Mục lục bài viết
‘Trung Hoa văn minh sử’ là loạt bài lịch sử quy mô lớn thứ hai của Giáo sư Chương Thiên Lượng sau loạt bài ‘Tiếu đàm phong vân’ (Phiên bản tiếng Việt của Phần 1: Đông Chu liệt quốc là Phong vân mạn đàm).
‘Trung Hoa văn minh sử’ chủ yếu dựa trên nội dung bài giảng của Giáo sư Chương Thiên Lượng ở Đại học Phi Thiên, lấy phần phù hợp với đại chúng để thực hiện loạt này. Khoảng giữa năm nay 2022, loạt bài này sẽ chuyển thể thành sách điện tử từ video các bài giảng.
Giáo sư Chương từng chia sẻ rằng, loạt bài ‘Trung Hoa văn minh sử’ là kết tinh mười mấy năm, gần 20 năm nghiên cứu văn minh Trung Hoa, có rất nhiều tư tưởng và giải thích trong đó, cho nên rất đáng xem.
Loạt bài này được đăng trên trang mạng thành viên của Thành trì hy vọng, do đó để xem được cần phải biết tiếng Trung và trả phí.
May thay, trong 72 tập, Giáo sư Chương đã trích ra 15 tập gắn chữ ‘miễn phí’, mọi người chỉ cần có email là vào xem được. Điều này tương đương với việc Giáo sư Chương tặng 15 tập này cho khán giả. Giáo sư Chương đã tặng, vậy thì chúng ta xin nhận và gửi lời cảm ơn chân thành đến Giáo sư Chương.
Trong 15 tập miễn phí đó chia làm 2 phần:
+ Từ tập 1 đến tập 7 (7 tập): trình bày lịch sử quan (góc nhìn lịch sử), phương pháp nghiên cứu lịch sử… đứng từ quan điểm lịch sử văn minh. Giáo sư Chương nói rằng, nếu mọi người xem và hiểu 7 tập đầu này, thì loạt 72 tập coi như Giáo sư Chương đã làm không uổng phí.
+ Từ tập 36 đến tập 43 (8 tập): nghiên cứu tư tưởng của Pháp gia. Tư tưởng này rất đáng nghiên cứu, không phải vì hay ho, mà là vì cần thiết. Nếu hiểu được tư tưởng Pháp gia, thì mọi người sẽ lý giải một cách rõ ràng những hiện tượng hỗn loạn hiện nay, hiểu được tư duy hành sự của ‘địch nhân’ lớn nhất bây giờ của thế giới là ĐCSTQ.
Vì loạt bài này tương đương với một khoá giảng ở đại học nên đòi hỏi chút tư duy của độc giả/khán giả, còn về phần mình, chúng tôi sẽ cố gắng truyền tải những nội dung của Giáo sư Chương một cách rõ ràng và mạch lạc nhất.
Một lần nữa, chúng ta chân thành cảm ơn Giáo sư Chương. Tiếp theo sẽ là nội dung lần lượt của 15 tập miễn phí của loạt bài Trung Hoa văn minh sử.
4 vấn đề lớn trong giáo dục lịch sử ở Trung Quốc
Giáo sư Chương giới thiệu rằng, Trung Hoa văn minh sử không phải là một khoá học lịch sử đại cương, nhưng phải có hiểu biết về lịch sử Trung Quốc thì mới có thể đứng tại góc độ phát triển văn minh mà đàm luận về lịch sử Trung Quốc.
Là một nhà sử học, giảng viên Khoa Khoa học và Nhân văn của Đại học Phi Thiên, Giáo sư Chương đánh giá, giáo dục lịch sử Trung Quốc, bao gồm cả giáo dục lịch sử các quốc gia khác trên thế giới, đều tồn tại rất nhiều vấn đề, và vấn đề giáo dục lịch sử ở Trung Quốc là đặc biệt nổi cộm, tổng kết thành 4 phương diện như sau.
#1. Giáo dục lịch sử của Trung Quốc chiểu theo lịch sử quan của chủ nghĩa Mác vốn rập khuôn cứng nhắc
Giáo sư Chương nhìn nhận, giáo dục lịch sử Trung Quốc chiểu theo lịch sử quan của chủ nghĩa Mác vốn rập khuôn cứng nhắc. Chủ nghĩa Mác giảng rằng sự phát triển của xã hội chia làm 5 giai đoạn: xã hội nguyên thủy, xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Điều này làm cho chúng ta lầm tưởng rằng, dường như hiện nay chúng ta đang ở chủ nghĩa xã hội. Chiểu theo cách nói của Mác, tương lai sẽ phát triển đến chủ nghĩa cộng sản – giai đoạn cao nhất trong sự phát triển xã hội nhân loại. Nhưng trên thực tế, cách nói này là Mác đứng từ quá trình phát triển của lịch sử châu Âu mà tổng kết ra, nó không giống sự phát triển của lịch sử Trung Quốc.
Nói một cách đơn giản, ví như nói châu Âu có xã hội phong kiến, thời gian tương đối dài, một mạch đến trước cách mạng chủ nghĩa tư bản đều thuộc về ‘thành bang san sát’ (thành bang lâm lập – 城邦林立), có chút giống với trạng thái phong kiến thời Tây Chu của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, hình thái chính trị của Trung Quốc từ thời Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ là ‘trung ương tập quyền’, không thi hành chế độ phong kiến thời Tây Chu. Do đó lấy 5 giai đoạn phát triển của chủ nghĩa Mác áp dụng vào lịch sử Trung Quốc thì không được. Dùng phương pháp luận của Mác để nghiên cứu lịch sử Trung Quốc thì ngay từ đầu đã sai rồi. Đây là vấn đề thứ nhất.
#2. Giáo dục lịch sử của Trung Quốc khuyết thiếu tinh thần nhân văn
Một dân tộc là một khái niệm văn hóa
Chúng ta có thể đã nghe một câu như thế này: “Nếu muốn diệt một quốc gia, đầu tiên phải diệt lịch sử của nó”, tức là một quốc gia sở dĩ có được hình trạng như hiện nay, chính là vì nó có cội nguồn lịch sử, có một quá trình phát triển.
Nếu xóa hết những thứ ấy, hết thảy văn hóa được truyền tải trong lịch sử đều không còn. Thực tế chỉ ra rằng, trong quá trình phát triển của lịch sử và toàn thể xã hội nhân loại, bao gồm chiến tranh giữa các thế lực khác nhau, sự phát triển văn hóa trong lịch sử v.v. những điều này đều là đặt định văn hoá cho nhân loại.
Giáo sư Chương nhìn nhận, một dân tộc là một khái niệm văn hóa. Có một vài dân tộc họ không có lãnh thổ của bản thân, không có quốc gia của mình, thậm chí nhân khẩu của toàn bộ dân tộc đều tản mác ở các địa phương trên thế giới; nhưng nếu họ có thể giữ gìn văn hóa của mình, thế thì họ dân tộc đó sẽ luôn tồn tại. Ví dụ cực kỳ điển hình là người Do Thái.
Sau khi Giê-su bị treo lên thập tự giá, trải qua hơn 1000 năm, gần 2000 năm, người do Thái đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Giữa trăm quốc gia trên thế giới, họ từng bị người ta cười nhạo, ức hiếp, bị tàn sát lượng lớn trong Thế chiến hai… nhưng vì văn hóa của họ bảo tồn rất tốt, cho nên dù họ không có lãnh thổ, không có chính phủ của mình, dân tộc Do Thái vẫn tiếp tục được lưu lại.
Cũng có một vài dân tộc, họ vẫn còn nhân khẩu, còn huyết thống, cũng có địa khu của bản thân, nhưng nếu họ mất đi văn hóa của mình, thế thì dân tộc đó cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Ở Trung Quốc có một vài dân tộc từng là một dân tộc rất lớn, giống như tộc Mãn thời kỳ Mãn Thanh. Hiện tại có rất nhiều người nói bản thân họ là hậu duệ người Mãn (kỳ nhân – 旗人), nhưng nếu bạn hỏi họ: tiếng Mãn nói như thế nào, văn tự người Mãn đọc ra sao, phong tục tập quán của người Mãn là gì… họ đã hoàn toàn quên mất rồi. Do đó, hiện nay họ bất quá chỉ là huyết thống người Mãn, còn trên phương diện văn hóa, thì họ không khác gì người Hán.
Giáo sư Chương nhấn mạnh, lịch sử đang trong quá trình phát triển, nó là một quá trình quan trọng đặt định văn hóa dân tộc, trong đó phát sinh rất nhiều câu chuyện xúc động lòng người. Nếu người ta học lịch sử này, họ có thể chắt lọc ra đặc điểm phẩm chất riêng và những giá trị quan mà dân tộc này trân quý và xem trọng nhất.
Giáo sư Chương lấy ví dụ ở nước Mỹ, hiện nay nơi đây có rất nhiều hiện tượng hỗn loạn. Hiện tại có rất nhiều hoạt động bạo lực diễn ra trên đường phố, những cái gọi là: ‘mạng người da đen trân quý’ – Black Lives Matter, Antifa; những người này họ làm một việc rất quan trọng, đó chính là phủ định hoặc từ bỏ lịch sử nước Mỹ, họ gọi đó là ‘văn hóa hủy bỏ’ – cancel culture.
Những người này muốn xóa bỏ lịch sử nước Mỹ, muốn huỷ diệt những bức tượng điêu khắc của của các bậc tiên hiền, những vị Quốc phụ lập quốc ở núi Rushmore như Washington, Jefferson v.v. thậm chí còn khiêu chiến với Hiến pháp Mỹ.

Chúng ta biết rằng, nếu nước Mỹ không có những vị Cha lập quốc đặt định những điều như: tín ngưỡng Cơ Đốc của người Do Thái, ‘tinh thần pháp trị’/’tinh thần tự trị’, sự trân trọng đối với tự do v.v. thì nước Mỹ sẽ không còn là nước Mỹ. Cho nên, những người này đang phủ định lịch sử nước Mỹ, trên thực tế là phủ định nền tảng quan trọng nhất cho sự tồn tại của nước Mỹ với tư cách là một quốc gia.
- Xem thêm về ‘tinh thần tự trị’: Thời báo Hoàn cầu’ hay ‘đảo lộn trắng đen’, chuyên gia chỉ ra cách thức tư duy bình thường
Giáo sư Chương kể câu chuyện trên là muốn nói điều gì? Sở dĩ nước Mỹ phát sinh những sự việc như hiện nay đã cho chúng ta thấy rõ một vấn đề: vì sao những người trẻ, học sinh phổ thông hoặc là sinh viên đại học… một tỷ lệ lớn người như vậy ủng hộ cancel culture? Chính là họ không có nhận thức cơ bản nhất đối với văn hóa nước Mỹ, lịch sử nước Mỹ, không có tình yêu nước căn bản. Giáo sư Chương nhìn nhận đây là thất bại của giáo dục lịch sử, đã tạo thành những con người thù hận đối với lịch sử nước Mỹ, thù hận những giá trị quan được truyền lại trong lịch sử.
Giáo dục ‘Nhân văn’ chính là Giáo dục ‘Nhân loại’
Ở Trung Quốc cũng giống như ở Mỹ, sự phát triển của lịch sử Trung Quốc cũng đặt định rất nhiều rất nhiều văn hóa cho con người, dạy cho người ta rất nhiều giá trị quan, đây là tinh hoa trong lịch sử.Trong giáo dục lịch sử, chúng ta thấy được một hiện tượng: giáo dục đại học của nước Mỹ không giống giáo dục đại học của rất nhiều quốc gia khác, ở đó có một bộ phận gọi là ‘Giáo dục đại cương’ – General Education.
Giáo sư Chương kể rằng mình xuất thân là dân kỹ thuật, năm đó lên đại học Giáo sư Chương không học Khóa học Ngữ văn, Lịch sử, Triết học v.v. (Triết học ở đây là triết học thật sự, chứ không phải là một bộ những thứ như chủ nghĩa Mác). Nói cách khác trong thể chế giáo dục đại học ở Trung Quốc thiếu sót ‘Giáo dục Nhân văn’.
Trong General Education (Giáo dục đại cương) phải bao gồm một Module (Đơn nguyên – 單元). ‘Đơn nguyên’ này chính là bài mục Giáo dục Nhân văn. Giáo dục Nhân văn này bao gồm Triết học, Nghệ thuật, Lịch sử, Văn học. Trong tiếng Anh của người Mỹ, loại giáo dục này được gọi là Humanity.
Humanity trong tiếng Anh còn có một ý nghĩa khác, chính là ‘nhân loại’. Đây cũng không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng chính là nói, bạn phải trải qua giáo dục Humanity – Giáo dục Nhân văn, như thế xã hội mà bạn kiến lập mới là đúng là xã hội nhân loại. Nếu bạn phủ định tinh thần nhân văn, tiếng Anh là anti-humanity, vậy thì có thể nói đó là ‘phản nhân loại’ (反人類). Vậy nên chúng ta có thể lấy anti-humanity dịch thành ‘phản nhân loại’.
Giáo dục lịch sử hiện nay đã xuất hiện vấn đề như thế, ở đại học của Mỹ cũng dạy một ít lịch sử, ở trung học cũng dạy một ít lịch sử, nhưng lại không truyền tải được tinh thần nhân văn trong lịch sử. Giáo sư Chương nhìn thấy cả Trung Quốc và ngoại quốc đều giống nhau, chính là: khuyết thiếu tinh thần nhân văn. Đây là vấn đề thứ hai trong giáo dục lịch sử.
#3. Giáo dục lịch sử của Trung Quốc khuyết thiếu tính ‘chỉnh thể’
Khi Giáo sư Chương học lịch sử, thời Trung học cơ sở, năm đầu học lịch sử cổ đại, sau đó đến năm thứ ba học lịch sử cận đại, lên Trung học phổ thông thì học lịch sử thế giới. Giáo sư Chương đánh giá rằng, điều chúng ta học được chỉ là một đoạn một đoạn rất nhỏ trong lịch sử, nói cách khác, giáo dục lịch sử của Trung Quốc khuyết thiếu tính hoàn chỉnh.
Ví như học về Tần Thủy Hoàng, chúng ta chỉ biết ông làm một hai sự việc, viết trong một chương là xong. Vậy thì: vì sao ông có thể làm việc này, sự việc ông làm ảnh hưởng như thế nào trong lịch sử… ở đây lại không giảng. Điều này tạo thành việc một cá nhân sau khi học xong bài giảng về lịch sử Trung Quốc, thì trong đầu não người ấy không có một ‘sợi dây chính’ (chủ tuyến – 主線) quán xuyến những sự kiện lịch sử lại. Toàn bộ ngóc ngách ngọn nguồn của quá trình phát triển lịch sử, vì sao lại như thế này, sau đó sẽ phát sinh ảnh hưởng gì đối với lịch sử… phương diện này Giáo sư Chương cảm thấy rất khuyết thiếu.
Giáo sư Chương cho rằng, nếu một người có thể học lịch sử một cách hoàn chỉnh, sau đó phát hiện ‘chủ tuyến’ của quá trình phát triển trong lịch sử, họ sẽ hình thành một bộ ‘lịch sử quan’ (góc nhìn lịch sử) của mình. Nếu một cá nhân thật sự hình thành ‘lịch sử quan’ như thế, người ấy sẽ phát hiện những điều của chủ nghĩa Mác thực sự có vấn đề.
Mọi người có thể thấy điều này, những người thật sự hiểu được lịch sử Trung Quốc, họ sẽ không tin điều ĐCSTQ nói. Bởi vì trong quá trình học tập, họ đã hình thành một bộ ‘lịch sử quan’, mà bản thân bộ ‘góc nhìn lịch sử’ này đã phủ định ĐCSTQ.
#4. Thời gian giáo dục lịch sử còn quá ngắn
Khi Giáo sư Chương lên lớp lịch sử dạy cho học sinh ở Mỹ quốc, Giáo sư Chương có nói đùa với các em rằng: “Các em xem, các em lên Trung học phổ thông phải học 1 năm về lịch sử nước Mỹ – US history. Lịch sử nước Mỹ mới có hơn 200 năm từ khi khai quốc, các em phải học trong thời gian 1 năm. Còn lịch sử Trung Quốc trên dưới 5000 năm, nếu theo tỷ lệ đó, các em phải học 25 năm mới xong”. Học sinh liền cười.
Đương nhiên ở đây Giáo sư Chương không nói lịch sử Trung Quốc giống sử nước Mỹ vốn được giảng vô cùng tường tận, chỉ có ý là: trong 1 năm mà giảng về lịch sử Trung Quốc thì thật sự giảng không được gì cả. Những điều học sinh có thể nắm được chỉ là thứ vô cùng vụn vặt chắp vá, cũng rất có hạn.
Đây là 4 vấn đề mà Giáo sư Chương cảm thấy trong giáo dục lịch sử Trung Quốc.
Tuy loạt bài ‘Trung Hoa văn minh sử’ này rằng không phải là khoá học lịch sử đại cương, nhưng Giáo sư Chương sẽ tận sức bổ sung những thiếu sót trong giáo dục lịch sử Trung Quốc.
Do thiếu ‘lịch sử quan’, lại thêm vào một bộ của chủ nghĩa Mác để nhìn nhận; điều này khiến người Trung Quốc trong khi học tập lịch sử đã rút ra kết luận rằng: lịch sử Trung Quốc là một bộ những thứ ‘nông dân tạo phản’.
Giáo sư Chương đánh giá, đây là lời dối trá của ĐCSTQ để chứng minh tính hợp pháp của chính quyền này. Dối trá như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Trung Hoa văn minh: Lịch sử văn minh Trung Hoa.