Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường nghe câu như vậy: “Trong mệnh đã có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh đã không có thì chớ cưỡng cầu”. Cũng có người nói: “Trong mệnh có bốn lạng thì khó cầu được nửa cân”. Đây đều là nói với người đời rằng, một đời của con người ta đều đã có an bài, buông bỏ những truy cầu, chấp trước vào công danh lợi lộc, chúng ta sẽ sống cuộc đời thư thái, nhẹ nhàng.
Đổng Hàm, một văn nhân triều Thanh, trong tác phẩm “Tam Cương Thức Lược” có ghi lại mấy câu chuyện như sau, thật đáng để chúng ta suy ngẫm.
Người què họ Triệu không cửa phát tài
Chuyện kể rằng, ở vùng Thiên Tân Vệ (tên gọi của địa phận Thiên Tân vào thời nhà Minh) có một người đàn ông họ Triệu, từng tham gia kỳ thi võ cử nhân. Sau vì cưỡi lừa bị ngã và để lại thương tật ở chân, nên mọi người gọi ông là “Triệu Què Tử” (người què họ Triệu).
Mùa hè năm nọ, ông đang một mình hóng mát trong sân thì chợt nhìn thấy có thứ gì đó nằm trên bệ đá trong sân, thở phì phò và nồng nặc mùi rượu. Triệu Què Tử đến gần xem thử, thì ra đó là một con hồ ly bị say rượu, Triệu Què Tử nhanh chóng tìm một sợi dây trói bốn chân của con hồ ly lại.
Khi hồ ly tỉnh dậy, nó tự nhủ rằng: “Tối nay chỉ vì ham uống thêm vài ly, không ngờ lại bị người ám toán”. Thấy Triệu mỗ xách dao đi đến, nó tức giận nói: “Nhà ngươi chính là Triệu Què Tử phải không? Mau thả ta ra, nếu không nhà ngươi sẽ gặp họa đó!”. Triệu mỗ đáp: “Mạng sống nhà ngươi đã trong tay ta, sao có thể nguy hại ta được? Ta biết giống loài các ngươi giỏi trộm tài vật, giờ ta rất khó khăn, nếu nhà ngươi có thể chu cấp cho ta, ta sẽ thả nhà ngươi ra”.
Hồ ly nghe vậy liền hỏi: “Thế ông muốn bao nhiêu?”. Triệu mỗ mở miệng đòi lấy nghìn lượng vàng. Hồ ly nói: “Ta không nói dối ông, trong mệnh của ông thật sự không có nhiều tiền tài đến vậy đâu?”. Triệu Què Tử giảm xuống còn trăm lượng vàng, hồ ly nói: “Trong mệnh của ông vốn không có nhiều tiền như vậy. Nếu ông đột nhiên có được, ắt có tai họa. Nhưng nếu ông thả tôi ra, tôi hứa nhất định sẽ báo đáp ông”.
Triệu Què Tử hỏi: “Vậy ta biết tìm nhà ngươi ở đâu?”. Hồ ly nói: “Một ngày nào đó tôi sẽ chờ ông dưới một cái cây nọ”. Triệu Què Tử liền thả cho con cáo đi.
Đến ngày hẹn, Triệu Què Tử cái cây đã hẹn, rồi cất tiếng gọi hồ ly, rồi nghe thấy trên cây có tiếng trả lời: “Tôi chuyển đến để bên dưới vại nước nhà ông rồi!”. Triệu Què Tử vội vã về nhà và đào đất sâu khoảng một thước, quả nhiên tìm được một nén bạc, nhưng tổng chỉ có 5 lượng, Triệu Què Tử thấy vậy chỉ biết than thở cho số mệnh nghèo khó của mình.

Tiền tài có định số
Bác trai của Đổng Hàm là người giỏi tính toán, thích chôn giấu tài vật dưới đất, số tiền tích góp được lên tới hàng trăm nghìn tiền (tiền ở đây là đơn vị đo lường, tương đương 1/10 lạng). Một ngày nọ, ông lấy 5.000 tiền, dẫn theo người con trai thứ tên Khản đến một căn nhà và chôn số tiền trong mật thất. Ông đào đất sâu tới sáu, bảy thước, phía trên còn lấy gạch lớn đè lên, thành ra chẳng ai biết được. Về sau, Khản có việc cần đến tiền gấp, nhân lúc cha đang ở quận thành, anh đã âm thầm tìm tới chỗ cha mình chôn tiền ngày trước để đào trộm. Tuy nhiên, đào mãi cũng không tìm thấy hũ tiền đâu, anh bèn đào bới khắp phòng cũng không thấy đâu. Cuối cùng chỉ còn lại vài thước ở góc phía đông bắc anh không đào tới vì cho rằng chỗ đó cách vị trí cha mình chôn tiền khá xa. Anh thầm nghĩ có lẽ cha đã sớm lấy tiền đi rồi, nên cũng không còn hứng thú mà đào tiếp nữa.
Bác của Đổng Hàm sau khi biết chuyện liền vội vàng trở về, nghi là con trai đã đào trộm, ông thử đào góc phía đông bắc của căn phòng, đào chưa đến ba thước thì thấy hũ tiền vẫn ở đó, nhưng rõ ràng nó lại cách chỗ ông chôn trước đây xa hơn hai trượng. Còn Khản cuối cùng vì nghèo khó mà qua đời.
Lại có Trương hiếu liêm, anh rể của Đông Hàm, khi người nhà đi múc nước, thấy trong giếng có hai thỏi vàng, khi chìm khi nổi, cả nhà đều trông thấy. Sau đó, mọi người nghĩ đủ trăm phương nghìn kế để vớt lên, nhưng đều không vớt được, liền vét cạn giếng nước, cuối cùng chỉ được 43 lượng bạc vụn, còn thỏi vàng thì không thấy đâu.
Về mấy trường hợp kể trên, Đổng Hàm bình luận rằng: “Của cải thuộc về người cha thì con cái còn không may mắn lấy được; vàng bạc trong giếng dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, cũng không thuộc về người khác, vậy cớ sao ta lại ham muốn, tranh giành những thứ không thuộc về mình? Cả hai sự việc này đều là Đổng Hàm tận mắt chứng kiến.

Phúc phận lớn nhỏ trong đời người, kỳ thực đều có nguyên nhân trong đó cả, đều là dùng phúc phận của mình đổi lấy, cũng chính là đức bản thân họ tích được. Đức của một người mà lớn, thì người này nhất định sẽ làm quan lớn, phát tài lớn, cuộc sống thuận lợi, mọi việc đều hanh thông. Con người hiện đại thường giảng cái gì là cơ hội, nhưng nếu không có đức, không có phúc phận thì dù cơ hội ở ngay trước mặt cũng không nắm bắt được.
Trong cuốn “Triều Dã Thiêm Tải” có ghi chép lại một câu chuyện như sau:
Ngụy Trưng là một vị quan can gián Hoàng đế nổi tiếng, góp phần vào sự thịnh vượng của triều đại Hoàng đế Đường Thái Tông. Ông cũng là một nhà sử học nổi tiếng, chủ biên bộ sách Tùy thư, bộ sử chính thức về nhà Tùy và là một trong Nhị thập tứ sử.
Thời Nguỵ Trưng còn đảm nhận chức Phó xạ, có hai người làm việc dưới quyền của ông. Một lần, Ngụy Trưng thấy hai người này đang đứng ở dưới cửa sổ và nói chuyện với nhau.
Một người trong họ nói rằng: “Chức quan của chúng ta đều là do ông già ấy quyết định cả đấy!”.
Người kia lại nói rằng: “Là do ông Trời quyết định”.
Thế là, ngày hôm sau, Ngụy Trưng nảy ra ý định kỳ lạ. Ông viết một phong thư rồi sai người mà tin rằng mệnh của mình là do “ông già ấy” (ý chỉ Ngụy Trưng) quyết định đưa đến phủ Thị Lang. Nội dung trong lá thư này là: “Ban tặng cho người mang lá thư này một chức quan tốt”.
Người này không biết trong lá thư viết những gì. Ngay sau khi ông ta bước ra khỏi cửa, ông cảm thấy bị đau ngực, vì vậy ông tìm người còn lại, nhờ mang lá thư đi hộ. Ngày hôm sau, người tin vào số trời định đã được ban cho một chức quan tốt.
Khi Nguỵ Trưng biết về sự việc này, ông không khỏi cảm thán mà thốt lên rằng: “Chức sắc, bổng lộc của một người quả thực là do trời định”.
Theo Sound of Hope
Bảo Hân biên dịch