Một đôi tình nhân phải đối mặt với khảo nghiệm vận mệnh ngang trái. Nam nhân vì cha gặp nạn mà chàng cũng bị liên lụy lưu đày. Nữ nhân trinh tiết bất phá, làm thế nào vượt qua sự ám ảnh chết chóc của lưu đày, hoàn thành nguyện vọng ấp ủ từ lâu của họ? Câu chuyện này thực sự đầy những khúc ngoặt cảm động lòng người.

Khi triều đại nhà Thanh mới thiết lập, đã phát sinh rất nhiều vụ án phản Thanh phục Minh dưới danh nghĩa hậu duệ của hoàng tộc nhà Minh, một số người có quan chức hoặc từng làm quan cũng liên quan trong đó, hàng ngàn người bị hành hình, bị liên lụy hoặc bị lưu đày, những người mà gia đình ly tán càng không đếm xuể. Đới Cao, thường thục nhân Giang Tô, cũng bị bắt vì nghi ngờ liên quan đến vụ việc, cuối cùng bị kết án tử hình, cả gia đình ông cũng bị lưu đày đến biên cương.

Đới Cao có một người con trai tên là Đới Nghiên Sinh, từ nhỏ đã thông tuệ hơn người, giỏi kinh sử và viết văn, sẵn có gia phong của tổ tiên, chàng được mọi người xem là một nhân tài có tiền đồ. Sau khi tai nạn xảy ra, chàng không cách nào tránh được, thậm chí còn nghĩ dùng tính mạng bản thân mình chết thay cho cha, nhưng người trong quan phủ đã giam chàng lại, không cho chàng biết, đợi đến sau khi Đới Cao bị hành hình, mới đưa chàng và mẹ cùng lưu đày tới Liêu Dương. 

Khi đó, Đới Nghiên Sinh đã đính hôn với Cầm Nương, con gái của Vương Tích Tước. Vương gia là một danh môn vọng tộc trong huyện Thành, họ và nhà Đới gia luôn có mối thân tình. Đới Nghiên Sinh thường đọc sách với Cầm Nương, ngưỡng mộ trí thông minh và sắc đẹp của nàng, vì vậy đã đặt cho nàng chữ “Cầm”, khi đó Cầm Nương mới mười ba tuổi. Sau khi tai họa xảy ra, gia đình Cầm Nương chuyển đến Tô Châu tránh nạn, không dám đi lại với Đới gia, chỉ có thể thỉnh thoảng phái người đến nghe ngóng tin tức. Đới Nghiên Sinh vì cha mất, gia đình ly tán, không dám hy vọng tương lai mình có thể hoàn thành ước nguyện đã ấp ủ bấy lâu là kết hôn với Cầm Nương, tin tức giữa hai nhà cũng dần dần bị đứt đoạn.

Trước kia, Đới Nghiên Sinh và Cầm Nương khi có chút thời gian nhàn nhã sau khi học, thường đàm luận về văn chương và thi ca, Cầm Nương dung mạo mỹ lệ như hoa, nàng tính cách nghiêm trang, phẩm hành cao khiết, thích đọc một số tiểu sử và giai thoại liên quan đến trinh tiết và trọng nghĩa thủ tiết của người phụ nữ. Cầm Nương nói với Đới Nghiên Sinh: “Quá khứ có một số tài nữ như Trác Văn Quân, Thái Văn Cơ, mặc dù họ văn học tài hoa xuất chúng, nhưng lại không thể bảo trì tiết tháo, em trong nội tâm không bội phục họ. Những thứ văn chương hát gió tụng trăng, tuy có vẻ vô hại, nhưng suy cho cùng, đó không phải là những sự tình mà nữ nhân trong bổn phận nên làm.” Nghiên Sinh nghe lời này của Cầm Nương, đánh giá cao sự sáng suốt của nàng, liền viết một bài thơ đặt tên là “Nữ trinh tử ca” để tặng nàng, trong thơ uẩn hàm lời Cầm Nương nói, và ca ngợi phẩm cách của nàng: 

Sóc phong biến xuy kính thảo chiết, 
Tuyết đọa du quan dạ lẫm liệt! 
Nhất chi độc tú ánh đông thanh, 
Lụy lụy khả tự thiếp tâm xích?

Tạm dịch
Gió mồng một thổi cong thân thảo, 
Tuyết đêm rơi trắng xóa Du Quan! 
Một nhành độc tú đâm chồi biếc, 
Thẹn thùng thể như thiếp tâm son?

Cầm Nương cũng cảm thụ được tâm ý của chàng, chép bài thơ này ra giấy, giấu vào ngăn kéo, lúc rảnh rỗi thường lấy ra ngâm nga. Mẹ của Cầm Nương từ nhỏ đã rất giỏi kỹ năng may vá, dệt vải, thêu thùa. Cầm Nương cũng giỏi may vá, thêu thùa. Dù đã đính hôn với Đới Nghiên Sinh, Cầm Nương vẫn cảm thấy e thẹn khi diện kiến chồng tương lai thường xuyên, từ đó nàng chuyên tâm học tập may vá, nấu nướng và những kỹ năng khác mà phụ nữ nên học tập, không còn thảo luận về thơ văn với Nghiên Sinh.

“Gió mồng Một thổi cong thân thảo, Tuyết đêm rơi trắng xóa Du Quan! Một nhành độc tú đâm chồi biếc, Thẹn thùng thể như thiếp tâm son?” (Pixabay)

Không lâu sau đó, thì tai nạn phát sinh, vợ chồng Vương Tích Tước bàng hoàng suốt một đêm. Cầm Nương cảm thấy có điều bất thường, nhỏ giọng hỏi mẹ. Mẹ nàng không trực tiếp trả lời nguyên nhân, bà bảo, chỉ là nghe nói trong vùng có thể xảy ra binh loạn, cha nàng quyết định trốn khỏi nơi này, chuyển đến Tô Châu, nơi đó phòng binh nghiêm ngặt hơn, sự an toàn của gia đình có thể được bảo toàn. Cầm Nương chỉ có thể vâng theo sự sắp xếp của cha, nhưng nàng để ý thấy những câu chuyện to nhỏ của người nhà hình như có liên quan đến mình, vì thế không khỏi bắt đầu nghi hoặc.

Tình cờ, tiểu nữ tì Như Ý nghe được điều gì đó, tiết lộ cho Cầm Nương. Cầm Nương vô cùng sợ hãi, nàng không ăn mà chỉ khóc, suốt ngày đọc “Nữ trinh tử ca”, chứng trạng như thể phát bệnh phát cuồng. Người mẹ để ý thấy tình trạng của Cầm Nương, bà nói: “Con của mẹ tuy rằng thông minh, hiểu rõ nhân tình thế thái, nhưng sự tình lần này phát sinh có liên quan đến nạn diệt môn của gia tộc chúng ta, lẽ nào con không nghĩ đến sự an nguy của cha mẹ sao? Chúng ta đến đó cũng sẽ phải cải tên đổi họ, nhưng mà con vẫn luôn không ngừng lưu luyến, giả sử chuyện này bị tiết lộ ra ngoài, vậy thì toàn gia chúng ta đều phải chịu nạn diệt vong, con ơi, con đừng hồ đồ chuyện này nhé!”

Cầm Nương khóc nói: “Mẫu thân, con sao có thể không biết quan hệ lợi hại trong đó, từ giờ trở đi, con phải đem bí mật này chôn sâu trong đáy tâm, giống như đá vàng kiên cố không thể phá hủy. Xin mẹ đừng lo lắng nữa, con đã phát thệ sẽ không để lộ chuyện này.” Người mẹ buồn bã nói: “Mặc dù chí hướng của con không sai, nhưng những lời con nói có chút khiến người ta hiểu sai. Hiện tại mọi người đã bắt đầu nghi ngờ rằng gia đình ta có liên hệ với Đới gia, nếu con không kết hôn với người khác, mà chọn rời xa họ, vậy thì sẽ bị người ta lấy đó làm bằng chứng, vạch trần thân phận của chúng ta, con phải suy nghĩ kỹ chuyện đó.”

Cầm Nương trầm mặc hồi lâu, rồi hạ quyết tâm nói: “Mẫu thân, con đã minh bạch rồi, lưu luyến cũng là thường tình của con người, chúng ta có thể đợi ba năm nữa mới nói chuyện này được không? Hơn nữa, con hiện tại mới vừa thành niên, còn cần học nữ công gia chánh, làm sao có thể nghĩ đến chuyện khác!” Người mẹ đáp: “Điều này cũng không có hại gì, đợi đến khi cơ hội đến, thì không thể bỏ lỡ.” 

Cầm Nương nghe lời này của mẹ, bật khóc nức nở. Người mẹ nhìn thấy cảnh này thập phần đau lòng, lại nói: “Con đừng buồn nữa, chúng ta cũng không phải là người không biết lễ nghĩa đạo lý, chỉ là vì kế bảo toàn gia đình 8 nhân khẩu này mới khiến con làm thế. Con hãy tự chăm sóc bản thân, chúng ta sẽ không vứt bỏ con đâu.”

Kể từ đó, Cầm Nương bắt đầu ngày lại ngày học tập nữ công gia chánh, rất ít khi gặp hàng xóm. Khi đó cha nàng Vương Tích Tước còn đang dạy học sinh, một năm sau thân thể ông càng ngày càng yếu nhược, vì lo lắng khôn nguôi mà mắc bệnh về mắt, cuối cùng bị mất thị lực. Ông chỉ có một người con trai tên là Kính Hi, nhỏ hơn Cầm Nương 5 tuổi, Cầm Nương đã tự mình dạy em học. Mẹ của Cầm Nương vì thế mà thập phần bi thống, cuối cùng sinh bệnh mà qua đời.

Vương Tích Tước có một người anh họ xa tên là Phạm Mộ Hy, Phạm Mộ Hy đã từ bỏ con đường khoa cử của thư sinh, chuyển sang làm kinh doanh, kiếm được rất nhiều tiền, xây được một ngôi nhà lớn, trở thành phú ông ở địa phương. Phạm Mộ Hy thấy Vương Tích Tước bần cùng, thường giúp đỡ ông. Tích Tước cũng tự mình đến Thường Thục, đổi tên thành Lý mỗ. Phạm Mộ Hy có một người con trai Phạm Tử, trạc tuổi Cầm Nương, đã gặp Cầm Nương và rất thích nàng. Anh ta nói với cha mình đến cầu hôn Cầm Nương, Phạm Mộ Hy cho rằng khả dĩ, nhưng vợ ông lại phản đối chuyện này, cho rằng nhà Cầm Nương quá nghèo. Nhưng con trai của Phạm Mộ Hy cực kỳ cố chấp, đi tứ xứ nhờ người giúp thuyết phục mẹ mình. Sau đó, mẹ Phạm Tử đem chuyện này nói với Vương Tích Tước, Vương Tích Tước vui mừng đồng ý, sự việc gần như đã sắp thành.

Nhưng Vương Tích Tước thường nghe con gái nói không nguyện ý kết hôn, ông đã hỏi con nguyên nhân, Cầm Nương nói với cha, nàng muốn dùng kỹ năng của mình để kiếm tiền nuôi cả nhà, chăm sóc cha và em trai, đợi đến sau khi cha trăm tuổi, nàng sẽ cắt tóc đi tu. Vương Tích Tước vô cùng kinh ngạc, liền can gián Cầm Nương, nói: “Con ơi, đừng làm khổ chính mình, cho dù nhà ta không muốn cô phụ công tử nhà họ Đới, nhưng nơi cậu ấy bị lưu đày băng giá tuyết rơi, không biết liệu còn có hy vọng quay trở về hay không?” Cầm Nương nghe những lời này, nước mắt chan hòa, khóc không thành tiếng. 

Vương Tích Tước biết rằng ý chí của con gái mình là không thể lay chuyển, nên đã nói với Phạm Mộ Hy về việc con gái đã đính hôn với Đái Nghiên Sinh từ trước. Phạm Mộ Hy phi thường ngạc nhiên và bội phục, ông nói: “Đây là một nữ tử trinh trắng, tôi phi thường tôn trọng cô bé, sao phải cưỡng bức cô bé?” Sau đó, ông đưa cho Vương Tích Tước một trăm lượng vàng, nói: “Xin hãy bảo toàn sự trinh trắng và chí hướng của cô bé, chút tiền này có thể giúp cô bé trang trải cuộc sống.” Vương Tích Tước vô cùng cảm tạ hảo ý của ông ấy, nhưng con trai của Phạm Mộ Hy lại vô cùng tức giận, vẫn lên kế hoạch để bản thân nhất định cưới được Cầm Nương.

Con trai của Phạm Mộ Hy có một người bạn tên là Uông Tam, là một kẻ vô lại. Hắn biết được chuyện này, liền nói với Phạm Tử rằng nếu cậu ta đưa cho hắn một trăm lượng vàng và tặng hắn Mỹ Châu, hắn sẽ có thể giúp Phạm Tử lấy được Cầm Nương. Mỹ Châu là tì nữ của nhà họ Phạm. Phạm Tử đồng ý điều kiện của Uông Tam. Theo đó, Uông Tam đến nhà Vương Tích Tước, đe dọa ông rằng: “Con gái ông là vợ của phạm nhân, đáng lẽ cũng phải bị lưu đày. Như nay trốn trong nhà, mà bị người ta biết được, nếu hiện tại không gả con đi, ông không chỉ mất con gái, mà còn liên lụy đến con trai ông, tốt nhất là nhanh chóng tự xử lý chuyện này, mới không phải hối hận.”

Vương Tích Tước phi thường kinh ngạc, hỏi nên làm thế nào, Uông Tam: “Ông gả con gái cho con trai của Phạm Mộ Hy, như vậy có thể tránh tai họa.” Vương Tích Tước nói: “Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng con gái tôi cố chấp. Nếu cưỡng bức nó, e rằng sẽ có chuyện ngoại ý.” Uông Tam cười nói: “Chuyện này dễ giải quyết, chỉ cần nói tôi đã đón Đới Nghiên Sinh từ Liêu Đông trở về, hiện tại đang ở một nơi nào đó chờ kết hôn, vấn đề sẽ được giải quyết.”

Vương Tích Tước lại hỏi: “Phạm Tử có thể giả làm con trai họ Đới không? Nếu con gái tôi biết mà không đồng ý, thì làm thế nào?” 

Uông Tam nói: “Lão nhân gia, ngài nghĩ kỹ quá. Đây chỉ là kế nhất thời trong tình huống che đậy sự thật, đợi đến khi cô nàng tiến vào tân phòng, thì việc không còn do cô nàng nữa, con gái ngài đã gặp Phạm Tử chưa?” Vương Tích Tước nói: “Chưa gặp”, rồi tiến vào phòng trong nói với Cầm Nương, Cầm Nương bán tín bán nghi, nhưng không dám từ chối, sợ cha phiền lòng.

Tuy nhiên, vì sự tình phát sinh quá vội vàng, lại lo cha mình vì mù mắt mà bị người ta lừa, nên nàng đã nghĩ ra một kế và nói: “Chỉ có cách này, mới có thể biết được thật giả, nếu không có chết con cũng không thuận tòng.” Nàng ứa nước mắt làm theo lời cha. Vương Tích Tước bước ra trả lời Uông Tam, và Uông Tam vui vẻ rời đi.

Đông thanh tử trong tuyết (Pixabay)

Đợi đến ngày thành hôn, buổi tối hôm đó, khi cánh cửa tân phòng đóng lại, Cầm Nương lệnh cho tỳ nữ chuyển lời nhắn: “Trước tiên phải đọc bài thơ ‘Nữ trinh tử ca’, rồi mới có thể mở cửa thực hiện tâm nguyện đã ấp ủ từ lâu của ta.” Phàm Tử vô cùng kinh ngạc, cả giận nói: “Hôm nay nàng đã ở trong lòng bàn tay ta, nàng rốt cuộc có thể làm được gì đây?” Thế là anh ta phá cửa xông vào, nghĩ sẽ bất chấp với nàng. Cầm Nương lúc này mới tin anh ta không phải là Đới Nghiên Sinh, nàng kiên quyết cự tuyệt, hô lớn kêu cứu, còn đập đầu vào tường, máu chảy đầm đìa.

Tiếng động đánh thức những người hàng xóm qua hỏi thăm tình hình. Cầm Nương nghiêm trang, từ tốn kể về việc bị Phạm Tử lừa dối và cưỡng hôn. Một số lão nhân trong đó nghe điều này đã phi thường kinh ngạc và nói: “Đây là con trai của Phạm Mộ Hy, sao anh ta có thể làm một việc vi pháp như vậy? Chúng ta nên nói với cha anh ta.” Thế là Phạm Tử đành bỏ đi.

Những người hàng xóm gọi Vương Tích Tước đến, yêu cầu ông và con gái Cầm Nương kể cho Phạm Mộ Hy câu chuyện tình yêu giữa Cầm Nương và Đái Nghiên Sinh. Phạm Mộ Hy rất ngạc nhiên, nói: “Tôi tuyệt đối không biết sự tình con trai tôi cưỡng bách Cầm Nương thành hôn.” Ông vội vã chạy đến, thấy Vương Tích Tước và Cầm Nương đang ôm nhau khóc, vô cùng bi thương. Phạm Mộ Hi quỳ xuống nói: “Đây là lỗi của tôi, tôi thề nhất định sẽ thực hiện tâm nguyện của cô gái để chuộc tội.”

Phạm Mô Hi tính cách khoát đạt hào phóng, ông nói với Cầm Nương: “Ta đã từng qua Liêu Đông trước đây, đối với sông núi, đạo lộ, thành quách ở đó ta tương đối quen thuộc. Ta có thể đưa con đến đó, nhất định có thể dựa theo manh mối tìm được Đới Nghiên Sinh. Về phần Vương ông, ta sẽ dùng một khoản tiền để cung dưỡng ông ấy, chờ chuyện của con giải quyết xong, con có thể lựa chọn đi hay ở, ta sẽ sắp xếp chu toàn.” Vài ngày sau, Phạm Mộ Hi mang theo Cầm Nương xuất phát, họ hẹn rằng nhất định sẽ quay lại sau nửa năm, mọi người đều tán đồng nghĩa cử của ông. Phạm Mô Hi giao con trai mình cho một người hàng xóm chăm sóc, yêu cầu hàng xóm canh giữ nghiêm ngặt con trai, trong nửa năm không được ra khỏi cửa.

Họ đi hai tháng mới đến Liêu Dương, tìm kiếm tứ xứ những người địa phương sở tại ở nơi mà các quan viên bị lưu đày, nhưng không ai biết Đới Nghiên Sinh. Cầm Nương mặc y phục vải thô, đi giày vải thô, không chịu ăn mỹ thực. Phạm Mộ Hi mời nàng ăn, nàng nói: “Con rời bỏ người thân và cố hương để tìm người yêu của con. Làm sao con có thể chỉ quan tâm đến hưởng lạc riêng mình? Mà nghĩa khí của ngài, con còn không biết phải báo đáp thế nào, trong tâm con một ngày cũng không cách nào an ổn!”

Sau một thời gian, họ nghe tin Đới Nghiên Sinh đã chuyển đến núi Trường Bạch, gia nhập một tướng quân nào đó ở Cát Lâm với tư cách là nhân viên ghi chép, vô cùng chuyên cần và kỷ luật, vẫn chưa có gia thất, mẹ già vẫn còn sống, chàng ở vậy phụng dưỡng mẫu thân. Tướng quân tán thưởng hành vi của chàng, định xin triều đình tha tội cho chàng trở về. Phạm Mộ Hy đưa Cầm Nương đến đó, quả nhiên tìm thấy Đới Nghiên Sinh. Tướng quân nghe được câu chuyện của họ, ngưỡng mộ sự trinh khiết của Cầm Nương, tán thán: “Đới Sinh toàn gia trọn vẹn nghĩa tiết hiếu”, nói rồi ông đích thân thỉnh đặc xá, tổ chức lễ cưới cho họ ở dinh thự tướng quân, rồi tiễn họ về phương Nam.

Trong bài “Nữ trinh tử ca” có đoạn: 

Hàn phong xuy biến liễu thảo địa,
Chiết đoạn liễu thúy nhược đích thảo.
Tuyết hoa phiêu lạc tại Bắc phương biên tắc,
Dạ vãn canh gia hàn lãnh.
Duy hữu đông thanh nhất chi độc tự đĩnh lập,
Tựu tượng trinh nữ đích nội tâm nhất dạng kiên định.

Ý nghĩa là: Gió lạnh thổi khắp thảo nguyên, làm gãy những ngọn cỏ mỏng manh. Bông tuyết rơi nơi biên cương phương Bắc, đêm lạnh càng thêm lạnh. Chỉ một cành đông thanh đứng vững chãi, kiên định như nội tâm trinh nữ. 

Vào buổi tối ngày thành hôn, sau khi hành giao lễ bái xong, Cầm Nương yêu cầu Nghiên Sinh đọc lại tác phẩm cũ của mình. Nghiên Sinh lúc này mới chợt hiểu ra, không khỏi lưu lệ mà ngâm xướng tự đáy lòng, rồi nói: “Bài thơ này đã biến thành một lời tiên tri về những gì chúng ta đã trải qua.”

Sau khi Phạm Mộ Hy về nhà, ông để Nghiên Sinh lưu lại trong nhà dạy dỗ con cái của mình, cuối cùng giáo dục chúng thành người hữu dụng, đồng thời gả con gái mình cho Kính Hi, em trai của Cầm Nương. (Nguồn: “Thanh bại loại sao”)

Thái Nguyên chỉnh lý, theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch