Mục lục bài viết
Đón năm mới là một trong những phong tục truyền thống của nhiều người dân khu vực Châu Á. Về quê cúng lễ tổ tiên, quét dọn nhà cửa, chúc tết, cả nhà cùng tụ họp ăn cơm tất niên… đây đều là những hoạt động chào mừng năm mới, đều là hương vị của ngày tết. Thuận theo cuộc sống hiện đại bận rộn và ngày một trở nên phong phú đa dạng, hương vị tết cũng vì thế dần trở nên nhạt nhẽo. Vậy vào thời Trung Quốc cổ đại, “hương vị tết” như thế nào? Cổ nhân xưa chú ý những điều gì? Nhân dịp năm mới, hãy cùng ôn lại phong tục tết xưa thông qua một trong tứ đại danh tác “Hồng Lâu Mộng”.
Trong hồi thứ 53 của Hồng Lâu Mộng có một đoạn miêu tả chi tiết về những việc hai hai phủ Vinh và Ninh cần làm trong tết Nguyên Đán. Tiêu đề hồi này là “Đêm trừ tịch, phủ Ninh tế tổ tiên; Tối nguyên tiêu, phủ Vinh mở yến tiệc”. Mỗi sự việc đều rất quan trọng.
1. Lĩnh ngân lượng Tế xuân của vua ban
Vào thời cổ đại “Ngân lượng tế xuân” là biểu hiện tri ân của hoàng đế, chính là ơn điển của vua ban. Theo cách nói của người hiện đại, nó giống như tiền thăm hỏi, tiền thưởng cuối năm hiện nay. Những đại quốc công thần từng có cống hiến cho đất nước, khi gần tới dịp cuối năm đều ban thưởng cho gia đình họ một chút ngân lượng dùng để tổ chức cúng tế tổ tiên có công với đất nước.
Tổ tiên của hai phủ Vinh và Ninh là Vinh Quốc Công và NInh Quốc Công. Ngày xưa, hai anh em ông theo hoàng đế xuất chinh đánh giặc, lập được chiến công hiển hách nên được phong làm Quốc Công, mỗi năm đều được vinh dự ban thưởng “ngân lượng tế xuân” của hoàng đế. Việc này vinh dự như thế nào, trong Hồng Lâu Mộng có nói rất rõ “Giả Trân nói: – Nhà ta tuy không phải chờ mấy lạng bạc ấy mới có tiêu, nhưng ít nhiều cũng là ơn vua. Đi lĩnh ngay mang về đây, rồi đưa sang bên cụ để mua đồ lễ, tỏ lòng trên đội ơn vua, dưới nhờ phúc tổ. Chúng ta cúng tổ hàng vạn bạc cũng không sợ, nhưng không bằng mấy lạng bạc này, vừa có thể diện lại được thấm nhuần ơn vua. Ngoài một vài nhà như chúng ta ra, còn những nhà thế tập nghèo kiết, nếu không có số bạc này, thì lấy gì mà cúng tổ tiên và ăn tết? Thực là ơn vua rộng rãi, nghĩ rất chu đáo”.
Cũng nhờ có tiền thưởng này của hoàng thượng, phòng khách nơi phủ của Giả Mẫu được bày biện trang hoàng bàn tiệc, xem hoa đăng, đốt pháo, diễn kịch vô cùng náo nhiệt. Trong phủ nơi ở của Vương Hy Phượng, Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa… cũng được ăn theo.

2. Vào cung chầu chúc mừng
Đến ngày hai mươi chín tháng chạp, các thứ bày biện đầy đủ. Trong hai phủ, chỗ thờ thần cửa, câu đối, bài treo, đều sơn lại một màu bóng loáng. Bên phủ Ninh, từ cửa ngoài, nghi môn, nhà khách, noãn các, nhà trong, cửa thứ ba, cửa nghi môn trong, cửa cấm vào đến chính đường, suốt một dãy các nhà chính đều mở toang cả. Dưới thềm, hai bên đốt hai hàng nến to và cao đỏ chói như hai con rồng vàng.
Giả Nguyên Xuân được chọn vào cung, lại được phong làm quý phi nên họ giả vì thế cũng được rạng rỡ theo. Cứ mỗi khi tới ngày 30 tết, “Giả mẫu ngồi kiệu bát cống dẫn những người có phong cáo theo phẩm cấp, mặc triều phục vào cung làm lễ triều hạ. Ăn yến xong, trở về, đến noãn các bên phủ Ninh, xuống kiệu. Những con cháu không theo vào chầu, đều xếp hàng đứng chực trước cửa, để Giả mẫu dẫn vào nhà thờ”. Không chỉ Giả Mẫu, vì Giả Xá, Giả Chính đều làm quan trong triều, lúc đó bọn họ chắc cũng sẽ vào cung chầu mừng. Khác nhau ở chỗ, một bên lên triều, một bên đến hậu cung.
Đây chính là hạ thần biểu thị ý chúc mừng, đưa năm cũ đón năm mới tới vua, kèm theo những lời chúc cát tường kiểu như: năm nay mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an đều nhờ thánh thượng trị nước nhân từ, hiện giờ là thời thái bình thịnh thế, tứ hải quy thuận, biên giới không chiến tranh…
Không chỉ có đêm 30, sáng sớm mùng một đầu năm, mấy người Giả mẫu lại mặc triều phục theo phẩm tước, bày nghi trượng vào cung chầu lạy và chúc thọ Nguyên Xuân. Bút pháp của Tào Tuyết Cần thật kỳ diệu, mùng một không chỉ có là ngày đầu năm mới mà còn là sinh nhật của Nguyên Xuân. Mặt khác, Giả Mẫu lần lượt vào cung chầu mừng hai lần, có thể thấy được sự chú trọng lễ tiết, hơn nữa cũng có ẩn ý bên trong.
3. Cúng tế tổ tiên
Đêm 30, sau khi tiệc vào cung chầu lạy lần thứ nhất kết thúc, Giả Mẫu liền đi thẳng đến phủ Ninh quốc tế từ đường. Lúc bấy giờ, Giả mẫu là người có vai vế cao nhất trong hai phủ Vinh, Ninh, việc tế tự đương nhiên do bà dẫn đầu.
Việc tế tự được nguyên tác viết rất chi là quy củ, liệt kê những khuôn phép và lễ nghi trong nhà đại gia quý tộc chi tiết đến từng chân tơ kẽ tóc. “Những người họ Giả chia bên “chiêu” bên “mục” xếp hàng đứng yên. Giả Kính chủ tế, Giả Xá bồi tế, Giả Trân dâng rượu, Giả Liễn, Giả Tôn dâng lụa, Bảo Ngọc bưng hương, Giả Xương, Giả Lăng rải thảm tế, giữ cái lư đốt văn. Bọn nhạc công tấu nhạc. Ba lần dâng rượu, hương bái xong, đốt lụa rót rượu. Lễ xong, âm nhạc ngừng lại, lui ra. Mọi người theo Giả mẫu đến trước chỗ bày ảnh ở trên chính đường, màn gấm treo cao, bình phong căng rộng, hương bay nghi ngút, nến thắp sáng trưng. Chính gian giữa, treo hai bức chân dung của Vinh Quốc công và Ninh Quốc công, đều mặc áo mãng bào đeo đai ngọc; hai bên lại có mấy bức chân dung của các vị liệt tổ”
…
Lúc này Giả Kính đứng đầu hàng người có tên theo chữ “văn” ở bên. Giả Trân đứng đầu hàng người có tên theo chữ “ngọc” ở bên, cuối nữa là Giả Dung đứng đầu hàng người có tên theo bộ “thảo đầu”. Bên tả hàng “chiêư”, bên hữu hàng “mục”. Trai ở bên đông, gái ở bên tây. Khi Giả mẫu thắp hương lạy rồi, mọi người đều quỳ xuống làm cho năm gian nhà lớn, ba gian bái đường, hiên trong hiên ngoài, thềm trên thêm dưới, hai dãy thềm đỏ đều như hoa như gấm, chật ních không chỗ nào hở. Ngoài nhạc vàng vòng ngọc khẽ chạm leng keng và giày dép sột soạt khi đứng khi quỳ ra, còn đều im lặng như tờ. không một tiếng động”.
Trong hồi này, Giả mẫu trước sau hai lượt vào cung chầu lạy, hai lần tế từ đường; có thể thấy được sự cảm niệm về ơn vua dồi dào và sự thành kính với tổ tông của Giả phủ. Đọc xong hồi truyện miêu tả việc tế từ đường, có thể thấy được đại khái về tình hình con cháu chi gần của hai phủ Ninh, Vinh Nhị và sự coi trọng của quý tộc nhà giàu có đối với việc cúng tế tổ tiên.
4. Hành lễ chúc tết
Sau khi tế từ đường xong, Giả mẫu trở về phủ Vinh quốc, mọi người trên dưới Giả phủ hết tốp này đến tốp khác lũ lượt đến hành lễ, trong hồi 53 có đoạn thế này: “Bọn Giả Kính và Giả Xá dẫn các con em đến. Giả mẫu cười nói:
– Cả năm làm phiền các người rồi, thôi đừng làm lễ nữa.
Một bên trai, một bên gái, tốp này đến tốp khác, lũ lượt vào làm lễ; bên tả bên hữu đều đặt ghế đối nhau, rồi cứ theo thứ tự lớn bé ngồi nhận lễ. Bọn hầu nhỏ và a hoàn trong hai phủ cũng theo thứ tự trên dưới đứng làm lễ. Sau đó phân phát tiền thưởng tết, túi và thỏi vàng, thỏi bạc cho mọi người. Bữa tiệc hợp hoan bày ra, trai ngồi bên đông, gái ngồi bên tây; uống rượu đồ tô, ăn canh hợp hoan, quả cát tường và bánh như ý, xong rồi Giả mẫu vào trong nhà nghỉ, mọi người mới đi ra.
Tối hôm ấy, các nơi thờ phật và thờ vua bếp đều thắp hương cúng lễ. Ngoài sân nhà chính của Vương phu nhân, bày vàng hương ngựa giấy cúng trời đất. Cửa giữa vườn Đại Quan treo đèn lồng, rọi sáng hai bên, các ngả đường lại đều có giồng cây đèn. Kẻ trên người dưới đều ăn mặc như hoa như gấm. Suốt đêm, tiếng cười nói ồn ào, pháo nổ không dứt”.
5. Chúc mừng tết nguyên tiêu
Cũng trong hồi 53 có đoạn miêu tả tết nguyên tiêu như sau:
“Lại sắp đến tết nguyên tiêu, hai phủ Vinh, Ninh đều thắp đèn kết hoa. Ngày mười một, Giả Xá mời Giả mẫu, hôm sau Giả Trân lại mời Giả mẫu. Vương phu nhân và Phượng Thư, ngày nào cũng có người mời uống rượu tết.
Đến chiều hôm rằm, Giả mẫu sai người bày mấy bàn tiệc ở phòng khách lớn, thuê một bọn con hát, treo đầy đèn hoa các màu, dẫn các con cháu trai gái của hai phủ Vinh, Ninh đến ăn tiệc”.

…
“Giả mẫu cho bày hơn mười bàn rượu ở nhà khách, bên cạnh mỗi bàn đặt một cái kỷ. Trên kỷ đặt lư hương, bình hoa, đốt hương bách hợp của vua ban; lại có những chậu cảnh nhỏ dài độ tám tấc, rộng bốn năm tấc, cao hai ba tấc, trong chồng núi giả, đều trồng cỏ hoa tươi tốt; lại có khay chè sơn hay những bộ chén rót nước trà ngon hạng nhất. Một loạt đều làm bằng gỗ đàn tía chạm trổ, viền rèm lụa đỏ, đính ngọc, thêu hoa và đề thơ”.

Thông qua Hồng Lâu Mộng, có thể phát hiện trong những lễ tết truyền thống như đón năm mới, tết nguyên tiêu… những gia đình quý tộc thời cổ đại đều vô cùng chú trọng lễ tiết, đặc biệt coi trọng việc cúng lễ trời đất, tổ tiên, bái kiến vua. Họ vô cùng coi trọng luân thường đạo lý về kính trọng trời đất, thiên địa, quan hệ giữa người với người. Mỗi lễ tiết đều làm chi tiết cẩn thận tới nơi tới chốn. Tết nguyên đán không chỉ là dịp khiến tình cảm giữa người với người nơi nhân gian được bồi đắp, gia tăng, mà thông qua các nghi thức cúng tế tổ tiên, còn thể hiện cách giao tiếp giữa người với thần minh trong u minh mà ta không nhìn thấy. Đây có lẽ là ý nghĩa của việc đón năm mới của người xưa.

Theo Epoch tTmes
Bình Nhi biên dịch