Khi chúng tôi còn học đại học, một ngày vị giáo sư bước vào lớp và nói với chúng tôi: “Thầy vừa nhận được ủy thác để thực hiện một cuộc điều tra nho nhỏ, mong các em hãy cùng tham gia”.

Giáo sư vừa dứt lời, cả lớp tôi bắt đầu bàn tán xôn xao. Ngày thường các tiết học rất khô khan, nhưng lần này lại sôi nổi hơn hẳn.

Các phiếu điều tra được phân phát đến từng người, nhưng thật bất ngờ là trên đó chỉ có hai câu hỏi trắc nghiệm. 

Câu hỏi thứ nhất: Anh ấy rất yêu thương cô. Cô sở hữu gương mặt trái xoan, lông mày lá liễu và làn da trắng mịn, quả thật là xinh đẹp lay động lòng người. Nhưng một ngày, cô gặp tai nạn nghiêm trọng. Mặc dù cô may mắn thoát chết, nhưng trên gương mặt lại xuất hiện vài vết sẹo trông rất xấu xí. Bạn cho rằng liệu anh ấy còn yêu thương cô như trước nữa hay không?

  1. Nhất định là “có”.   
  2. Nhất định là “không”.
  3. Có thể là “có”.

Câu hỏi thứ hai: Cô ấy rất yêu thương anh. Anh là tinh anh trong giới thương trường, tính cách nho nhã điềm tĩnh, dám nghĩ dám làm. Bỗng một ngày anh chẳng may phá sản. Bạn cho rằng liệu cô ấy vẫn sẽ yêu thương anh như trước hay không?

  1. Nhất định là “có”.   
  2. Nhất định là “không”.
  3. Có thể là “có”.

Sau khi các tờ câu hỏi được tập hợp lại, giáo sư đã thống kê và phát hiện: Câu hỏi thứ nhất có 10% chọn đáp án A, 10% chọn đáp án B, 80% chọn đáp án C. Câu hỏi thứ hai, 30% số người đã chọn đáp án A, 30% chọn đáp án B, 40% chọn đáp án C.

Giáo sư mỉm cười nói: “Xem ra, phụ nữ bị hủy mất dung nhan còn khiến người ta khó chấp nhận hơn chuyện đàn ông bị phá sản”. 

Ngập ngừng một lát, giáo sư nói tiếp: “Trong lúc đưa ra đáp án cho hai câu hỏi này, phải chăng các em đều cho rằng anh ấy và cô ấy là người yêu của nhau?”.

“Đúng vậy ạ”, chúng tôi đồng thanh trả lời.

“Nhưng bản thân câu hỏi vốn không hề nói rằng anh ấy và cô ấy là người yêu cơ mà!”. Giáo sư nhìn mọi người rồi nói: “Bây giờ, chúng ta hãy đưa ra một giả thuyết: nếu như ‘anh ấy’ trong câu hỏi thứ nhất là bố, còn ‘cô ấy’ trong câu hỏi thứ hai là mẹ, liệu các em có còn giữ nguyên đáp án ban đầu hay không?”.

Tờ câu hỏi lần nữa được phát đến tận tay chúng tôi, trong phòng học bỗng nhiên trở nên im ắng hơn, từng gương mặt trẻ trung đều trầm ngâm và sâu lắng. Mấy phút sau, các tờ câu hỏi được thu lại, và lần này trong hai câu hỏi chúng tôi đều chọn đáp án A.

Lúc này, giọng nói của thầy bỗng trở nên suy tư và xúc động: “Trên thế gian có một loại tình yêu dường như kéo dài vô tận, không đòi hỏi, không cần báo đáp, và không hề thay đổi theo năm tháng, cũng không thăng trầm bởi danh lợi. Đó chính là tình yêu thương mà cha mẹ dành cho chúng ta!”.

Vũ Dương
Theo Văn Chương Duyệt Độc