Kể từ khi đưa ra lời thách thức có phần ngông cuồng với giới võ thuật Trung Quốc, Từ Hiểu Đông đã nhanh chóng trở thành hiện tượng khi đã dễ dàng đánh bại hàng loạt “cao thủ” có tiếng trong nước. Từ Thái Cực Ngụy Lôi cho đến gần đây nhất là “đệ tử Diệp Vấn” Vịnh Xuân Lã Cương, họ Từ cũng chỉ mất có 47 giây để kết thúc trận đấu.

Nếu võ hiện đại đấu với cao thủ truyền thống thật sự thì kết quả sẽ thế nào?

Câu trả lời là: chuyện này hầu như sẽ không bao giờ xảy ra, vì thế sẽ không có kết quả chính xác. Điều này có một số lý do như sau:

1- Họ đơn giản sẽ không bị kích động để tham gia thi đấu

Bởi vì võ công chính tông vốn là bên trong dùng để tu dưỡng thân tâm và đạo đức, bên ngoài khắc địch chế thắng trên chiến trường, trừ gian diệt bạo cứu người, tự vệ trong lúc nguy nan. Đạo tâm là yêu cầu quan trọng nhất khi tuyển chọn đồ đệ bên cạnh căn cơ về thân thể. Các võ phái cổ xưa quy định rất nghiêm ngặt đối với môn đồ của mình về vấn đề sử dụng võ thuật.

Vả lại, người đạt đến trình độ có thể xưng là cao thủ võ công chính tông thì không những giỏi khống chế thân thể mà còn hoàn toàn làm chủ tinh thần của mình. Tâm tính của anh ta rất khó bị xao động bởi những lời khiêu khích như mọi người hay thấy của Từ Hiểu Đông hay Flores. Nếu một võ sư vì xung động khi bị nói khích mà tham gia thi đấu thì hãy hiểu rằng người đó không phải là cao thủ thực thụ. Người thầy võ truyền thống sẽ không truyền thụ tuyệt kỹ cho những môn đồ hay kích động, vì nếu có truyền, họ cũng không thụ đắc được do đó sẽ không có thành tựu.

Hãy nhìn Lý Tiểu Long, người ta ai cũng cho rằng anh ta là cao đồ của Diệp Vấn. Nhưng thực sự họ Lý chỉ học với sư huynh mình là chính. Những điều chân chính của Vịnh Xuân thì Diệp Vấn từ chối truyền cho anh ta, kể cả khi anh ta đòi mua nó với cái giá rất cao. Lý do là Lý Tiểu Long rất đam mê danh lợi, sự nổi tiếng và có tâm tranh đấu rất mạnh. Anh ta chỉ học được một phần nhỏ của Vịnh Xuân chính tông. Một chút đó thôi mà cả thế giới đã cảm thấy trầm trồ rồi, thật là hài hước!

2- Vì sự nguy hiểm chết người của võ công chính tông

Võ công truyền thống mang tính ứng dụng thực tiễn cao, sử dụng ngoài chiến trường nhiều nghìn năm nên vô cùng hiệu quả và có tính sát thương rất lớn. Đạo đức và tâm tính nói bên trên là một trong những tiêu chí để ngăn chặn việc sử dụng bừa bãi võ thuật của các môn đồ. Nếu gây chết người thì môn phái sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Hành giả võ thuật chân chính hoàn toàn hiểu điều này nên không bao giờ muốn vi phạm.

(Ảnh: kknews.cc)

Chuyện xưa nay còn kể về cố võ sư Trần Tiến và trận thượng đài cuối cùng như sau:

“Trận thượng đài đáng nhớ nhất và cũng chính là trận chiến cuối cùng của ông diễn ra trên đất Singapore. Sau khi đả bại loại hàng loạt các đấu thủ, trận cuối cùng ông gặp một đối thủ là võ sĩ người bản địa có biệt hiệu là Tiểu Lâm Xung.

Đây là võ sĩ cao lớn như hộ pháp nhưng lại có thân hình rất rắn chắc, được ví là một lực sĩ.

Cao thủ này là bậc thầy về ngạnh công, có thể đưa ngực, bụng chịu những cú đấm đá như trời giáng mà không hề hấn gì.

Tiểu Lâm Xung còn có bàn tay mệnh danh “thiết thủ” có thể đấm vỡ tấm gỗ dày 5 phân.

Trước trận quyết đấu với Trần Tiến, Tiểu Lâm Xung đã thề sẽ đánh gục võ sĩ người Việt để “rửa hận” cho những người Singapore từng bại trận.

Trận tử chiến cuối cùng cũng đến. Trận đấu được quy định trong 8 hiệp, mỗi hiệp dài 3 phút. Các võ sĩ chỉ bị cấm đánh xòe tay, còn đòn hiểm như cùi chỏ, đầu gối đều được sử dụng và không mặc áo giáp bảo hộ.

Tiếng chuông báo hiệp một vang lên, hai võ sĩ bước vào trận chiến.

Cậy sức, Tiểu Lâm Xung tới tấp tung đòn mãnh liệt, Trần Tiến buộc phải lui vào thế phòng ngự, thỉnh thoảng mới tìm cách phản công.

Tiểu Lâm Xung ra hổ quyền thì Trần Tiến dùng hầu quyền để tránh. Tiểu Lâm Xung tiếp tục tung xà quyền, Trần Tiến lại khống chế bằng hạc quyền.

Bốn hiệp đấu trôi qua, võ sĩ người Việt vẫn chưa có được một đường tấn công đáng kể. Còn Tiểu Lâm Xung càng đánh càng hưng phấn, ham công và để lộ những sơ hở.

Trong khoảnh khắc chủ quan khinh địch của đối thủ, Trần Tiến bất ngờ hạ thấp tấn pháp, trườn người nhập nội như con rắn và bật ngược lên tung đòn “xà vương phún khí” hiểm hóc đúng vào hạ bộ đối thủ.

Trong chớp mắt, Tiểu Lâm Xung rũ người đổ ập xuống lăn lộn, rồi bất tỉnh. Cả khán đài sững sờ không hiểu chuyện gì xảy ra.

Chính Trần Tiến cũng bàng hoàng không hiểu tại sao mình ra đòn hiểm này. Ông lặng lẽ cúi xuống xem Tiểu Lâm Xung bị thương thế nào. Miếng bảo hộ vùng hạ bộ của anh ta đã bị vỡ vì cú đánh quá mạnh.

Thấy Tiểu Lâm Xung nằm bất động không thể thi đấu, trọng tài nắm tay Trần Tiến giơ lên cao, tuyên bố phần thắng bất ngờ đã thuộc về võ sĩ người Việt.

Thế nhưng, trong khoảnh khắc vinh quang ấy, thấy Tiểu Lâm Xung nằm bất động trên sàn, Trần Tiến bỗng thấy ăn năn, day dứt. Ông rút tay lại, chắp bái xin lỗi rồi tự nhận phần thua cuộc.

Trần Tiến lặng lẽ cúi đầu rời võ đài trong tiếng huýt sáo phản đối của những kẻ thua cược và cả tiếng vỗ tay của những người cảm phục khí khái ông.

Thật ra, đòn ấy với võ đài tự do thì chẳng có gì là sai luật, thế nhưng với tinh thần võ đạo, cú đánh ấy lại là cấm kỵ bởi tính sát thủ tàn khốc.

Với Trần Tiến, sau đòn hiểm độc trong tình huống một mất một còn, suốt đêm hôm đó ông không tài nào chợp mắt nổi.

Nhưng rồi ông đã bình tâm trở lại. Ông nhận ra rằng, võ đài không cần phải quyết đấu nữa. Thắng bại chỉ như gió thoảng qua và sau trận đấu ấy, ông đã tránh xa “kiếp sống võ đài”. (1)

3- Vì chưa và khó để chọn đúng đối thủ

Từ Hiểu Đông tuy là thách thức võ truyền thống Trung Quốc nhưng đối thủ của anh ta toàn là hàng giả. Họ phải nhanh chóng trả giá cho cái danh hão mình mang nên các chiến thắng kia hầu hết là không có giá trị. Hơn nữa, MMA và võ truyền thống có định hướng hoàn toàn khác nhau nên rất khó để so sánh. MMA có thể gọi là môn thể thao chiến đấu đối kháng, trong khi đó võ truyền thống có thể dùng để đoạt lấy sinh mệnh đối thủ. Nếu đấu thực sự thì có lẽ họ Từ khó có khả năng còn sống để tiếp tục thách thức. Nên theo lý thuyết mà nói, họ Từ nên chọn môn võ truyền thống nào có định hướng thi đấu võ đài đối kháng thì sẽ dễ đánh giá hơn. Dưới đây là một số môn như thế:

(i) Kyokushin Kai Karate (Không Thủ Đạo Cực Chân Phái)

Nhìn chung, Karate hiện nay có hàng trăm trường phái, nhưng có sự khác biệt lớn giữa Karate cổ điển và hiện đại theo hướng thể thao. Karate là môn võ bắt nguồn từ môn TangSho hay TangShu (Đường Thủ) có nguồn gốc từ Trung Hoa. Karate Kyokushin Kai là trường phái Karate thiên về Đường Thủ nhất nên có phần huấn luyện bảo lưu giống nhất với võ truyền thống, chú trọng luyện ngạnh công để thúc đẩy cơ thể người đột phá cực hạn mà thành tựu công phu, tìm sự thăng hoa võ đạo qua khổ luyện và chiến đấu. Vì thế nên môn đồ của Karate Kyokushin Kai không hề e sợ võ đài tự do cũng như các lời thách đấu, đồng thời cũng là những chiến binh đáng sợ trên võ đài.

Môn đồ Kyokushin Kai Karate trong đợt huấn luyện mùa Đông. (Ảnh: pinimg.com)

(ii) Muay Thái

Là môn quốc võ truyền thống của người Thái, Muay Thái cũng là võ công chính tông cổ xưa xuất phát từ Đông Nam Á. Họ cũng dùng rượu pha nước nóng để ngâm tay khi luyện xuất ra ngạnh công cho các bộ phận tấn công giống như trường phái Thiếu Lâm. Và cũng giống Karate Kyokushin Kai, hành giả Muay Thái cũng coi võ đài như một con đường để rèn luyện võ công của mình. Hiện nay các đấu thủ Muay Thái rất nổi tiếng trên võ đài tự do khắp thế giới.

Võ sĩ Muay Thái với đôi nắm đấm quấn dây thừng truyền thống. (Ảnh: ytimg.com)

(iii) Jujistu (Nhu Thuật)

Nhu Thuật là tên gọi chung của các môn võ cổ truyền Nhật Bản, được mệnh danh là môn võ thực chiến tàn khốc nhất, “nhất kích tất sát”, do là môn võ dùng trên chiến trường cổ. Nó khởi nguồn từ giai cấp võ sĩ samurai xưa ở Nhật Bản dùng tay không để tự vệ và chống cự lại đối thủ có võ trang hay không võ trang. Môn này có ba tuyệt kỹ thành danh là cầm – nã – thủ, tức là khóa, bẻ tay chân, đánh vào các khớp và điểm huyệt các huyệt đạo quan trọng. Các phiên bản “thể thao hóa” của nó như Judo, Aiki-jitsu đã được truyền bá khắp thế giới nhưng đã giản lược hầu hết các đòn thế chết người.

Chi phái Brazil Jujitsu là thích hợp nhất để đấu đài, họ từ lâu đã rất nổi tiếng ở các giải đấu UFC.

Jujitsu- môn võ chiến đấu tàn khốc nhất. (Ảnh: nhatbanaz.com)

Thay cho lời kết

Sự lên ngôi của MMA và võ hiện đại, sự thoái hóa của võ công truyền thống đều có những nguyên nhân từ rất lâu. Một phần là do đời sống hiện đại thực dụng và tôn sùng vật chất, khiến mọi người đem những giá trị quan sai lệch đánh giá về nền võ công chính tông.

Thêm vào đó là cách tập luyện cổ xưa vô cùng tốn kém, gian khổ và lâu dài cùng với những yêu cầu đạo đức khắt khe khiến cho những tinh hoa chân chính không còn được ai kế thừa. Những gì còn lại bị đánh giá thấp, bị xem thường, mà không biết rằng chúng thậm chí không xứng đáng là cái bóng của những ngọn núi vĩ đại ngày xưa.

Giới trẻ ngày nay đánh giá di sản ông cha bằng con mắt và trái tim của những tín đồ thể thao hiện đại, không biết rằng đó là một trong những thứ “thuốc độc” đang giết dần những giá trị vô cùng tốt đẹp từ ngàn xưa. Mất mát cũng đáng sợ, nhưng không đáng sợ bằng sự vô minh mà không biết mình đang mất đi những gì. Khi thể thao lên ngôi, đạo đức chân chính của hành giả võ thuật và bản thân võ công chính tông là đã đi xuống mồ. Vì sao mấy nghìn năm qua không có người như Từ Hiểu Đông hay Flores mà hiện nay lại xuất hiện như thế? Bởi vì khu rừng khi hổ báo đi rồi thì chồn cáo sẽ xưng vương, thế thôi.

Đại sư Minoru Mochizuki, tổ sư của Yoseikan Aiki-jitsu đã nói:

“Tình cảm trong tôi trong bộ môn này thì trái ngược hoàn toàn. Tôi cho rằng ngày tất cả các môn võ Nhật trở thành thể thao là ngày đó khai tử võ đạo. Thể thao nhấn mạnh cái vui của chiến thắng hay bại trận và chính việc giáo dục của thể thao cũng chỉ là phụ đề thứ hai không đáng quan tâm. Thể thao thì chẳng có gì là cái gọi là huấn luyện tư cách, tính tình. Nó không phải là tất cả của võ học. Nếu con sông của võ học xứ Nhật Bản chảy xuống biển của thể thao, thì tôi cho rằng nó sẽ bị nhiễm bởi nước muối trước khi nó chảy thêm một trăm mét nữa”.

“Nếu Hiệp Khí Đạo và Nhu Đạo trở thành một phần của Thế giới thể thao, các môn võ này sẽ bị phân tâm bởi những trò chơi liên quan đến kẻ thắng và người thua. Giá trị của giáo dục tinh thần và xây dựng nhân cách sẽ bị mất đi. Võ thuật sẽ bị tuyệt chủng. Tôi cho rằng việc Võ thuật xứ Phù Tang truyền bá khắp thế giới không có gì là không tốt, nhưng võ thuật xứ Nhật Bản không thể bị chiếm bởi tinh thần thể thao của một trò chơi”.

(Hết)

Tĩnh Thuỷ

(1) Trích “Mãnh sư Thiếu Lâm và cú đánh gục võ sĩ ngoại quốc”. Nguồn: http://soha.vn/the-thao/manh-su-thieu-lam-mot-chieu-danh-guc-vo-si-ngoai-quoc-20150903150302288.htm

videoinfo__video2.dkn.tv||b3b937939__