ĐCSTQ được thành lập dưới sự thao khống của Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX). Sau khi ĐCSTQ kiến lập chính quyền vào năm 1949, đã áp dụng chính sách ngoại giao “liên minh” đối với ĐCSLX, và lưỡng đảng đã có một thời kỳ trăng mật ngắn ngủi. Tuy nhiên, đến năm 1969, hai đảng này đã triệt để trở mặt với nhau, và đã xảy ra trận huyết chiến trên đảo Trân Bảo. ĐCSLX từng hai lần chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại ĐCSTQ, nhưng cuối cùng đều bị ngăn chặn.

Nguyên nhân ĐCSLX muốn tấn công hạt nhân chống lại ĐCSTQ

Ở phía Trung Quốc của tuyến trung tâm của đường thủy chính sông Ussuri – con sông ranh giới Trung – Nga ở tỉnh Hắc Long Giang, có một hòn đảo nhỏ, Trung Quốc gọi là đảo Trân Bảo, và Liên Xô gọi là đảo Damansky. Sau Thế chiến II kết thúc, hòn đảo này bị quân đội Liên Xô chiếm lĩnh.

Vào ngày 2, 15 và 17/3/1969, Trung Quốc và Liên Xô đã xảy ra ba cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn trên đảo Trân Bảo, còn được gọi là “Trận chiến đảo Trân Bảo” trong lịch sử.

Đây là kết quả của sự tích tụ liên tục các xung đột – từ xung đột về hình thái ý thức đến xung đột về lợi ích quốc gia giữa ĐCSTQ và ĐCSLX. Năm 1953, Stalin, Tổng bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSLX qua đời, và Khrushchev trở thành Bí thư thứ nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSLX. Năm 1956, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSLX, Khrushchev đã đưa ra một báo cáo bí mật chỉ trích Stalin. Kể từ đó, lưỡng đảng Trung – Xô đã xuất hiện những chia rẽ lớn về một loạt vấn đề như cách đối xử với Stalin và cách tham gia vào phong trào cộng sản quốc tế, dẫn đến trong quan hệ hai nước đã phát sinh sự đối lập nghiêm trọng.

Vào tháng 7/1960, ĐCSLX đã gửi một công hàm cho ĐCSTQ, tuyên bố rút toàn bộ các chuyên gia Liên Xô khỏi Trung Quốc. Trước tháng 10 năm 1964, đã phát sinh hơn 1.000 cuộc tranh chấp biên giới Trung – Xô. Từ tháng 10/1964 đến tháng 3/1969, con số tăng vọt lên 4.189 cuộc.

Trong trận chiến đảo Trân Bảo, do ĐCSTQ đã tiên liệu và có sự chuẩn bị trước, Liên Xô chịu nhiều tổn thất hơn. Theo số liệu do Nga công bố sau khi Liên Xô sụp đổ, 58 binh sĩ Liên Xô đã thiệt mạng và 94 người bị thương. Trận chiến kết thúc với chiến thắng của ĐCSTQ và Liên Xô thua. Sau cuộc chiến, ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát đảo Trân Bảo.

Sau khi xung đột trên đảo Trân Bảo nổ ra, các lãnh đạo cao nhất của ĐCSLX đã phản ứng rất gay gắt. Những người theo đường lối cứng rắn về quân sự, đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, nguyên soái Grechko và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên soái Cuikov đã chủ trương vĩnh viễn loại bỏ mối uy hiếp của ĐCSTQ một lần và mãi mãi, chủ động dùng các tên lửa tầm trung ở Viễn Đông mang đầu đạn hạt nhân đương lượng vài triệu tấn thuốc nổ, thực thi tấn công hạt nhân vào các mục tiêu trọng yếu về quân sự, chính trị của ĐCSTQ.

Cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên của ĐCSLX bị cản trở

Vào thời điểm đó, Mỹ và Liên Xô là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Liên Xô lo ngại rằng một cuộc tấn công hạt nhân chống lại ĐCSTQ có thể sẽ dẫn phát sự can dự của Mỹ.

Vào ngày 20/8/1969, Dobrynin, đại sứ của Liên Xô tại Mỹ, được lệnh khẩn cấp gặp Henry Kissinger, Trợ lý An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, để thông báo cho ông ta về ý đồ Liên Xô chuẩn bị thực thi một cuộc tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc, và muốn trưng cầu ý kiến từ Mỹ. Mục đích của việc Liên Xô thông báo cho Mỹ là, nếu Liên Xô động thủ chống lại ĐCSTQ, hy vọng Hoa Kỳ sẽ không can dự.

Ngày hôm sau, Kissinger báo cáo cuộc họp với Dobrynin với Tổng thống Mỹ Nixon. Kissinger lấy ra hơn chục tờ giấy đầy chữ đặt lên bàn và nói: “Nhìn này, Liên Xô muốn sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc. Đêm qua, ngài Dobrynin đã trao đổi rất kỹ với tôi suốt đêm. Một số thành viên của Điện Kremlin đã quyết định loại bỏ mối đe dọa từ Trung Quốc một lần và mãi mãi bằng tên lửa hạch, và bây giờ họ đến trưng cầu ý kiến ​​của chúng tôi.”

Vào thời điểm đó, mặc dù quan hệ Xô – Mỹ đã được cải thiện nhưng chiến tranh Lạnh Mỹ – Xô vẫn đang tiến hành. Sau các cuộc tham vấn khẩn cấp với các quan chức cấp cao của mình, Nixon tin rằng mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ đến từ Liên Xô. Việc lợi dụng Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ. Liên Xô thực thi tấn công hạt nhân vào Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Viễn Đông chìm trong mây đen chiến tranh hạt nhân. Khi đó, ô nhiễm hạt nhân sẽ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của 250 ngàn lính Mỹ đóng tại châu Á. Đặc biệt, một khi Mỹ để Liên Xô mở chiếc hộp Pandora tấn công hạt nhân, phản ứng dây chuyền tiếp theo có thể gây nguy hiểm cho an toàn của Mỹ.

Sau khi tham vấn, Mỹ đã hình thành hai điểm nhất trí: thứ nhất, chỉ cần Mỹ phản đối, Liên Xô sẽ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân một cách khinh suất; thứ hai, cần nỗ lực thông báo cho Trung Quốc về ý đồ của Liên Xô càng sớm càng tốt. Vào thời điểm đó, Trung – Mỹ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, hơn nữa còn tích oán thâm sâu. Làm thế nào để thông báo? Cuối cùng, Mỹ quyết định: để một tờ báo Mỹ đăng tin tức này ra ngoài.

Vào ngày 28/8/1969, tờ Washington Star đã đăng một bài báo ở vị trí nổi bật, “Liên Xô muốn thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc.” Bài báo viết: “Theo thông tin đáng tin cậy, Liên Xô dự định sử dụng tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân đương lượng vài triệu tấn để tiến hành tấn công hạt nhân các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc: Căn cứ phóng tên lửa Tửu Tuyền, Tây Xương, căn cứ thử nghiệm hạt nhân Lob Nur, cũng như Bắc Kinh, Trường Xuân, An Sơn và các thành phố công nghiệp quan trọng khác.”

Khi tin tức bùng nổ này được đưa ra, nó đã ngay lập tức dẫn phát phản ứng quyết liệt từ quốc tế. Brezhnev, Tổng Bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSLX, đã vô cùng tức giận. Mao Trạch Đông, lãnh đạo ĐCSTQ, lập tức đưa ra chỉ thị “chuẩn bị cho chiến tranh”, và đề xuất triển khai vận động “đào thật sâu, tích ngũ cốc, bất xưng bá”, toàn quốc nhanh chóng tiến nhập tình trạng thời chiến, nhiều xí nghiệp chuyển hướng sang sản xuất quân sự, một số lượng lớn các nhà máy đã được chuyển đến các vùng núi hẻo lánh, không có giao thông, đào các công sự ngầm ở các thành phố lớn như Bắc Kinh.

Khi Trung – Xô bước vào bờ vực chiến tranh, các nhà lãnh đạo của ĐCSLX đã tính đến việc đối thủ chiến lược toàn cầu của Liên Xô vẫn là Mỹ, và trọng điểm chiến lược của họ vẫn là ở châu Âu. Một năm trước, 50 vạn quân Liên Xô đã tiến vào Cộng hòa Séc, và quốc tế phản ứng gay gắt, cho đến lúc đó vẫn chưa lắng xuống. Nếu vùng Viễn Đông xảy ra chiến tranh với ĐCSTQ, sẽ rất khó để cân bằng hai trận tuyến Đông – Tây.

Sau khi ý đồ tấn công hạt nhân của họ bị phơi bày công khai, Liên Xô đã quyết định thực hiện các biện pháp hòa hoãn đối với ĐCSTQ. Đầu tháng 9/1969, thủ tướng Liên Xô Kosygin đã tận dụng cơ hội sang Việt Nam viếng chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo ĐCSVN, đề nghị với phái đoàn đại biểu ĐCSTQ mong muốn được hội đàm với thủ tướng ĐCSTQ tại Bắc Kinh.

Ngày 11/9/1969, Kosygin và Chu Ân Lai hội đàm tại sân bay Bắc Kinh trong ba giờ rưỡi, và quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên Xô dịu bớt đôi chút.

Cuộc tấn công hạt nhân thứ hai của Liên Xô cũng được ngăn chặn

Sau khi Kosygin trở về từ Trung Quốc, Liên Xô đã thay đổi thái độ và trở nên cứng rắn hơn.

Vào ngày 16/9/1969, tờ “Saturday Post” ở London, Anh, đã đăng một bài báo của Victor Lewis, một nhà báo tự do từ Liên Xô, người thực ra là phát ngôn viên của KGB, nói rằng “Liên Xô có thể tiến hành các cuộc không kích tấn công Căn cứ Lop Nur của Trung Quốc ở Tân Cương”. Đám mây đen về cuộc tấn công hạt nhân của ĐCSLX chống lại ĐCSTQ một lần nữa bao trùm Trung Hoa đại địa.

Xuất phát từ lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ và hậu quả nghiêm trọng của việc phát sinh một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn, Tổng thống Mỹ Nixon đã khẩn trương triệu tập cuộc họp quốc phòng, với sự tham dự của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Quốc vụ khanh, và Trợ lý Henry Kissinger. Nixon nói: “Đối với cuộc chiến Trung – Xô sắp xảy ra, chúng ta đương nhiên cần ngăn chặn nó ngay lập tức. Nếu họ cố tình giao chiến, thì đó là việc của riêng họ.”

Vì mục tiêu này, Mỹ đã quyết định: Thứ nhất, nối lại các cuộc đàm phán cấp đại sứ Trung – Mỹ ở Warsaw (Ba Lan) để Trung – Mỹ có các kênh liên lạc trực tiếp. Thứ hai, tận dụng mối quan hệ thân thiết của Tổng thống Romania Ceausescu với ĐCSTQ và yêu cầu họ thay mặt Mỹ nói chuyện với ĐCSTQ. Thứ ba, để gây hiệu quả tức thì, Mỹ đã trưng ra một con át chủ bài chưa được sử dụng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962: sử dụng mật mã đã được Liên Xô phá giải, tung ra một cuộc tấn công vào 134 thành phố, các địa điểm quân sự, các đầu mối giao thông và các cơ sở công nghiệp nặng của Liên Xô thực thi lệnh tấn công hạt nhân.

Ngày 15/10/1969, Thủ tướng Liên Xô Kosygin báo cáo với Brezhnev, Tổng Bí thư ĐCSLX: “Ủy ban An ninh Quốc gia đã báo cáo hai tin: Thứ nhất là các căn cứ tên lửa của Trung Quốc đã vào trạng thái thời chiến, tất cả các trạm hướng dẫn mặt đất đã được khai thông, điều này đã được chứng thực bởi các tín hiệu nhận được từ vệ tinh của chúng ta cùng các bức ảnh chụp; Thứ hai là Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng lợi ích của Trung Quốc có liên quan đến họ, và đã vạch ra các kế hoạch cụ thể để tiến hành chiến tranh hạt nhân với chúng ta. Do tình hình vô cùng hỏa tốc, họ thông báo tin tức, báo cáo chính thức một lát sau mới đến.”

Brezhnev không tin rằng Mỹ sẽ thực sự đứng về phía Trung Quốc và yêu cầu gọi ngay đại sứ Liên Xô tại Mỹ. Vài phút sau, Dobrynin, đại sứ Liên Xô tại Mỹ, báo cáo: “Tình huống đó là sự thật, tôi đã gặp Kissinger hai giờ trước, và ông ta nói rõ rằng Tổng thống Nixon cho rằng lợi ích của Trung Quốc có liên quan mật thiết đến lợi ích của Mỹ, và Mỹ sẽ không ngồi yên.” “Nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, họ sẽ coi đó là sự khởi đầu của chiến tranh thế giới thứ ba, và họ sẽ tham chiến đầu tiên”, “Ngay khi tên lửa hạt nhân tầm trung của chúng ta rời bệ phóng, kế hoạch trả đũa của họ sẽ bắt đầu.”

Kosygin sau đó đã báo cáo với Brezhnev về tình huống của ĐCSTQ. Ông nói: “Mặc dù Trung Quốc không có nhiều đầu đạn hạt nhân, nhưng chúng ta không thể loại bỏ khả năng phản công của Trung Quốc khi bắt đầu cuộc chiến. Hơn nữa, phía Trung Quốc đã tiến hành vụ nổ thử một đầu đạn hạt nhân mang tên lửa 4 năm trước, và độ chính xác bắn trúng mục tiêu là rất đáng kinh ngạc. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng, hiện tại gần như toàn bộ người dân toàn quốc đã được động viên để đào hầm, chúng ta nên đàm phán với Trung Quốc.”

Những gì Kosygin nói về vụ thử hạt nhân của ĐCSTQ bốn năm trước là vụ nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của ĐCSTQ. Ngày 27/10/1966, tên lửa tầm trung thông dụng của Trung Quốc mang một quả bom nguyên tử đương lượng 2 vạn đến 2,5 vạn tấn thuốc nổ, được phóng từ căn cứ phóng Cửu Tuyền ở Cam Túc. Sau 9 phút 14 giây bay, đầu đạn hạt nhân đã phát nổ ở bãi thử hạt nhân Lop Nur, Tân Cương, cách 894 km.

Vào ngày 23 và 29/9/1969, ĐCSTQ đã liên tiếp thực hiện các vụ nổ phân hạch của bom nguyên tử dưới lòng đất có đương lượng từ ​​2 vạn đến 2.5 vạn tấn và các vụ nổ bom nhiệt hạch có đương lượng khoảng 3 triệu tấn do máy bay ném bom ném xuống. Trạm Theo dõi Động đất của Mỹ, Trung tâm Theo dõi Động đất của Liên Xô và vệ tinh của hai nước này đã nhận được tín hiệu về một vụ nổ lớn cùng lúc.

Trước sự phản đối quyết liệt của Mỹ, đồng thời cho rằng ĐCSTQ đã chuẩn bị cho chiến tranh, ĐCSLX một lần nữa từ bỏ ý định tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại ĐCSTQ.

Phần kết

Năm 1969, ĐCSTQ phải đối mặt với nguy cơ hai cuộc tấn công hạt nhân của ĐCSLX. Khi đó, ĐCSTQ đối ngoại phản Mỹ phản Xô, cũng chẳng kính Thiên sợ Địa; Đối nội thì “Tiếp tục cách mạng giai cấp vô sản chuyên chính”, khiến nhân tâm kinh hoàng, nguy cơ tứ bề. Những người theo đường lối cứng rắn của ĐCSLX tin rằng họ có thể nhân cơ hội sử dụng một cuộc tấn công hạt nhân để đánh bại ĐCSTQ một lần và mãi mãi.

Sau Trận chiến đảo Trân Bảo, ĐCSTQ đã lớn tiếng rêu rao về nguy cơ xâm lược của Liên Xô, và các giai điệu phản Xô lại nổi lên nhiều lần khiến cho đại chiến Trung – Xô trên đà bộc phát.

ĐCSTQ và ĐCSLX đã đi từ bất đồng thành chia rẽ, và cuối cùng phát triển thành một cuộc chiến tranh biên giới, và thậm chí còn phát sinh nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Điều này khiến một số chính trị gia ở Mỹ thấy rằng họ có thể liên hợp với ĐCSTQ để chống lại Liên Xô. Đây là lý do quan trọng khiến Mỹ mạnh tay hai lần ngăn cản Liên Xô tiến hành cuộc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc.

Tác giả: TS Vương Hữu Quần, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch