Ca phẩm “Hà nhật quân tái lai” (Ngày nào anh trở lại) có giai điệu ưu mỹ và uyển chuyển, ca từ đầy ý cảnh và lãng mạn, sau khi được giọng ca vàng Chu Tuyền thể hiện, nó ngay lập tức trở nên phổ biến trên khắp các con đường, ngõ hẻm của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, chủ nhân của ca khúc này liền rước lấy biết bao tai họa. Chuyện gì đang xảy ra vậy?…

“Hảo hoa bất thường khai, hảo cảnh bất thường tại. Sầu đôi giải tiếu mi, lệ sái tương tư đái” – tạm dịch: Hoa đẹp chẳng thường khai, cảnh đẹp không thường tại. Sầu ứa giễu bờ mi, lệ chất tương tư mãi… Những khán giả yêu thích danh ca Đặng Lệ Quân hẳn đã quen thuộc với ca khúc này. Vào đầu những năm 1980, mặc dù ĐCSTQ lúc đó nhắm vào công kích, phê phán những ca khúc của Đặng Lệ Quân là “âm nhạc hủ bại”, nhưng vẫn có một trào lưu nóng đón nghe tiếng hát Đặng Lệ Quân trong nhân dân. Vào thời điểm đó, thị trường ở Trung Quốc đại lục tràn ngập băng đĩa lậu của Đặng Lệ Quân, rất nhiều ca khúc vàng của cô đã được hát trên khắp các con đường và ngõ hẻm ở Hoa lục, và ca khúc trìu mến “Hà nhật quân tái lai” (Ngày nào chàng trở lại) là một trong những bài hát được yêu thích nhất.

Nhưng các bạn có biết rằng đằng sau bài hát “Hà nhật quân tái lai” này còn có một câu chuyện chất chứa đầy oan khiên và cay đắng. Đó là chuyện gì vậy? Hãy bắt đầu với sự ra đời của ca khúc này.

“Hà nhật quân tái lai” của Lưu Tuyết Am trở nên nổi tiếng

Năm 1936, công ty điện ảnh Nghệ Hoa ở Thượng Hải đang chuẩn bị quay bộ phim “Tam tinh bạn nguyệt”, đạo diễn Phương Phái Lâm muốn bộ phim có một tình khúc ưu mỹ nên đã tìm gặp Lưu Tuyết Am.

Lưu Tuyết Am là ai? Đương thời ông là một nhà soạn nhạc trẻ nổi tiếng, người đã “học thông Đông – Tây, học thông cổ – kim”. Lưu Tuyết Am sinh ra ở Tứ Xuyên, từ nhỏ đã được tiếp thu âm nhạc và văn hóa truyền thống, lớn lên liền theo minh sư học đàn tam thập lục, tì bà, chỉ huy dàn nhạc, vận văn (hòa âm), và vinh dự trở thành một nhà soạn nhạc nổi danh, là cao đồ của nhà lý luận âm nhạc Hoàng Tự, đạt đến chân truyền về lý luận sáng tác ca khúc tân nhạc.

Lưu Tuyết Am. (Ảnh chụp video nguồn Epoch Times)

Lưu Tuyết Am rất giỏi trong kỹ pháp âm nhạc, ông dung hợp giữa âm nhạc Trung – Tây vào ca khúc của mình. Cho dù là sáng tác ca khúc với thi từ cổ Trung Hoa, hoặc sáng tác thơ với kiến ​​thức uyên thâm về cổ văn, thậm chí là sáng tác các ca khúc độc lập, ông đều thể hiện tài năng thiên bẩm đáng kinh ngạc. Vậy lần này Lưu Tuyết Am đã sáng tác nhạc phẩm nào dưới sự tin tưởng của đạo diễn Phương Phái Lâm?

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Âm nhạc Thượng Hải, có một lần Lưu Tuyết Am được mời tham gia một bữa tiệc do các sinh viên tổ chức trong khuôn viên trường. Trong buổi gặp mặt mọi người đã cùng nhau sáng tác một ca khúc lưu niệm, Lưu Tuyết Am đã viết một vũ khúc nhạc tango không lời. Lần này Lưu Tuyết Am lấy nó ra dùng. Vì đạo diễn Phương Phái Lâm yêu cầu căn cứ trên tình tiết mà viết lời, nên nhạc khúc đã trở thành ca khúc “Hà nhật quân tái lai” – những gì mọi người thấy ngày hôm nay. Khi đó, Lưu Tuyết Am không thể nghĩ rằng ca khúc này sẽ trở thành “quả bom hẹn giờ” định đoạt cuộc đời ông.

“Hà nhật quân tái lai” có giai điệu ưu mỹ và uyển chuyển, ca từ đầy ý cảnh và lãng mạn, sau khi được giọng ca vàng Chu Tuyền thể hiện, nó ngay lập tức trở nên phổ biến trên khắp các con đường, ngõ hẻm của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, cùng với sự nổi tiếng của Chu Tuyền, một trong bảy đại danh ca của Thượng Hải, ca sĩ có quốc tịch Nhật Bản Lý Hương Lan cũng đã hát bài hát “Hà nhật quân tái lai” này nhiều lần, khiến ca khúc này cũng trở nên phổ biến ở Nhật Bản.

ĐCSTQ nắm quyền, ca khúc rước lấy phiền phức lớn

Tuy nhiên, từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, chủ nhân của ca khúc này liền rước lấy biết bao tai họa. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Không lâu sau khi ĐCSTQ chiếm lĩnh Hoa lục, đã lập tức chuẩn bị cải tạo tư tưởng người dân Trung Quốc, lật đổ các tiêu chuẩn truyền thống của người Trung Hoa về thiện và ác, đẹp và xú, tốt và xấu. Vốn là một bản tình ca phong mỹ của Thượng Hải, ca khúc “Hà nhật quân tái lai” đã được người Nhật hát và cũng được người Nhật rất yêu thích, chẳng phải là đại tác văn chương sao! Nhưng mà, những người có dụng tâm cứng nhắc cho rằng chữ “nhật” trong “Hà nhật quân tái lai” ám chỉ “quân đoàn” của quân đội Nhật Bản. Bằng cách này, “Hà nhật quân tái lai” bị vu hãm là một “ca khúc khiêu dâm” và “ca khúc phản quốc”, bị đưa ra phê đấu, phong sát. Có thể hình dung rằng với tư cách là một tác giả, Lưu Tuyết Am đã chịu không ít liên lụy.

Năm 1957, ĐCSTQ đã khởi xướng “Đại minh đại phóng”. Lưu Tuyết Am, người không biết nó là gì, tại một cuộc tọa đàm do Hiệp hội Âm nhạc của ĐCSTQ tổ chức, ngay trong phát ngôn đầu tiên, ông đã phê bình Hiệp hội Âm nhạc tựa như là “chỉ do đảng viên lãnh đạo”, có chủ nghĩa tông phái, do đó cơ cấu của Hiệp hội Âm nhạc mang “tính chính trị quá cường đại, tính học thuật quá sai biệt”, có sự lệch lạc đối với lý giải sáng tác nghệ thuật. Ông cũng yêu cầu minh oan cho tác phẩm của giáo sư Hoàng Tự và của chính mình, kêu gọi tiến hành trọng tân đối với phê bình nghệ thuật. 

Vậy điều gì đang chờ đợi “Minh Phóng” của Lưu Tuyết Am?

Tháng 3 năm 1958, Lưu Tuyết Am bị xếp vào loại “đại hữu phái” và “học giả phản động thuộc giai cấp tư sản”. “Hà nhật quân tái lai” liền bị lôi ra phê phán và trở thành một trong những tội chứng của Lưu Tuyết Am. Vào thời điểm đó, Học viện Sư phạm Nghệ thuật Bắc Kinh, Bộ Văn hóa ĐCSTQ và Hiệp hội Âm nhạc liên tiếp triệu khai hội nghị, nói rằng Lưu Tuyết Am là “địch nhân phản đảng và phản chủ nghĩa xã hội” và một “con rắn độc ẩn trong hàng ngũ cách mạng”, phê phán lý niệm nghệ thuật của ông là “âm mưu phản đảng”. “Nhân dân Nhật báo”, “Bắc Kinh Nhật báo” và các phương tiện truyền thông ngôn luận khác cũng liên tục đưa tin giới nhân sĩ đả kích ông.

Trong bầu không khí khủng bố cực đoan, Lưu Tuyết Am run rẩy, đương nhiên phải viết hàng triệu chữ tài liệu kiểm thảo cho việc này. Lương của ông bị giảm từ giáo sư cấp một xuống cấp sáu, rồi ông bị giáng cấp xuống làm nhân viên dữ liệu trong thư viện, và từ đó bị tước đoạt quyền sáng tác của mình.

Lưu Tuyết Am đã “đi theo đảng” từ thời thanh niên

Tuy nhiên, điều khiến mọi người cảm thấy nực cười và hoang đường là Lưu Tuyết Am, người bị ĐCSTQ gán mác “tối đại phản phái trong giới âm nhạc”, không những không có bất kỳ ngôn luận “phản đảng” nào, mà từ thời thanh niên đã tin nghe theo tuyên truyền hoang ngôn của ĐCSTQ, nhất mực vì ĐCSTQ mà tận tâm nỗ lực.

Dưới đây là một vài ví dụ. Sau “Sự biến ngày 7 tháng 7”, Lưu Tuyết Am trước sau tham gia “Hiệp hội cứu vong giới văn hóa Thượng Hải” và “Hội liên hợp cứu quốc giới văn nghệ Thượng Hải”, cùng Điền Hán, Mặc Mộc Thiên v.v.. gồm các nhân sĩ cánh tả lợi dụng hình thức tuyên truyền nghệ thuật của ĐCSTQ để kháng Nhật. Sau đó, ông còn tự bỏ tiền ra thành lập “Hiệp hội sáng tác ca khúc Trung Quốc”, đặt địa điểm tại chính nhà mình, làm thành cứ điểm cho giới âm nhạc Thượng Hải của ĐCSTQ ẩn náu. Ông sáng tác gần trăm ca khúc kháng chiến, tuyên truyền tư tưởng “Quốc dân đảng không kháng chiến, chỉ có ĐCSTQ mới kháng Nhật”.     

Có thể có nhiều khán giả biết đến vở kịch nói “Khuất Nguyên” do Quách Mạt Nhược, một nhà văn của ĐCSTQ và ông sáng tác. Bạn có biết ai là người đã phối nhạc và sáp khúc cho vở “Khuất Nguyên” không? Chính là Lưu Tuyết Am.

Sau “Sự biến Hoàn Nam” vào thời điểm đó, ĐCSTQ chiến đấu chống Quốc dân đảng (QDĐ) ở Trùng Khánh, đã dùng vở kịch “Khuất Nguyên” để kích động dân chúng thù hận QDĐ và nghiêng về ĐCS. Vì vậy, Lưu Tuyết Am đã sáng tác bất kể ngày đêm, cuối cùng, chỉ trong ba ngày, ông đã sáng tác tất cả phối nhạc và sáp khúc, đồng thời tự mình chỉ huy dàn nhạc biểu diễn. Chủ trương dùng âm nhạc làm vũ khí tuyên truyền cho ĐCSTQ, Lưu Tuyết Am thực sự không tiếc công tiếc sức.

Sau kháng chiến thắng lợi, Lưu Tuyết An tiếp tục giúp đỡ ĐCS và coi QDĐ như kẻ thù. Theo một bài báo được viết bởi tác giả đại lục là Thiết Lưu, khi Lưu Tuyết Am đang giảng dạy tại Học viện Giáo dục Xã hội Tô Châu, ông không chỉ cản trở kế hoạch chuyển đến Đài Loan với QDĐ của nhà trường, mà còn cất giấu bảy thỏi vàng duy nhất của trường và bàn giao nó cho Hội Quân quản của ĐCS.

Điều gì đã xảy ra với Lưu Tuyết Am sau khi ĐCSTQ cướp chính quyền vào năm 1949? Có thể nói, Lưu Tuyết Am quả đã từng có một thời oanh liệt, từng phục vụ trong nhiều trường cao đẳng và đại học như Vô Tích, Giang Tô, Thượng Hải. Ông cũng từng là đại biểu của Đại hội Nhân dân lần thứ nhất của thành phố Vô Tích. Năm 1956, Lưu Tuyết Am được điều đến Bắc Kinh, nơi ông nhậm chức vụ giáo sư và phó viện trưởng tại Đại học Nghệ thuật Sư phạm Bắc Kinh, tiền thân của Nhạc viện Trung Quốc.

Đại Cách mạng Văn hóa diễn ra, Lưu Tuyết Am bị giáng xuống làm lao động

Tuy nhiên, chẳng được bao lâu sau, ĐCSTQ phát động “đấu tranh phản hữu”. Về những gì đã xảy ra với Lưu Tuyết Am, chúng tôi đã nói ở trên. Một vài năm sau, phong trào “đấu tranh phản hữu” kết thúc; khi mà Lưu Tuyết Am tràn đầy hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ “khai ân” với mình, thì Đại Cách mạng Văn hóa bắt đầu.

Tiếng trống của những hồng vệ binh trẻ tuổi được đánh “tùng tùng”, và trái tim của Lưu Tuyết Am cũng đập “thùm thụp” vì căng thẳng. Quả nhiên, “Hà nhật quân tái lai” lại một lần nữa trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng, và Lưu Tuyết Am cũng bị dán mác “lão hữu phái”. Tuy nhiên, Lưu Tuyết Am, người nguyên đang trong cảnh ngộ thê thảm, chỉ vì một chuyện nhỏ mà khiến bản thân và cả gia đình gặp phải tai họa lớn hơn. Ông ấy đã làm gì vậy?

Khi Đại Cách mạng Văn hóa nổ ra, Lưu Tuyết Am đã hơn 60 tuổi, là một người cận thị 2.7 độ, vì vậy ông không nhìn rõ mọi thứ. Một lần khi chép lời bài hát, ông đã vô tình viết “phản đế” thành “Mỹ đế”, chỉ với chút phiền phức đó, ông tức khắc biến thành “phần tử phản cách mạng hiện hành”. Sau đó Lưu Tuyết Am bị lùa vào “chuồng bò”, thường xuyên bị hồng vệ binh đánh cho tơi tả. Khi bị lôi ra diễu phố, trên cổ ông bị treo một tấm biển sỉ nhục bằng sắt nặng hơn 30 ký. Lưu Tuyết Am khuất nhục ê chề, chỉ muốn chết, nhiều lần xuất hiện những hành vi bất thường, nhưng được người vợ Kiều Cảnh Vân phát hiện và can ngăn kịp thời.

Tuy nhiên, cặp đôi trong cơn hoạn nạn này đã không còn cơ hội để cùng nhau bước hết cuộc đời. Nhà văn Thiết Lưu tiết lộ rằng, một đồng nghiệp của Kiều Cảnh Vân đã cố tình đặt tượng Mao Trạch Đông dưới chân bà, sau đó vu hãm bà tội “giẫm đạp lên tượng Mao Chủ tịch”. Bằng cách này, Kiều Cảnh Vân cũng đã trở thành một phần tử “phản cách mạng hiện hành”, bị hồng vệ binh đánh đập dã man, dẫn đến sa tử cung.

Năm 1969, Lưu Tuyết Am bị đưa đến nông trường Quân Khẩn ở Thiên Tân để tham gia cải tạo lao động, Kiều Cảnh Vân đã lê tấm thân bệnh tật đi cùng chồng; sau đó, vì cơ thể bà quá ốm yếu nên phải đưa lên tàu trở về Bắc Kinh để điều trị. Tuy nhiên, vì bà là một phần tử “phản cách mạng hiện hành” nên bệnh viện đã từ chối điều trị cho bà. Sau khi về nhà, Kiều Cảnh Vân đã qua đời vào tháng 11 năm 1971. Khi Lưu Tuyết Am được đưa về nhà từ nông trường Quân Khẩn Thiên Tân vào năm 1975 với đôi mắt gần như mù lòa, ông là người duy nhất còn lại trong gia đình.

Toàn thân bệnh tật, Lưu Tuyết Am được “bình phản”

Vào tháng 3 năm 1979, vấn đề “hữu phái” của Lưu Tuyết Am đã được “sửa chữa”. Lúc này, liệu tình cảnh của ông ấy có được cải thiện không? Không! Bởi vì lúc đó, ca khúc “Hà nhật quân tái lai” và  “Hồng đậu từ” bị định tính là ca khúc “khiêu dâm”. Do chưa được “bình phản” triệt để, nên Lưu Tuyết Am vẫn không thể ngẩng đầu trong xã hội, một số người thậm chí còn không dám qua lại với ông.

Theo hồi ức của Nghê Thụy Lâm, giáo sư tại Nhạc viện Thượng Hải, “Ông ấy mỗi ngày đều ngồi trên một chiếc ghế đặc chế. Chiếc ghế được khoét một cái lỗ để đặt bồn cầu bên dưới. Hai tay vịn của chiếc ghế được chặn bằng một thanh gỗ để tránh cho ông khỏi bị ngã. Vài chiếc bánh hấp được treo trên tay vịn để ông có thể cắn ăn khi đói…”

Vào những năm 1980, khi ca sĩ Đài Loan Đặng Lệ Quân một lần nữa hát ca khúc “Hà nhật quân tái lai”, một đợt chỉ trích mới bắt đầu. Lúc này, Lưu Tuyết Am, người đã trải qua vô số lần bị đả kích, đã là một lão nhân tàn niên như đèn trước gió. Khi ông nằm liệt, phải nhập viện, bệnh viện đã đưa ông vào phòng quan sát với lý do ông là người sáng tác ca khúc “Hà nhật quân tái lai”, để ông nằm đó, kéo dài thời gian nằm viện.

Sau hơn một tháng vật vã, cuối cùng Lưu Tuyết Am cũng được vào phòng bệnh, nhưng cái phòng bệnh này là như thế nào?

Có hai chiếc giường trong một căn phòng nhỏ. Trên một chiếc giường là một bệnh nhân bị nhiễm nấm mốc xanh. Trực khuẩn mốc xanh là gì? Nó là một loại vi trùng rất khủng khiếp, dễ lây lan, khó điều trị và nó gần như sẽ gây tử vong cho người có vết thương. Cơ thể liệt giường của Lưu Tuyết Am nhanh chóng bị nhiễm trùng, khiến tình trạng của ông trở nên xấu đi nhanh chóng. Cuối cùng, vào ngày 15 tháng 3 năm 1985, ông mang theo cuộc đời thống khổ và bi phẫn của mình, vĩnh viễn rời xa nhân thế.

Trớ trêu: Sau khi Lưu Tuyết Am qua đời, “Hà nhật quân tái lai” được giải cấm

Trong những năm 1990, “Hà nhật quân tái lai” dần dần được giải cấm và xuất hiện trên các ấn phẩm Hoa lục. Năm 1999, nhạc sĩ Điền Thanh biên tập “Bài hát cũ”, trong đó bao gồm ca khúc “Hà nhật quân tái lai”, và viết một bài thơ cho Lưu Tuyết Am, tạm dịch như sau:

Tào Tháo nói: “Muốn giải ưu phiền, duy có Đỗ Khang” – chẳng ai ngờ ông đến nỗi thê lương. 

Đông Pha nói “Nhân sinh như mộng, nhất chén hoàn lỗi giang nguyệt” – chẳng ai dám mạ ông bạc nhược. 

Nhưng tại sao ông lại hát một câu: 

“Hoa đẹp chẳng thường khai, cảnh đẹp không thường tại” 

Khiến bị gạt khỏi ca đường? 

Hoang đường, hoang đường, như trò giễu cợt bi thương!

Đúng vậy, người ta rất khó lý giải, tại sao ĐCSTQ lại có thể vì một ca khúc trữ tình, mà tàn hại đến tận cùng một vị thư sinh yếu đuối, người đã trung thành với đảng, trong nỗi cô độc và hận thù? Thực tế là, ĐCSTQ đã lao vào cuộc tận sát theo cách phá hủy sự truyền thừa của nền văn minh Trung Hoa, bẻ gãy xương sống của dân tộc Trung Hoa.

Ngày nay, những người nghe lại “Hà nhật quân tái lai” (Ngày nào chàng trở lại), ngoài việc bị cuốn hút bởi giai điệu xúc động, có lẽ bạn sẽ vì câu chuyện đằng sau nó mà thốt nhiên tỉnh ngộ.

Sau đây là bản dịch ca khúc “Hà nhật quân tái lai” cùng với tiếng hát của danh ca Đặng Lệ Quân, mời các bạn thưởng thức.

Hoa đẹp chẳng thường khai, cảnh đẹp đâu thường tại
Sầu ứa giễu bờ mi, lệ chất chứa tương tư
Đêm nay ly biệt rồi, ngày nào chàng trở lại?
Mời cạn chén ly bôi, mời thưởng chút cơm chay
Nhân sinh mấy khi say, không vui hà cớ đãi
Tới đây nhấp chén này, cạn rồi ta hãy nói
Đêm nay ly biệt rồi, ngày nào chàng trở lại?
Dừng hát hỡi Dương Quan, cùng nâng ly Bạch Ngọc
Lời chắt tự đáy lòng, nao nao bao hoài niệm
Đêm nay ly biệt rồi, ngày nào chàng trở lại?
Mời cạn chén ly bôi, mời thưởng chút cơm chay
Nhân sinh mấy khi say, không vui hà cớ đãi
Tới đây nhấp chén này, cạn rồi ta hãy nói
Đêm nay ly biệt rồi, ngày nào chàng trở lại?

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch