thường trên chiến địa, Từ Hoảng còn là một người túc trí đa mưu, xứng đáng là “nho tướng”, không phải là hạng thất phu tầm thường chỉ biết dùng võ lực. Lần Tào Tháo bị quân Mã Siêu – Hàn Toại làm cho khốn đốn ở Đồng Quan, Từ Hoảng đã hiến kế đánh vào mạn sườn của quân Tây Lương vốn rất thiện chiến. Kết quả quân Tây Lương hoàn toàn bất ngờ, hỗn loạn rồi cuối cùng bị Tào Tháo đánh tan.

Một lần khác, khi đang đi chinh phạt tàn quân của Viên Thượng, Viên Đàm (các con Viên Thiệu), Từ Hoảng không tốn một binh một tốt vẫn lấy được cả một thành trì. Nhận thấy kẻ địch đang hoang mang, rối bời, ông lệnh cho quân lính bắn thư thuyết hàng vào thành Dịch Dương. Sau khi đọc được, thái thú ở thành này lập tức ra lệnh cho quân sĩ cởi giáp quy hàng vô điều kiện.

Sau những trận chiến ấy, danh tiếng của Từ Hoảng đã nổi như cồn trong quân đội Tào Ngụy. Người ta thậm chí đã xếp Từ Hoảng đứng đầu trong danh sách “Ngũ hổ tướng” của Tào Tháo, coi ông là võ tướng dũng mãnh nhất nhì thời Tam Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau khi đánh bại Quan Vũ ở trận Phàn Thành, danh tiếng Từ Hoảng mới thực sự lưu danh sử sách muôn đời.

Trận Phàn Thành, phá tan Quan Vũ

Ở đây, cần phải truy nguyên một chút về bối cảnh trước khi trận Phàn Thành diễn ra. Năm 219, Lưu Bị đem quân đánh phá Đông Xuyên, cướp Hán Trung trên tay Tào Tháo. Cùng thời điểm đó, Quan Vũ đang trấn thủ ở Kinh Châu cũng điểm binh tiến lên mặt bắc trợ chiến, đánh Tào.

Quan Vũ tiến quân rất nhanh, thu được nhiều thắng lợi và mau chóng vây khốn Tương Dương, Phàn Thành. Khi đó, Tào Nhân trấn thủ Phàn Thành và Lã Thường đóng ở Tương Dương. Trước sức tấn công vũ bão của Quan Vũ, Tương Dương, Phàn Thành vô cùng nguy ngập. Tào Nhân chỉ biết đóng cửa, thành cao hào sâu ngồi giữ Phàn Thành, không dám ra ứng chiến.

Hình nhân vật Quan Vân Trường một mình cưỡi ngựa (không phải ngựa Xích Thố) đi ngàn dặm (Di Hòa Viên, Bắc Kinh).

Từ Hứa Xương nghe tin dữ, Tào Tháo kíp sai Vu Cấm và Bàng Đức mang 7 đạo quân chi viện cho Tương Dương, Phàn Thành. Dù vậy, đạo quân tiếp viện này đã mau chóng bị Quan Vũ diệt gọn với kế đắp đập, khơi dòng sông Hán Thủy nhấn chìm quân Tào. Tào Tháo càng thêm sốt ruột. Nếu Tương Dương, Phàn Thành vỡ, kinh đô Hứa Xương chắc chắn nguy trong sớm tối. Lần này, Từ Hoảng được lệnh ra trận. Ông có cuộc chạm trán đáng nhớ với Quan Vân Trường.

Trước đây, khi về hàng Tào Tháo (trên danh nghĩa hàng vua Hán), Quan Vũ chỉ chơi thân với 2 người là Từ Hoảng và Trương Liêu. Cả 3 người đều quê ở Sơn Tây và từng phục vụ trong đội kỵ binh Tinh Châu nổi tiếng tinh nhuệ. Ngoài ra, họ cũng đều là hàng tướng dưới trướng Tào Tháo nên tâm sự có nhiều điểm tương đồng.

Do đó, khi ra trận tiền đối đầu nhau, cả hai vẫn còn dành cho nhau những lời hết sức trân trọng, thân tình. Dù thế, việc quân không kể tình thân, Từ Hoảng không chút mảy may động lòng khi phải đối trận cùng người bạn cũ đồng thời là danh tướng kiệt xuất như Vân Trường.

Binh sĩ của Từ Hoảng phần lớn là tân binh, chưa quen chiến trận nên ông không vội giao chiến ngay với Quan Vũ mà cho hạ trại phía sau lưng quân địch, án binh bất động. Ông lại cho quân giả vờ đào hầm xung quanh, vờ cắt đường vận lương của Quan Vũ. Quan Vũ cho rút quân lại về sau, nhân đó Phàn Thành được giải vây.

Quan Vũ cho quân rút về đóng ở hai trại Vi Đầu và Tứ Trủng. Tào Tháo lại tiếp tục lệnh cho viện binh tới tiếp ứng Từ Hoảng. Có thêm quân tiếp ứng, Từ Hoảng tiếp tục xuất binh đánh Vân Trường. Để đánh bại một Vân Trường dũng khí ngút trời, Từ Hoảng quyết định dùng mưu thay vì dùng sức dù tài nghệ võ biền của ông cũng không hề tầm thường.

Từ Hoảng cho quân phao tin rằng sắp đánh đồn Vi Trủng nhưng lại âm thầm dẫn quân tập kích đồn Tứ Trủng. Quan Vũ trong lúc rối bời, nhuệ khí giảm sút không biết hành xử ra sao, lập tức mang quân đến cứu Vi Trủng. Quả nhiên, trại Tứ Trủng bị đánh úp. Quan Vũ dẫn 5000 kỵ binh nghênh chiến, phá vây nhưng thất bại. Mất thế thượng phong, Quan Vũ bèn ra lệnh cho quân rút lui. Trên đường đi, quân Thục thiệt hại vô số vì bị rơi xuống sông Hán Thủy. Phàn Thành được giải cứu thành công.

Tào Tháo sau khi nhận tin báo tiệp thắng trận thì hết sức vừa ý, gọi Từ Hoảng là Tôn Vũ. “Tam Quốc chí” chép lại rằng Tào Tháo đã khen ngợi Từ Hoảng không ngớt lời bằng những mỹ từ hay nhất: “Giặc đào hào kín mít rải chông chà mười phần trầm trọng, tướng quân hết sức đánh thu được toàn thắng, lại phá vòng vây của địch, chém được nhiều đầu giặc. Ta dụng binh ba hơn mươi năm, cũng có nghe đến cái khéo dùng binh của người xưa, mà chưa thấy có ai xông thẳng vào vòng vây của địch như vậy. Vả lại vòng vây ở Phàn Thành – Tương Dương, còn hơn vòng vây ở Thành Cử – Tức Mặc, công lao của tướng quân, còn hơn cả Tôn Vũ – Nhượng Thư”.

Chuyện kể rằng, sau khi thắng trận, Từ Hoảng chỉnh đốn quân mã trở về trại, đích thân Tào Tháo đã ra ngoài thành 7 dặm để nghênh đón. Cơ hội nhìn thấy mặt Tào Tháo không nhiều, quân sĩ của các tướng khác đều nhốn nháo, xôn xao khi thấy Tào Tháo đến úy lạo ba quân. Duy chỉ có quân của Từ Hoảng là đội hình vững vàng, cờ súy nghiêm chỉnh, tướng sĩ xếp hàng gần như bất động. Thấy vậy, Tào Tháo khen “Từ tướng quân có thể nói là có phong độ của Chu Á Phu vậy”.

Dưới trướng Tào Tháo, Từ Hoảng luôn là “tướng yêu”, hết sức được trọng dụng. Sau này, khi Tào Phi nối nghiệp cha, rồi xưng đế, Từ Hoảng cũng vẫn là đại thần rường cột của nước nhà. Ông được phong tới tước hầu (Dương Bình hầu), ăn thực ấp hơn 3000 hộ. Năm 227 Từ Hoảng mất, hưởng thọ 58 tuổi.