Nếu “ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”, thì cũng có thể nói một phần linh hồn Việt đã được gói ghém trong các tác phẩm văn thơ xưa. Nhưng để hiểu về văn thơ cổ đại thì không thể không nhắc đến những điển tích, điển cố mang nhiều nội hàm và ý nghĩa sâu xa. Chỉ khi tìm về với tích cũ truyện xưa, ta mới có thể thưởng thức trọn vẹn tinh hoa văn hoá của nước nhà, và cũng để thấy rằng thi ca cổ đại quả thực là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”…

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng riêng một điển tích khi viết về mối tình Kim-Kiều, điển tích ấy xuất hiện vào ngày đầu tiên hai người hò hẹn và lặp lại một lần nữa trong ngày hội ngộ đoàn viên. Đó chính là “bố kinh”.

Lần đầu, khi Thuý Kiều sang thăm thư phòng của Kim Trọng, thấy chàng “sóng tình dường đã xiêu xiêu, xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, nàng đã khuyên rằng:

Lần đầu, khi Thuý Kiều sang thăm thư phòng của Kim Trọng.
Lần đầu, khi Thuý Kiều sang thăm thư phòng của Kim Trọng. (Ảnh: youtube.com)

“Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầụ
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi!”

Sau 15 năm lưu lạc trở về, Kiều lại được đoàn tụ cùng gia đình và gặp lại Kim Trọng. Lúc này chàng Kim ngỏ ý muốn được cùng nàng nối tiếp duyên xưa, nhưng Kiều từ chối:

“Thiếp từ ngộ biến đến giờ.
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bấy chầy gió táp mưa sa.
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.

Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào ?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!”

Điển tích “bố kinh” bắt nguồn từ câu chuyện Lương Hồng và Mạnh Quang sống vào đời nhà Hán.

Điển tích “bố kinh" bắt nguồn từ câu chuyện Lương Hồng và Mạnh Quang sống vào đời nhà Hán.
Điển tích “bố kinh” bắt nguồn từ câu chuyện Lương Hồng và Mạnh Quang sống vào đời nhà Hán. (Ảnh: tinhhoa.net)

Sách Di Uyển chép rằng, ở đất Giang Nam có chàng Lương Hồng, tuy gia cảnh bần hàn nhưng rất ham học, ngày ngày dùi mài kinh sử, biết trọng đạo đức, giữ gìn khí tiết, và là bậc hiền sĩ nổi tiếng khắp vùng.

Có nhà phú hộ mến mộ đức hạnh của chàng Lương nên tìm đến giúp đỡ. Ngày đầu gặp mặt, nhà phú hộ tặng Lương Hồng hai gói trà ngon hái trên đỉnh Vũ Di, nhưng Lương Hồng nhất mực từ chối: “Bấy lâu nay kẻ hạ sĩ không quen dùng của ngon vật lạ, ngài thương tình đến thăm là quý lắm rồi. Nếu có gì cần dạy bảo, mong ngài vui lòng chỉ giáo, còn lễ vật, xin ngài miễn cho”.

Nhà phú hộ ra về, trong lòng ông không khỏi băn khoăn: Hay là chàng nho sinh kia mặc cảm với gia cảnh của mình, nên mới hiểu lầm rằng ta có cử chỉ khinh rẻ như vậy?

Vậy là lần thứ hai đến gặp, nhà phú hộ cẩn thận xuống ngựa từ xa, chân đi đôi giày cỏ đến nhà tranh vách đất của Lương Hồng. Thấy chàng Lương đang đọc sách thánh hiền, ông chỉ lặng lẽ đứng chờ ngoài cửa, mãi cho đến khi chàng gấp sách đứng dậy ông mới xin vào.

Hai người ngồi chuyện trò rất mực cung kính. Đến khi ra về, ông mới nâng hai tay biếu chàng Lương một gói trà nhỏ. Nhưng lần này Lương Hồng vẫn từ chối: “Ngài đã hạ cố đến thăm tôi nhiều lần, tôi và ngài trọng nhau vì tình, mến nhau vì nghĩa, lẽ nào lại để cho lễ vật làm hoen ố mối tình thâm giao?”.

Từ đó, danh tiếng của Lương Hồng ngày càng lan xa, rất nhiều danh gia vọng tộc muốn gả con gái cho, nhưng chàng không mảy may động lòng.

Trong vùng có nhà họ Mạnh, cũng là dòng dõi Nho gia, là trâm anh thế phiệt đã mấy đời nhưng rất mực trọng nghĩa khinh tài. Tiểu thư nhà họ Mạnh tên là Mạnh Quang, là một bậc tài nữ, chỉ có điều dung nhan xấu xí. Người ta đồn rằng nàng Mạnh vừa đen lại vừa thô kệch, khoẻ đến mức có thể bê được cối đá.

Mạnh gia nghe tiếng Lương Hồng đã lâu, bèn ngỏ ý gả con gái cho chàng. Còn chàng, dù không ham giàu nhưng vì mến cái nghĩa khí của Mạnh gia nên cũng thuận lòng.

Trong đêm tân hôn, nàng Mạnh Quang mặc xiêm y lộng lẫy, trang sức toàn vàng ngọc nhưng Lương Hồng lại tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Trải qua vài ngày như thế, Lương Hồng vẫn luôn lạnh lùng xa cách vợ. Cho đến khi Mạnh Quang trút bỏ lớp xiêm y hào nhoáng, mặc lên mình bộ áo vải, cài cây thoa gai, thì Lương Hồng mới vui vẻ nói: “Đây mới chính là vợ của ta”.

Quá trọng cao sang sẽ không giữ được lòng nhân nghĩa, vợ chồng Lương Hồng từ đó giữ đạo thanh bần, cùng nhau cày ruộng, cấy lúa, dệt vải, sống trong cảnh nghèo mà lúc nào cũng giữ gìn khí tiết, trọn đạo vợ chồng.

Vợ chồng Lương Hồng từ đó giữ đạo thanh bần, cùng nhau cày ruộng, cấy lúa, dệt vải, sống trong cảnh nghèo mà lúc nào cũng giữ gìn khí tiết, trọn đạo vợ chồng.
Vợ chồng Lương Hồng từ đó giữ đạo thanh bần, cùng nhau cày ruộng, cấy lúa, dệt vải, sống trong cảnh nghèo mà lúc nào cũng giữ gìn khí tiết, trọn đạo vợ chồng. (Ảnh: youtube.com)

Nàng Mạnh Quang xuất thân là tiểu thư khuê các, lá ngọc cành vàng, nhưng lại chọn mặc vải sợi (“bố quần”) cài cây trâm gai (“kinh thoa”) mà giữ trọn đạo nghĩa phu thê, để lại tiếng thơm muôn đời. Câu nói “Bố quần kinh thoa”, hay gọi tắt là “bố kinh” là để ca ngợi người vợ cần kiệm, hiền đức trong truyền thống phương Đông. Sau này, Bạch Cư Dị đã nhắc đến nghĩa tình Lương – Mạnh trong bài thơ ông viết tặng vợ mình:

“Lương Hồng bất khẳng sĩ,
Mạnh Quang cam bố quần.
Quân tuy bất độc thư,
Thử sự nhĩ diệc văn.
Chí thử thiên tải hậu,
Truyền thị hà như nhân?”

Bản dịch của Hoa Sơn Trang:

Lương Hồng chẳng muốn áo quan
Mạnh Quang cam chịu vải quần bố thô

Nàng tuy chẳng màng chi kinh sách
Cũng từng nghe phong cách thánh hiền

Nghìn năm gương sáng lưu truyền
Danh ngời hậu thế vợ hiền thuở xưa

Trở lại câu chuyện của nàng Kiều, nếu như trong đạo phu thê, người xưa lấy “bố kinh” làm trọng, chọn vợ là chọn người đức độ hiền lương, thì nàng Kiều lại nhấn mạnh đức “Trinh”.

Cuốn Hậu Hán thư địa dư chí chép rằng, nước Vệ có bãi trồng dâu nằm bên bờ sông Bộc, vốn là nơi kín đáo nên trai gái thường hay đến đó tư tình. Trong Kinh Thi cũng có câu: “Ký ngã vu tang trung” (hẹn ta ở trong bãi dâu), do đó cụm từ “trên Bộc trong dâu” là thành ngữ chỉ thói dâm ô, phóng đãng của trai gái. Vậy nên trong buổi đầu hò hẹn, vì thấy Kim Trọng có phần lả lơi, nên nàng muốn nói rằng giữa nam và nữ cần phải giữ được sự trinh trắng, dẫu yêu cái tình thì cũng không thể dâm dục, dấu mến cái sắc thì cũng không thể để tà niệm khởi lên.

Trải qua 15 năm bướm lả ong lơi, Kiều cho rằng mình không còn xứng để làm một người vợ tiết hạnh, nên nói: “Nghĩ mình chẳng hổ mình sao, dám đem trần cấu dự vào bố kinh!”. Thế mới biết, tiết hạnh của người phụ nữ được coi trọng đến nhường nào, nó vượt qua cả cái đẹp của hình thể hay cái tài hoa bên ngoài…

Tâm Minh