Mục lục bài viết
Lời toà soạn: Hiện nay là thời đại bùng nổ thông tin, lượng thông tin quá nhiều nhưng không chắc trong đó là thông tin chân thật, thậm chí có những kiến giải lệch lạc, đảo loạn logic. Loạt bài ‘Mạn đàm văn hoá biến dị’ này mong muốn đưa ra một loạt ví dụ thực tế, để quý độc giả có được cái nhìn chân thực, thấy được tư duy chính thường, từ đó có được quyết định đúng đắn trong tương lai.
Sau cải cách mở cửa năm 1978, ĐCSTQ muốn khôi phục một số thứ văn hoá bằng cách: bắt đầu sửa sang khôi phục trùng tu lại những chùa miếu đã đập trong quá khứ.
Có người cho rằng đây là thể hiện của việc tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc. Nhưng thực tế có phải như vậy hay không?
- Loạt bài Mạn đàm văn hoá biến dị
Trường cảnh
Sau khi người dẫn chương trình là cô Phương Phi và bác Kim Nhiên chào hỏi khách mời là Giáo sư Chương Thiên Lượng, mọi người đi vào trường cảnh. Trường cảnh là đoạn hội thoại giữa Cục trưởng (có thể của Ban Tuyên giáo) và nhân viên cấp dưới. Trong đó:
Nhân viên (họ Hoàng) nói:
Cục trưởng (đang ngủ trên ghế), ông tỉnh lại đi, cuộc họp xong rồi.
Cục trưởng nói:
Mọi người đi hết rồi à. Ngày mai cậu tính sắp xếp như thế nào?
Nhân viên nói:
Cục trưởng, là như thế này. Ngày mai đại biểu châu Âu sẽ đến thăm chúng ta, tự do tôn giáo là chủ đề chính. Tôi đang chỉnh lý một số tài liệu. Căn cứ theo thống kê chưa hoàn chỉnh: Nước ta (Trung Quốc) hiện nay có các chủng các dạng tôn giáo, tín đồ hơn 100 triệu người. Trường sở (nơi) có hoạt động tôn giáo có hơn 85 ngàn cái.
Cục trưởng nói:
‘Công dân Trung Quốc có đầy đủ tự do tín ngưỡng tôn giáo’, điểm này vô cùng quan trọng, cậu hãy đưa nó thêm vào.
Nhân viên nói:
Cục trưởng à, thế thì bên ngoài sẽ hỏi chúng ta vấn đề: ‘Giáo hội không công khai’ và ‘Giáo hội gia đình’ (tu tại gia) bị cấm.
Cục trưởng nói:
Chỉ có tổ chức tôn giáo nào trực thuộc ‘Giáo hội Ái quốc Tam tự’ (Tam tự – 三自 là Tự trị, Tự chủ và Tự quản) mới là tôn giáo mà chúng ta thừa nhận. ‘Giáo hội không công khai’ và ‘Giáo hội gia đình’, từ gốc rễ đã phủ định sự lãnh đạo của ĐCSTQ, nên không phải là vấn đề tôn giáo, mà là ‘tụ tập phi pháp’.
Còn có một điểm nữa, cậu Hoàng, việc dẫn khách đi tham quan, cậu phải làm cho tốt đó. Trong mấy năm gần đây, quốc gia chúng ta đã tiêu tốn rất nhiều tiền để xây chùa miếu, giáo đường (nhà thờ), đều đặt ở đó hết. Cậu hãy dẫn họ đi xem cho tốt nhé.
(Giáo hội Ái quốc Tam tự do Ban Tôn giáo của ĐCSTQ thành lập năm 1957 nhằm kiểm soát mọi hoạt động của các tín đồ Công giáo trên toàn quốc. Hội có ý tưởng về một giáo hội độc lập hoàn toàn với Tòa Thánh Vatican trên 3 nguyên tắc: Tự trị, Tự chủ và Tự quản)
Trung Quốc ‘có Hiến pháp nhưng không có Hiến chính’
Cô Phương Phi nói, trường cảnh chúng ta xem vừa rồi, đề cập đến vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đối với vấn đề này, cô đã hỏi Giáo sư Chương nhìn nhận như thế nào.
Giáo sư Chương nói, (trường cảnh) ở đây có 3 điểm chính:
- Thứ nhất, tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp.
- Thứ hai, ở Trung Quốc đại lục đã thành lập rất nhiều giáo hội tôn giáo.
- Thứ ba, Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây nơi thờ phụng. Nhưng Giáo sư Chương nhìn nhận, những thứ này đều không giải quyết được vấn đề căn bản.
Về vấn đề thứ nhất, tuy rằng tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp, nhưng chúng ta đều biết một câu chuyện rất kinh điển, đó là Lưu Thiếu Kỳ từng nắm cuốn hiến pháp nói rằng ‘Tôi là chủ tịch nước, tôi cũng là một công dân, vì sao các người lại xâm phạm quyền của tôi, không cho tôi nói v.v.’. Điều này nay đã phản ánh ra một điều, mà giới học giả gọi là ‘Có Hiến pháp mà không có Hiến chính’ (Hiến chính – 憲政: Khuôn phép của Hiến pháp). Tức là: Tuy hiến pháp có đặt trên giấy, nhưng không có chính sách để chấp hành theo hiến pháp.

Giáo sư Chương đưa ra một ví dụ điển hình đó là: Vào năm 1957, Trung Quốc đã bắt đầu thi hành chế độ Trại ‘Giáo dưỡng lao động’, tức không cần qua toà án xét xử, có thể tước đi cao nhất 4 năm tự do của một người. Điều này trực tiếp vi phạm điều 37 trong hiến pháp. Nhưng loại vi phạm hiến pháp này tính đến nay (năm 2006) đã kéo dài 50 năm rồi. Tới thời điểm hiện tại 2023, đã kéo dài 70 năm.
Do đó điều Giáo sư Chương muốn nói là: Tuy rằng ĐCSTQ nói ‘tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp’, nhưng nó không nói lên được điều gì.
ĐCSTQ chỉ định Giám mục: tước bỏ truyền thống của Thiên Chúa giáo
Người dẫn Kim Nhiên nói, hiện nay ở trong nước Trung Quốc, vào cuối năm, rất nhiều người đốt hương dập dầu bái lạy ở chùa miếu, bản thân người dẫn Kim Nhiên cũng đi Bạch Vân Quán (Đạo quán Bạch Vân) vào cuối năm. ĐCSTQ đã xây dựng tu sửa rất nhiều chùa miếu.
Giáo sư Chương nói, điều này làm người ta có cảm giác người Trung Quốc Đại lục đi dập đầu đốt hương, đến chùa Đại Chung (chuông lớn) để nghe tiếng chuông đầu năm, thậm chí rất nhiều lãnh đạo ĐCSTQ cũng đốt hương bái Phật, cảm giác như rất phồn vinh.
Nhưng Giáo sư Chương cho rằng, loại tự do này là giả tạo. Vì sao? Bởi vì toàn bộ nội hàm của tôn giáo đã bị xoá bỏ, những việc như dập đầu đốt hương chỉ là biểu hiện hình thức. Sở dĩ Giáo sư Chương gọi loại tự do này là ‘tự do giả tạo’, bởi vì loại tín ngưỡng này có một tiên đề là: Bạn phải kiên trì dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Khi tôn giáo của người ấy xung đột với ĐCSTQ, thì tôn giáo phải phục tùng ĐCSTQ. Cho nên Giáo sư Chương mới nhìn nhận rằng: loại tự do này không phải là tự do chân chính.
Giáo sư Chương đưa thêm một ví dụ rất điển hình về Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc. Theo truyền thống, Thiên Chúa giáo có hệ thống phân cấp rất rõ ràng nghiêm ngặt. Lãnh tụ tinh thần tối cao của họ là Giáo hoàng. Danh hàm của Giáo hoàng rất dài, trong đó có một danh hàm là ‘Đại biểu của Cơ Đốc (Chúa Giê-su) ở thế gian’, Giáo hoàng tương đương với người phát ngôn của Chúa Giê-su ở thế gian.
Ở dưới, Giáo hoàng sắp đặt ‘Xu cơ Đại chủ giáo’ (樞機大主教, Xu là ngôi sao thứ nhất trong sao Bắc Đẩu) mà chúng ta gọi quen là Hồng y Giáo chủ. Dưới nữa, Hồng y Giáo chủ sắp đặt các Chủ giáo (主教: Giám mục). Theo truyền thống của Thiên Chúa giáo mà nói: Bất cứ ai muốn trở thành Giám mục, thì phải được Giáo hoàng Vatican đồng ý, cử thành nghi thức mới được.
1 tỷ tín đồ Thiên Chúa giáo phân bố ở các nơi trên thế giới đều thừa nhận quyền uy của Vatican khi làm việc này, nhưng ĐCSTQ không thừa nhận. Do đó Giám mục ở Trung Quốc Đại lục gọi là ‘Tự thánh Chủ giáo’ (自聖主教: Giám mục tự phong Thánh).
Tự thánh Chủ giáo là gì? Chính là tự mình làm lễ, nói một cách đơn giản chính là: Giám mục do ĐCSTQ chỉ định (chứ không phải Giáo hoàng Vatican chỉ định). ĐCSTQ tương đương với việc bước đoạt quyền lực bổ nhiệm Giám mục của Giáo hoàng. Điều này vi phạm nghiêm trọng truyền thống của Thiên Chúa giáo. ‘Tự thánh Chủ giáo’ (自聖主教: Giám mục tự phong Thánh) sẽ nhận phải sự trừng phạt vô cùng nghiêm khắc từ Giáo hoàng.
Trong Thiên Chúa giáo có một từ chuyên ngành gọi là ‘tuyệt phạt’ (絕罰: hình phạt cắt đứt mối quan hệ), nói một cách phổ thông là: trục xuất khỏi Giáo hội. Chính là hễ người ấy tự phong, thì Giám mục tự phong đó sẽ bị đuổi khỏi Giáo hội. Sau khi bị trục xuất khỏi Giáo hội, người ấy không chỉ không thể nhận lễ ăn bánh thánh, hơn nữa còn không được cứu độ, phải hạ địa ngục. Theo cách giảng của họ (Thiên Chúa giáo), đây là một trừng phạt nghiêm khắc nhất.
Cô Phương Phi nói, những điều này quả thực có hình thức và nội hàm đặc thù, và Giáo sư Chương nói thêm: nhưng ở Đại lục trong mấy chục năm gần đây, thì ĐCSTQ có ‘truyền thống’ chỉ định Giám mục. Giáo sư Chương nhìn nhận, điều đó đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất, nên nó đã không còn là Thiên Chúa giáo nữa.
Hiệp hội Tôn giáo Trung Quốc trực thuộc ĐCSTQ và chính phủ
Người dẫn Kim Nhiên nói rằng, có một câu (trong Kinh Thánh) là ‘Những thứ của Caesar hãy quy về Caesar, những thứ của Thượng Đế hãy quy về Thượng Đế’. Người dẫn Kim Nhiên muốn hỏi Giáo sư Chương về Đạt Lai Lạt Ma, nhiều người cho rằng ông ấy muốn ly khai, muốn Tây Tạng độc lập. Nếu chúng ta dựa trên quy tắc trong tôn giáo, không quản những lời của ông ấy, thì Tây Tạng có ly khai không?
Giáo sư Chương nhìn nhận, đây là kết quả của tuyên truyền trường kỳ của ĐCSTQ, để cho chúng ta có ấn tượng rằng ‘Đạt Lai Lạt Ma là phần tử muốn ly khai chia rẽ’. Nhưng trên thực tế Đạt Lai Lạt Ma không muốn Tây Tạng độc lập, ông ấy chỉ muốn khôi phục truyền thống văn hóa và tôn giáo ở Tây Tạng. Đối với ĐCSTQ thì đây lại là uy hiếp cực lớn. Vì sao?
Bởi vì trong tâm mắt của người Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma là Quan Thế Âm Bồ Tát chuyển thế, mà ĐCSTQ chỉ là người, cho nên người Tây Tạng muốn nghe lời của Đạt Lai Lạt Ma hơn là nghe lời ĐCSTQ. Điều này là phủ định sự lãnh đạo của ĐCSTQ, là điều tổ chức này không thể tiếp nhận được.
Đến đây cô Phương Phi thấy rằng, trong tâm mắt người bình thường không có khái niệm đối với tôn giáo, họ thấy được rất nhiều Hiệp hội Tôn giáo, sau đó còn xây chùa dựng miếu, cảm thấy rất hưng thịnh.
Giáo sư Chương nói, mục đích ĐCSTQ thành lập Hiệp hội Tôn giáo không phải vì muốn làm phồn vinh tôn giáo, mà là muốn khống chế tôn giáo. Trong quy định của Hiệp hội Tôn giáo đều nói rằng: ‘Sự lãnh đạo của ĐCSTQ là thế này thế kia’.
Khi nhìn vào hình thức tổ chức, chúng ta sẽ phát hiện Hiệp hội Tôn giáo trực thuộc bên dưới của Bộ Công tác Thống nhất Chiến tuyến của Trung ương ĐCSTQ. Từ hệ thống quốc gia mà nhìn, Hiệp hội Tôn giáo là bên dưới Cục Quản lý của Quốc vụ viện. Do đó toàn bộ Hiệp hội Tôn giáo chịu khống chế của ĐCSTQ và chính phủ. ĐCSTQ gọi điều này là ‘Chỉ đạo và Giám sát’ tôn giáo.
Thêm một điểm nữa, những người trong chùa chiền, Đạo quán, giáo đường phải ‘học tập chính trị’ định kỳ, phải học tập chính sách của ĐCSTQ.
Có một điểm rất thú vị, những tăng nhân, đạo sĩ trong Hiệp hội Tôn giáo có cấp bậc hành chính, có hoà thượng cấp khoa, phương trượng cấp sở. Cư sĩ Triệu Phác Sơ là Phó hội trưởng Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, tương đương cấp phó quốc gia.

Trên thực tế, chiểu theo tôn giáo chân chính mà giảng, hoà thượng xuất gia thì ‘tứ đại giai không’, ‘lục căn thanh tịnh’, không quan tâm những điều thế tục. Những người kia đi học tập chính sách thế tục, tham gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân… là đi ngược với truyền thống Phật giáo.
Từ lịch sử Phật giáo mà giảng, Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là một Vương tử (hoàng tử) của Ấn Độ, ông đã từ bỏ vương vị mà xuất gia tu hành. Từ truyền thống Phật giáo mà giảng, ngay cả vương vị ông cũng không cần, thì để ý chuyện thế tục làm chi.
Lúc này cô Phương Phi mới nói vui rằng, ĐCSTQ sẽ nói: ‘Bạn phải keep (giữ) vương vị, vừa phải xuất gia’.
ĐCSTQ từng bước phá huỷ tín ngưỡng
Câu chuyện giữa Đạt Ma và Lương Vũ Đế
ĐCSTQ xây đền dựng chùa có cảm giác như đang làm phồn vinh tôn giáo. Điều này làm Giáo sư Chương liên tưởng đến một điển cố rất nổi tiếng trong Phật giáo.
Vào thời kỳ Nam Bắc triều, Đạt Ma đến Trung Quốc đã gặp Lương Vũ Đế (khi đó Nam triều có Tống – Tề – Lương – Trần, lúc này đang đến triều Lương).
Lương Vũ Đế đã hỏi Đạt Ma rằng:
Trẫm từ khi kế vị đã xây tự miếu, in Phật Kinh, cúng tăng lữ, làm nhiều việc như thế, hỏi có công đức bao nhiêu?
Đạt Ma trả lời:
Một chút công đức cũng không có, đây đều là những việc hữu lậu, giống như bóng ảnh không thực. Công đức chân chính là trí huệ ‘thanh tĩnh viên diệu’, ngài căn bản không thể thông qua phương pháp thế tục mà đắc được.

Những việc Lương Vũ Đế làm là những việc thế tục, không phải là tu luyện chân chính.
Thêm vào đó, trong Thánh Kinh từng giảng một câu của Chúa Giê-su rằng: ‘Mỗi ngày bạn kêu Chúa ơi Chúa ơi, không thể lên Thiên quốc, mà phải chiểu theo lời Chúa Cha mà hành, thì mới có thể lên Thiên quốc’.
ĐCSTQ phủ định tồn tại của Thần và Thiên quốc
Giáo sư Chương nói đến đây, cô Phương Phi nghĩ đến một vấn đề: Những tôn giáo đều chịu khống chế của ĐCSTQ, nếu một người có tín ngưỡng, họ chỉ cần chiều theo tín ngưỡng mà làm, vậy thì ĐCSTQ khống chế hay không khống chế thì có ảnh hưởng gì đến tín ngưỡng của người ấy?
Giáo sư Chương nói rằng, tôn giáo trong khi lưu truyền vài ngàn năm trở lại đây là cái gốc của văn hoá, cái gốc của tín ngưỡng. Khi ĐCSTQ bức hại tôn giáo, tổ chức đã làm từng bước rất tinh vi.
Ví như, bước đầu tiên là phủ định Giáo chủ. Phủ định Giáo chủ chính là ĐCSTQ nói với bạn rằng ‘A Di Đà Phật, Thích Ca Mâu Ni, Giê-su đều không tồn tại, hoàn toàn là phản ứng huyễn hoặc của đầu não’.
Nhưng đối với một tín đồ tôn giáo, mục đích căn bản là trở về Thiên quốc, ví dụ như người ấy tin Phật A Di Đà, mỗi ngày niệm A Di Đà Phật, bởi vì người ấy muốn đến thế giới Cực Lạc (Thế giới Cực Lạc là do Phật A Di Đà ‘nguyện lực mà thành’).
Vì sao mỗi ngày tín đồ Cơ Đốc giáo đến giáo đường (nhà thờ) sám hối? Bởi vì người ấy muốn đến Thiên quốc của Chúa Giê-su.
Nhưng nếu có một người nói với bạn rằng ‘Thiên quốc không tồn tại’, để cho dễ hiểu hơn Giáo sư Chương đưa ví dụ vui thế này: Bạn muốn đến Mỹ phải thi tiếng Anh, thi TOEFL, thi GRE, lên lớp luyện thi, luyện nghe, luyện tốc độ đọc v.v. bảo bạn phải làm rất nhiều việc. Bạn hao tâm tổn sức làm rất nhiều việc, nhưng đột nhiên có người nói với bạn ‘Kỳ thực trên địa cầu này không tồn tại nước Mỹ’. Cảm giác của bạn sẽ như thế nào?
Trước khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, Mao Trạch Đông nói phải làm Đại học Quân chính để làm giáo dục ‘lịch sử phát triển của xã hội’. Cái gì gọi là ‘lịch sử phát triển của xã hội’? Chính là Tiến hoá luận (Thuyết Tiến hoá), Duy vật luận (chủ nghĩa duy vật), vô Thần luận… Ông ấy lập tức đã phá huỷ nền tảng cơ bản của xã hội đối với tín ngưỡng. Vốn dĩ người ấy là một cao tăng đại đức, người khác đều kính phục, đột nhiên người khác không kính phục họ nữa, bị mọi người xung quanh chế nhạo…
Cắt đứt lương thực
Tiếp đó ĐCSTQ còn làm một bước nữa là cắt đứt ‘đường lương thực’ của bạn, bạn càng tin vào Thần thì ĐCSTQ càng không cho bạn sống.
Sau khi đoạt được chính quyền (1949), vào năm 1950 đã ra Thông tri về Cải cách ruộng đất ở Khu giải phóng, trong đó tất cả tài sản của chùa chiền đều quy về quốc hữu. Đây là cắt đứt đường lương thực của người khác.

Sau đó ĐCSTQ còn làm những công xưởng, xưởng bao bố, xưởng may mặc, xưởng dệt kim. Cái gọi là ‘Tổ may Tỳ kheo Ni cô’ chính là để ni cô làm may, hoà thượng thì trồng trọt, làm bao bố. Khi đó là ‘thống nhất mua bán’ (nhà nước bao cấp), hết thảy đều nằm trong tay của ĐCSTQ. Nếu người ấy không nghe ĐCSTQ, sẽ không có cơm ăn. Đây là vấn đề vô cùng hiện thực. ĐCSTQ muốn cho bạn thấy rằng: ‘Khi không có cơm ăn, bạn còn tin hay không, có dao động hay không’.
Đưa ‘người đại diện’ để bóp méo kinh điển tôn giáo
Nhưng chưa hết, ĐCSTQ còn làm bước tiếp theo: bồi dưỡng người đại diện ĐCSTQ trong tổ chức tôn giáo. Rất nhiều người đại diện đều là đảng viên ngầm. Trong quá khứ, người đại diện ấy là một người tu luyện dũng mãnh tinh tấn, thấu triệt kinh điển tôn giáo, có thể biện luận thao thao. Nhưng chính những người như vậy, họ lại bắt đầu giải thích bóp méo kinh điển tôn giáo.
Giáo sư Chương đưa ra ví dụ, khi ấy Ngô Diệu Tông đã nói: ‘Đã bỏ đi những Thần tích của Chúa Giê-su’, ông ấy đã không còn tin Thần tích của Giê-su nữa. Sau đó ông còn nói với giáo đồ rằng: ‘Thượng Đế đã đem chìa khoá đắc cứu nhân loại, từ giáo hội đưa cho ĐCSTQ’. Ngô Diệu Tông là người đứng đầu Hiệp hội Tôn giáo, ông đã giảng như thế, vậy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tín đồ.

‘Thế tục hoá’ tôn giáo
ĐCSTQ còn có một phương pháp mềm hơn đó là: Thế tục hoá tôn giáo. Vốn dĩ tôn giáo là ‘thanh đăng lễ Phật’ (đèn sáng lễ Phật), ‘lục căn thanh tịnh’, hầu như cách khai với thế giới. Nhưng ĐCSTQ đã làm ra cái gọi là ‘Hiện đại hoá cuộc sống tu hành’, ‘trường học hoá chùa chiền hiện đại’. Chúng ta thấy hoà thượng Trung Quốc hiện nay có điều hoà để xem TV, sau đó lái xe hơi riêng, tham gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, lên mạng dùng màn hình LCD, vô cùng cao cấp.
Điều này làm người ta cảm thấy đây hoàn toàn là tổ chức thế tục, ngoài mặc áo cà sa và cạo đầu, thì không khác mấy so với người bình thường. Dưới tình huống như vậy đã khiến rất nhiều tăng nhân cư sĩ truy cầu danh lợi và phồn hoa nơi thế tục. Điều này hoàn toàn đi ngược lại truyền thông tôn giáo.
Tự do tín ngưỡng có liên quan gì đến người không tin tôn giáo?
Cô Phương Phi nói rằng, tôn giáo ở Trung Quốc xác thực không có tự do, hơn nữa còn tồn tại hiện tượng bức hại. Nhưng rất nhiều người không tin tôn giáo, họ cho rằng ‘tôi không tin tôn giáo, thì những gì là tự do tín ngưỡng không liên quan đến tôi’. Cô Phương Phi hỏi Giáo sư Chương có nhìn nhận như thế nào.
Giáo sư Chương nhìn nhận, khi tôn giáo không có tự do, nó không chỉ là một loại áp lực tinh thần, mà còn là sự uy hiếp của bạo lực. Khi một người tin vào một điều gì đó, họ có thể bị bạo lực uy hiếp.
Điển hình là tôn giáo bị bức hại. Ở Trung Quốc Đại lục, ‘giáo hội gia đình’ (những người tu tại gia) chịu bức hại rất nghiêm trọng, họ bị bắt bớ giam giữ… Còn có học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại. Loại bức hại tín ngưỡng tôn giáo này đã vi phạm tinh thần cơ bản của hiến pháp hiện đại.
Giáo sư Chương giải thích, nguyên tắc của ‘pháp trị’ là: Trừng phạt hành vi, chứ không phải trừng phạt tư tưởng (suy nghĩ). Người đó phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, thì nhận trừng phạt, nhưng đó là trừng phạt cá nhân người ấy, chứ không phải trừng phạt tín ngưỡng. Không thể căn cứ vào việc người ấy tin điều gì để trừng phạt, mà chỉ căn cứ vào người ấy đã làm gì sai để trừng phạt.
Khi không có tự do tín ngưỡng, thì giống như khi một người tin điều gì đó là đã bị trừng phạt rồi. Điều này sẽ đem đến tai nạn nhân quyền vô cùng nghiêm trọng. Cô Phương Phi nói thêm rằng, suy nghĩ cũng bị phạt, thì ai ai cũng gặp nguy hiểm…
Quý độc giả nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, hãy bình luận ở phần bên dưới. Hẹn quý độc giả trong những bài viết tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Mạn đàm văn hoá biến dị’ tập 14 trên nền tảng Youmaker.
(**) Ngoài ảnh cuộc đối thoại giữa Đạt Ma và Lương Vũ Đế, các ảnh còn lại chụp từ ‘Mạn đàm văn hoá biến dị’ tập 14.