Tào Tháo và Lưu Bị đều là hùng chủ một đời, rất giỏi trong việc chiêu nạp người tài. Tào Tháo nhìn thấy Quan Vũ là một nhân vật kiệt xuất như vậy, làm sao có thể không nảy sinh ý định chiêu mộ cho được?…
Có phải bạn hy vọng có được một thuộc hạ, cho dù là đứng trước cám dỗ của phú quý công danh thì vẫn nghĩ đến chủ cũ của mình, tận tâm tận lực vì sự nghiệp chung không?
Có phải bạn hy vọng có một người anh em, cho dù là bạn mất hết tất cả, người đó vẫn luôn không rời bỏ bạn, vì tình nghĩa thủ túc mà cùng bạn vượt qua sóng gió không?
Thời loạn thế vào cuối nhà Hán đầy rẫy âm mưu tranh đoạt quyền lợi và chiến tranh, người thân sẽ trở mặt, đồng minh sẽ phản bội, nếu như có thể gặp được một anh hùng hào kiệt trung nghĩa vẹn toàn như vậy, là chuyện đáng quý biết bao. Nói đến anh hùng trung nghĩa, đâu thể không nhắc đến Quan Công Quan Vũ nghĩa bác vân thiên, đệ nhất võ tướng của Thục Hán chứ? Sự tích anh hùng của ông từ lâu đã được mọi người biết đến rộng rãi, ví dụ như rượu ấm trảm Hoa Hùng, tam anh chiến Lữ Bố, trảm Nhan Lương diệt Văn Xú, qua năm quan trảm sáu tướng, cạo xương trị độc, nghĩa thích Tào Tháo v.v… tất cả sự tích của ông đều là hình ảnh kinh điển trong lòng những độc giả mê Tam Quốc, tuy nhiên trong đó có một số câu chuyện được lấy từ tiểu thuyết diễn nghĩa. Trong các ghi chép của sử sách, một Quan Vũ chân thực có lẽ sẽ thiếu đi vài phần kịch tính thăng trầm so với tiểu thuyết, nhưng lại khiến cho chúng ta xúc động nhiều hơn.
Lưu – Quan – Trương vườn đào kết nghĩa; Ngô – Thục – Ngụy chưa định giang sơn
Quan Vũ, tự Vân Trường, tên chữ ban đầu là Trường Sinh, ông là người Giải Lương, Hà Đông (nay thuộc Vận Thành, tỉnh Sơn Tây). Không biết vì nguyên nhân gì mà Quan Vũ thay đổi tên, chạy trốn khỏi quê nhà, lưu lạc đến Trác Quận. Đúng lúc quân Khăn Vàng phản loạn, anh hùng nơi đây đang chiêu binh mãi mã, tổ chức nghĩa quân để dẹp loạn. Quan Vũ nghe ngóng được người đứng đầu tổ chức nghĩa quân là Lưu bị, người này tuy rằng gia cảnh bần hàn, nhưng tính cách phóng khoáng cởi mở, thích kết giao anh hùng hào kiệt, các hào kiệt tại đây đều tranh nhau đến góp sức cho Lưu Bị. Bên cạnh nhà Lưu Bị mọc lên một cây dâu tằm cao khoảng năm trượng, có hình dáng trông giống vòm che gắn trên xe (xe ngựa, xe trâu thời xưa), không giống thứ bình thường của nhân gian, người dân địa phương đều nói Lưu gia chắc chắn sẽ có quý nhân phù trợ.

Cùng lúc đó, Quan Vũ lại kết giao được với một anh hùng hảo hán tên Trương Phi, hai người cùng nhau gia nhập vào nghĩa quân của Lưu Bị. Anh em quân thần Lưu – Quan – Trương nổi tiếng nhất Thục Hán đã gặp gỡ lần đầu trong hồng trần loạn thế như vậy. Năm đó, Lưu Bị cũng chỉ mới 24 tuổi, Quan Vũ và Trương Phi lại càng trẻ hơn. Nhưng ba người họ đều là những người có tướng mạo anh vũ xuất chúng, đều có nhiệt huyết lý tưởng muốn góp sức cho đất nước, cùng với chí lớn dựng công lập nghiệp, ba anh em có duyên gặp gỡ, tự nhiên cũng có tình cảm tương thân tương ái, chỉ ước được quen biết sớm hơn.
Trải qua chinh chiến đao binh, vào sinh ra tử có nhau, tình nghĩa giữa ba anh em càng thêm keo sơn gắn bó. Trong quá trình dẹp loạn, Lưu-Quan-Trương ba người liên tục giết địch lập công, Lưu Bị được làm Bình nguyên tướng vào năm Sơ Bình thứ 2 (năm 191), Quan Vũ và Trương Phi đảm nhận chức Biệt bộ tư mã dưới trướng Lưu Bị, mỗi người thống lĩnh một đội quân. Họ không phải chỉ là mối quan hệ giữa chủ tướng và thuộc hạ, mà còn có tình nghĩa thủ túc. Lúc ở doanh trại, họ ngủ chung một giường, thân thiết như anh em. Còn khi ở trước mặt mọi người, Quan Vũ và Trường Phi mỗi người một bên, đứng cạnh Lưu Bị, bảo vệ sự an toàn của Lưu Bị.
Trong phần mở đầu của lịch sử Tam Quốc, căn cơ và sức mạnh của nước Thục là yếu nhất. Lưu Bị gần như là khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, lại nhiều lần nhờ cậy quân phiệt, bại trận tháo chạy, nhưng sự thành công của ông cũng mang tính khích lệ nhất. Lưu Bị có thể từng bước mở rộng lãnh thổ, xưng vương xưng đế, ngoài tài chí mưu lược và ý chí kiên định bất khuất của bản thân ra, không thể không kể đến sự phò tá của Quan Vũ và Trương Phi với lời thề sống chết có nhau.
Trong sử sách không để lại ghi chép nào liên quan đến chiến công của Quan Vũ trong thời kỳ đầu, nhưng uy danh chiến thần vô địch của ông đã được lan truyền khắp các lộ chư hầu. Nếu như lấy một nhân vật lịch sử để ví khả năng chiến đấu của Quan Vũ, vậy người đó nhất định là dũng tướng Hạng Vũ của thời kỳ Sở Hán. Điều trùng hợp là tên của cả hai đều giống nhau đến vậy. Hạng Vũ từng nói muốn học bản lĩnh “vạn nhân địch”, còn trong Quan Vũ bổn truyện của “Tam Quốc Chí”, tác giả Trần Thọ cũng ca ngợi Quan Vũ là “vạn nhân chi địch, vi thế hổ thần”, câu này muốn nói rằng Quan Vũ có sức mạnh một người chống lại vạn người, là hổ thần của một thời.
Các nhân sĩ quan trọng của hai nước lớn Ngụy và Ngô cũng đánh giá rất cao về khả năng tác chiến của Quan Vũ. Ví dụ như Quách Gia, Trình Dục, Phó Can của nước Ngụy đều cho rằng Quan Vũ dũng mãnh thiện chiến, xứng với danh xưng “vạn nhân chi địch”. Từ Chu Du, Lã Mông cho đến Lục Tốn của nước Ngô đều nhận định Quan Vũ là võ tướng dũng mãnh, anh hùng đương thời.
Đến năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Lưu Bị gặp phải một bước ngoặt trong giai đoạn đầu xây dựng đại nghiệp. Vì “mật chiếu trong đai áo” bị tiết lộ, Tào Tháo đích thân đem quân đi chinh phạt Lưu Bị, Lưu Bị sau khi bại trận đã chạy đến chỗ Viên Thiệu để lánh nạn, còn Quan Vũ thì bị Tào Tháo bắt sống. Vì xuất phát từ tấm lòng yêu mến, thương tiếc nhân tài, Tào Tháo đối đãi với Quan Vũ cực kỳ tốt, dùng mọi cách để Quan Vũ quy thuận mình. Đây có lẽ là sự thử thách về lòng trung nghĩa đầu tiên mà vận mệnh đưa ra cho Quan Vũ.
Quan Vũ: Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán; Ngọc vàng không mua nổi nghĩa nhân
Từ lúc tham gia vào nghĩa quân cho đến thời điểm phải làm môn khách bất đắc dĩ dưới trướng của Tào Tháo, Quan Vũ đã đi theo Lưu Bị xây dựng cơ nghiệp được 16 năm. Trải qua sự rèn luyện trong 16 năm đó, Quan Vũ từ một tráng niên lần đầu bước chân vào giang hồ, đã trở thành một vị đại tướng trải qua hàng trăm trận chiến. Trên khuôn mặt thanh xuân ngày nào, giờ đây cũng đã in hằn sương gió, dấu ấn sa trường như khắc thêm vẻ uy nghiêm, chững chạc. Không biết từ khi nào Quan Vũ bắt đầu để râu dài, còn thường xuyên tự hào về bộ râu đẹp của mình. Vậy còn sự nghiệp mà ba anh em cùng nhau gây dựng thì sao? Trong suốt 16 năm qua, họ chưa từng lập được công trạng gì, chưa chiếm được một tấc đất nào cả, mà giờ đây anh em thất lạc, sống chết chưa hay.

Quan Vũ lúc này chỉ có thể vuốt râu than thở, trời đất tuy rộng lớn, nhưng huynh đệ họ lại không có chỗ để đứng. Không biết Lưu Bị và Trương Phi đang ở nơi đâu, bản thân rơi vào Tào doanh, phải làm sao để thoát thân? Nếu như trong tình huống bình thường, với sự dũng mãnh của Quan Vũ, cho dù là vệ sĩ tầng tầng lớp lớp đi nữa, ông vẫn có thể rời đi một cách dễ dàng. Nhưng bản tính của Quan Vũ là xem trọng nghĩa khí, đã chịu ơn là phải trả, nếu như Tào Tháo dùng vũ lực, quyền thế để bức ép ông thì không nói làm gì, nhưng Tào Tháo đối với ông vô cùng ân cần, vừa tiệc tùng ban thưởng, vừa phong tướng phong hầu, khiến Quan Vũ không thể nào cứ như vậy mà bỏ đi cho được.
Tào Tháo và Lưu Bị đều là hùng chủ một đời, rất giỏi trong việc chiêu nạp người tài. Tào Tháo nhìn thấy Quan Vũ là một nhân vật kiệt xuất như vậy, làm sao có thể không nảy sinh ý định chiêu mộ cho được? Hơn nữa, tình nghĩa quân thần sống chết không thay đổi của ba anh em Lưu-Quan-Trương, làm sao có thể không khiến người ta không khao khát chứ? Công danh, quyền lực, của cải vật chất, tất cả những thứ mà người đời theo đuổi, Tào Tháo có thể cho được thì đều đã cho hết rồi, nhưng Quan Vũ đã nhận ơn nghĩa của Lưu Bị trước, tuyệt đối không thể vì ân huệ nhất thời của Tào Tháo mà rung động.
Tuy nhiên, ngàn vàng dễ khước từ, ơn nặng khó báo đáp. Chí lớn và phong độ của Tào Tháo cũng khiến Quan Vũ rất bội phục. Khi Tào Tháo phái đại tướng Trương Liêu đi thăm dò tâm ý của Quan Vũ, Quan Vũ lại thở dài một tiếng, đáp rằng: “Tôi biết là Tào công đối đãi với tôi rất tốt, nhưng tôi đã nhận đại ân của Lưu tướng quân, đã thề cùng anh tôi đồng sinh cộng tử, tôi quyết không thể phản bội anh tôi”, ông còn bổ sung thêm một câu: “Tôi dù sao sẽ không ở lâu nơi này, đợi tôi lập công báo đáp Tào công thì sẽ rời đi”.
Trương Liêu và Quan Vũ vốn là bạn tốt của nhau, nghe Quan Vũ nói lời này cũng vô cùng khó xử. Nếu như báo cáo đúng như sự thật, sợ rằng Tào Tháo sẽ có ý giết Quan Vũ, nếu như không nói sự thật, lại sợ làm trái đạo quân thần. “Tào công là chúa công, Quan Vũ là anh em”, cuối cùng Trương Liêu quyết định lấy đại nghĩa quân thần làm trọng, bẩm báo với Tào Tháo đúng như sự thật. Tào Tháo nghe xong, ông chân thành khen ngợi danh tướng của kẻ địch: “Dốc sức cho ta nhưng không quên bổn phận của mình, quả đúng là thiên hạ nghĩa sĩ!”.

Lại nói, Quan Vũ nhanh chóng chờ được cơ hội báo đáp Tào Tháo. Bá chủ phương Bắc lúc bấy giờ là Viên Thiệu, Viên Thiệu phái đại tướng Nhan Lương bao vây thái thú Đông Quận tại Bạch Mã. Tào Tháo liền phái Trương Liêu và Quan Vũ thống lĩnh quân tiên phong ra ứng chiến. Trong lúc hai bên hỗn chiến, Quan Vũ đứng lên lưng ngựa nhìn về phía xa, bên trong nhiều vòng vệ sĩ của quân địch, có một chiến xa to lớn được che bằng lọng dù hoa lệ vô cùng nổi bật, đó chính là chiến xa của Nhan Lương. Sau khi phát hiện mục tiêu, Quan Vũ quất ngựa phi lên phía trước, xông thẳng đến chỗ của Nhan Lương. Các tướng sĩ trong đội quân của Viên Thiệu đều không kịp ngăn cản sự tấn công bất ngờ của Quan Vũ, ngược lại còn giống như tảng đá bị sóng đánh vỡ nứt ra, bị Quan Vũ lao tới mở ra một con đường. Vị mãnh tướng này bỗng chốc xông đến trước mặt Nhan Lương, tay cầm trường đao đâm thẳng về phía trước nhanh như một tia chớp.
Nhan Lương đâu ngờ rằng Quan Vũ lại dũng mãnh đến vậy, bản thân bị tấn công bất ngờ, không kịp trở tay, họ Nhan vẫn chưa kịp rút binh khí ra đã bị Quân Vũ đâm một nhát đao ngã ngựa.
Nhan Lương là một đại tướng dũng mãnh nhất ba quân, lập được chiến công hiển hách dưới trướng của Viên Thiệu, nhưng lại bị Quan Vũ một chiêu áp chế, hoàn toàn không có sức để đánh trả. Quan Vũ muốn tốc chiến tốc thắng, sau khi xuống ngựa lại chém một nhát đao xuống, lấy được thủ cấp của Nhan Lương, ông cầm đao nhảy lên ngựa, phi điên cuồng xông ra khỏi vòng vây của địch. Sĩ khí quân Tào dâng cao, họ thừa thắng xông lên, quân Viên Thiệu bại trận như núi đổ.
Quan Vũ lập được công lớn, giải vây cho Bạch Mã, nhưng Tào Tháo lại có muôn vàn cảm xúc lẫn lộn. Ông biết rõ sau khi Quan Vũ báo ơn xong chắc chắn sẽ rời đi, vì vậy đã ban thưởng gấp bội, cố sức để níu giữ Quan Vũ. Nhưng Quan Vũ lại hoàn trả hết toàn bộ của cải, đồng thời hai tháng sau, khi nhận được tin tức chính xác của Lưu Bị, Quan Vũ chỉ để lại một lá thư, quyết định rời khỏi Tào doanh, chạy đến doanh trại của Viên Thiệu, nơi mà Lưu Bị đang nương dựa. Vì chém chết Nhan Lương, nên Quan Vũ đã trở thành kẻ thù của quân Viên Thiệu, nhưng ông không nghĩ đến an nguy của bản thân mình, quyết lao vào nơi nguy hiểm để được đoàn tụ với anh mình. Quan Vũ vì trung nghĩa mà đến, từ lâu đã xem nhẹ sống chết của bản thân rồi.
[Còn tiếp…]
>> Xem trọn bộ Trung Nghĩa Truyện
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch