Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, “Truyền Kỳ Mạn Lục” của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó. Liệu có phải khi chúng ta ngày càng nhận thức cái gọi là hiện thực khoa học, thì ngày càng loại bỏ đi lịch sử chân chính, hiện thực chân chính hay không?

Chuyện gã trà đồng giáng sinh là câu chuyện nhỏ ghi lại quy luật nhân quả báo ứng, hành Thiện tích đức, cảnh tỉnh thế nhân, rằng đời người được mất là do nghiệp đức tạo thành.

Chết đi sống lại kể chuyện Âm ty

Chuyện kể rằng, Dương Đức Công người phủ Thường Tín (nay là huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây), dưới triều vua Huệ Tông nhà Lý (?-1226) , ông làm quan coi việc hình án trấn Tuyên Quang, xét rõ mọi điều oan khuất, khiến các vụ án đều được công bằng. Ông là người nhân từ, phúc hậu, nhưng đến năm 50 tuổi, vẫn không có con trai, chợt bị ốm nặng rồi chết, hồi lâu tỉnh lại kể cho mọi người nghe những gì mình đã trải qua dưới tòa Phong Đô (coi việc hình ngục ở Địa phủ).

Có hai vị mặc áo bào tía ngồi đối diện nhau ở bên một cái án, nói rằng ông Dương đã cứu sống rất nhiều người, nhưng thọ mệnh lại ngắn, người tốt như vậy mà không biểu dương thì không khuyến khích cho kẻ khác, nên tâu lên Thượng đế. Sau nửa ngày hai vị ấy bảo Đức Công rằng: “Nhà ngươi ngày thường vốn có tiếng là người lương thiện. Thượng đế khen ngợi, ban cho một người con trai tốt và cho sống lâu thêm hai kỷ (mỗi kỷ là 12 năm) nữa. Nên mau về đi mà cố gắng làm thêm điều âm đức, đừng bảo là trên cõi minh minh không biết gì đến”.

Sau đó Đức Công chia tay từ biệt hai quan nha, rồi ông bừng tỉnh như một giấc chiêm bao. Vợ ông cũng kể rằng, đêm qua lúc cuối canh một, có ngôi sao nhỏ rơi vào lòng, bỗng thấy rung động. Rồi bà có mang, đủ ngày tháng thì sinh ra được một cậu con trai, đặt tên là Thiên Tích. Thiên Tích thông minh xuất chúng, học vấn rộng rãi, phàm sách vở văn chương cổ kim, không cái gì là không biết qua.

Quý tử nhận phúc báo, nhân duyên vợ chồng cũng là âm phúc

Đúng 24 năm sau, Đức Công bệnh mất, Thiên Tích thương xót rất mực, xa gần ai nấy đều cảm động. Khi đã hết tang, Thiên Tích sớm hôm học hành, không hề trễ biếng. Nhưng gia cảnh nghèo nàn, ăn tiêu không đủ. Thường tìm những nhà có con gái xin vào gửi rể, nhưng chẳng ai nhận cả. Láng giềng hàng xóm, họ thấy nghèo thường đem lòng khinh. Chàng than rằng: “Cha ta thuở trước cứu sống được cho hàng nghìn người, mà rốt cuộc không cứu sống được một đứa con. Làm thiện như thế phỏng có ích gì?”.

Nói chưa dứt lời, bỗng thấy một người áo mũ chững chạc, tự xưng là quan đại phu họ Thạch, đến vái chào mà rằng: “Ngày xưa tôi từng chịu ơn dày của Dương công, không biết lấy gì đền báo. Có đứa con gái là Hán Anh, vậy xin hiến cậu để hầu hạ chăn gối. Cậu nên tự bảo trọng lấy mình, đừng vì cớ nghèo mà để tiêu mòn mất chí khí”. Nói xong chợt biến đi đằng nào mất.

Thiên tích rất lấy làm quái lạ, bèn ghi nhớ lấy những lời nói ấy. Nhân nghe ở huyện Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh) có Trần tiên sinh dạy học trò đến mấy trăm người, bèn cắp sách đến theo học. Trong xóm Thiên Tích ngụ để tiện việc học, có một nhà giàu họ Hoàng, thấy Thiên Tích mặt mũi khôi ngô, văn chương thông thái, có ý muốn kén làm rể.

Thiên Tích rất cảm kích vui mừng, nhưng thường trong những lúc vắng vẻ lại hay ngồi ngẩn ra nghĩ ngẫm, gấp sách lại thở dài. Vợ chàng một lần thấy thể bèn hỏi duyên cớ. Chàng nói: “Ngày xưa tôi thấy có vị Thần hiện lên, bảo tôi sẽ lấy người vợ họ Thạch tên là Hán Anh. Nay tôi may mắn được vào làm rể chốn cao môn. Như thế là lời thần bảo về việc ấy không đúng, vậy chắc việc thành đạt sau này cũng không đúng nốt, vì thế cho nên tôi không khỏi bận lòng”.

Vợ chàng nghe nói giàn giụa nước mắt mà rằng: “Đó tất là cha thiếp đấy. Thiếp thuở nhỏ tên là Hán Anh, cha thiếp họ Thạch tên là Mang, làm quan Thú ở Tuyên Quang, bị quan trên vu hãm, cả nhà phải bắt rồi chết trong ngục”. Hóa ra nàng sau khi được Dương Đức Công thương là vô tội, hết sức nói chuyện với những viên quan khác mà tha cho được ra khỏi ngục tù, đã được nhận nuôi bởi cha mẹ hiện tại.

Thiên Tích kinh ngạc nói: “Thế thì tôi chính là con của Đức Công. Mới biết xưa nay vợ chồng, chẳng ai là không bởi túc duyên, ai dám bảo “lá thắm chỉ hồng” (nói về duyên vợ chồng trong Thái Bình quảng ký) là những câu chuyện hão”.

Ảnh minh họa: Facebook Tĩnh Dạ Tư.

Đạo sĩ nhắc nhớ tiền kiếp, cảnh báo họa tương lai

Thiên Tích sau này thi đỗ đạt cao, từ giáo chức ở Kinh, được thăng lên Đề hình, trải qua 20 năm thì làm đến chức quan lớn. Ông là người thờ vua thì trung, giữ mình thì liêm, phục vụ được qua hai triều vua. Song vì lúc bé nghèo nàn, lắm người khinh mạn, rồi “ân bằng cái tơ, oán bằng cái tóc”, ông đều quyết báo phục cả, đó là chỗ kém mà thôi.

Một lần ông lập một đàn tràng làm lễ, đón vài trăm vị đạo sĩ mũ cao áo rộng cúng vái linh đình. Có một vị đạo sĩ áo rách giày nát thất thểu đi đến. Người coi cổng không cho vào, nhưng đạo sĩ cứ cố nài mãi. Người coi cổng vào bẩm thì ông quát mắng sai đuổi ra. Đạo sĩ vừa đi vừa phàn nàn: “Cố nhân tìm cố nhân, không ngờ cố nhân lại bạc tình như vậy. Cái mạn Ô Tôn (cửa biển ở Hà Tình, Quảng Bình ngày nay) sau này, xin đừng phiền hận đến nhau thôi, và đừng trách cố nhân là phụ cố nhân”.

Thiên Tích nghe nói, liền sai người đuổi theo mời lại, xuống thềm đón tiếp. Ngồi chơi xong, đạo nhân nói: “Tướng công ngày nay quan ngồi miếu điện, đất dựng lâu dài, đi có lính dẹp đường, ở có chuông giữ gác, phú quý ở nhân gian đã đến cùng cực, không còn nhớ gì đến thú vui ở chốn Tử Vi xưa ư?”.

Thiên Tích chưa rõ nên hỏi lại, vị Đạo nhân liền trách: “Ông bị sông dục vùi lấp đến nỗi mê man thế, vậy tôi xin kể ông nghe. Khi xưa ông vốn là một gã Trà đồng của đức Thượng đế mà tôi thì là kẻ tửu lại ở chốn Tinh tào (dinh tòa các vì sao) hằng ngày chầu chực ở cung Tử Vi, vẫn cùng nhau thân cận. Một hôm Thượng đế bãi triều, bảo với quần tiên rằng: ‘Các người ai bằng lòng xuống chơi xem hạ giới, lĩnh chức tể tướng hơn mười năm?’, quần tiên đều trông nhau chưa ai nói gì thì ông vui vẻ vâng lời”…

Nói rồi đạo nhân đưa cho Dương Thiên Tích một hạt linh đan. Dương uống xong thì thấy tâm hồn tỉnh sáng, dần dần nhớ ra hết những việc kiếp trước. Hỏi chuyện tiếp, vị Đạo sĩ liền kể lại lai lịch, vì hay uống rượu nên Thượng đế quở phạt đầy xuống trần đã được 3 kỷ. Nay thời hạn đã mạn, lại được bổ vào chức cũ ở chốn Tinh tào, vì muốn gặp lại cố nhân là Thiên Tích nên qua thăm. Ông Dương lại hỏi về câu chuyện Ô Tôn. Đạo nhân buồn rầu không vui, bảo đuổi tất cả mọi người ra rồi nói, sau 5 năm nữa, ông Dương có việc đi biển, sẽ có tai nạn lớn.

Ảnh minh họa: Sohu.

Ông Dương hỏi vì tội lỗi gì mà gặp phải tai nạn. Đạo nhân nói: “Ông làm tể tướng, kể thì không có lầm lỗi gì. Chỉ có rằng tại chức lâu ngày, hay yêu người này ghét kẻ khác. Nay thì sự thù oán đã sâu cay lắm, hồn oan đã đầy rẫy ở ngoài đường rồi”. Đạo nhân còn nói muốn tránh vạ thì đốt một nén hương rồi gọi tên Quân Phòng vốn là tên của Đạo nhân, ông ấy sẽ đến giúp. Đêm hôm ấy hai người cùng ngủ. Ông Dương nói: “Ông đã là chỗ tương tri, có điều gì hay để dạy bảo tôi?”

Đạo nhân nói: “Đức là nền từ thiện, của là kho tranh giành. Tích đức như mầm non rỏ một giọt nước, sẽ nảy nở lên, tích của như lửa đỏ gieo một khối băng, sẽ tàn lụi xuống. Huống chi không vun mà lớn là mầm thiện ác, không giữ mà đầy là cơ phúc họa, cái tình hình ỷ phục (lấy ý một câu trong sách Lão Tử: Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn nấp của họa) trong đó thật đáng sợ. Ông nên trân trọng, cố gắng mà làm những điều nhân”.

Ông Dương nói: “Tôi nghe đạo trời công minh như cái cân cái gương, có Thần minh để gây dấu vết, có tạo hóa để giữ công bằng; gương tất soi suốt mà không riêng, lưới tuy thưa thớt mà không lọt. Phép thật chí nghiêm mà chí mật, người nên không oán cũng không hờn. Cớ sao những sự khuyến khích răn đe lại thấy lắm điều lộn xộn. Làm sự lợi vật, chưa nghe thấy được phúc; làm sự hại nhân, chưa nghe thấy mắc nạn. Kẻ nghèo có chí cũng thành không; người có muốn gì cũng được nấy. Có người chăm học mà suốt đời không đỗ; có nhà xa hoa mà lũy thế vẫn giàu. Ai bảo rằng trao mận giả quỳnh, thế mà vẫn trồng dưa được đậu. Đó là những sự mà tôi rất nghi ngờ không hiểu” – ý nói có người làm điều ác mà chả thấy bị Trời đày, người tốt lại sống khổ sở.

Đạo nhân nói:

Không phải như thế. Thiện ác tuy nhỏ cũng rõ rệt, báo ứng dù chậm nhưng lớn lao. Âm công có khi rõ ràng ra, phải đợi quả thiện được tròn trặn, dương phúc khi tiêu tán mất, phải chờ mầm ác đã cao dài. Có khi sắp duỗi mà tạm co, có khi muốn đè mà thử nống (chống lên). Có hạnh mà nghèo, hoặc bởi tội khiên kiếp trước, bất nhân mà khá, hẳn là phúc thiện đời xưa. Tuy rằng khó biết sâu xa, nhưng thực không sai tơ tóc. Cho nên không nên lập luận một bề và xem trời một mặt.

Đạo nhân nói như vậy đến mấy nghìn lời, đều ngụ cái ý khuyên răn cả. Ông Dương rất vui vẻ nghe theo.

Sau này, ông Dương Thiên Tích chỉ vì tâu việc trái ý vua, bị vua đày vào phương nam. Khi đi qua cửa Hải Khẩu (cửa biển ở Hà Tĩnh), quả thật gặp song to gió lớn, thấy hàng trăm giống ma quái vít thuyền xuống. Ông Dương vội hỏi người lái thuyền đây là nơi nào thì được nói là Ô Tôn. Ông mới sực nhớ đến lời Đạo nhân, bèn theo như cách đã dặn mà gọi tên ông ta. Thoắt chốc đã thấy một cỗ xe bay đến, đứng dừng lại ở trên không, hai bên có ngọc nữ tiên đồng chầu hầu rất nghiêm túc. Đạo nhân thu phục chúng quỷ, khuyên quay về đường thiện, ông sẽ tâu lên Thượng đế tẩy oan hồn đi cho.

Chúng quỷ nghe nói đều sung sướng nhảy nhót rồi trong chốc lát tan giãn đi cả. Ông Dương khẩn khoản khuyên mời xe tiên giáng xuống để được hỏi han mọi việc sau, nhưng trong thoắt chốc đã không thấy gì nữa. Rồi từ đó gió êm sóng lặng, thuyền đi được trót lọt đến bờ. Dương bèn từ giã vợ con rồi không biết đi đằng nào mất. Sau đó có người gặp Dương ở núi Đông Thành, người ta ngờ là đã đắc đạo thành tiên.

***

Trong phần lời bình, tác giả đã viết: “Than ôi, làm thiện là ở người, giáng phúc cho người thiện là ở Trời, sự cảm ứng ở giữa khoảng Trời và người, thật là sâu mờ vậy thay!”

Dương Đức Công làm nhiều việc tốt mà đắc được thọ mệnh lẫn để lại cho hậu nhân phúc phận hơn người. Dương Thiên Tích dù chỉ có chút cư xử thiên lệch, chấp trước mà gây thù chuốc oán cuối cùng suýt phải nhận họa mất mạng. Thấy rõ nhân quả ở đời, ông sớm hiểu ra đời người vốn không phải do mình muốn là được, mọi được mất đều theo những gì mình đã làm mà tương ứng biểu hiện ra.

Chỉ có con đường tu luyện, loại bỏ nhân tâm, trở thành người tốt rồi tốt hơn nữa, đạt đến thấu hiểu đạo lý của vũ trụ mới có thể thoát khỏi lực khống chế của nhân quả báo ứng. Thiên Tích đã đắc đạo thành Tiên hay chưa? Có con đường để siêu thoát cõi đời vốn không do ta định đoạt được hay không? Câu trả lời xem ra là khó nhưng lại có thể ở ngay trước mắt cho những ai muốn kiếm tìm.

Biên tập lại từ “Chuyện gã trà đồng giáng sinh”, Truyền Kỳ Mạn Lục – Nguyễn Dữ, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1988.