Mục lục bài viết
Tôn Quyền, tự Trọng Mưu, là con trai Tôn Kiên, em trai Tôn Sách, sau khi tiếp quản đại nghiệp vùng Giang Đông của cha anh, bởi khéo dùng nhân tài, ông đã giải quyết thành công nhiều lần khủng hoảng, nhờ đó lập nên vị thế bất khả chiến bại thời Tam Quốc.
Tân Khí Tật trong bài thơ “Vĩnh Ngộ Lạc” có câu rằng: “Anh hùng vô mịch, Tôn Trọng Mưu xứ”, ý là anh hùng khó tìm được, đều ở chỗ Tôn Trọng Mưu, khen ông có nhãn quan độc đáo, tìm được anh hùng góp sức cho đất nước.

Biến đau thương thành sức mạnh
Tôn Kiên – cha của Tôn Quyền, là tướng của Viên Thuật, về sau bị Lưu Biểu giết; trưởng tử Tôn Kiên là Tôn Sách tiếp thay chức vị của cha mình. Tôn Sách vì không được trọng dụng, đã dẫn hơn một nghìn thuộc hạ đến Giang Đông phát triển sự nghiệp. Sau khi đến Giang Đông, có được sự ủng hộ của sĩ tộc địa phương, ông đã đánh bại một số thế lực cát cứ, bắt đầu có được chỗ đứng vững chắc.
Tôn Sách về sau bị ám toán, bị trọng thương và qua đời. Tôn Quyền khi đó mới 18 tuổi, suốt ngày khóc lóc đau lòng, không thể xử lý việc triều chính. Mưu sĩ Trương Chiêu thấy vậy liền nói với ông rằng: “Giờ đây thiên hạ đại loạn, lang sói lộng quyền, nếu chỉ biết đau buồn mà không chăm lo việc nước, thì chẳng khác chi mở rộng cửa lớn mời giặc cướp vào nhà, cũng là tự chuốc họa cho mình vậy”. Tôn Quyền thấy lời nói chí phải, bèn lau khô nước mắt, thay triều phục, đăng triều lo liệu việc nước, ông còn tự mình thị sát quân đội, ổn định lòng quân và dân.
Sau khi kế thừa đại nghiệp của cha anh, Tôn Quyền ngay lập tức thể hiện tài hoa lãnh đạo của mình. Về nhân sự, ông xem Trương Chiêu như thầy mà đối đãi bằng lễ nghĩa; chọn Chu Du, Trình Phổ, Lữ Phạm làm tướng soái; mời Lỗ Túc, Gia Cát Cẩn làm tân khách, đồng thời tích cực “chiêu mộ nhân tài, thỉnh mời danh sĩ”. Về đối nội: Bình định Sơn Việt, thảo phạt các lực lượng chống đối. Về ngoại giao: Không chính diện đối đầu với Tào Tháo “kìm kẹp thiên tử hiệu lệnh chư hầu”, đồng thời kiêm các chức vụ như Thảo lỗ tướng quân, Thái thú Cối Kê để tránh đối đầu và xung đột trong triều.
Tăng cường phương sách đối nội

Cuối thời Đông Hán, chiến loạn chủ yếu ở vùng phương Bắc, rất nhiều dân chúng lần lượt di chuyển xuống phía nam, những di dân này đã mang đến lượng lớn nhân lực, vật lực và công nghệ sản xuất, góp phần to lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển của Giang Nam. Để thu nhận lượng lớn di dân này, Tôn Quyền đã nhiều lần mở các cuộc tấn công vào tộc Sơn Việt, buộc họ phải xuống núi định cư. Động thái này đã giúp mở rộng lãnh thổ, cũng phá vỡ nếp sống khép kín lâu đời của tộc Sơn Việt, có lợi cho việc truyền bá văn hóa và hòa hợp dân tộc.
Ngoài ra, vì để tiến hành tích trữ đất đai, ông đã thiết lập các chức vụ chuyên biệt như Điền nông hiệu úy, Điền nông đô úy và Đồn điền đô úy, chuyên chịu trách nhiệm về vấn đề đất đai trong dân chúng và quân đội. Lãnh địa của Tôn Quyền khá rộng, ngoài vùng đồng bằng có điều kiện tự nhiên tốt ra, cũng bao gồm cả nhiều vùng lạc hậu, hẻo lánh.
Thời đó, nhiều nơi ở phía nam sông Dương Tử sử dụng phương thức canh tác lạc hậu như canh tác theo lối “hỏa canh thủy nậu” (đốt rơm rạ cày bừa sản xuất nông nghiệp). Dưới đề xướng của Tôn Quyền, người dân bắt đầu phổ biến phương thức canh tác hai con trâu một lưỡi cày. Từ đó lượng lớn đất hoang được khai khẩn, sản lượng lương thực theo đó cũng tăng theo từng năm. Ông cũng rất chăm lo việc tu sửa thủy lợi, hạ lệnh xây đê Đông Hưng ngăn họa nước ở Sào Hồ, khai thông nhiều con sông đào, khiến giao thông thủy lợi được phát triển, đồng thời cũng tiện lợi cho việc tưới tiêu nông nghiệp.
Nông nghiệp và giao thông phát triển cũng khiến cho việc đóng tàu, thủ công mỹ nghệ và thương mại của Đông Ngô phát triển theo, khiến vùng Giang Nam trở nên thịnh vượng chưa từng có.
Tôn Quyền – Lưu Bị liên minh, hợp lực kháng Tào
Tào Tháo tiêu diệt chính quyền Viên thị, bình định Kinh Châu, đánh bại Lưu Bị, trong lòng cao hứng đã viết thư cho Tôn Quyền rằng: “Ta vâng mệnh hoàng đế, điếu dân phạt tội, tiến quân xuống nam, Lưu Tông con Lưu Biểu đã trói tay xin hàng; hiện đã chỉnh đốn 80 vạn quân thủy, chuẩn bị đánh nhau với ngươi ở Ngô quận”. Bức thư ám chỉ mạnh mẽ rằng Tào Tháo sẽ đích thân thống lãnh 80 vạn đại quân xâm lược Giang Đông, khiến dân chúng ở Giang Đông đều cảm thấy hoang mang khiếp sợ, nhiều bộ hạ đều ra sức khuyên Tôn Quyền đầu hàng, bảo rằng đó mới là thượng sách.
Đứng trước kẻ thù lớn mạnh như vậy, Tôn Quyền cũng do dự không quyết, một mặt ông không cam tâm để chục vạn đại quân của Đông Ngô từ giờ phải nghe lệnh Tào Tháo, mặt khác ông cũng sợ đội quân hùng hậu của Tào Tháo. Lúc bấy giờ, nội bộ Đông Ngô chia hai phe lớn: chủ chiến và chủ hàng. Ngay sau đó, Lưu Bị cử Gia Cát Lượng đến Giang Đông bàn bạc chuyện liên minh chống Tào, Gia Cát Lượng đã phân tích cục diện khi đó và nói rằng đội quân Tào Tháo tuy đông, nhưng phải chiến đấu liên tục, hơn nữa còn phải đi chặng đường dài, đã là thế suy sức yếu, hơn nữa quân đội phương Bắc không giỏi thủy chiến, cộng thêm mới chiếm lấy Kinh Châu, lòng người chưa định, nên không có gì phải sợ.
Lời phân tích của Gia Cát Lượng đã khiến Tôn Quyền động lòng, cả mưu thần Lỗ Túc và đại tướng Chu Du đều ủng hộ ý kiến của Gia Cát Lượng. Chu Du chỉ rõ thêm: Quân Tào tuyên bố có 80 vạn thủy quân, nhưng thực tế thì số người đến từ Trung Nguyên chỉ có 15 – 60 vạn mà thôi. Lời lẽ của Khổng Minh, Chu Du khiến Tôn Quyền tự tin hơn nhiều, để củng cố thêm quyết tâm “liên Lưu kháng Tào”, ông rút thanh kiếm bên người ra chém gãy đôi chiếc bàn ngay tại chỗ, nói chắc nịch rằng: “Kẻ nào còn dám bảo quy hàng Tào Tháo nữa sẽ có kết cục như cái bàn này!”. Tôn Quyền đề cử Chu Du và Trình Phổ giữ chức Đô đốc tả hữu, thống lĩnh 3 vạn quân tinh nhuệ liên hợp với hơn 2 vạn quân của Lưu Bị cùng chống Tào.
Tào Tháo bại trận, thiên hạ chia ba
Người phương Bắc giỏi mã chiến, cuộc sống lắc lư ngả nghiêng trên thuyền khiến quân Tào chóng mặt, ăn uống không trôi, ngủ không ngon giấc. Tào Tháo thấy vậy bèn lệnh thuộc hạ dùng dây xích sắt nối hàng trăm chiếc thuyền lại với nhau.
Hoàng Cái – bộ tướng của Chu Du – thấy Tào Tháo nối các chiến thuyền lại với nhau, đề nghị dùng chiến thuật hỏa công. Ý kiến này vừa khéo lại đúng ý Chu Du, nhưng dùng hỏa công thì phải đến gần thuyền địch, nên Chu Du đã bàn tính với Hoàng Cái rằng Hoàng sẽ đến doanh Tào giả vờ đầu hàng. Để Tào Tháo tin tưởng, Chu Du đã dùng “khổ nhục kế”, đánh Hoàng Cái đến thịt nát da bong, rồi Hoàng Cái gửi thư cho Tào Tháo xin hàng. Điển cố “Chu Du đánh Hoàng Cái, một người nguyện ý ra tay, một người sẵn sàng chịu đòn” bắt nguồn từ đây.
Khổ nhục kế của Hoàng Cái quả nhiên đã lập được đại công. Tào Tháo không biết là mưu, nhận lời đầu hàng của Hoàng Cái, thế là Hoàng Cái dẫn hơn chục chiến thuyền, trong thuyền chất đầy rơm rạ, củi khô và dầu hỏa, rồi phủ màn che ngụy trang. Trên mỗi con thuyền đều cắm cờ hàng, chầm chậm đi về phía thuyền chiến của quân Tào. Hoàng Cái còn đặc biệt chuẩn bị thuyền con treo ở phía sau mỗi con thuyền để tiện cho việc tháo chạy sau khi phóng hỏa.
Khi đoàn thuyền đến gần quân Tào, Hoàng Cái ra lệnh cho tất cả các thuyền châm lửa cùng lúc. Khi đó, trên sông vừa khéo có gió đông nam thổi tới, đoàn thuyền thuận theo chiều gió nhanh chóng áp sát thuyền lớn của quân Tào. Trong chốc lát, hàng trăm thuyền chiến của quân Tào trở thành biển lửa, ngọn lửa còn lan sang cả doanh trại trên bờ. Quân Tào hoặc bị chết cháy, hoặc bị chết đuối, nhiều vô số kể.
Cùng lúc đó, thuyền chiến chủ lực của liên quân Tôn-Lưu nhân cơ hội vượt sông bắc tiến, hăng hái công đánh doanh Tào, quân Tào đại bại. Trận này, quân Tào tổn thất hơn nửa, Tào Tháo ngửa mặt lên trời mà than, rằng trong 20 năm tung hoành sa trường đến nay, ông chưa bao giờ nếm cảnh thảm bại như vậy. Sau khi bại trận, Tào Tháo rút quân về phương Bắc, từ đó hình thành cục diện Tam quốc chia ba thiên hạ.
Trong trận chiến này, Tôn Quyền đã đưa ra quyết định đúng đắn, lại bổ nhiệm Chu Du, người có tài thao lược làm chủ soái, có thể nói là vô cùng sáng suốt.
“Sinh được con trai phải như Tôn Trọng Mưu”
Đông Ngô có một số tướng cũ năm xưa từng đi theo Tôn Kiên, Tôn Sách. Tôn Quyền nhận thấy trong bọn họ có người thì trung dũng có thừa, nhưng lại thiếu mưu trí, khó đảm đương trọng trách, do vậy mỗi khi đến lúc then chốt, ông đều sẽ đề bạt những người mới đến. Trước khi những người mới này có thể chứng tỏ được tài học thực sự của mình, làm thế nào để thuyết phục những lão tướng này tâm phục khẩu phục, đã trở thành một khảo nghiệm lớn đối với Tôn Quyền.
Một lần, Tôn Quyền yêu cầu Chu Thái, người xuất thân hàn vi, trấn thủ Nhu Tu; lão tướng Chu Nhiên, Từ Thịnh làm phụ tá. Tôn Quyền biết Chu Nhiên, Từ Thịnh hai người nhất định sẽ không phục Chu Thái. Tôn Quyền bèn thân hành đi tuần đến họp các tướng, tổ chức tiệc rượu trong doanh trại và bảo Chu Thái cởi áo. Mọi người kinh ngạc vì trên người ông không chỗ nào không có sẹo. Tôn Quyền hỏi han Chu Thái về từng vết thương. Chu Thái kể lại từng trận đánh. Mỗi lần ông kể Tôn Quyền lại ban cho ông một chén rượu và ôm Chu Thái khóc. Tôn Quyền cầm tay Chu Thái nói: “Tướng quân! Ta với ông tình như huynh đệ, Tướng quân vì ta mà không tiếc sinh mệnh nơi chiến trường, thậm chí còn chịu nhiều thương tích thay ta, Tôn mỗ làm sao có thể không đội ơn báo đáp tướng quân đây?”.
Mọi người lúc đó mới hiểu ra sự khổ công ngoài chiến trường của Chu Thái, đều rất cảm động. Chu Nhiên, Từ Thịnh đứng bên nghe vậy đều im bặt, từ đó không dám vô lễ với Chu Thái nữa.
Chu Thái quả nhiên không phụ trọng thác. Tào Tháo dẫn 40 vạn đại quân tiến đánh Nhu Tu, mấy lần giao tranh đều không giành được lợi thế. Về sau, Tào Tháo từ xa nhìn đội hình quân đội, chiến thuyền của Đông Ngô, không khỏi cảm thán Đông Ngô trị quân nghiêm minh, đội hình đâu ra đó, biết không có cơ hội chiến thắng, nên không muốn tái chiến nữa, thở dài than rằng: “Sinh được con trai phải như Tôn Trọng Mưu, còn con của Lưu Cảnh Thăng chỉ như heo chó!” Hôm sau liền cho lui quân.
Lưu Biểu tự Cảnh Thăng, con trai của ông là Lưu Kỳ và Lưu Tông đã đánh mất sự nghiệp của cha, khiến Tào Tháo coi thường anh em họ, cho rằng anh em họ chẳng khác chi heo chó. Ngược lại, thành tích của Tôn Quyền sau khi kế thừa sự nghiệp của cha anh lại càng đáng khen ngợi, chẳng trách Tào Tháo thở dài than rằng “sinh được con trai phải như Tôn Trọng Mưu” vậy.
Khuyến khích bề tôi chăm đọc sách
Lã Mông, vị tướng của Đông Ngô tuy đã lập nhiều công lớn, nhưng ông lại rất ít đọc sách. Tôn Quyền bảo Lã Mông rằng: “Các ông giờ đảm đương trọng trách, chỉ huy quân đội, thì nên đọc nhiều sách để tăng thêm kiến thức mới phải”. Lã Mông than phiền việc quân bận rộn, khó dành thời gian cho việc đọc sách. Tôn Quyền lấy Lưu Tú, Tào Tháo làm gương, dù việc quân bận rộn, nhưng tay vẫn không rời quyển sách để khích lệ ông đọc nhiều sách, đồng thời cũng đã chuẩn bị cho ông các sách như “Binh pháp Tôn Tử”, “Lục Thao”, “Tả truyện”, “Quốc Ngữ’, “Sử Ký”, “Hán Thư”, “Đông Quan Hán Kỷ” và nhiều sách khác nữa. Lã Mông đã không phụ ý tốt của Tôn Quyền, từ đó chuyên cần đọc sách.
Sau khi Chu Du qua đời, Lỗ Túc thay thế trấn thủ Lục Khẩu, cầm chân Quan Vũ ở Kinh Châu. Một lần, Lỗ Túc ghé thăm Lã Mông. Lã Mông mở tiệc chiêu đãi, khi đã no say, Lã Mông hỏi Lỗ Túc: “Ông đảm đương trọng trách quốc gia, lại là láng giềng sát vách với Quan Vũ, thế ông có kế sách gì để phòng bất trắc hay không?”. Lỗ Túc đáp: “Chỉ có thể tùy cơ ứng biến mà thôi”. Lã Mông nghiêm nghị nói: “Hiện giờ, Ngô và Thục tuy cùng một mặt trận, nhưng Quan Vũ như loài hổ gấu, sao chúng ta không bày mưu tính kế trước để đối phó với y?”.
Nói xong liền nêu ra năm bộ sách lược đối phó với Quan Vũ. Lỗ Túc nghe xong, kinh ngạc nói: “Trước giờ tôi tưởng ông chỉ có võ lược, không ngờ kiến thức của ông cũng đạt đến trình độ như vậy”, rồi khen rằng: “Ông bây giờ học thức uyên thâm, đã không còn là Lã Mông trước đây nữa”.
Lã Mông sau khi chuyên cần đọc sách thì càng thêm xuất sắc. Khi đó Quan Vũ đang trấn giữ Kinh Châu mưu đồ tấn công nước Ngụy. Để nới lỏng sự phòng bị của Quan Vũ đối với mình, Lã Mông đã giả bệnh theo lời đề nghị của viên tướng trẻ Lục Tốn, sau đó sẽ do Lục Tốn tiếp thay chức vụ của ông. Quan Vũ được tin Lã Mông bị bệnh, càng không xem Lục Tốn ra gì, và càng tự tin đưa quân đánh Ngụy.
Dù vậy, Quan Vũ vẫn cho dựng phong hỏa đài dọc sông Trường Giang, đề phòng Đông Ngô tấn công. Lã Mông, Lục Tốn từ sớm đã thấu tỏ chuyện này, liền cử binh lính cải trang thành thương nhân tiếp cận, đoạt lấy phong hỏa đài; rồi sau đó huy động đại quân tấn công Kinh Châu. Quan Vũ được tin Kinh Châu thất thủ, vội quay về ứng cứu, nhưng bị quân Ngô và quân Ngụy giáp công từ hai phía. Quan Vũ bại trận và bị bắt, cuối cùng thà chết không hàng, bị Tôn Quyền hạ lệnh chém đầu. Từ đó, Kinh Châu và những nơi quan trọng khác đều rơi vào tay của Tôn Quyền.
Tôn Quyền khuyên Lã Mông đọc nhiều sách để nâng cao kiến thức, quả nhiên hữu hiệu, Lã Mông không chỉ lập được công lớn, mà còn mở rộng phạm vi lãnh thổ cho Đông Ngô.
Trận chiến Di Lăng, Tôn Quyền khéo léo vẹn cả đôi đường
Lưu Bị xưng đế ở Thành Đô, lập nên nhà Thục Hán. Để trả mối thù Quan Vũ, ông đã huy động toàn bộ lực lượng tiến đánh Đông Ngô.
Tôn Quyền đã hai lần cử sứ giả đến đất Xuyên cầu hòa, Lưu Bị đều từ chối. Để tránh sự giáp công của Thục Hán và Tào Ngụy, Tôn Quyền đã dâng thư xưng thần với Ngụy Văn Đế, và được phong là Ngô vương. Ngoài ra, vì để an toàn, ông đã dời đô từ Kiến Nghiệp sang Ngạc Thành, đổi tên thành Vũ Xương. Sau khi mọi việc chuẩn bị xong, Tôn Quyền chính thức đề bạt Lục Tốn là Đại đô đốc, thống lĩnh 5 vạn quân nghênh chiến.
Lục Tốn đã không phụ sự mong đợi, và sau bảy, tám tháng giằng co với Lưu Bị ở Di Lăng, ông đã chớp lấy thời cơ hỏa thiêu doanh trại, đánh bại 70 vạn đại quân nước Thục. Sau trận Di Lăng, Tôn Quyền đã chủ động xin lỗi Lưu Bị, khôi phục mối quan hệ hữu nghị giữa Ngô và Thục, khiến Tào Ngụy không dám manh động.
Theo Epoch Times
Vũ Dương biên dịch