Cố gắng hết sức để khoan dung tha thứ cho người khác, là con đường tắt ngắn nhất trên hành trình đi tìm cầu lòng nhân từ. Kiềm chế bản thân để đạt được sự nhân từ, hãy nghe theo lời giáo huấn này…
“Khuyến nhẫn bách châm” là cuốn sách nổi tiếng được viết bởi Hứa Danh Khuê triều nhà Nguyên. Cuốn sách bao gồm 100 thiên, trong đó nội dung đề cập các phương diện như Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, yêu ghét, thiện ác, danh tiếng, quyền lực… Các thiên trong cuốn sách dùng phương thức châm ngôn, tục ngữ để khuyên răn, truyền đạt nội hàm thâm sâu của văn hóa Nhẫn của Trung Hoa.
Những lời giáo huấn tốt đẹp của cổ nhân từ xa xưa vẫn luôn là kho tàng quý giá lưu truyền cho hậu thế hôm nay. Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu tới độc giả một phần nội dung của bộ sách này với tựa đề “Nhân chi nhẫn” (Nhẫn trong chữ Nhân). Trong chữ Nhân của Mạnh Tử và Khổng Tử có Nhẫn.
1. 【Nguyên văn】 Nhân giả như xạ, bất oán thắng dĩ; hoành nghịch đãi ngã, tự phản nhi dĩ. Phu tử bất thiết xỉ vu Hoàn Đồi chi hại, Mạnh Tử bất giới đế vu tang thương chi hủy. Nhân dục vạn đoan, nan diệt thiên lý.
Diễn nghĩa: Một người có nhân đức cũng giống như bắn tên. Trước tiên tư thế phải đứng thẳng sau đó mới bắn mũi tên ra. Người nhân đức cũng lại như vậy, không đi oán hận so sánh những người mạnh hơn mình. Nếu người khác dùng thái độ thô lỗ đối đãi mình, thì tự bản thân cần kiểm điểm lại mình, xem bản thân còn chỗ nào làm chưa tốt.

Khổng Tử không oán hận Hoàn Đồi đã làm tổn thương mình; Mạnh Tử cũng không so đo đến việc Tang Thương chửi rủa bôi nhọ mình. Dục vọng của con người là vô tận, thực sự là lòng tham không đáy, nhưng thiên lý là không thể bị mất đi; đứng trước thiên lý, dục vọng của con người thật tầm thường biết bao.
2. [Nguyên văn] Bỉ dĩ kỳ bạo, ngã dĩ ngô nhân; xỉ cương dịch hủy, thiệt nhu độc tồn. Cường thứ nhi hành, cầu nhân mạc cận; khắc dĩ vi nhân, thỉnh phục tư huấn.
Diễn nghĩa: Những người khác dựa vào sự bạo ngược, chuyên chế của bản thân, còn tôi dựa vào nhân nghĩa của mình. Răng dù cứng nhưng dễ hư tổn, lưỡi tuy mềm nhưng lại có thể bảo tồn lâu dài. Cố gắng hết sức để khoan dung tha thứ cho người khác, là con đường tắt ngắn nhất trên hành trình đi tìm cầu lòng nhân từ. Kiềm chế bản thân để đạt được sự nhân từ, hãy nghe theo lời giáo huấn này.
Dưới đây là hai câu chuyện chân thực trong Nhân có Nhẫn về Khổng Tử và Mạnh Tử.
1. Khổng Tử không nghiến răng trước sự hãm hại của Hoàn Đồi
Với khát vọng mở rộng đạo nghĩa, Khổng Tử không ngại cực khổ đi chu du các nước, cũng không vì những khó khăn bản thân gặp phải mà ưu sầu, điều ông quan tâm chính là phổ truyền và mở rộng đạo nghĩa. Ở góc nhìn khác, đây chính là sự duy hộ Thiên đạo trong cõi người.
Hoàn Đồi, còn có tên Hướng Đồi, tự Tính, là người nước Tống vào thời kỳ Xuân Thu. Ông ta từng là quan tư mã, nắm quyền điều hành quân sự triều Tống. Là hậu duệ của Tống Hoàn Công, vô cùng được Tống Cảnh Công sủng ái.
Khổng Tử đi chu du các nước và đến nước Tống. Khổng Tử và Tống Cảnh Công vốn có quan hệ huyết thống, cùng dòng tộc. Tống Cảnh Công biết Khổng Tử là bậc thánh nhân nổi tiếng thiên hạ, có nhiều đệ tử văn võ song toàn, nếu họ lưu lại nước Tống làm việc lâu dài thì sẽ có thể giúp nước Tống thu được lợi ích. Tống Cảnh Công vì vậy rất vui mừng chào đón thầy trò Khổng Tử.
Hoàn Đồi rất ghét Khổng Tử. Ông ta sợ rằng thầy trò Khổng Tử xuất hiện sẽ ảnh hưởng đến quyền thế của mình nên đã bí mật dẫn người truy sát Khổng Tử.
Khi Khổng Tử đến nước Tống, cùng các đệ tử tập luyện lễ nghi dưới một cây lớn. Hoàn Đồi muốn sát hại ông nên cho người đến bao vây, chặt đổ cây đi. Trong tình thế nguy cấp, đệ tử của ông vô cùng hoảng sợ lo lắng, giục thầy nhanh chóng cải trang để trốn thoát. Khổng Tử nói: “Thiên sinh đức vu dư, Hoàn Đồi kỳ như dư hà” nghĩa là đức của ông do Trời ban cho, Hoàn Đồi sẽ không làm gì được. Khổng Tử thản nhiên bình tĩnh, không chút sợ hãi.
Đức hạnh của Khổng Tử vốn hòa hợp với trời đất. Ông đi chu du thiên hạ phổ truyền đạo Nhân, đạo nghĩa phù hợp với ý Trời. Hoàn Đồi dù có hành ác hơn nữa, cũng không thể chống lại ý Trời mà làm hại Khổng Tử. Người nhân đức, tất tự có Thượng Thiên bảo hộ, người nhân hậu thì không sợ hãi. Như vậy, người nhân hậu có thể hóa ác thành cát tường. Cuối cùng Khổng Tử cũng có thể bình an rời khỏi nước Tống.
Khổng Tử coi trọng đạo đức, sức mạnh giáo hóa của lễ nghi. Ông chỉ ra rằng đức giáo có thể dẫn dắt tâm linh con người, giúp con người hiểu được sự huyền bí của vũ trụ. Người có đạo đức có thể suy xét về giá trị tôn nghiêm của nhân tính và lương tri, vĩnh viễn khiêm tốn theo đuổi chân lý mà không bị vây hãm vào lợi ích và dục vọng của bản thân.
2. Mạnh Tử không để ý đến sự phá hoại của Tang Thương
Tang Thương là người nước Lỗ cuối thời Chiến Quốc, là người được Lỗ Bình Công sủng ái. Ông ta từng gièm pha nói xấu Mạnh Tử khiến Lỗ quân không tiếp kiến Mạnh Tử.
Khi Lỗ Bình Công sắp xuất giá, Tang Thương hỏi ông: “Trước đây khi bậc quân vương đi ra ngoài, đều nói với thuộc hạ đi đến nơi nào. Nay xe ngựa đã chuẩn bị xong, thần vẫn không biết bệ hạ muốn đi đâu, nên mạnh dạn hỏi”. Lỗ Bình Công đáp: “Ta đi thăm Mạnh Tử”.
Tang Thương nói: “Tại sao bệ hạ không để ý thân phận của mình, mà đi gặp một người dân thường như vậy? Người cho rằng vì ông ta là người tài đức? Lễ nghi do người có tài đức lập ra. Tuy nhiên, Mạnh Tử làm tang lễ cho mẹ còn long trọng hơn cho cha. Đại vương, ngài không nên đi thì hơn”. Lỗ Bình Công nghe vậy liền đồng ý.
Nhạc Chính Khắc, học trò của Mạnh Tử gặp Lỗ Bình Công liền hỏi: “Tại sao quốc vương không đến gặp Mạnh Kha?” Lỗ Bình Công đáp: “Có người nói với ta, Mạnh Tử làm tang cho mẹ long trọng hơn cho cha, vì vậy ta không đến gặp nữa”. Nhạc Chính Khắc nói: “Xin hỏi long trọng hơn mà ngài nói là chỉ điều gì? Cha của thầy Mạnh mất là dùng nghi lễ bình thường mai táng, còn khi mẹ thầy Mạnh mất là dùng nghi lễ người nhà của quan để cử hành tang lễ. Khi cha ông qua đời là dùng 3 cái đỉnh, cái vạc (một phần của hệ thống nghi lễ của triều đại Tây Chu, tượng trưng cho quyền lực và đẳng cấp). Quy định chỉ rõ, chỉ có hoàng đế mới được sử dụng chín cái đỉnh, hoàng tử sử dụng bảy đỉnh, các quan chức sử dụng năm đỉnh, học giả sử dụng ba đỉnh), mẹ ông qua đời dùng 5 cái đỉnh, lẽ lào ý của quốc vương là chỉ điều này?” Lỗ Bình Công nói: “Không phải, là nói về chất liệu của quan tài và sự hoa lệ của vải niệm trong hai đám tang”. Nhạc Chính Khắc nói: “Đó không phải là đám tang mẹ thì long trọng hơn. Chẳng qua chỉ là sự khác biệt giàu nghèo khi cha và mẹ của thầy mất mà thôi”.
Nhạc Chính Khắc bái kiến Mạnh Tử nói: “Con tới tiến cử thầy với Lỗ quân, Lỗ Bình Công đã chuẩn bị đến gặp Thầy. Nhưng có vị cận thần tên Tang Thương đã gièm pha, khiến ông không đến”. Mạnh Tử nói: “Ông ấy đến vì có người khuyên đến, thì không đến cũng có thể vì một người nào đó ngăn cản. Ông ấy đến hay không đến không phải do sức người quyết định. Ta không thể gặp Lỗ Bình Công có thể là ý Trời. Một người trẻ tuổi như Tang Thương, làm sao có thể khiến ta không gặp Lỗ Bình Công”.
Theo Vision Times
Kiên Định biên dịch