Mục lục bài viết
Ở tập 1, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã làm sáng tỏ vài vấn đề trong giáo dục lịch sử Trung Quốc, trong đó vấn đề lớn nhất chủ yếu chính là giáo dục lịch sử ở Đại lục không có cách nào thoát khỏi cái khung của chủ nghĩa duy vật.
- Trọn bộ Trung Hoa văn minh sử
Tiếp đến, Giáo sư Chương thuận tiện sáng tỏ lời nói dối lớn nhất trong giáo dục lịch sử của ĐCSTQ, chính là: đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của lịch sử, là nguyên nhân của ‘cải triều hoán đại’.
Trên thực tế, tuy Mao Trạch Đông là một nông dân, nhưng trong quá trình cướp đoạt chính quyền Trung Quốc cũng không hoàn toàn là nông dân tạo phản. Mao Trạch Đông nói: “Tiếng pháo báo hiệu Cách mạng tháng Mười đã đưa chủ nghĩa Mác đến cho chúng ta”.
ĐCSTQ là Chi bộ Cộng sản quốc tế thứ ba của Liên Xô, họ ‘cầm’ người và súng của Liên Xô, lấy tiền của Liên Xô, cố vấn của Liên Xô, sau đó mới kiến lập chính quyền. Do đó ĐCSTQ ‘mỗi lần cải triều hoán đại đều do nông dân tạo phản’ là một sai lầm trong giáo dục lịch sử ở Trung Quốc.
Trong tập 2 này, Giáo sư Chương lại giảng về một vấn đề khác liên quan đến văn minh tiền sử.
Nghiên cứu văn minh tiền sử để chứng minh: Thuyết Tiến hoá là sai lầm
Về vấn đề này, có người sẽ thắc mắc: ‘Đây chẳng phải giảng về lịch sử văn minh Trung Hoa sao? Dù thế nào cũng phải đợi đến khi Trung Hoa tiến nhập vào nền văn minh thì mới giảng về lịch sử’. Nhưng trên thực tế, Giáo sư Chương thấy rằng văn minh nhân loại không chỉ là một lần. Thuyết tiến hóa nói rằng văn minh nhân loại này chỉ có một lần, từ khỉ biến thành người.
Nhưng khi mọi người thực sự thấy được một vài di tích còn lưu lại trên Địa cầu, người ta sẽ hoài nghi lịch sử nhân loại không chỉ là một lần. Hơn nữa văn minh tiền sử lưu lại rất nhiều tín tức (thông tin) vô cùng quan trọng cho chúng ta. Đây chính là lý do vì sao Giáo sư Chương muốn giảng về văn minh tiền sử.

Những gì chúng ta nhìn thấy ở trên là một vài di tích văn minh tiền sử, chúng đều là kiến trúc đá lớn (cự thạch). Những kiến trúc đá lớn này, nó hoàn toàn không phải dùng khoa học kỹ thuật hiện đại mà có thể xây dựng được. Nói như con người hiện tại, họ dùng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất cũng không tạo ra được một kim tự tháp như thế này.
Con người dùng khoa học kỹ thuật hiện tại không cách nào tạo dựng được một thành cổ ở Nam Mỹ như thế này, bởi vì người ta dùng thiết bị tiên tiến nhất cũng không cắt được loại đá xây ở đó. Phần này sẽ được nói kỹ hơn ở sau.
Giáo sư Chương đưa ra những di tích này là muốn nói với mọi người, những di tích này: thứ nhất nó là chân thật, thể kiểm chứng; thứ hai nó không phải là ngụy tạo (làm giả).
Vì dùng khoa học kĩ thuật hiện đại cũng không thể chế tạo ra nó được, cho nên chúng ta không thể không cho rằng trước nền văn minh lần này, nhân loại đã từng xuất hiện nền văn minh phát triển cao độ.
Vậy thì tại sao nền văn minh phát triển cao độ này không thấy nữa? Giáo sư Chương giải thích rằng, đây chính là vấn đề chúng ta khám phá trong trong loạt bài giảng này.
Giáo sư Chương chia sẻ, văn minh tiền sử có một chỗ rất khó, chính là nghiên cứu những điều này thời ấy rốt cuộc là như thế nào? Trong khi đó, phương diện mà hiện nay đang khảo cứu, dẫn chứng… còn tồn tại rất nhiều điểm hoài nghi. Và khi nghiên cứu lịch sử, cách nhìn mỗi cá nhân không giống nhau. Mục đích của họ cũng không giống nhau.
4 mục đích nghiên cứu lịch sử
Nhân tiện nói về mục đích nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương đã chia sẻ như rằng, mục đích này sẽ quyết định phương pháp và góc độ mà người ấy nghiên cứu lịch sử.
ĐCSTQ rất chú trọng nghiên cứu lịch sử. Nhiều người sẽ bất ngờ khi Giáo sư Chương nói về điều này, đồng thời cảm thấy ‘ĐCSTQ chẳng phải nhất mực phủ định lịch sử và phá hoại lịch sử hay sao?’.
Giáo sư Chương nhìn nhận, mục đích nghiên cứu lịch sử của họ không phải vì muốn tìm hiểu diện mục chân thật của lịch sử, mà là hy vọng có thể trong lịch sử mà tìm thấy sử liệu chứng minh, biện hộ tính hợp pháp của chính quyền, chính là nói họ ‘đoạn chương thủ nghĩa’ đối với lịch sử. Giáo sư Chương có thể lấy 2 ví dụ để mọi người thấy được ĐCSTQ coi trọng nghiên cứu lịch sử.
Ví dụ thứ nhất nói về thích Thích Bản Vũ – thành viên trong tiểu tổ (nhóm nhỏ) CMVH Trung ương của ĐCSTQ. Ông là một nhân vật quan trọng trong thời kỳ CMVH. Thích Bản Vũ dựa vào điều gì để được Mao Trạch Đông coi trọng? Bởi vì ông ấy đã viết một bài văn, cũng chính là một quyển sách nhỏ có tên là ‘Nghiên cứu lịch sử vì cách mạng’.

Sau này, khi bắt đầu Đại cách mạng văn hóa của Trung Quốc, đây cũng là lúc xảy ra một lần tranh luận trong giới lịch sử. Bởi lúc ấy Diêu Văn Nguyên – một trong Bè lũ bốn tên, đã viết một bài có tên là “Phê bình vở kịch lịch sử tân biên ‘Hải Thụy bãi quan'”.
Đối tượng mà Diêu Văn Nguyên tranh luận khi đó là chuyên gia về lịch sử triều Minh có tên Ngô Hàm. Kỳ thực, Ngô Hàm cũng không phải là người tốt. Khi ông phản cánh hữu đã chỉnh trị Chương Bá Quân, La Long Cơ rất tàn khốc, bao gồm bức tường Bắc Kinh bị huỷ nát triệt để cũng là do Ngô Hàm hạ lệnh…
Trên bề mặt, Ngô Hàm là một nhà lịch sử, nhưng thực tế là một người phá hoại lịch sử Trung Quốc. Đương nhiên, Diêu Văn Nguyên (người chỉnh trị ông ta) cũng không phải người tốt.
Dù thế nào, điều Giáo sư Chương muốn nói là ‘ĐCSTQ rất coi trọng nghiên cứu lịch sử Trung Quốc’, bởi vì điều này có thể biện hộ cho tính hợp pháp của việc chấp chính của tổ chức này.
Quay lại vấn đề nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương cho rằng có 4 mục đích khác nhau.
Thứ nhất là nghiên cứu lịch sử rốt cuộc như thế nào, đây là facts (sự thật) của lịch sử, chân tướng của nó như thế nào.
Thứ hai là nghiên cứu lịch sử ‘vì sao lại như vậy’, rốt cuộc nguyên nhân gì tạo thành sự việc này phát sinh ở hiện tại, hoặc là xuất hiện kết quả như thế này thế kia trong lịch sử. Đây là nghiên cứu ‘why’, tức vì sao như vậy.
Còn có một số người, họ nghiên cứu lịch sử là vì muốn đắc được một loại trí huệ hoặc một loại tinh thần từ trong lịch sử. Đây là điều thứ ba.
Ở trong phần trước, Giáo sư Chương đã giảng qua rằng, giáo dục đại học, cao đẳng ở Mỹ rất chú trọng truyền thừa ‘tinh thần nhân văn’ – Humanity. Vậy thì đối với văn hóa Trung Quốc hay là văn hóa dân tộc bất kỳ, sự truyền thừa qua các thời đại đều có một mắt xích không thể thiếu, chính là giáo dục lịch sử có thể chắt lọc tinh thần của một dân tộc từ lịch sử.
Nếu người ta nghiên cứu lịch sử chỉ chú trọng những thứ ‘lông gà vỏ tỏi’ (chuyện vặt vãnh), hoặc những sự thật lịch sử vụn vặt, thì Giáo sư Chương cũng không phản đối. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua ‘lịch sử tổng thể’, hoặc ‘bức tranh toàn cảnh’ – whole picture, chính là lịch sử quan to lớn, vậy thì chúng ta có thể đã bỏ lỡ điều vô cùng quan trọng trong lịch sử.
Có người nghiên cứu sử, mong muốn giống như Tư Mã Thiên: “Nghiên cứu quan hệ Trời – người, thông tỏ biến hoá cổ kim, thành bộ sử quan riêng mình” (Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn), sau đó từ lịch sử mà chắc lọc ra một loại tinh thần để tiếp tục kế thừa. Mục đích của loại nghiên cứu này rất thường thấy.
Giáo sư Chương nhắc lại 3 mục đích của nghiên cứu lịch sử: Thứ nhất, nó là cái gì; thứ hai, vì sao lại như vậy; thứ ba, chắt lọc một loại trí huệ.
Còn một mục đích thứ tư rất ít thấy, cũng là điều Giáo sư Chương đề xuất, đó chính là: nghiên cứu ‘như thế để làm gì’.
Điều này nói ra có vẻ trừu tượng. Do đó, đầu tiên chúng ta giải thích đơn giản về ba mục đích đầu, như thế mới có thể biết được mục đích thứ tư rốt cuộc là gì.
Thứ nhất: nghiên cứu ‘đây là cái gì’
Nghiên cứu ‘bản lai diện mục’ của lịch sử, sự việc này người ta không quá coi trọng vào thời cổ Trung Quốc, đặc biệt là trước triều Minh. Mãi cho đến triều Thanh mới xuất hiện ‘phác học’ (thực hành học thuật). Nhân sự việc này, Giáo sư Chương thuận tiện giảng một chút về đặc điểm văn hóa Trung Quốc, chính là: mỗi lần cải triều hoán đại, thì hình thức văn hoá đều phát sinh biến hoá quan trọng.
Lấy hình thức văn học làm ví dụ. Ví như nói thời Xuân Thu là ‘Kinh Thi’, thời Chiến Quốc ‘Sở từ’, thời Hán là ‘phú’, sau đó đến Nguỵ – Tấn Nam Bắc triều là ‘Biền văn’ (văn biền ngẫu), đến triều Đường là ‘Thi’ (thơ), triều Tống là ‘Từ’, triều Nguyên là ‘Khúc’, đến triều Thanh thì xuất hiện ‘Tiểu thuyết’. Chính là mỗi lần ‘cải triều hoán đại’, mọi người sẽ phát hiện rằng hình thức văn học sẽ phát sinh thay đổi.
Tương tự, mỗi lần cải triều hoán đại, triết học Trung Quốc cũng phát sinh biến hoá. Thời Tiên Tần gọi là ‘Tử học’ – học vấn chư tử thời Tiên Tần; Lưỡng Hán là ‘Kinh học’ – nghiên cứu kinh điển Nho gia; Nguỵ – Tấn là ‘Huyền học’ – nghiên cứu 3 quyển ‘Lão Tử’, ‘Trang Tử’ và ‘Chu dịch’; đến Tuỳ – Đường là ‘Phật học’, nghiên cứu Phật học thời Tuỳ – Đường đạt được thành tựu rất lớn; đến thời Tống là ‘Lý học’, Lý học thời Tống chính là Lý học của Chu Hy; đến thời Minh là ‘Tâm học’ của Vương Dương Minh; đến thời Thanh gọi là ‘Phác học’. Phác học còn gọi là ‘Khảo cứ học’, cũng chính là ‘tìm tòi nghiên cứu’ (tham cứu) một vài kinh điển, để xem ý nghĩa của nó rốt cuộc là gì.
Ví như từ phương diện ‘âm vần’, ‘giải nghĩa từ trong sách cổ’ mà nghiên cứu thảo luận ý nghĩa của kinh điển Nho gia. Nghiên cứu Phác học giống như triết học gia Đái Chấn rất có tính đại biểu. Nói cách khác, Trung Quốc từ nhà Thanh trở đi thì bắt đầu xem trọng nghiên cứu sự thật lịch sử, lịch sử này rốt cuộc như thế nào.
Thứ hai: nghiên cứu ‘vì sao lại như vậy’
Có người nghiên cứu lịch sử với mục đích thứ hai: vì sao lại như vậy, chính là cùng một sự kiện xảy ra nhưng những người khác nhau sẽ có những cách giải thích khác nhau.
Giải thích nguyên nhân Minh triều diệt vong
Từ góc độ kinh tế
Đơn cử như sự diệt vong của triều Minh, rốt cuộc vì sao triều Minh diệt vong. Sự việc này có người giải thích từ góc độ kinh tế, họ nghiên cứu về vấn đề ăn mặc, chi tiêu, nghiên cứu những chính sách kinh tế, tiền tệ v.v. Họ cho rằng triều Minh diệt vong là do kinh tế sụp đổ, bởi vì vào cuối triều Minh xuất hiện ‘thiếu bạc’ (ngân hoang – 銀荒). ‘Ngân hoang’ là gì?
Trong những năm Vạn Lịch triều Minh, Trương Cư Chính nắm quyền đã tiến hành một số cải cách, chính là lấy bạc trắng làm tiền tệ để thu thuế.
Thời ấy chính vào lúc hàng hải phát triển, ở Nam Mỹ đã khai quật được một lượng lớn bạc trắng, sau đó vận chuyển đến Trung Quốc, đồng thời Nhật Bản cũng khai quật lượng lớn bạc trắng rồi vận chuyển đến Trung Quốc. Do đó, một lượng lớn bạc đã nhập khẩu vào Trung Quốc trong những năm Gia Tĩnh. Sau này, bạc trở thành tiền tệ chính vào cuối nhà Minh.
Kết quả đến cuối triều Minh, Nhật Bản ngừng xuất khẩu bạc trắng, đồng thời sự trỗi dậy của Anh Quốc và Hà Lan đã thay đổi cục diện mậu dịch toàn cầu, cho nên rất nhiều bạc trắng không không nhập vào Trung Quốc từ Nam Mỹ nữa. Điều này dẫn đến việc khô kiệt tài chính vào cuối triều Minh, quốc gia đã không có tiền.
Nhưng triều Minh không có tiền lại còn muốn đánh trận. Với ‘3 trận đánh lớn những năm Vạn Lịch’ (Vạn Lịch tam đại chinh), triều đình chỉ còn cách bóc lột bách tính để phục vụ cho cuộc chiến, sau đó người dân không chịu được bèn tạo phản. Đây là đứng trên góc độ kinh tế để giải thích vì sao triều Minh diệt vong.
Từ góc độ khí hậu
Cũng có người nói Minh triều diệt vong không phải là do bạc trắng, mà là do khí hậu không tốt. Bởi vì theo khảo chứng của các học giả, Trung Quốc đã từng xuất hiện 4 lần thời kỳ tiểu băng hà. Thời kỳ tiểu băng hà chính là nhiệt độ đột nhiên hạ thấp, dẫn đến nông nghiệp không tốt, nông nghiệp không tốt khiến người dân không có gì ăn, đành phải tạo phản.
Trong lịch sử, Trung Quốc từng trải 4 lần thời kỳ tiểu băng hà.
+ Lần thứ nhất là từ cuối thời Ân Thương đến đầu Tây Chu, cũng là thời điểm cải triều hoán đại.
+ Lần thứ hai là từ giặc Khăn vàng tạo phản đến khi Tây Tấn thống nhất, chính là xuất hiện vào thời kỳ Tam quốc, cũng là trong những năm chiến loạn vô cùng ác liệt.
+ Lần thứ ba là xuất hiện vào khoảng thời gian từ cuối nhà Đường đến Ngũ đại Thập quốc, Hoàng Sào tạo phản. Thời kỳ Ngũ đại Thập quốc cũng là hỗn loạn liên miên, đến những năm đầu thời Bắc Tống mới kết thúc thời kỳ tiểu băng hà.
+ Lần thứ tư là vào cuối triều Minh.
Mỗi lần xuất hiện thời kỳ tiểu băng hà, nông nghiệp giảm sút, chính là lúc địa khu Trung Nguyên rơi vào chiến loạn. Do đó có người thuyết minh rằng, Minh triều diệt vong là do ảnh hưởng của thời kỳ tiểu băng hà. Đương nhiên điều này nói ra cũng có lý.
Từ góc độ chính trị
Cũng có người nói Minh triều diệt vong là do nguyên nhân chính trị, Hoàng đế bỏ bê triều chính. Giống như Hoàng đế Gia Tĩnh có 20 năm không lên triều, Hoàng đế Vạn Lịch cũng có 31 năm không lên triều, sau này có Hoàng đế Thiên Khải cũng bỏ bê triều chính để rồi đại quyền rơi vào tay Nguỵ Trung Hiền.
Hoàng đế không quản việc, không quản việc đến mức độ nào? Hoàng đế không quản việc nhậm chức của các quan viên từ trung ương đến địa phương, tạo thành việc sau năm thứ 13 Vạn Lịch triều Minh, 13 vị trí Tuần hành Ngự sử thì thiếu 9; trải qua 3-4 năm tiếp nữa, Lục Bộ Thượng thư (Sử Hộ Lễ Binh Hình Công) thì chỉ còn lại 1 Bộ. Hoàng đế cũng bỏ bê việc bổ nhiệm các quan viên, bỏ bê triều chính đến độ vô cùng nghiêm trọng.
Thêm vào đó là cuộc chiến giữa các băng đảng trong triều đình, những người của Đông Lâm đảng đấu đá với các băng đảng khác như Chiết đảng, Sở đảng, Tuyên đảng, Yêm đảng. Sau đó còn mối lo về thuế khai khoáng, ‘Vạn Lịch tam đại chinh’, sự trỗi dậy của người Mãn Châu.
Dù sao, tổng kết lại có các nguyên nhân chính trị, bao gồm vấn đề tính cách của Sùng Trinh, chồng chất lên nhau, cuối cùng dẫn đến Minh triều diệt vong.
Đương nhiên, điều này cũng có ý nghĩa, mỗi người khi giải thích Minh triều diệt vong đều có thể đưa ra cách nhìn nhận từ các lĩnh vực. Đây là điều thứ hai của việc nghiên cứu lịch sử: Vì sao lại như vậy.
Ví như nói, triều Minh vì sao diệt vong? Vì sao phải nghiên cứu điều đó? Có người nói rằng, Minh triều diệt vong là do nguyên nhân thế này thế kia. Vậy thì, nếu bỏ những nguyên nhân đó, triều Minh có diệt vong? Đương nhiên mục đích của người nghiên cứu không phải là nói triều Minh không diệt vong (vì Minh triều diệt vong đã là sự thật), mà là vì muốn nghiên cứu để tiếp thu bài học giáo huấn từ lịch sử.
Rất điển hình là ‘Tư trị thông giám’ của Tư Mã Quang thời Bắc Tống. Ông bắt đầu nghiên cứu từ giai đoạn Tam gia phân Tấn năm 403 TCN đến khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận đăng cơ, với tổng thời gian là 1362 năm. Ông làm vậy để làm gì? Mục đích của ông nghiên cứu lịch sử là: cung cấp kinh nghiệm trị quốc cho Hoàng đế. Đây là lý do vì sao Hoàng đế Tống Thần Tông tặng cho cuốn biên niên sử này cái tên ‘Tư trị thông giám’, bởi vì nó có tác dụng ‘mượn gương soi mình’ vô cùng quan trọng trong việc trị lý quốc gia. Đây cũng là mục đích thứ hai của nghiên cứu lịch sử: vì sao lại như vậy với mục đích làm bài học cho hậu nhân.
Thứ ba: nghiên cứu lịch sử để chắt lọc một loại trí huệ hoặc tinh thần
Mục đích thứ ba của nghiên cứu lịch sử là rút ra những giá trị tinh thần, giá trị quan này truyền thừa qua các thời đại là vô cùng quan trọng. Loại truyền thừa vượt qua thời đại này dựa vào giáo dục, mà giáo dục lịch sử là một mắt xích không thể thiếu.
Trong lịch sử Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều nhân vật vĩ đại như Lão Tử, Khổng Tử, Tôn Tử… họ lưu lại rất nhiều trí huệ. Còn có một số nhân vật lưu lại rất nhiều giá trị Trung Nghĩa khiến chúng ta ngày nay vẫn vô cùng cảm động như Nhạc Phi, Văn Thiên Tường v.v. Khi chúng ta học lịch sử, nếu có thể học được những giá trị này, hơn nữa còn có thể tiếp tục truyền lại, thì đây là đảm bảo quan trọng để cho dân tộc dựa vào nhằm sinh tồn và phát triển.
Khái niệm vong quốc, vong thiên hạ
Giáo sư Chương chia sẻ rằng, phần tử tri thức thời Trung Quốc cổ đại có cách nói về: ‘vong quốc và vong thiên hạ’.
‘Vong quốc’ là gì? Chính là một vương triều diệt vong, thay đổi Hoàng đế, từ họ Lưu chuyển sang họ Tào, từ họ Chu chuyển sang họ Ái Tân Giác La v.v. đây gọi là ‘vong quốc’, mỗi nhà một họ, vương triều của họ nào đó kết thúc gọi là ‘vong quốc’.
Đối với các phần tử trí thức, họ thông thường không quan tâm đến vong quốc. Đương nhiên sau triều nhà Minh, có thể một số phần tử tri thức rất chú trọng đến khí tiết sau khi vương triều diệt vong. Nhưng từ thời nhà Minh trở về trước, đối với vong quốc, các phần tử tri thức cho rằng: chỉ cần văn hoá không suy vong, đạo của Khổng Mạnh (Khổng Tử, Mạnh Tử) vẫn còn, thì phần tử tri thức có thể sử dụng lý giải của đạo Khổng Mạnh để giáo hoá người thống trị của vương triều mới, để người thống trị tiếp tục sử dụng bộ phương pháp ‘Nhân chính’ (仁政: trị quốc bằng Nhân ái) để trị quốc.
Nhưng đối với phần tử trí thức mà nói, thì ‘vong thiên hạ’ là điều mà họ không thể chịu được.
Chúng ta biết rằng người Trung Quốc có câu: “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” (Thiên hạ hưng vong, người bình thường cũng có trách nhiệm), chứ họ không nói là “quốc gia hưng vong”. Trong quá khứ, cách nói “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” là cách truyền đạt nhầm lẫn, nguyên gốc thật sự là: thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.
“Vong thiên hạ” là gì? Chính là một xã hội không còn đạo đức nữa, ‘dẫn thú ăn người’ (ý nói chính quyền chuyên chế đàn áp nhân dân như thời tín đồ Cơ Đốc bị bức hại), đạo đức đã băng hoại rồi. Đây gọi là ‘vong thiên hạ’.
Dưới tình huống này, phần tử tri thức có nghĩa vụ đứng lên, sau đó đem truyền thống đạo đức truyền thừa lại, mới có thể khiến giá trị đạo đức kế thừa tiếp tục. Đây là trách nhiệm của phần tử tri thức.
Do đó có người nghiên cứu lịch sử là để chắc lọc ra những giá trị tinh thần như thế này, giống như trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết : “Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn” (nghiên cứu mối quan hệ Trời – người, tức thông tỏ biến hoá cổ kim, để thành một bộ góc nhìn lịch sử cho riêng mình), đem trí huệ này bảo lưu tiếp tục.
***
Mục đích thứ tư, cũng là điều mà Giáo sư Chương đề xuất chính là: nghiên cứu lịch sử ‘như thế để làm gì’. Quay lại vấn đề Minh triều diệt vong, có người đứng từ góc độ khác nhau để nghiên cứu, nhưng Giáo sư Chương còn phát hiện ra một điểm có thể nói là ‘mật mã của lịch sử’ chính là: Minh triều diệt vong là do an bài. Rốt cuộc sự thể ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(Dựa trên bài giảng Trung Hoa văn minh sử tập 2 của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên trang Thành trì hy vọng)