Từ khi thành lập đảng vào năm 1921 cho đến khi chiếm đoạt chính quyền vào năm 1949, điều then chốt nhất mà ĐCSTQ đã làm trong suốt 28 năm, chính là không từ thủ đoạn lật đổ chính quyền hợp pháp của Trung Quốc – Trung Hoa Dân Quốc.

Thế nào là “không từ thủ đoạn”? Một trong những thủ đoạn then chốt nhất, là đặc vụ không lỗ nào không chui của ĐCSTQ đã thâm nhập vào tất cả các cơ quan quan trọng của Trung Hoa Dân Quốc, đánh cắp thông tin tình báo tuyệt mật.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“! Hôm nay, chúng tôi sẽ kể về những việc mà đặc vụ gián điệp ĐCSTQ đã làm hồi đó.

Bị “Giấc mộng Trung Hoa mới” mê hoặc, những thanh niên nhiệt huyết trở thành gián điệp của ĐCSTQ

Trước khi đoạt quyền, ĐCSTQ đã biên tạo một “Giấc mộng Trung Hoa mới” vô cùng đẹp đẽ cho người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Trung Quốc.

Ví dụ, vào ngày 27/9/1945, Mao Trạch Đông, lãnh đạo ĐCSTQ, đã trả lời câu hỏi của phóng viên Gambert của Reuters: “’Một Trung Quốc tự do và dân chủ’ sẽ là một quốc gia trong đó tất cả các cấp chính quyền, thậm chí cả chính phủ trung ương, đều do tuyển cử phổ thông, bình đẳng, bỏ phiếu kín bầu nên, và chịu trách nhiệm trước nhân dân đã bầu ra họ. Chính quyền đó sẽ hiện thực hóa ‘Chủ nghĩa tam dân’ của tiên sinh Tôn Trung Sơn, ‘Dân hữu, dân trị, dân hưởng’ của Lincoln, và ‘Bốn quyền tự do lớn’ của Roosevelt.”

Tuy nhiên, cho đến tận ngày nay, hơn 70 năm sau khi ĐCSTQ nắm quyền, không một điều nào trong “Giấc mộng Trung Hoa mới” do Mao Trạch Đông mô tả được thực hiện. Ngược lại, gần như tất cả “Bốn quyền tự do lớn” của người dân Trung Quốc, bao gồm “tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do thoát khỏi nghèo đói”, đã bị tước đoạt toàn bộ.

Nhiều người Trung Quốc đã nhận ra rằng, những lời hứa hẹn của ĐCSTQ căn bản là không thể tin cậy. Nhưng trước năm 1949, “Giấc mộng Trung Hoa mới” của ĐCSTQ xác thực đã khiến nhiều người bị mê hoặc, đặc biệt là những thanh niên đầy nhiệt huyết.

Vào thời điểm đó, những đặc vụ gián điệp của ĐCSTQ đột nhập vào các cơ quan trọng yếu của chính phủ Quốc Dân Đảng, được ĐCSTQ gọi là “đảng viên ngầm”. Trong số họ, rất nhiều người đều bị “Giấc mộng Trung Hoa mới” kích động, vì nó mà vào sinh ra tử, không hối tiếc tận dụng mọi cơ hội đánh cắp thông tin tình báo. Có lúc, những mệnh lệnh tác chiến của Tưởng Giới Thạch – thống soái tối cao của Trung Hoa Dân Quốc còn chưa đến tay tổng tư lệnh của ông, thì Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và những địch nhân khác đã nhìn thấy chúng. 

Trong cuộc nội chiến giữa Quốc Dân đảng và Cộng Sản đảng, thất bại cuối cùng của Quốc Dân đảng liên quan nhiều đến việc rò rỉ những thông tin tình báo tuyệt mật.

Quách Nhữ Khôi, đặc vụ đầu sỏ của ĐCSTQ bên cạnh Tưởng Giới Thạch

Sau khi rút lui về Đài Loan, Tưởng Giới Thạch từng cay đắng nói: “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rằng Quách Nhữ Khôi lại là đầu sỏ gián điệp của ĐCSTQ!” Khi đó, một tờ báo Đài Loan đã viết: “Gián điệp nằm vùng điên đảo trời đất, việc thắng bại đã được phân từ trước.”

Quách Nhữ Khôi là gián điệp cấp cao nhất của ĐCSTQ tiềm phục bên cạnh Tưởng Giới Thạch. Quách bí mật gia nhập ĐCSTQ vào năm 1928. Năm 1945, ông ta được thăng cấp Trung tướng của Quân đội Quốc gia khi kết thúc Kháng chiến chống Nhật, không chỉ là cục trưởng Cục Quân vụ phụ trách biên chế và trang bị của quân đội quốc gia, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc phòng, mà còn với tư cách là đại biểu Bộ Quân chính, theo tổng tư lệnh Hà Ứng Khâm đến Chỉ Giang và Nam Kinh để tham gia nghi thức chấp nhận quân xâm lược Nhật Bản đầu hàng.

Sau khi nội chiến giữa Quốc Dân đảng và Cộng Sản đảng nổ ra vào tháng 6/1946, Quách Nhữ Khôi lần lượt giữ chức vụ phó cục trưởng rồi cục trưởng Cục 5 Bộ Quốc phòng, tham mưu trưởng tổng tư lệnh Quân khu Từ Châu, cục trưởng Cục 2 Bộ Quốc phòng, cục trưởng Cục 3, trực tiếp tham gia và chỉ huy tác chiến, định kỳ đến dinh phủ Tưởng Giới Thạch để báo cáo tình hình chiến đấu, nghe chỉ lệnh, đôi khi còn đi cùng Tưởng Giới Thạch thị sát các chiến khu. Rất nhiều kế hoạch tác chiến, cách triển khai và hành động của Quân đội Quốc gia, Quách Nhữ Khôi đều nắm trong lòng bàn tay.

Theo bài báo “Vấn đề siêu gián điệp ngầm Quách Nhữ Khôi gia nhập ĐCSTQ” được đăng bởi “Tuần san Phương Nam” năm 2009, từ năm 1946 đến năm 1949, Quách đã bí mật hội ngộ ĐCSTQ hơn 100 lần, và cung cấp cho ĐCSTQ một lượng lớn thông tin tình báo chiến lược, bao gồm kế hoạch tấn công trọng điểm của Quân đội Quốc gia vào Sơn Đông, kế hoạch phối hợp bộ binh của Tổng tư lệnh quân đội Từ Châu, kế hoạch điều độ Quân đội Quốc gia tại Đại Biệt Sơn, kế hoạch giải vây Duyện Châu, kế hoạch giải vây Trường Xuân , kế sách giải vây Song Đôi Tập, kế hoạch phòng thủy sông của Quân đội Quốc gia, và việc triển khai phối hợp binh lực địa phương ở Vũ Hán, Thiểm Tây, Cam Túc và Tây Nam Trung Quốc, v.v.

Vào tháng 1/1949, Quách Nhữ Khôi giữ chức trung tướng của Quân đoàn 72, đóng tại Thượng Hải, Tứ Xuyên, sau đó giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 22 và Tư lệnh Quân đoàn 72. Vào ngày 11/12/1949, theo chỉ thị của Lưu Bá Thừa, tư lệnh Quân dã chiến II của ĐCSTQ, Quách đã dẫn hơn vạn người đào tẩu sang ĐCSTQ ở Tứ Xuyên.

Hàn Luyện Thành, đặc vụ ĐCSTQ ẩn nấp lâu nhất bên cạnh Tưởng Giới Thạch

Một đặc vụ khác của ĐCSTQ bên cạnh Tưởng Giới Thạch, Hàn Luyện Thành, được Tưởng Vệ Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch, gọi là “gián điệp ĐCSTQ trường kỳ và nguy hiểm nhất ẩn náu bên cạnh lão tổng thống”.

Theo “Tướng quân ẩn hình” và “Tiểu sử Hàn Luyện Thành”, vì đã cứu mạng Tưởng Giới Thạch vào năm 1930, Hàn Luyện Thành đã được Tưởng tín nhiệm và coi trọng, từng là sĩ quan tham mưu cấp cao trong văn phòng tùy viên của Chủ tịch Quân ủy Quốc Dân đảng, tổ trưởng tham mưu trong văn phòng của tổng tham mưu trưởng, và tư lệnh Quân đoàn 46. 

Tháng 1/1947, Tưởng Giới Thạch lệnh cho tư lệnh Quân đoàn 46 Hàn Luyện Thành dẫn quân hội hợp với quân của Phó tư lệnh Khu Tuy Tĩnh II Lý Tiên Châu, chính thức chế định phương án tác chiến “hội chiến Lỗ Nam” và “lấy Lâm Nghi làm chiến trường chính, tiêu diệt quân chủ lực Cộng sản Trần Nghị”, ra mệnh lệnh chiếm lĩnh Tân Thái, Lai Vu. Hàn Luyện Thành lập tức mật báo toàn bộ kế hoạch tác chiến cho Trần Nghị, tư lệnh quân dã chiến Hoa Đông của ĐCSTQ, còn giả ngoài đánh trong hợp với Quân đội Cộng sản trên chiến trường, dẫn đến thất bại của Quân đội Quốc gia trong trận Lai Vu.

Sau đó, Hàn Luyện Thành một mình trở lại Nam Kinh để báo cáo “tình hình chiến dịch” cho Tưởng Giới Thạch. Tưởng không những không hoài nghi, mà còn khen ngợi ông ta “cực kỳ trung dũng đáng khen”.

Vào tháng 3/1947, đích thân Tưởng Giới Thạch ra lệnh chuyển Hàn Luyện Thành về Văn phòng Tham mưu Quân đội trong Phủ Tổng thống. Vào thời điểm đó, Văn phòng tham mưu bao gồm một thượng tướng tham quân trưởng, và 10 đến 15 sĩ quan tham quân cấp tướng của lục quân, hải quân và không quân. Bằng cách này, Hàn Luyện Thành được ở ngay bên cạnh Tưởng Giới Thạch, mức độ tham dự cơ mật càng cao.

Sau đó, Quốc Dân đảng điều động binh lực mới, tấn công địa khu Lỗ Trung. Là một thành viên của Văn phòng Tham mưu Phủ Tổng thống, Hàn Luyện Thành kiến nghị Tưởng Giới Thạch lấy tổ chức lại Sư đoàn 74 làm trung tâm, thu hút chủ lực của Quân đội Cộng sản, sau đó phát động binh lực bao vây và quét sạch Quân đội Cộng sản. Thông tin tình báo này cũng được gửi đến Trần Nghị. Kết quả là Sư đoàn 74 của Quân đội Quốc gia bị tiêu diệt hoàn toàn ở Mạnh Lương Cố, sư đoàn trưởng Trương Linh Phủ cũng trận vong.

Tháng 1/1949, Hàn Luyện Thành chính thức đào tẩu sang Cộng sản đảng.

Anna Thẩm, một nữ gián điệp ĐCSTQ bên cạnh Tưởng Giới Thạch

Bên cạnh Tưởng Giới Thạch, điệp viên đỏ Thẩm Anna cũng luôn rình rập.

Theo hồi ký của Thẩm Anna, vào năm 1938, với tư cách là một đảng viên ngầm của ĐCSTQ, bà ta gia nhập đảng bộ của Quốc Dân đảng, làm công việc viết tốc ký. Vào tháng 1/1939, Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Trung ương thứ năm của Quốc Dân đảng được triệu khai. Khi Tưởng Giới Thạch báo cáo, Thẩm Anna ngồi ở chiếc bàn cách Tưởng Giới Thạch chỉ ba bốn mét và ghi tốc ký. Kể từ đó, Thẩm Anna thường giữ vai trò tốc ký trong Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Quốc Dân đảng, Phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương, Hội đồng Quốc phòng Tối cao, Hội đồng Quân sự Tối cao và các hội nghị cấp cao của Chính phủ Quốc dân. Bà ta không chỉ là người viết tốc ký của Tưởng Giới Thạch, mà còn là người viết tốc ký cho vợ của Tưởng là Tống Mỹ Linh.

Chỉ cần các chính trị gia Quốc Dân đảng triệu tập một hội nghị quan trọng, Thẩm Anna liền có thể ngồi ở một bên đài chủ tịch, vùi đầu ghi lại toàn bộ phát ngôn trong cuộc họp, sau đó giao văn bản tốc ký cho chồng, Hoa Minh Chi, một đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Sau khi Hoa Minh Chi tóm tắt, chỉnh biên, nó liền được gửi cho các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ.

Thẩm Anna đã tiềm phục bên cạnh Tưởng Giới Thạch trong 10 năm. Vào tháng 4/1949, bà ta rời khỏi Nam Kinh theo chỉ thị của ĐCSTQ.

Nhóm gián điệp của ĐCSTQ bên cạnh Tưởng Giới Thạch

Trên thực tế, nhóm gián điệp này còn nguy hiểm hơn cả ba đặc vụ gián điệp của ĐCSTQ mà chúng tôi vừa đề cập.

Bên cạnh Tưởng Giới Thạch, thiếu tướng Đoàn Bá Vũ từ Văn phòng Tham mưu, trung tướng Ngô Thạch, phó tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, trung tướng Ngô Trung Hy Bộ Quốc phòng, Lưu Phỉ, cục trưởng Cục 1 Bộ Tư lệnh Quân sự, cho đến khi chiến dịch Hoài Hải, phó tư lệnh quân khu Tuy Tĩnh đệ tam của Quốc Dân đảng Hà Cơ Phong, Trương Khắc Hiệp, thiếu tướng Bộ tư lệnh Quân bảo an Đông Bắc, đốc sát Cát Bội Kỳ và những người khác, đều là gián điệp của ĐCSTQ.

Theo bài báo “Các đảng viên ĐCSTQ chiến đấu bên cạnh tổng đài điện thoại đặc biệt của Tưởng Giới Thạch”, sau khi Chính phủ Quốc dân đảng chuyển về Nam Kinh từ Trùng Khánh, Cục Viễn thông Nam Kinh đã có một “Trạm chuyên dụng điện thoại quân sự”, chuyên dùng để kết nối giữa Phủ Tổng thống, Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Cục trưởng Quân vụ cho đến các cuộc điện thoại của bốn Tổng tư lệnh lục quân, hải quân, không quân và hậu cần. Trong số 9 nhân viên của điện đài, thì 7 người là gián điệp của ĐCSTQ. Họ chuyển thông tin mà họ nghe được từ cấp cao nhất của chính phủ và quân đội Quốc Dân đảng cho ĐCSTQ thông qua mạng lưới tình báo.

Hùng Hướng Huy, một đặc vụ của ĐCSTQ bên cạnh Hồ Tông Nam

Xung quanh các tướng lĩnh của Quốc dân đảng, thậm chí còn có nhiều hơn các đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ đưa ra hai ví dụ căn cứ trên dữ liệu lịch sử.

Vào tháng 12/1937, ĐCSTQ phái Hùng Hướng Huy đến gặp Hồ Tông Nam, khi đó là Phó Tư lệnh Chiến khu 8, để công tác. Hùng Hướng Huy nhanh chóng trở thành phó quan tùy tùng, thư ký cơ mật của Hồ Tông Nam, tiềm phục bên cạnh Hồ trong suốt 10 năm.

Vào thời điểm xảy ra cuộc nội chiến thứ hai giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng, ngày 1/3/1947, Tưởng Giới Thạch chấp thuận phương án tác chiến tấn công Diên An của Hồ Tông Nam. Hồ đã trao cho Hùng Hướng Huy hai tài liệu tuyệt mật: “Phương án tấn công Diên An của Quốc Quân” và “Tình huống bố trí binh lực của quân đội Cộng sản đảng ở Bắc Thiểm Tây”. Vào tối ngày 3/3, Hùng Hướng Huy đã tức tốc gửi hai thông tin tình báo này đến nhà của Vương Thạch Kiên, tổng biên tập của Tây An “Tân Thái Nhật Báo” và là một đảng viên ngầm của ĐCSTQ, gửi chúng đến Mao Trạch Đông thông qua một điện đài bí mật, giúp sào huyệt Diên An của ĐCSTQ thoát họa hủy diệt.

Mao Trạch Đông từng ca ngợi công tác tình báo ngầm của Hùng Hướng Huy là một ví dụ “thành công nhất, mẫu mực nhất” trong công tác tình báo của ĐCSTQ.

Đặc vụ bí mật của ĐCSTQ xung quanh Phó Tác Nghĩa

Đến nửa cuối năm 1948, ba chiến dịch lớn nổ ra. Trong chiến dịch Bình Tân, ĐCSTQ phải đối mặt với Phó Tác Nghĩa, tổng tư lệnh Tiểu Cộng Hoa Bắc của trú quân Bắc Bình.

ĐCSTQ trước tiên biến con gái của Phó Tác Nghĩa là Phó Đông Cúc thành một đảng viên ngầm. Phó Đông Cúc từng lẻn vào phòng ngủ của Phó Tác Nghĩa, chụp ảnh những bí mật quân sự quan trọng bằng máy ảnh, và giao chúng cho ĐCSTQ.

Diêm Hựu Văn, thư ký của Phó Tác Nghĩa và phó giám đốc Văn phòng “Tiễu Cộng” Hoa Bắc, cũng là một đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Trước khi kế hoạch tác chiến của Phó Tác Nghĩa được trình lên Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông đã biết trước. “Phương án phòng thủ Bắc Bình”, “Kế hoạch tác chiến thành Bắc Bình” và các bản đồ chi tiết, thực lực quân sự, hồ sơ tướng lĩnh, mâu thuẫn của tướng Phó, động thái tư tưởng của tướng Phó, v.v. đều được Diêm Hựu Văn báo cáo kịp thời cho Mao Trạch Đông. Tháng 1/1949, Phó Tác Nghĩa đào tẩu sang ĐCSTQ.

Phần kết

Sự xâm nhập tràn lan của đặc vụ gián điệp ĐCSTQ, sự thiếu cảnh giác cao độ và sự phòng ngừa lỏng lẻo, là một trong những bài học giáo huấn lớn nhất khiến Trung Hoa Dân Quốc thất bại phải rút lui về Đài Loan.

Điều cuối cùng không thể không đề cập, là hầu hết các đặc vụ gián điệp giúp ĐCSTQ lật đổ Trung Hoa Dân Quốc trước năm 1949, rốt cuộc tuyệt đại đa số họ trong những cuộc vận động chính trị do ĐCSTQ phát động hết lần này đến lần khác, đều phải chịu cảnh “đấu tranh tàn khốc, đả kích vô tình”. Rất nhiều người bị chỉnh đốn đến nỗi vợ ly con tán, gia phá nhân vong. Đối với các gián điệp của ĐCSTQ ngày nay mà nói, những gì đã xảy ra với những cựu đặc vụ này, cũng chính là một lời cảnh thị nghiêm khắc đối với họ.

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch