Trên thế giới có rất nhiều quốc gia cổ đại với lịch sử còn dài hơn cả Trung Quốc, nhưng đều bị gián đoạn, hoặc chôn vùi hoặc huỷ diệt; chỉ riêng văn minh Trung Hoa được truyền thừa liên tục 5000 năm. Vậy thì những yếu tố nào đã tạo nên điều đó?

Ở bài trước đã nói về cốt lõi văn minh Trung Hoa là “hình nhi thượng giả vị chi đạo” (những thứ vượt trên hình thức gọi là đạo) trong bài này Giáo sư Chương Thiên Lượng đề cập đến 2 đặc điểm của văn minh Trung Hoa, còn 3 điểm còn lại sẽ nằm ở bài sau.

Văn minh Trung Hoa truyền thừa liên tục 5000 năm

Như đã nói ở trên, có những quốc gia cổ đại với lịch sử còn dài hơn cả Trung Quốc, nhưng văn minh của họ lại bị gián đoạn hoặc bị chôn vùi. Ví như ở bài trước nói về kim tự tháp Ai Cập, Giáo sư Chương đã phân tích người xây kim tự tháp thời đó khác với người Ai Cập hiện nay – vốn không biết xây dựng kim tự tháp như thế nào. Những người Ai Cập sau này cũng mô phỏng lại kim tự tháp, nhưng trên thực tế nó giống đống đá loạn, và bản thân văn minh Ai Cập đã trải qua không biết bao nhiêu lần thay đổi.

Một là sau khi Alexander Đại Đế của Macedonia – học trò của Aristotle chinh phục Ai Cập, thì văn hoá Ai Cập đi về hướng là một nhánh của Hy Lạp và La Mã. Sau này Ai Cập từng là quốc gia Cơ Đốc giáo thời Đế quốc Byzantium (đế quốc Đông La Mã). Sau khi người Hồi giáo đến, thì văn hoá Ai Cập biến  thành văn hoá Hồi giáo. 

Trong quá trình phát triển, văn hoá Ai Cập bị gián đoạn, hơn nữa ở giai đoạn giữa có biến đổi rất mạnh. Cho nên văn minh Ai Cập hiện nay đã có hình thái giống với Hồi giáo và khác với văn minh Ai Cập cổ đại.

Babylon cổ đại cũng như thế. Người sống ở khu vực Babylon cổ đại chính là người Iraq hiện nay, tức là lưu vực Lưỡng Hà, còn đô thành của Babylon cách thủ đô Bát-đa của Iraq ngày nay 40 km.

Babylon cổ đại ban đầu là nơi sinh sống của người Sumer và người Akkad, sau này nó bị chinh phục bởi các dân tộc khác nhau. Babylon cổ đại từng bị chinh phục bởi người Assyria, Chaldea v.v. Sau khi người Chaldea chinh phục Babylon, họ đã xây Tháp Babel (được đề cập trong Kinh Thánh). Sau này Nebuchadnezzar II xây dựng vườn treo Babylon v.v. Những công trình cổ đại này đều bị chôn vùi.

Giáo sư Chương kể về trải nghiệm thực tế của mình, năm 1999 đã từng đến di chỉ Babylon cổ đại, Giáo sư Chương phát hiện Iraq hiện nay với Babylon thời đó hoàn toàn khác nhau. Là một người nghiên cứu lịch sử văn hoá, Giáo sư Chương nhận thấy văn tự của Babylon thời đó có dạng hình nêm (giống cây đinh), còn văn tự Iraq hiện nay là chữ Ả-rập, nghĩa là đã bị gián đoạn với thời cổ đại. Vì không đọc được văn tự cổ, nên văn hoá cũng bị gián đoạn.

Văn tự hình nêm và văn tự Ả-rập (ảnh chụp màn hình Trung Hoa văn minh sử tập 6).

Ấn Độ cũng như thế, văn minh Ấn Độ cổ đại cũng tồn tại rất sớm, ứng với Trung Quốc thời ấy là nhà Hạ – Thương. Ấn Độ từng xuất hiện một nền văn minh gọi là văn minh Harappa. Địa phương phát triển nhất của văn minh Harappa chính là phía bắc lục địa tiểu Ấn Độ ngày nay. Sau này các nhà khảo cổ học từng khai quật một số di chỉ, trong đó có Mohenjo-daro (thành thị trong thời kỳ hưng thịnh nhất của Harappa), thì phát hiện nơi đây giống như bị núi lửa chôn vùi chỉ trong một đêm.

Sau này có một số người di cư về hướng đông nam đến lưu vực sông Hằng, lúc này văn hoá Ấn Độ tiến nhập vào thời đại Vệ-đà (có bản gọi là Phệ Đà). Vệ-đà (吠陀) có nghĩa là tri thức. Lúc ấy là thời kỳ vô cùng hưng thịnh của Bà La Môn giáo.

Sau này, vào khoảng 2500 năm trước đây, Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế. Thích Ca Mâu Ni là vương tử (hoàng tử) của nước Ca-tỳ-la-vệ. Lúc này văn minh Ấn Độ lại di chuyển về phía đông nam một chút. Từ đó thấy rằng văn minh Ấn Độ cũng bị gián đoạn ở giữa, nó đã hoàn toàn tách biệt với văn minh Harappa.

Ở đây chúng ta thấy rằng trong các nền văn minh cổ đại thì chỉ có văn minh Trung Hoa là truyền thừa từ đầu đến cuối mà không bị gián đoạn. Người Trung Quốc hôm nay chính là hậu duệ của người Trung Quốc cổ đại sống cách đây 5000 năm. 

Văn hoá Trung Quốc cũng được khai sáng từ đó, một mạch phát triển cho đến hôm nay. Do đó người Trung Quốc cảm thấy có đôi chút tự hào là nền văn hoá cổ xưa nhất được lưu truyền trên thế giới.

Ghi chép lịch sử xác thực, không gián đoạn trong 5000 năm

Văn minh Trung Hoa còn có một đặc điểm chính là: ghi chép lịch sử xác thực, không gián đoạn trong 5000 năm. 

Ở các quốc gia khác, việc ‘tu sử’ (修史: chỉnh lý lịch sử) thông thường là chuyện cá nhân, ai đó có hứng thú yêu thích thì họ ghi chép lại một vài sự kiện. 

Ví như Caesar Đại đế viết cuốn Chiến tranh Gallia, sau này có Thucydides viết cuốn Lịch sử Chiến tranh Peloponnesian, Herodotus viết cuốn Chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư. Do đó thông thường một người hứng thú một sự kiện nào đó, họ sẽ ghi chép lại, chỉ giảng về sự việc phát sinh trong mấy năm hoặc mấy chục năm. Quốc gia tây phương chính là viết lịch sử như thế.

Nhưng Trung Quốc không giống như vậy, bởi vì Trung Quốc có chế độ ‘sử quan’ (史官: quan chép sử) hoàn thiện. Chúng ta biết rằng, người Trung Quốc hay nói mình là ‘Viêm Hoàng tử tôn’, tức con cháu của Viêm Đế Thần Nông và Hiên Viên Hoàng Đế. Hiên Viên Hoàng Đế được gọi là ‘nhân văn sơ tổ’ (ông tổ đầu tiên) của Trung Hoa, tiếng Anh gọi là Founding Father (Cha lập quốc).

Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ, trong ‘Đại Việt sử ký toàn thư’, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: tộc Bách Việt là con cháu Thần Nông. Trong ‘Bổ Sử ký’, Tư Mã Trinh viết: Tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa. Do đó tộc Việt có nguồn gốc từ Thần, cũng là con cháu Viêm Hoàng của Trung Hoa.

Tiếp đó nữa, trong ‘Đại Việt sử ký toàn thư’ cũng viết rằng: diện tích nước Văn Lang kéo dài từ sông Dương Tử (Trường Giang) đến Quảng Nam. Trong Trung Hoa văn minh sử tập 1, Giáo sư Chương nói rằng phía nam sông Dương Tử thuộc về vòng tròn văn hoá Sở – một trong 3 vòng tròn văn hoá lớn của Trung Hoa (cùng với văn hoá Hạ và văn hoá Đông Di).

Từ hai điểm trên thấy rằng, tộc Việt thật sự có quan hệ rất gần với văn minh Trung Hoa. Mọi người cũng cảm nhận được một điều là người Việt đọc Kinh Dịch hay những sách cổ Trung Hoa đều thấy không có chướng ngại lớn, kể cả học Hán tự cũng vậy.

Còn nếu mọi người thấy khó tin quá thì trong Lễ tịch điền diễn ra vào ngày 7/2 ở Đọi Sơn, Hà Nam, có bức liễn to nhất viết chữ Thần Nông (神農) bằng chữ Lệ thư. Còn từ trái qua phải (bỏ chữ Thần Nông ở giữa) lần lượt là các chữ:

  • Phi trí bất tiến – 非智不進: không có trí thì không thể tiến.
  • Phi thương bất phú – 非商不富: không buôn bán thì không giàu. Câu này chúng ta thường hay nghe.
  • Phi nông bất ổn – 非農不穩: không làm nông thì không ổn định.
  • Phi công bất đắc – 非工不得: không làm không được. Vế sau người ta thường nói thêm là ‘làm nhiều được nhiều, làm ít được ít’.
Lễ tịch điền diễn ra vào ngày 7/2 ở Đọi Sơn, tỉnh Hà Nam với bức liễn ở giữa có chữ Thần Nông – ông tổ của người Việt (Ảnh VnEpress).

Quay lại vấn đề ghi chép lịch sử, Giáo sư Chương chia sẻ một hiện tượng đó là: Văn tự Trung Quốc là do Thương Hiệt sáng tạo, mà Thương Hiệt lại là sử quan của Hiên Viên Hoàng Đế. Điều này đưa đến cho chúng ta một cách nghĩ, khi Thương Hiệt tạo chữ, thì một trong những mục đích quan trọng đó là ghi chép lịch sử. Do đó từ sau thời Hiên Viên Hoàng Đế, bên cạnh của những người thống trị các triều các đại đều có sử quan.

Vì Trung Quốc có một chế độ sử quan vô cùng hoàn thiện, cho nên những sự kiện quan trọng của quốc gia hay bộ lạc đều được ghi chép lại, do đó Trung Quốc đã lưu lại những ghi chép lịch sử không gián đoạn trong 5000 năm.

Khi mọi người nhìn vào lịch sử Trung Quốc thấy được rằng: tính hoàn chỉnh của việc ghi chép lịch sử cũng có quan hệ với tâm thái của người Trung Quốc. 

Người Trung Quốc vô cùng sùng bái tổ tiên, muốn tế tự tổ tiên. Tổ tiên ở đây là tổ tiên thật sự, chứ không phải là thứ ngoại lai u linh đến từ phương tây.

Từ thời Khổng Tử, Chu Công thậm chí từ rất lâu rất lâu về trước, người Trung Quốc đã bắt đầu ‘tế tổ’ (tế tự/thờ cúng tổ tiên). Biểu hiện của tế tổ là gì? Chính là biểu thị một loại sùng bái tổ tiên, kế thừa văn hoá tổ tiên, mà loại kế thừa này được lưu lại trong ghi chép lịch sử qua các thời đại.

Ghi chép lịch sử Trung Quốc còn có một đặc điểm nữa, đó là từ sau thời nhà Tần, Trung Quốc tiến nhập vào một thời kỳ thống nhất, khái niệm ‘đại thống nhất’ đã ‘thâm căn cố đế’ (cắm rễ sâu) trong tâm người Trung Quốc. 2000 năm sau, tuy rằng ở giữa có rất nhiều lần chia cắt, nhưng xu thế tổng thể hoặc mong muốn của người Trung Quốc vẫn là ‘thống nhất’. Điều này có chỗ tốt gì đối với việc ghi chép lịch sử?

Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, nếu thiên hạ phân thành vạn quốc, mỗi quốc gia đều giống như một thành thị nhỏ, giống kiểu ‘thành bang’ của Hy Lạp cổ đại, thì địa phương nhỏ đó không phát sinh sự việc gì ‘kinh thiên động địa’. Vì không có nhiều nhân lực và tài lực, nên không thể xuất hiện sự tình chấn động thiên hạ, cuộc sống tương đối an định và bình ổn, do đó thông thường không có mấy sự việc để ghi chép lại.

Giáo sư Chương lấy ví dụ cho dễ hình dung, giống như truyện đồng thoại cho trẻ em thường có câu như thế này: ‘Hoàng tử với Công chúa sống cuộc đời hạnh phúc bên nhau’. Khi chúng ta nhìn thấy câu này trên cơ bản là câu chuyện kết thúc. Vì sao? Bởi vì cuộc sống hạnh phúc không cần thứ gì cả, cũng không cần ghi chép.

Còn những ghi chép đều là những xung đột. Do đó mới nói rằng ‘thiên hạ phân vạn quốc’ thì không có việc gì để ghi chép, cũng không cần lưu lại quá nhiều ghi chép lịch sử. Hơn nữa nếu thiên hạ phân thành vạn quốc, thì có quốc gia ghi lại một ít, cũng có những quốc gia không ghi lại.

Là một người nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương đánh giá rằng, ghi chép lịch sử ở châu Âu không hoàn thiện như Trung Quốc có liên quan đến chế độ phong kiến ở nơi đây. Chế độ phong kiến ở châu Âu cũng thuộc về một loại ‘công quốc’ (公國) hay ‘hầu quốc’ (侯國) san sát nhau, mỗi địa phương giống như một lâu đài – castle. Trên thực tế đó là một quốc gia rất nhỏ, những thứ được ghi lại rất ít. 

Điều này không giống như Tần Thuỷ Hoàng làm những phong công vĩ nghiệp như: ‘Nam chinh Bách Việt, bắc kích Hung Nô’ (nam chính Bách Việt, bắc đánh Hung Nô); thống nhất văn tự, tiền tệ, ‘độ lượng hành’ (chiều dài, thể tích, khối lượng) v.v. cho nên nhất định phải ghi lại. 

Hình minh hoạ cho Độ Lượng Hành (chiều dài, thể tích, khối lượng) trong Tiếu đàm phong vân phần 2, tập 2: Đế quốc hồng nghiệp.

Trên thực tế nếu nhìn vào lịch sử Trung Quốc, chúng ta sẽ phát hiện rằng, khi Trung Quốc tiến nhập vào thời kỳ chia cắt, ghi chép lịch sử tương đối mơ hồ. Ví dụ điển hình nhất chính là thời kỳ ‘Đông Tấn thập lục quốc’ (16 nước thời Đông Tấn). 

Sau khi Tây Tấn dời về phía nam sông Trường Giang, khi đó phương bắc Trung Quốc bị 5 tộc thiểu số chiếm đóng gồm: Hung Nô, Tiên Ti, Yết, Đê, Khương; lịch sử gọi thời kỳ này là ‘Ngũ Hồ loạn Hoa’. Chúng ta thấy thời kỳ này rất quen thuộc với những nhân vật như Mộ Dung Phục… trong tiểu thuyết võ hiệp. 

Lịch sử thời kỳ Thập lục quốc tương đối đơn giản. Nếu mọi người xem ‘Tấn thư’ (chính sử của vương triều nhà Tấn), thì lịch sử thời Đông Tấn được ghi lại rất chi tiết, còn Thập lục quốc phương bắc ghi rất giản lược. Ví dụ nữa là thời Tam quốc, nước Thục không có sử quan. Trong Tam quốc chí, Trần Thọ viết: “Thục không có sử quan chép sử “, cho nên trong Tam quốc chí, những ghi chép lịch sử nước Thục rất đơn giản. 

Bản hồ thời Đông Tấn – Thập lục quốc trong Trung Hoa văn minh sử tập 6.

Nói về chép lịch sử thời Ngũ đại Thập quốc, thì Ngũ đại (5 thời đại) gồm: Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, trên cơ bản là vùng đất phía bắc sông Trường Giang; còn ở phía nam xuất hiện 9 chính quyền, thêm Bắc Hán nữa gọi là Thập quốc. Thời Ngũ đại, ngoài ghi chép sự việc liên quan đến Hoàng đế, còn có sự việc liên quan đến đại thần. Còn lịch sử Thập quốc, trong ‘Ngũ đại sử’ ghi chép vô cùng giản lược, mỗi nước chỉ có một trang.

Khi nói đến triều Tống, nhiều người cho rằng đây là thời kỳ thống nhất, nhưng trên thực tế Bắc Tống và Nam Tống là thời kỳ chia cắt. Khi đó thiên hạ có ‘nhiều nước sát nhau’. Nước Liêu và nước Kim chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán rất sâu sắc, cho nên họ ghi chép lịch sử tương đối hoàn chỉnh. Trong Nhị thập tứ sử (24 bộ chính sử Trung Hoa) có Liêu sử và Kim sử. Nhưng lịch sử nước Tây Hạ thời Tống hầu như không có ghi chép. Còn nước Đại Lý cũng ghi chép vô cùng giản lược.

Giáo sư Chương đưa ra những ví dụ trên là muốn nói rằng: khi Trung Quốc bị chia cắt, các nước nhỏ không ghi chép lịch sử. Giáo sư Chương đoán rằng việc châu Âu không ghi chép lịch sử cũng có quan hệ nhất định với chế độ phong kiến. Chỉ có vương triều ‘thống nhất’ mới coi trọng ghi chép lịch sử.

Ngoài việc coi trọng ghi chép lịch sử, người Trung Quốc còn có ‘kính uý’ (kính sợ) lịch sử. Chúng ta biết rằng ĐCSTQ là tổ chức không sợ trời đất, Mao Trạch Đông từng nói rằng ‘ta là hoà thượng cầm ô vô Pháp vô Thiên’. Nhưng trong nạn đói lớn, Lưu Thiếu Kỳ đã dùng một câu để thuyết phục Mao Trạch Đông dừng những hành động điên rồ lại. 

Lưu Thiếu Kỳ nói với Mao Trạch Đông rằng: “Người ăn lẫn nhau là phải ghi vào sách”, ý tứ là ‘nạn đói lớn đã tạo thành việc con người ăn thịt lẫn nhau, nạn đói lớn đã đến mức như vậy, cho nên việc này phải được ghi vào sách, cả ông và tôi (Lưu và Mao) đều phải ghi vào’.

Mao Trạch Đông nghe xong mới dừng lại ‘Đại nhảy vọt’ điên cuồng. Ngay cả vô Pháp vô Thiên như Mao Trạch Đông cũng kính sợ lịch sử, cũng quan tâm đến danh tiếng của mình. 

Do đó Giáo sư Chương thấy rằng về phương diện ghi chép lịch sử: Trung Quốc có chế độ sử quan hoàn thiện; người Trung Quốc mong muốn kiến lập vương triều ‘thống nhất’, có tinh thần tế tổ và kính uý lịch sử v.v. tất cả đã khiến lịch sử 5000 Trung Quốc không bị gián đoạn. 

***

Chúng ta biết rằng nhà Đường là ‘thiên triều thượng quốc’, rất nhiều phương diện về văn hoá, triết học, thi ca… đã đạt đến đỉnh cao, khiến ‘vạn quốc lai triều’ để học hỏi, nhưng văn hoá nhà Đường có đóng góp rất lớn của các dân tộc thiểu số. Rốt cuộc sự thể ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link Trung Hoa văn minh sử tập 6.