“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là bộ tiểu thuyết chương hồi đã đi sâu vào lòng hàng triệu người hâm mộ. Toàn bộ tác phẩm xoay quanh chữ “Nghĩa” và cuộc chiến phân chia quyền lực của ba thế lực Ngụy, Thục và Ngô, với ba người đứng đầu là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền. Thế nhưng, 3 nhân vật này lại không phải là những người mở ra thời kỳ Tam Quốc oanh liệt ấy. 

Vậy ai mới thực sự là người có công góp phần ‘kiến tạo’ nên bản thiên anh hùng ca này, giúp những những nhân vật oai hùng trong thời Tam Quốc được một phen xuất đầu lộ diện, an định thiên hạ? Người này không phải là một kẻ tầm thường và được xuất sinh từ chính lúc triều Đông Hán gặp biến cố.

Loạn Khăn Vàng và thời kỳ Tiền Tam Quốc

Cuối thời Đông Hán, triều chính mục nát, ngoại thích và hoạn quan thay nhau hoành hành. Khắp nơi đều có tham quan ô lại, thêm vào đó thiên tai lụt lội, hạn hán triều miên. Hán Linh Đế buông lỏng kỷ cương, không dùng người tài. Nghe theo lời khuyên của các hoạn quan Trương Nhượng và Triệu Trung, Linh Đế tăng thuế khóa thêm 10 đồng trên mỗi mẫu ruộng khiến nhân dân phải đóng góp thêm nặng nề, nhằm có thêm tiền xây cất cung điện.

download
Hán Linh Đế buông lỏng kỷ cương, ăn chơi hưởng lạc, đất nước lầm than. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Hoàng tộc và quan lại ăn chơi xa xỉ. Hán Linh Đế ăn tiêu hoang phí, cho áp dụng chính sách mua bán quan chức: chức Tam công bán 10 triệu, tước hầu bán 5 triệu. Những người sau khi bỏ nhiều tiền ra mua chức tước lại càng vơ vét của dân làm giàu. Trong hoàn cảnh đó, nhân dân bị bóc lột nặng nề vì sưu cao thuế nặng, không được sống yên ổn từ gần 100 năm, cuối cùng đã vùng dậy phản kháng theo sự kêu gọi của anh em Trương Giác, những người đã học được nhiều ma thuật và bùa phép.

Lực lượng Khăn Vàng đông đảo và mạnh mẽ, trải rộng trên lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong không đầy 1 năm, anh em Trương Giác nhanh chóng bị đánh bại. Đại tướng quân Hà Tiến chỉ huy các quan đại thần đi trấn áp chẳng mấy chốc dập tắt cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng. Hà Tiến là anh rể vua và nhờ đó mà nhận được chức đại tướng quân.

Ngoài các tướng kỳ cựu của triều đình, trong việc đánh dẹp anh em Trương Giác bắt đầu có sự tham gia của những tướng lĩnh trẻ tuổi mới xuất hiện. Tuy họ chưa đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến này nhưng bắt đầu bước vào chính trường và về sau trở thành những người có vai trò quan trọng lên cục diện cuối Đông Hán đầu Tam Quốc, như Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Kiên.

53621f8e65550
Tào Tháo, đây là một trong những nhân vật nổi bật nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa, và thời kỳ tiền Tam Quốc.

Thời điểm này có sự xuất hiện của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, cả ba người đều muốn dẹp loạn yên dân nên đã kết nghĩa với nhau ở vườn đào. Những năm sau, các thế lực quân phiệt ngoài Tào Tháo còn có Viên Thiệu, Công Tôn Toản… Sau khi Hán Linh Đế mất vào tháng 5 năm 189, Hà Tiến lập Hán Thiếu Đế kế vị. Điều đó khiến Đổng thái hậu (mẹ của Hán Linh Đế) không hài lòng. Hà Tiến phải đầu độc giết bà ta để trừ họa. Sau đó Hà Tiến lại có mâu thuẫn với bọn hoạn quan, đặc biệt là 2 hoạn quan Trương Nhượng và Kiển Thạc nên muốn giết sạch hết bọn chúng để có uy quyền tuyệt đối trong triều.

Hà Tiến lấy chuyện này bàn với Viên Thiệu. Viên Thiệu khuyên Hà Tiến nên triệu tập các trấn khắp cả nước vào Lạc Dương diệt hoạn quan. Tiến phê chuẩn ngay, kêu gọi quân đội ở các trấn vào cung giết hoạn quan. Hành động này của Hà Tiến bị Tào Tháo phản đối và cho rằng ông là kẻ làm loạn thiên hạ. Bọn hoạn quan về sau cũng biết tin này, cũng lo đối phó trước. Tháng 8 năm 189, khi mà mưu đồ diệt hoạn quan của Hà Tiến chưa thành thì ông lại mắc mưu của đám hoạn quan, bị chúng lừa vào cung Trường Lạc và giết chết. Liền sau đó các quan đại thần do Viên Thiệu cầm đầu đem quân vào cung giết sạch đám hoạn quan này, báo thù cho Hà Tiến.

my-nhan-ke-gian-than-dong-trac-va-cai-ket-day-bi-tham-do-my-nhan-ke-2
Nhân vật “nguy hiểm nhất” thời kỳ tiền Tam Quốc – Đổng Trác xuất hiện.

Trong số các quan lại nhận lệnh Hà Tiến để diệt hoạn quan có Đổng Trác là thứ sử Tây Lương. Đổng Trác nhân cơ hội ngàn năm ấy nhanh chóng kéo quân vào kinh thành Lạc Dương, áp đảo Viên Thiệu và trở thành người thao túng triều chính, làm loạn đất nước. Đây cũng chính là nhân vật “nguy hiểm nhất” thời kỳ tiền Tam Quốc, đã tạo ra cục diện “loạn thế” góp phần sản sinh ra những bậc đại anh hùng sau đó như: Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Kiên dưới ngọn cờ của Viên Thiệu.

Đổng Trác – người khởi xướng

Đổng Trác (132 – 192), tên chữ là Trọng Dĩnh, là người huyện Lâm Thao, Lũng Tây. Đổng Trác là người mưu mô, tính tình thô lỗ, có thể lực hơn người. Lúc đầu, ông làm chức phó coi việc quân, trông giữ binh khí và ngựa chiến. Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra, Đổng Trác được dùng làm Đông Trung lang tướng tới Ký châu đánh quân Khăn Vàng. Nhưng ông đã bị thua trận và bị bãi chức.

Đầu năm 189, Hán Linh Đế bị bệnh nặng, không lâu sau thì chết, Hán Thiếu Đế lên ngôi. Đổng Trác là người mưu mô, đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, quay trở về kinh đô, thao túng triều chính và bắt đầu thi hành hàng trăm chính sách bóc lột đến cùng cực, cướp đoạt của cải của dân chúng, khắp nơi oán thán, trăm họ lầm than. Theo tính toán, số vàng mà Trác lấy được của dân lên đến 1-2 vạn cân, bạc 4–5 vạn cân, gấm lụa chồng chất như núi.

Thứ sử Tinh Châu là Đinh Nguyên không chịu được, ra mặt phản đối Trác, ỷ có tướng hầu là Lữ Bố kiêu dũng khác thường hộ vệ nên không sợ bị Đổng Trác hãm hại. Tuy nhiên Đổng Trác lại dùng kế mua chuộc Lữ Bố, tặng cho Lữ Bố vàng bạc châu báu và con ngựa Xích Thố – chiến mã số 1 thời Tam Quốc. Lữ Bố nổi lòng tham, làm phản giết Đinh Nguyên ngay trong đêm hôm đó để quay về theo Đổng Trác, hưởng vinh hoa phú quý, bái Trác làm cha nuôi, tạo thành “cặp đôi hoàn hảo”, công thủ toàn diện, tiếp tục làm loạn triều chính, không ai làm gì được.

youtu.be-C_fUuMvhvw8 (8)
Viên Thiệu được bầu làm Minh Chủ, thống lĩnh 18 lộ chư hầu thảo phạt Đổng Trác.

Hành vi tàn bạo, lộng quyền của Đổng Trác khiến quan lại vô cùng phẫn nộ. Họ hội quân với Viên Thiệu để diệt Trác, liên quân 18 lộ chư hầu khí thế hùng mạnh, tất cả vì để cứu quốc nên ai nấy đều hăng say lập công. Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi cũng đi theo liên quân diệt gian tặc. Khi ấy, Lữ Bố thường xuyên được Đổng Trác sai đi trấn áp liên quân Viên Thiệu, có lần một mình Lữ Bố đấu với cả ba anh em Lưu, Quan, Trương nhưng sau đó phải rút lui vì kiệt sức, đó chính là điển cố “Tam anh chiến Lã Bố” nổi tiếng một thời.

Năm 191, liên quân Viên Thiệu đã tập trung dưới chân thành Lạc Dương. Nghe theo lời của mưu sĩ Lý Nho, Đổng Trác phái bắt hoàng đế, quan lại, xua hàng trăm vạn dân chúng từ Lạc Dương về Trường An lập kinh đô riêng, hắn còn sai Lữ Bố đào bới lăng mộ các vua nhà Hán trước đây để cướp vàng bạc châu báu, sau đó phóng hỏa thiêu cháy Lạc Dương rồi bỏ chạy. Liên quân của Viên Thiệu thừa cơ tiến vào Lạc Dương.

Trong thời kỳ Đổng Trác nắm quyền, vẫn còn nhiều trung thần như Vương Doãn đang tìm cách diệt trừ Trác. Một lần, Vương Doãn đã sử dụng “liên hoàn kế”, ban đầu tặng con gái của ông ta là Điêu Thuyền (một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa) cho Lữ Bố nhưng sau đó lại dâng cho Đổng Trác. Bố tức giận hỏi Vương Doãn tại sao lại làm vậy. Vương Doãn nói rằng phải dâng Điêu Thuyền cho Trác vì bị ép buộc.

Có lần Lữ Bố nhân lúc Đổng Trác đang cùng Hiến Đế bàn chính sự, lén tới điện Phượng Nghi để gặp Điêu Thuyền. Điêu Thuyền nghe lời Vương Doãn, đã nói khích vài câu để ly gián cặp đôi cha con quyền lực này. Trác nghi ngờ, vội vã về phủ, thấy Lữ Bố đang ôm Điêu Thuyền, nổi giận ném long kích vào Lữ Bố, Bố đã may mắn tranh được. Từ đó Bố hận thù Đổng Trác, tuyên bố rằng sẽ giết Đổng Trác để trả thù. Cuối cùng năm 192, Đổng Trác bị giết bởi chính người con nuôi Lữ Bố, do cùng giành giật Điêu Thuyền, thuộc hạ của Đổng Trác là Lý Nho cũng bị chém đầu. Vậy là mưu kế của Vương Doãn và Điêu Thuyền đã thành công, điều mà 18 lộ chư hầu với trăm vạn hùng binh không thể làm nổi thì chỉ với 2 cha con Vương Doãn – Điêu Thuyền lại có thể làm được!

Untitled-2
Điêu Thuyền, nàng đã dùng nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của mình để phụng sự cho nghiệp lớn nước nhà.

Sự xuất hiện của Đổng Trác, kéo theo đó là Lữ Bố, Điêu Thuyền, Vương Doãn, Viên Thiệu,… và sự “trình làng” của các anh hùng mới nổi như anh em Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Kiên đã khiến khói lửa đao binh thời Hán mạt đi dần đến cực thịnh, chuẩn bị chào đón sự ra đời của thời kỳ mới.

Sau loạn Đổng Trác 2 trận đánh lớn này đã giúp tạo thế “chân vạc” thời Tam Quốc

Sau khi Đổng Trác bị Vương Doãn và Lữ Bố giết (192), thủ hạ là Lý Thôi và Quách Dĩ mang quân đánh báo thù, đánh chiếm Trường An, giết Vương Doãn và đuổi Lữ Bố dành quyền kiểm soát kinh đô. Hai người chia nhau nắm quyền ở Trường An, vua Hán Hiến Đế vẫn bị khống chế như trước. Sau hai viên tướng này cũng phát sinh mâu thuẫn đánh nhau to, Hán Hiến Đế trốn khỏi chỗ Lý và Quách cùng các cận thần chạy về Lạc Dương. Được Tào Tháo bảo giá, và đưa đến Hứa Xương, xây dựng lại nơi này cho vua ở nên Tháo đã nhanh chóng lên chức thành Thừa Tướng của nhà Hán.

Đây là một bước chuyển rất quan trọng trong sự nghiệp của Tào Tháo vì nhà Hán tuy suy nhưng trong lòng mọi người vẫn tôn trọng, việc Tào Tháo nắm được thiên tử sẽ có cớ nhân danh vua ban ra chính lệnh để sai khiến chư hầu. Lúc này, Viên Thiệu thấy thực lực của mình đã mạnh, bèn cất 70 vạn đại quân đi đánh Tào Tháo, Tháo đưa 7 vạn quân ra ngênh chiến chống đỡ.

Trận Quan Độ này là một trong những trận đánh lớn nhất thời tiền Tam Quốc khi mà giữa hai bên có thực lực quân sự hoàn toàn khác xa nhau (chênh lệch đến 10 lần), nhờ trí thông minh và tài mưu lược hơn người của mình, Tào Tháo đã có thể chuyển bại thành thắng, từ việc đốt cháy kho lương của Thiệu khiến binh tướng bên y hoang mang rối loạn, cho đến việc tiêu diệt hoàn toàn thế lực của Thiệu, danh tiếng lẫy lừng.

Untitled-8
Quan Độ là một trận đánh lẫy lừng của Tào Tháo, ông đã làm được điều rất khó trong binh gia: lấy ít mà có thể thắng nhiều.

Lúc này Tôn Kiên bị Lưu Biểu ở Kinh Châu đánh bại, con trai là Tôn Sách lên nắm quyền, được Tào Tháo ủng hộ nên làm bá chủ ở Giang Đông. Tiếc là Tôn Sách lại đột ngột qua đời, em trai – Tôn Quyền lên thay thế, quyết tâm củng cố lực lượng ở nơi này, chờ thời chiếm nốt Kinh Châu (một cửa ngõ quan trọng mà ai muốn dành thiên hạ cũng muốn có).

Lưu Bị sau khi tách khỏi Viên Thiệu đã về Kinh châu theo Lưu Biểu, được sai trấn giữ ở Tân Dã. Tháng 7 năm 208, Tào Tháo khởi binh nam tiến, đánh Kinh châu. Tháng 8 năm đó, khi quân Tào chưa đến nơi thì Lưu Biểu đã ốm chết. Tháng 9, Tào Tháo tiến đến Tân Dã. Lưu Bị từ khi nghe tin đại quân Tào Tháo kéo đến đã bỏ Tân Dã về Giang Hạ. Tào Tháo chiếm Kinh Châu rồi chọn 5000 quân kỵ khoẻ ngày đêm đuổi theo, một ngày đi 300 dặm, đuổi giết Lưu Bị. Khi quân Tào tới Đương Dương – Tràng Bản thì bị mãnh tướng Trương Phi đánh chặn, tạm thời phải dừng lại.

Vừa lúc đó sứ giả của Tôn Quyền là Lỗ Túc đến Tràng Bản, gặp được Lưu Bị. Theo lời khuyên của Lỗ Túc, Lưu Bị quyết định liên minh với Tôn Quyền để chống Tào, sai Gia Cát Lượng sang Đông Ngô, bản thân Lưu Bị hợp binh với Quan Vũ về cố thủ ở Giang Hạ với con lớn của Lưu Biểu là Lưu Kỳ.

Tào Tháo xua 83 vạn đại quân áp sát Giang Đông, thanh thế rất mạnh, nào ngờ danh tướng Chu Du của Đông Ngô, dưới sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng đã thành công khi sử dụng “liên hoàn kế” (trá hàng – Bàng Thống và Hoàng Cái, và hoả công) để thiêu cháy hơn 80 vạn quân Tào chỉ trong 1 trận duy nhất, giải nguy cho Giang Đông. Tào Tháo đại bại, đành phải bỏ chạy về phương Bắc, không dám bén mảng tới nơi này, bỏ mộng bá chủ. Đây là trận Xích Bích rất nổi tiếng trong lịch sử, cũng là một trận chiến không hề cân sức, khi phe chiến thắng lại là phe thiểu số, chỉ có dưới 8 vạn quân, mà phải đối chọi lại hơn 80 vạn quân địch.

20151103003353
Đại chiến Xích Bích, trận đánh “chốt hạ” kinh điển tiền Tam Quốc, về nghệ thuật hoả công và lấy ít địch nhiều.

Sau trận Xích Bích, Lưu Bị nhờ “mượn” được Kinh Châu và chiếm được căn cứ địa Thành Đô (Tứ Xuyên) mà xưng bá một phương. Về cơ bản thế đứng của ba họ Tào, Tôn và Lưu đã rất vững vàng rồi, thế chân vạc chính thức hình thành, bắt đầu chuyển sang thời kỳ “Tam Quốc”.

Vậy là nhờ “công lớn” của Đổng Trác, mà các anh hùng hào kiệt đã có cơ hội đoàn kết lại với nhau dưới chung một lá cờ, “hợp rồi lại tung”, rồi mỗi người lại hùng bá một phương, cho đến khi 2 trận đánh cực lớn Quan Độ – Xích Bích nổ ra ấy đã giúp định hình được cục diện cân bằng giữa ba thế lực Nguỵ – Thục – Ngô. Khi này mới có thể thấy, một gian Thần như Trác không ngờ lại là người vừa có ‘tội’ (với lê dân trăm họ) lại vừa có ‘công’ (giúp tạo tiền đề để thời kỳ Tam Quốc chuẩn bị ra đời).

Nhà Hán, một thời kỳ hoàng kim, tồn tại 400 năm đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến không chỉ Trung Hoa nói riêng, mà còn với cả các dân tộc khác nói chung. Tuy nhiên nó đã đi đến hồi kết chỉ vì các hoàng đế ăn chơi sa đoạ, mê đắm hưởng lạc trong những dục vọng, khoái cảm tầm thường… không còn nhớ đến sứ mệnh thật sự của mình khi sinh ra là “thiên tử” (con trời), phải có trách nhiệm ‘thay trời hành Đạo’, lấy mình làm gương, lấy đức làm gốc để tạo phúc cho muôn dân trăm họ, đạt đến thời kỳ thái bình thịnh trị.

Họ đã quên mất, để rồi từ chính những thói xấu như vậy, đã khiến mọc lên những khối “ung nhọt” làm chao đảo triều chính như bọn hoạn quan hay gian thần Đổng Trác, huỷ hại cả một đế chế hùng mạnh. Nhưng dù sao lịch sử vẫn là lịch sử, có thời kỳ nào là tồn tại mãi mãi đâu? Tất cả đều đi theo quy luật Thành – Trụ – Hoại – Diệt, có ‘sinh’ thì ắt có ‘tử’, và những thứ mới xuất hiện sau những thứ thối nát, sẽ là những thứ tốt đẹp hơn (như nhà Tấn sau đó vậy), lịch sử chính là tồn tại như vậy.

Ánh Trăng

Xem thêm: