Mục lục bài viết
Thái cực sinh vạn vật. Vì thế, Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong hàm chứa thiên cơ Đại Đạo, có thể vượt qua vạn vật, thông thẳng đến vùng đất của Thần. Động tác của Thái Cực Quyền hoãn, mạn, viên. Mới nhìn qua khi xuất quyền, xuất chưởng thì đều thấy rất chậm. Thế nhưng, nó lại có thể đánh ra trước cả những đối thủ mà nhìn qua thì thấy là xuất quyền, xuất chưởng cực nhanh…
Theo ghi chép, Trương Tam Phong 32 tuổi bắt đầu con đường đại Đạo quy chân, ông vân du suốt 35 năm ròng, đi khắp nơi tìm danh sư học Đạo, cuối cùng gặp Hỏa Long Chân Nhân ở núi Chung Nam và đắc được chân truyền. Sau đó, Trương Tam Phong quay trở về núi Võ Đang cổ tu trì trong 9 năm thì công thành đại Đạo. Sau khi đắc Đạo, Trương Tam Phong du hành nhân gian, thoắt ẩn thoắt hiện, đi khắp trời đất hành đại Đạo mà lưu lại vô số thần tích.
Đầu năm 1368, thời Minh Thái Tổ Hồng Vũ, ở Bình Dương xuất hiện dịch bệnh. Có một vị đạo nhân tự xưng là chân tiên Trương Kim Điểm – trên thân mặc áo bào lam nhạt đính đầy điểm vàng tỏa sáng rực rỡ nên lấy hiệu là Kim Điểm. Đạo nhân Kim Điểm nói với mọi người: “Người nào bị bệnh mà có thể dùng một điểm vàng trên đạo bào của ta thì người đó nhất định sẽ khỏi bệnh”. Có người muốn thử một chút, quả nhiên hiệu nghiệm như Thần. Trương Kim Điểm trị bệnh không thu tiền. Khi đó ở khu vực phía Nam bệnh dịch hoành hành, Trương Kim Điểm mỗi ngày đều được quần chúng vây quanh để lấy những điểm vàng trên người ông cho đến khi không còn điểm vàng nào nữa. Ngày hôm sau, Trương Kim Điểm lại đến chợ phiên thì các điểm vàng trên thân ông đều đã trở về như cũ. Vì thế, người dân đều bái phục ông là Thần Tiên. 1 tháng sau đó khi bệnh dịch đã được khống chế, Kim Điểm nói: “Việc của ta đã làm xong, đến lúc phải quay về Vân Sơn rồi”. Nói xong, ông liền cởi xuống đạo bào với những điểm vàng, và trong lúc người ta đang thi nhau tranh giành cướp đoạt thì Trương Kim Điểm hóa thành một vầng sáng vàng kim bay thẳng lên trời. Người đời sau nghe kể lại sự tích này đều nói rằng đây đích thị là Trương Tam Phong.

Vào những năm Thuận Thiên thời Minh Anh Tông (1457-1464), Trương Tam Phong lúc này đã hơn 200 tuổi. Tương truyền ở vùng Kiếm Châu – Tứ Xuyên có một ông lão mưu sinh bằng nghề bán bánh chưng. Mỗi khi nhìn thấy có người nghèo khổ đi ngang qua, ông đều sẽ tặng cho người đó một chiếc bánh. Một ngày nọ, trong khi đã đến ba giờ chiều rồi mà ông vẫn chưa bán được cái bánh chưng nào thì bỗng nhiên có một đạo nhân đi qua và hỏi xin ông một chiếc bánh. Ông lão bèn đưa một cái bánh cho vị đạo nhân kia. Ăn xong, đạo nhân lại xin thêm một cái nữa, ông lão lại cho thêm một cái, cứ như thế vị đạo sĩ hỏi xin cả mười lần liên tiếp, ông lão lần nào cũng đều đưa bánh của mình cho người kia. Thấy thế, đạo nhân liền cười lớn nói rằng: “Ông quả là một con người hào hiệp, tôi không còn thuật nào khác, trong túi của tôi có một viên tử châu, ông hãy mang nó về để vào trong thùng gạo, ngày thứ hai mở ra bên trong sẽ tự có điều kỳ diệu”. Lời vừa dứt, đạo nhân liền cứ thế mà nhẹ nhàng lướt đi.
Cuối ngày hôm đó, ông lão mang tử châu về nhà đặt vào trong thùng gạo như lời đạo nhân đã chỉ dạy. Khi ấy, trong thùng chỉ còn có rất ít gạo, thế nhưng sáng sớm hôm sau khi mở ra nhìn thử thì đàn gạo đã đầy ắp. Thấy vậy, ông lão cười nói: “Cái điều kỳ diệu mà đạo nhân đã nói thì ra chính là như thế này”. Ngay sau đó, ông lấy gạo từ trong thùng ra để làm bánh chưng, cứ bán 3 cái thì sẽ tặng 7 cái. Ngày thứ hai nhìn lại thì gạo trong đàn đã đầy như cũ. Cứ như vậy mỗi ngày ông đều sẽ vừa bán vừa tặng, những người qua đường nhận được lợi ích từ việc này đều gọi ông là người đại thiện.
Lâu dần, ông lão đối với sự biến hóa của đàn gạo nảy sinh cảm giác hiếu kỳ, liền dốc ngược đàn gạo lên để trộm nhìn thì không thấy viên tử châu kia đâu nữa. Về sau, đàn gạo cũng không còn tự đầy lên như trước. Một hôm, vị đạo nhân kia lại đến nói với ông lão rằng: “Ta là Trương Tam Phong. Người chịu ân đức của ông đến nay đã rất nhiều, ông có nguyện ý xuất thế tu Đạo không?” Ông lão không muốn tu Đạo, Trương Tam Phong liền lấy ra một viên đan dược rồi dặn dò ông: “Ăn viên đan này vào có thể kéo dài tuổi thọ”. Ông lão ăn xong, cảm thấy cả người đều thanh tịnh. Sau khi Trương Tam Phong rời đi, ông lão sống tới hơn trăm tuổi, cuối cùng ngồi ngay ngắn mà từ trần.
Đạo hóa Thẩm Vạn Tam
Trong tiểu thuyết bút ký Minh – Thanh có rất nhiều sự tích liên quan đến Trương Tam Phong và đệ tử của ông. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là cố sự truyền kỳ về Trương Tam Phong và phú hộ Thẩm Vạn Tam. Một người là Thần tiên sống ở nhân gian thoắt ẩn thoắt hiện, một người là nhà cự phú, giàu có bậc nhất thiên hạ – Giang Nam đệ nhất hào phú. Giai thoại về họ khiến cho nhân thế còn đang trầm mê trong phù vân danh lợi phải tâm động không dứt.

Theo ghi chép trong cuốn “Trương Tam Phong toàn tập”, Thẩm Vạn Tam sở dĩ có thể giàu có nổi tiếng bốn phương nguyên nhân là nhờ có thuật luyện kim được Trương Tam Phong truyền dạy. Nhà của Thẩm Vạn Tam nằm ở vùng Chu Trang – là nơi Trường Giang đổ vào cửa biển. Ban đầu, ông cũng chỉ là một ngư dân đánh cá bình thường. Tới 19 năm sau (tức năm 1359 sau Công nguyên), bất chợt xuất hiện một vị đạo sĩ “thần thái thanh cao, thân rùa cốt hạc, mắt tròn tai to, thân cao hơn 7 thước, râu dài như kích”. Đạo sĩ này “ngày đi vạn dặm”, ăn cơm thì hoặc là ăn hàng đấu gạo, hoặc là tịch cốc hàng tháng trời, dù không ăn gì thì dung mạo cũng vẫn hồng hào, đầy đặn. Thẩm Vạn Tam thấy thế liền biết ngay rằng đây là người phi thường thuộc cõi Bồng lai.
Lại nói, Thẩm Vạn Tam vốn là người có tấm lòng hiền hậu hay làm việc thiện, nên đối với Trương Tam Phong lại càng hết lòng khoản đãi, nhất tâm cung kính. Một ngày nọ, Trương Tam Phong trong lúc rượu say mà nói ra thân thế của mình. Vạn Tam nghe thấy thì vô cùng ngưỡng mộ bèn bái Trương Tam Phong làm tổ sư và cầu xin được chỉ giáo: “Kẻ trần tục ngu dốt mang nguyện cứu tế giúp người, tuyệt không dám vọng tưởng đến tiền tài phúc thọ”. Vậy là Trương Tam Phong liền thu nhận ông làm đồ đệ và dạy cho ông thuật luyện kim. Ngay sau đó, Vạn Tam liền mua về đủ các thứ vật liệu dược phương, chọn ngày lành tháng tốt để bắt đầu luyện. Sau khi đã luyện đủ bảy bảy bốn chín ngày, mở lò ra thì lại phát hiện là đã thất bại. Trương Tam Phong thấy thế thì thở dài không ngớt.
Thẩm Vạn Tam tự nhủ là do cơ duyên chưa đến, kế đó liền đem toàn bộ tài sản tiết kiệm được lấy ra, thậm chí còn bán thuyền bán lưới để có thể tiếp tục luyện kim. Ngờ đâu, vừa mới luyện được một nửa thì đột xảy ra hỏa hoạn khiến cho toàn bộ lò luyện cùng căn nhà tranh tất cả đều bị thiêu rụi. Thẩm Vạn Tam thấy vậy khó nén được tiếng thở dài, tự trách bản thân phúc phận quá mỏng. Trương Tam Phong cũng khuyên ông đừng luyện nữa. Thế nhưng vợ chồng Thẩm Vạn Tam lại không hề có chút oán hận nào mà vẫn chịu khổ mời Trương Tam Phong ở lại để tiếp tục luyện đan. Trương Tam Phong trong lòng tán thưởng ý chí kiên định của vợ chồng Thẩm Vạn Tam, bèn truyền cho họ dùng điểm kim thuật: “Phục lấy thủy ngân chất thêm vào đồng sắt cho đến khi biến thành đá ngọc trắng vàng, cứ thế nối tiếp nhau mà không ngừng sinh ra”. Đây cũng chính là thuật luyện biến phế liệu thành bạch ngọc hoàng kim. Ngay sau đó, Thẩm Vạn Tam liền an bài chuẩn bị dốc sức luyện kim, không đến một năm sau thì trở thành người giàu có bậc nhất thiên hạ, phàm là thấy người nào nghèo khổ đói kém hay gặp hoạn nạn thì Thẩm Vạn Tam đều mở rộng cửa hết lòng giúp đỡ chu cấp. Thẩm Vạn Tam bắt đầu công việc buôn bán, đi đến khắp mọi nơi trên thế giới. Dân gian tương truyền nói rằng Thẩm Vạn Tam có được Tụ Bảo Bồn thế nên tài lộc cứ như vậy đầy mãi không dừng.
Năm Hồng Vũ thứ 25 (tức năm 1392 sau Công nguyên), Thẩm Vạn Tam đắc tội với Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nên cả nhà bị trị tội di dời đến Liêu Dương, sau đó thì bị lưu đày tới vùng Vân Nam. Trương Tam Phong từng dự đoán trước được Thẩm Vạn Tam sẽ có nạn bị đày tới biên cương, nên trước khi ông rời đi đã kịp dặn dò: “Đông Nam vương khí đại thịnh, đến lúc gặp lại sẽ là ở Tây Nam”. Thẩm Vạn Tam trải qua ma nạn rồi gặp lại Trương Tam Phong tại Vân Nam, sau đó ông tu luyện theo thầy, công thành viên mãn, bạch nhật phi thăng.
Thần vật lưu lại tại Cam Châu
Cam Châu xưa, nay là thành phố Trương Dịch, Cam Túc, là một viên minh châu lấp lánh rực rỡ trên “con đường tơ lụa” từ lâu đã nổi tiếng với mỹ danh là “cửa vào Giang Nam”. Trong ghi chép “Bạch túy tỏa ngôn” của Vương Triệu Vân dưới thời nhà Minh, Trương Tam Phong trước khi rời đi đã lưu lại ở Cam Châu ba vật: thứ nhất là áo nón đi mưa, thứ hai là một hồ lô được dùng để tạo dược chữa bệnh. Tương truyền người nào có bệnh chỉ cần lấy một cọng cây cỏ đưa vào trong hồ lô, ngày hôm sau lấy cọng cỏ ra sắc uống thì lập tức khỏi bệnh. Có ngày, tổng binh vùng Định Tây mở yến tiệc tại nhà, mời đến thủ hạ cùng nghệ nhân biểu diễn tạp kịch. Tổng binh sau đó liền lấy dược hồ lô ra đưa cho mọi người chuyền tay nhau xem ngắm, nhưng bất ngờ dược hồ lô đột nhiên tự mình vỡ vụn. Nguyên lai là do dược hồ lô vốn là Thần vật của Trương Tam Phong nên nếu như gặp phải việc bất kính thì Nó tự nhiên sẽ không lưu lại thế gian nữa.
Vật thứ ba mà Trương Tam Phong để lại là một bức tranh vẽ Bát Tiên quá hải, trung gian của bức tranh có một chữ “Thọ”. Đô chỉ huy của vùng Cam Châu có được bức họa Bát Tiên vượt biển này liền đem treo ở trong đại đường. Một ngày nọ, có người họ hàng đến ở tạm trong nhà ông thì phát hiện bức họa có thể phát ra âm thanh. Khi đó mới biết bức họa Bát Tiên vượt biển này là một Thần vật tương thông với không gian khác.

Trong “Thịnh kinh thông chí – Tiên thích” viết dưới thời Càn Long có nói: Trương Tam Phong từng ở trong vườn nhà Trương chỉ huy của vùng Cam Châu mà vũ hóa thăng Tiên. Sau khi ông thăng Tiên vẫn từng nhiều lần bị người nhìn thấy tại các địa phương khác nhau. Phương pháp tu luyện đại đạo của Đạo gia là tính mệnh song tu, nhục thể cũng cần phải tu thành, vào thời điểm tu thành đắc Đạo thì toàn bộ nhục thân đều đã được vật chất cao năng lượng tại không gian khác chuyển hóa, lên trời xuống đất không gì là không thể. Vào cả hai thời đại dưới triều Minh và triều Thanh, trong khoảng 400 năm, thần tích của Trương Tam Phong Chân Nhân chưa từng đứt đoạn. Hoàng đế Đại Minh kiên trì bền bỉ tìm kiếm dấu tích của Trương Tam Phong. Vì thế nên những cuốn sách, gia phong, công trình thi công cung quán Đạo gia lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều, mở ra dưới triều Đại Minh một thời kỳ sùng Đạo đỉnh cao trước nay chưa từng có trong lịch sử, hình thành một Huyền giáo Đại Minh có hệ thống.
Sáng lập Thái Cực Quyền
Theo ghi chép của “Vương chinh nam mộ chí minh”, Trương Tam Phong “đêm nằm mộng thấy được Huyền Đế truyền dạy quyền pháp, điểm sáng của bộ quyền pháp này chính là lấy một người đơn độc mà địch lại hơn trăm. Vị Huyền Đế đó chính là Huyền Thiên Thượng Đế, cũng chính là Chân Vũ Đại Đế tu Đạo tại Võ Đang. Theo sách ‘Đạo thư’, Huyền Thiên Thượng Đế vì lần hóa thân nguyên thủy mà thái cực ly thể. Thời thượng Tam Hoàng thì hạ thế thành Thái Thủy Chân Nhân. Thời trung Tam Hoàng ông hạ thế thành Thái Ất Chân Nhân. Đến thời Hoàng đế thì hạ thế thành Huyền Thiên Thượng Đế. Lại nói, nếu như Huyền Thiên Thượng Đế đã hạ lệnh cho Trương Tam Phong sáng lập ra Thái Cực Quyền thì ắt tự có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Thái cực sinh vạn vật. Vì thế, Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong hàm chứa thiên cơ Đại Đạo, có thể vượt qua vạn vật, thông thẳng đến vùng đất của Thần. Động tác của Thái Cực Quyền hoãn, mạn, viên. Mới nhìn qua khi xuất quyền, xuất chưởng thì đều thấy rất chậm. Thế nhưng, nó lại có thể đánh ra trước cả những đối thủ mà nhìn qua thì thấy là xuất quyền, xuất chưởng cực nhanh. Thái Cực Quyền khiến con người nhận thức được những phương diện mà mắt người không nhìn thấy, phá vỡ quan niệm đã được con người hình thành cả trăm ngàn năm cho rằng những gì con mắt nhìn thấy mới là thực tại. Nhanh và chậm, tĩnh và động, to và nhỏ, v.v.. những khái niệm này đều không phải là chân thật. Lực lượng giác đối chân chính là có sự can dự của không gian khác mà mắt người không nhìn thấy được, nhưng nó vẫn tồn tại cùng lúc cùng chỗ. Khía cạnh này liên quan đến nội công, nội lực. Công phu chân chính là do từ bên trong mà tới. Thái Cực Quyền mở ra khởi đầu cho công phu nội gia tinh diệu tuyệt luân.

Theo ghi chép “Ninh Ba phủ chí” Gia Tĩnh, Trương Tùng Khê võ công thần kỳ, tự xưng là đệ tử của Trương Tam Phong. Trương Tùng Khê là người khiêm cung cẩn thận, thoạt nhìn trông giống như một nho sinh, dáng người gầy yếu, thân hình ngỡ như chống đỡ không nổi bộ y phục! Có người biết rằng Trương Tùng Khê có năng lực khác thường. Thế nhưng mỗi lần mời ông tới để tỉ thí thì ông đều luôn khiêm nhượng né tránh. Quê nhà của Trương Tùng Khê có rất nhiều người tập võ. Vậy nên rất nhiều thanh niên trai tráng đều mong muốn được cùng với Trương Tùng Khê tỉ thí. Có một lần, mấy người trẻ tuổi đem Trương Tùng Khê vây hãm vào một địa phương trong thành rồi bái lễ nói: “Hôm nay ngài đã không còn đường tiến thoái nữa, nhất định phải cùng với chúng tôi tỉ thí một phen”. Tùng Khê bất đắc dĩ đành phải để họ mang mấy tảng đá lớn nặng hàng trăm cân gom lại một chỗ. Sau đó, mấy người trẻ tuổi nọ cố hết sức để nâng ba tảng đá lớn trong đó lên. Thấy vậy, Tùng Khê lên tiếng: “Ta chỉ là một lão nhân vô dụng đã 70 tuổi, khiến cho các vị phải chê cười rồi”. Nói xong liền nâng tay trái lên rồi bổ một cái về phía những tảng đá, tức thì cả ba tảng đá đều bị phân làm hai một cách kì dị.
“Học Thái Cực Quyền, lấy nhập Đạo làm cơ sở”. Tuy nhiên, Trương Tam Phong lại chỉ đem động tác truyền lại chứ không hề lưu lại tâm pháp tu luyện Thái Cực Quyền. Vì vậy, người đời sau không biết cách làm thế nào để thông qua học luyện Thái Cực Quyền mà tu luyện lên trên. Họ coi điều này trở thành đại bí mật thiên cổ, là ‘tiếng thở dài thiên cổ’ và cũng là sự tiếc nuối thiên cổ! Nhưng từ một phương diện khác, chúng ta nói mặc dù Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong không hề lưu lại tâm pháp nhưng kỳ thực, Nó cũng đã lưu lại ‘tâm pháp’ rồi. Những gian nan vất vả khi cầu Đạo, ý chí kiên định tu Đạo hay là lòng cứu giúp rộng khắp sau khi đã đắc Đạo, v.v… đều chính là biểu hiện của tâm pháp. Những người đời sau nếu có thể làm được như khi Trương Tam Phong đang còn tại thế thì phải chăng đó chính là tâm pháp vậy!
Theo Sound of Hope
Trường Lạc biên dịch