Mục lục bài viết
Nói về nhà tù văn tự, học giả lịch sử Liễu Di Trừng từng nói: “Giới văn nhân ĐCSTQ thời trước chịu họa ác liệt, nguy hiểm y như thời nhà Thanh”, ý muốn nói, văn tự ngục thời nhà Thanh rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với nhà tù văn tự do ĐCSTQ tạo ra, văn tự ngục của Thanh triều chỉ như tiểu phù thủy gặp phải đại ca phù thủy…
Xin chào quý vị độc giả! Chào mừng quý đến với chuyên mục “Trăm năm chân tướng“! Hôm nay chúng tôi sẽ kể cho các bạn nghe về “văn tự ngục” mang tính toàn quốc đầu tiên do Mao Trạch Đông chế tạo ra sau khi ĐCSTQ kiến lập chính quyền — “Vụ án Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong”.
Hồ Phong là ai?
Ông là nhà lý luận văn nghệ, nhà thơ và dịch giả văn học nổi tiếng của Trung Quốc, sinh năm 1902 tại huyện Kì Xuân, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trước tiên chúng ta hãy xem sơ yếu lý lịch của ông. Năm 23 tuổi, Hồ Phong vào học khóa dự bị của Đại học Bắc Kinh, một năm sau, ông được chuyển đến Khoa Văn học phương Tây của Đại học Thanh Hoa. Khi du học Nhật Bản năm 27 tuổi, ông tham gia các hoạt động văn hóa cánh tả và sau đó gia nhập đảng Cộng sản Nhật Bản. Năm 1933, ở tuổi 31, ông bị trục xuất về Trung Quốc sau khi bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ; sau khi đến Thượng Hải, ông tiếp tục tham gia các hoạt động văn hóa cánh tả của Trung Quốc và có quan hệ mật thiết với Lỗ Tấn.
Sau khi chiến tranh kháng Nhật bùng nổ, Hồ Phong chủ biên tuần san văn học “Tháng Bảy” ở Thượng Hải, xuất bản hai cuốn “Tuyển thơ tháng Bảy” và “Tuyển văn tháng Bảy”, được bầu làm ủy viên thường vụ Hiệp hội kháng địch giới văn nghệ toàn quốc Trung Hoa, kiêm nhiệm làm giáo sư tại Đại học Phúc Đán. Năm 1941, ông rút về Hồng Kông, biên tập và xuất bản tạp chí văn học “Hy vọng”, sau đó từ Hồng Kông lại chuyển đến Trùng Khánh, tiếp tục điều hành một tuần san, và danh tiếng của ông ngày càng nổi tiếng. Ông được gọi là “Belinsky của Trung Quốc”. Belinsky được coi là một trong những nhà phê bình và nhà tư tưởng hàng đầu trong lịch sử văn học Nga, vì vậy có thể hình dung được địa vị của Hồ Phong trong giới văn nhân Trung Quốc lúc bấy giờ.
Một nhân vật như vậy đã theo đường lối cánh tả từ khi còn trẻ. Năm 1949, sau khi ĐCSTQ tiếm đoạt chính quyền, ông đã trở thành ủy viên của Hội liên hợp giới văn học nghệ thuật Trung Quốc, giám đốc Hiệp hội tác gia Trung Quốc, và là đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ nhất.
Hồ Phong vì sao lại trở thành “phản cách mạng”?
Ngày 22/7/1954, Hồ Phong tự viết “Báo cáo tình huống thực tiễn liên quan giải phóng giới văn nghệ”, cũng chính là cái mà sau này gọi là “bức thư 30 vạn từ”, đề nghị Tập Trọng Huân, chủ nhiệm Hội ủy viên văn hóa Trung ương ĐCSTQ đương thời, chuyển lại cho Mao Trạch Đông. Trong đó, nói về những quan điểm bất đồng trong tư tưởng văn nghệ của mình với Chu Dương, phó bộ trưởng Bộ tuyên truyền Trung ương.
Từ tư liệu lịch sử mà xét, lúc bấy giờ, Chu Dương là người phát ngôn tư tưởng văn học nghệ thuật của Mao Trạch Đông. Phản đối Chu Dương chẳng phải như thể phản đối Mao Trạch Đông? Vì vậy, sau khi đọc báo cáo, khẳng định Mao cảm thấy phi thường phản cảm, muốn lôi Hồ Phong ra khai đao.
Quả nhiên, từ tháng 5 đến tháng 6/1955, Mao đã viết một án ngữ cho Nhân dân Nhật báo, trong đó ông ta chụp lên Hồ Phong và cái gọi là “phần tử Hồ Phong” nhiều cái mũ chính trị khủng khiếp, chẳng hạn như “đặc vụ Quốc dân đảng của chủ nghĩa đế quốc”, “phần tử thác loạn Trotsky”, “sĩ quan phản động”, “kẻ phản đồ của ĐCS”, “phe phản cách mạng”, “âm mưu lật đổ sự thống trị của ĐCSTQ và khôi phục chủ nghĩa đế quốc và sự cai trị của Quốc dân đảng.”
Ngay khi Mao phát ngôn, Hồ Phong lập tức biến thành một “đại hoại nhân”, và đủ loại chỉ trích tới tấp nhắm vào ông như một trường phong vũ điên cuồng.
Vào tối ngày 16/5/1955, cùng với Lưu Bạch Ngọc, Bí thư đảng Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, Bộ Công an đã cử người đến khám nhà Hồ Phong, tịch thu toàn bộ bản thảo, thư từ, ảnh và nhật ký, lục lọi đến quá nửa đêm. Sáng sớm hôm sau, Hồ Phong và vợ bị bắt.
Trương Hiểu Phong cho biết trong cuốn hồi ký “Cha tôi, Hồ Phong” của mình rằng, mãi đến năm 1965, 10 năm sau khi bị giam giữ, Hồ Phong mới bị kết án 14 năm tù. Cuối cùng, khi bản án 14 năm hết hạn, ông đã làm đơn trình báo với cơ quan chức năng và xin được xuất ngục, kết quả nhận được chỉ thị “giam cho đến chết”.
Năm 1979, ba năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, Hồ Phong cuối cùng cũng được phóng thích. Vào thời điểm đó, ông đã 77 tuổi, và đã bị giam cầm hơn hai thập kỷ.
Một nhà tù văn tự vô căn cứ đã hủy hoại phần lớn cuộc đời của Hồ Phong. Tuy nhiên, nếu quý vị nghĩ rằng ông là nạn nhân duy nhất, thì quý vị đã đánh giá quá thấp sự tà ác của ĐCSTQ. Những người liên lụy chịu nạn là cả một “tập đoàn”.
Có bao nhiêu người bị liên lụy đến vụ án Hồ Phong?
Theo “Báo cáo kiểm điểm về nhóm phản cách mạng của Hồ Phong” do Bộ Công an, Pháp viện tối cao và Viện kiểm sát tối cao ban hành ngày 21/7/1980, hơn 2.100 người bị điều tra trên toàn quốc, 92 người bị bắt, 62 người bị cách ly, và 73 người bị đình chức phản tỉnh. Trong số các tác gia, thi nhân, giáo sư, học giả và chuyên gia nổi tiếng hơn cả, có Lộ Linh, A Lũng, Giả Thực Phương, Tạ Thao, Vương Nguyên Hoa, Hà Mãn Tử, v.v.
Con số này đã khá lớn. Tuy nhiên, Trương Hiểu Phong tiết lộ trong cuốn hồi ký của mình rằng: thực tế số người bị liên lụy còn nhiều hơn. Cuốn hồi ký viết:
“Mỗi ‘phần tử cốt cán Hồ Phong’ đều liên lụy hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm người; mọi cái tên được tìm thấy trong nhật ký và thư từ của cha tôi đều bị thẩm tra và liên lụy; thậm chí toàn thể các giáo viên dạy ngôn ngữ ở trường trung học cơ sở quê tôi đều bị đả thành các ‘phần tử Hồ Phong’; mọi nơi đều bị dán nhãn “tiểu Hồ Phong” và “Tập đoàn phản cách mạng”.
Sau khi Hồ Phong bị đả đảo, Mao Trạch Đông tin rằng, việc lợi dụng sự kiện này là “chính xác và cần thiết” để phát động một trường “vận động đàn áp phản cách mạng” phô trương mà trước nay chưa từng. Vì vậy, ngày 1/7/1955, chỉ thị triển khai “vận động đàn áp phản cách mạng” đã được Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ ban hành.
Sử gia Thẩm Chí Hoa và Bộ trưởng Tuyên truyền Trung ương Lục Dinh Nhất và phu nhân đã tìm thấy các bản ghi cuộc đàm thoại với các quan chức Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc có liên quan, cho thấy vào thời điểm đó, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã lên kế hoạch thẩm tra tổng cộng 12 triệu người trên toàn quốc. Chỉ trong hơn hai tháng của chiến dịch, 2,22 triệu người đã bị “thẩm tra rà soát”; 118 ngàn người bị thẩm tra và xác định thành cái gọi là “phần tử phản cách mạng”, “phản đồ” và “phần tử phạm tội hình sự trọng đại”, và 11 ngàn nhóm và bè phái đã được định tội.
Vụ án Hồ Phong và chiến dịch đàn áp phản cách mạng sau đó đã dẫn đến sự ly tán của nhiều gia đình vô tội, khiến cho bao gia đình tan nát, gia phá nhân vong.
Trong vụ án Hồ Phong, có một quan chức cấp cao tên là Bành Bá Sơn, từng là Trưởng ban tuyên truyền đầu tiên của Ủy ban Thành ủy Thượng Hải ĐCSTQ, bị liên lụy vào năm 1955, và bị Hồng vệ binh đánh chết trong Cách mạng Văn hóa. Con gái của Bành Bá Sơn, Bành Tiểu Liên, là một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, người đã viết cuốn sách “Những năm tháng của họ” hồi ức về cha mẹ của mình.
Cuốn sách kể rằng, khi cô đang học tại Đại học New York, Hoa Kỳ, cô đã có một người bạn trai gốc Đức. Khi cô kể về trải nghiệm bi thảm mà gia đình gặp phải, bạn trai cô đã không thể lý giải, sửng sốt hỏi cô rằng: Dù Hitler xấu xa đến mức nào, ông ta cũng chỉ giết người Do Thái và người nước ngoài. Tại sao Mao Trạch Đông lại muốn hại chết nhiều người Trung Quốc như vậy?
Thực sự có cái gọi là “Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong”?
Ngày 29/9/1980, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã phê chuẩn và chuyển cho Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao và Pháp viện Tối cao “Báo cáo phúc tra lại vụ án ‘Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong’”, và ra thông tri: “Không có sự thực chứng minh Hồ Phong là kẻ cầm đầu tổ chức một tập đoàn phản cách mạng”, cũng không có bằng chứng chứng minh Hồ Phong có “hoạt động phản cách mạng”. “Vì vậy, Hồ Phong không phải là phần tử phản cách mạng, cũng không tồn tại Tập đoàn phản cách mạng do Hồ Phong cầm đầu.”
Ngày 3/11/1980, Pháp viện cấp cao Bắc Kinh tuyên cáo Hồ Phong vô tội. Ngày 18/6/1988, Văn phòng Trung ương Cục đã ban hành “Thông tri bổ sung về việc tiếp tục bình phản cho Hồ Phong”. Chỉ đến lúc đó, cái gọi là vụ án “Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” mới được bình phản triệt để.
Điều đó có nghĩa là, Mao Trạch Đông cũng vậy, và “văn nhân chư hầu” là thủ hạ của ông ta cũng vậy, đều sai lầm khi chỉ trích, thanh tra và thanh trừng “vụ án Hồ Phong”.
Tại sao Mao Trạch Đông lại muốn thanh trừng Hồ Phong?
Bởi vì, ông ấy đã không kịp thời quỳ gối dưới quyền uy tuyệt đối của Mao.
Năm 1942, khi Mao phát động Vận động chỉnh phong Diên An, chính là bắt đầu cuộc “vận động tạo thần” của ĐCSTQ. Một trong những ca khúc có tính tiêu biểu nhất của nó là “Phương Đông hồng”, hát rằng: “Phương đông hồng rực, Mặt Trời thăng, Trung Quốc có Mao Trạch Đông. Ông mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, ông là vị cứu tinh vĩ đại của nhân dân.”
Sau khi ĐCSTQ giành chính quyền thành công vào ngày 1/10/1949, khẩu hiệu “Mao Chủ tịch vạn tuế” đã vang dội khắp Trung Quốc. Mao, kẻ đã thành “vị cứu tinh vĩ đại” và được hô vang “vạn tuế”, thực sự nghĩ rằng mình có tiềm năng “thống trị thiên hạ”. Tuy nhiên, làm thế nào để buộc những phần tử trí thức thông minh uyên bác phải cúi đầu khuất phục vẫn là vấn đề lớn mà ông ta phải trăn trở.
Ngày 23/10/1951, trong bài phát biểu khai mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã ra lời kêu gọi cải tạo tư tưởng đối với phần tử trí thức toàn quốc, tuyên bố rằng: “Cải tạo tư tưởng, trước hết là cải tạo tư tưởng của các loại phần tử trí thức, là một trong những điều kiện trọng yếu tại các phương diện triệt để thực hiện cải cách dân chủ và từng bước thực hành công nghiệp hóa tại nước ta.”
Cái gọi là “cải tạo tư tưởng” là ám chỉ việc lấy “Tư tưởng Mao Trạch Đông” làm tiêu chuẩn, cưỡng chế tẩy não những phần tử trí thức, dùng những từ như “tắm rửa”, “cởi khố”, “cắt đuôi” v.v. để ám chỉ. Khi những thứ đó ập đến, một cuộc vận động quy mô lớn với các phần tử trí thức bắt đầu. Họ buộc phải tự báng bổ mình, tự làm tổn hại mình, tự châm biếm mình, tự làm nhục làm hèn mình, phải chịu hết phê bình này đến phê bình khác, bị cưỡng bức quỵ gối khi đối diện với quyền lực tuyệt đối của Mao.
Từ năm 1951 đến năm 1954, ĐCSTQ đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để bức bách Hồ Phong phải phục tùng, dùng lời của Chu Ân Lai mà nói, chính là:
“Một lần không xong, lại đến lần khác. Khi đã bắt đầu thì phải làm đến cùng. Nếu một vài người đấu không được thì phải dẫn hướng độc giả, tiến hành phê bình tranh đấu anh ta. Nói suông không giúp được, cần đưa anh ta vào sinh hoạt quần chúng và công tác để cải tạo. Nhất thiết phải cố gắng, cuối cùng sẽ có kết quả.”
Tuy nhiên, Hồ Phong bản tính quật cường và kiêu ngạo, cho đến năm 1954, ông vẫn nhất quyết không cúi đầu, không nhận lỗi, không tự phê bình tư tưởng văn học nghệ thuật của mình. Không những thế, vào tháng 7/1954, ông con chuyển cho Mao “ngôn thư 30 vạn chữ” gây tai họa.
Mao tin rằng văn học và nghệ thuật phải phục vụ chính trị và trở thành công cụ đấu tranh chính trị; trong khi Hồ Phong nhấn mạnh rằng văn học và nghệ thuật phải đề cao tính nhân văn, nhân đạo và cá tính, và nhất quyết không thống nhất tư tưởng văn học và nghệ thuật của mình với Mao. Điều này Mao tuyệt đối không thể dung nhẫn được. Thế là Mao tự mình xông trận, dùng các thủ đoạn “túm tóc, chụp mũ, đả côn”, luân phiên tấn công, còn chưa được, ông ta sử dụng bộ máy chuyên chính độc tài để bắt bớ, bỏ tù và kết án.
Những kẻ đả đảo Hồ Phong cũng không có kết cục tốt đẹp
Những quan chức cấp cao tích cực đả đảo “Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” cũng trở thành đối tượng bị phê đấu trong các cuộc vận động chính trị liên tiếp sau đó. Nguyên Bộ trưởng Bộ tuyên truyền Lục Định Nhất bị giam tại nhà tù Tần Thành 10 năm; Nguyên thứ trưởng Bộ tuyên truyền Chu Dương bị giam tại nhà tù Tần Thành 9 năm; Bộ trưởng Bộ Công an La Thụy Khanh, người đã ra lệnh bắt giữ Hồ Phong, đã bị gán cho là thành viên của “Tập đoàn phản đảng Bành La – Lục Dương”.
Hạ Diễn, thứ trưởng Bộ Văn hóa, người cũng bị tống vào tù trong Cách mạng Văn hóa, đã viết một bài hát có tên “Chỉnh nhân ca”, ca rằng: “Văn đạo nhân tu chỉnh, nhi kim tận chỉnh nhân. Hữu nhân giai khả chỉnh, bất chỉnh bất thành nhân. Nhân tự do tha chỉnh, nhân hoàn thị ngã nhân. Thí khan chỉnh nhân giả, nhân diệc chỉnh kỳ nhân” – ý là nói, trường chỉnh phong tận tuyệt của ĐCSTQ, chính là buộc người này phê đấu người kia, rồi lại bị người ta phê đấu lại, nhục mạ đả đảo lẫn nhau thống khổ mãi mãi không ngừng, còn khiến cho đạo đức băng hoại. Dù người bị chỉnh phong là người hay là ta, thì từ ý nghĩa mà nói, bài thơ thể hiện sự bi lương và bất lực không biết phải làm thế nào trước những oan oan tương báo không hồi kết mà ĐCSTQ mang tới.
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch