Nhiều người khi đọc Tây Du Ký đã thắc mắc rằng: Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, vì sao vẫn phải làm ‘Bật Mã Ôn’ coi ngựa trên Thiên Đình? Kỳ thực từng chi tiết trong Tây Du Ký đều có ẩn ý sâu xa.

Không bị bó hẹp nơi trần thế, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đã vượt ra ngoài giới hạn ấy để bàn luận về các nguyên lý bên ngoài cõi thế gian.

Tây Du Ký đã đưa người đọc đi du ngoạn giữa các cõi Thần, Phật, tiên, ma; trong nháy mắt lạc vào Thiên quốc, trong nháy mắt đến cõi yêu ma, và trong nháy mắt lại trở về với con đường thỉnh kinh của bốn thầy trò. Bởi vậy nên có học giả cho rằng, Tây Du Ký là truyện “xuất thế gian”, mang đậm dấu ấn của Phật gia, Đạo gia, thế giới thần tiên, và câu chuyện tu luyện đầy ẩn ý.

“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Bởi vì Tây Du Ký quá rộng lớn uyên thâm, khó có thể bao quát tất cả trên một vài trang giấy. Vậy nên trong giới hạn bài viết này, người viết chỉ mạn phép đàm luận về một tình tiết nhỏ trong số đó.

Có độc giả khi đọc Tây Du Ký thắc mắc rằng: Vì sao chức quan đầu tiên của Tôn Ngộ Không lại là “Bật Mã Ôn”? Điều này có ẩn ý gì?

Quả thật đây cũng là một tình tiết đáng bàn luận. Bật Mã Ôn là chức quan đầu tiên của Tôn Ngộ Không sau quá trình tu luyện nơi Bồ Đề Tổ Sư. Hơn nữa, đây cũng là mở đầu cho mọi rắc rối của Ngộ Không sau này: Nếu không bất mãn vì chức danh thấp kém ấy, có lẽ Hầu vương đã không tức giận trở về trần gian rồi xưng làm “Tề Thiên Đại Thánh”; nếu không vì mối ấm ức ấy, thì có lẽ sẽ không có chuyện đại náo thiên cung để rồi bị đày ải suốt 500 năm dưới núi Ngũ Hành. Và nếu cũng không vì từng làm Bật Mã Ôn, thì có lẽ sẽ không có chuyện phò giá Đường Tăng đi thỉnh kinh, cũng không có chuyện Ngộ Không liên tục bị các yêu ma trên đường nhắc lại “mối nhục xưa”…

Một tình tiết quan trọng đến như thế, há lại là chuyện ngẫu nhiên chăng?

Vậy, để hiểu cái danh phận Bật Mã Ôn này có vai trò như thế nào đối với Ngộ Không, chúng ta hãy cùng nhìn lại…

Tôn Ngộ Không là thể hiện của chữ “Tâm”

Mở đầu Tây Du Ký kể về một tảng đá tiên trên đỉnh Hoa Quả Sơn. Tảng đá hấp thụ linh khí của đất trời, tinh hoa của nhật nguyệt, cuối cùng nứt đôi và sinh ra một con khỉ đá. Con khỉ đá vừa sinh ra đã học bò, học chạy, vái lạy bốn phương trời làm kinh động cả Thượng Đế.

Có thể thấy, Tôn Ngộ Không có xuất thân cao quý, là Thiên Địa hóa dục mà thành. Nhưng vì sao lại là “khỉ” mà không phải là loài vật nào khác? Có câu rằng: “Tâm viên ý mã” (tâm vượn ý ngựa). Người xưa cho rằng loài khỉ, hay vượn, là tượng trưng cho tâm con người. Loài khỉ vốn hiếu động hoạt bát, liên tục nhảy nhót trèo leo không ngừng, cũng giống như cái tâm con người luôn dao động không yên. Hơn nữa, tiêu đề của hồi thứ nhất này là: “Gốc thiêng ấp ủ nguồn rộng chảy, Tâm tính tu trì đạo lớn sinh” — điều đó tiết lộ cho chúng ta rằng, ở đây tác giả đang nhấn mạnh về chữ “Tâm”.

Như vậy, Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm của một người tu luyện – cái Tâm do Thiên Địa dưỡng thành, mặt khác cũng là cái tâm luôn xao động, luôn nhảy nhót lăng xăng.

Trong Tây Du Ký, không ít lần tác giả thể hiện ý tứ đó. Ví dụ như khi Ngộ Không đi tầm sư học đạo, phải lênh đênh trên biển ròng rã chục năm trời, từ Đông Thắng Thần Châu qua Nam Thiêm Bộ Châu, cuối cùng đến Tây Ngưu Hạ Châu mới tìm được Tổ Sư Bồ Đề.

Trong truyện viết là, Tổ sư ngụ ở núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh. “Linh đài” là cách gọi của đạo Lão về chữ Tâm; còn “Tà Nguyệt Tam Tinh” (trăng khuyết và ba vì sao) lại là ba nét chấm và một nét móc nằm ngang của chữ “Tâm” (心). Tu Phật là tu ở tâm, do đó trong đạo Lão có bài thơ cổ rằng:

“Ba điểm tượng hình sao,
Móc câu như trăng khuyết.
Thú cầm theo đây đắc,
Phật do đó mà ra”.

Ngộ Không phải đi khắp bốn biển năm châu, trải qua bao mưa gió, cuối cùng tự tâm mình mới ngộ được chân Pháp chân Đạo.

Vậy, nếu Ngộ Không hướng vào Tâm mà tu, thì sao lại cần đến sư phụ Bồ Đề Tổ Sư? Kỳ thực, “Bồ đề” là dịch âm từ tiếng Phạn, viết là Bodhi, nghĩa là “tỉnh thức”, “giác ngộ”. Ngộ Không tìm được sư tổ Bồ Đề, cũng chính là giác ngộ từ tâm mình, hướng vào chính mình mà tu Tâm.

Từ đây chúng ta có thể thấy rằng, Ngộ Không là thể hiện của “Tâm”, vậy thì “tâm viên ý mã” nói lên quan hệ giữa Tâm và Ý, cũng chính là Ngộ Không (khỉ) và Thiên mã (ngựa). Đến đây ta đã có thể phần nào nhìn thấy mối liên hệ giữa Ngộ Không và chức Bật Mã Ôn sau này.

Nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả!

Tôn Ngộ Không làm “Bật Mã Ôn”. (Ảnh: vi.wikipedia.org)

Bản tính của Ngộ Không là kiêu ngạo

Con khỉ đá Ngộ Không sinh ra đã mang bản tính tiên thiên thuần khiết như trẻ thơ:

“…sống ở trong núi, nhảy nhót nô đùa, tìm ăn cỏ cây, uống nước suối trong, hái hoa rừng, tìm quả núi, làm bạn với lang trùng, kết đàn với hổ báo, thân mật với hươu nai, chan hòa với khỉ vượn, đêm ngủ vách núi non, ngày chơi trong hang động”.

Dẫu căn cơ tốt phi phàm là thế, nhưng dẫu sao vẫn chỉ là con khỉ đá, chưa được xếp vào hàng Phật, tiên, thần, thánh. Vậy nên bản tính của Ngộ Không vẫn có những thiếu sót nhất định. Trong truyện viết rằng, Ngộ Không xuất thân từ nước Ngạo Lai (傲来) ở Đông Thắng Thần Châu. Thực ra đây là lối chơi chữ: chữ “Ngạo” (傲) nghĩa là ngông cuồng, kiêu căng, ngạo mạn. Điều này nói nên rằng, Ngộ Không vốn sinh ra đã kiêu ngạo.

Vì kiêu ngạo, nên khi vừa vào Thủy Liêm Động được bầy khỉ bái làm vua, Ngộ Không liền tự xưng là “Mỹ Hầu Vương”. Vì kiêu ngạo, nên khi rời khỏi Thiên Đình bèn trở về dựng cờ phong cho mình là “Tề Thiên Đại Thánh” (thánh lớn ngang bằng Trời). Cũng vì kiêu ngạo, nên khi không được mời tới dự hội bàn đào đã ăn trộm đào tiên, uống ngự tửu, lấy cắp tiên đan, dẫn đến cuộc đại náo trên Thiên Cung. Và cũng vì kiêu ngạo, Ngộ Không ra vẻ thách thức trước mặt Phật Như Lai, rồi lại ngông cuồng đòi Ngọc Hoàng Đại Đế nhường ngôi cho mình.

Nhưng như trên đã nói, Ngộ Không là tượng trưng cho tâm của người tu luyện. Một người tu có thể mang theo tâm ngạo mạn mà thành Phật được không? Trong truyện viết rằng, Đường Tăng là đệ tử thứ hai của Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng chỉ vì khinh mạn Phật Pháp mà bị đọa xuống hạ giới. Sự ngạo mạn này chính là bất kính với Thần Phật, là cửa tử trên con đường tu hành.

Vậy thì, người tu luyện nhất định phải trừ bỏ tâm ngạo mạn mới có thể chứng đắc được Phật quả.

Vì sao chức quan đầu tiên của Tôn Ngộ Không là “Bật Mã Ôn”?

Từ phân tích trên chúng ta có thể rút ra ba điều sau:

– Một là, Tôn Ngộ Không là cái tâm của người tu luyện, cái tâm luôn biến động không lúc nào tĩnh lại được.

– Hai là, cái tâm ấy không chỉ xao động bất ngừng, mà còn ngạo mạn, kiêu căng, phách lối.

– Ba là, một người tu luyện muốn đắc chính quả thì phải đạt được vô vi thanh tịnh, phải ức chế cái tâm luôn bay nhảy và kiêu ngạo của mình.

Đến đây, có thể bạn đã hiểu dụng ý của tác giả khi để Tôn Ngộ Không làm Bật Mã Ôn trên Thiên Đình.

Trước hết, hãy nói về cái tâm xao động ấy. Có câu nói rằng: “Tâm viên bất định, ý mã nan truy”, nghĩa rằng tâm vượn không định, ý ngựa khó theo. Tâm – Ý luôn gắn liền với nhau. Nếu muốn định tâm thì phải quản chắc những ý nghĩ luôn tự do bay nhảy ấy. Do đó, Tôn Ngộ Không được phong làm Bật Mã Ôn (người quản ngựa) cũng chính là tâm người cần quản chắc ý nghĩ của mình.

Hiểu như vậy, ta sẽ thấy đoạn văn tả cách Ngộ Không chăm sóc thiên mã không còn “lạ đời” nữa:

“Bật mã ngày đêm không ngủ, trông nom ngựa trại. Ban ngày còn chơi đùa được, ban đêm chăm chỉ giữ gìn. Ngựa ngủ, đánh thức cho ăn cỏ; ngựa lồng, nhốt lại trong chuồng. Bầy ngựa thấy Bật mã ôn là cúp tai dúm vó, nhưng ngược lại, chúng được nuôi dưỡng béo tốt”.

Vì sao Bật Mã trông nom ngựa đến “ngày đêm không ngủ”? Và vì sao ngựa đang “ngủ” lại “đánh thức” để cho ăn cỏ, còn khi ngựa lồng lại nhốt trong chuồng? Đó là bởi ý thức hay chạy rong, ngay cả khi ngủ vẫn tung hoành loạn xạ. Có người đã xuất thần thông rồi, nhưng vì không kiềm chế được bản thân mà sau khi ngủ dậy đã khiến đất trời đảo lộn – cũng chính là vì đã không quản chắc cái ý này.

Thứ hai, hãy nói về cái tâm ngạo mạn. Bởi Ngộ Không luôn coi mình là nhất, không chịu khuất phục trước ai, nên mới phải đảm nhận cái công việc chăn ngựa “vô danh tiểu tốt” ấy. Âu cũng là an bài của Thần Phật. Bởi một người tu luyện nếu không từ bỏ cái tâm danh lợi, phách lối kiêu căng, thì không thể tu thành.

Trong các phần về sau, có thể thấy Tôn Ngộ Không luôn phải đối mặt với cái tâm sĩ diện, tâm ngạo mạn của mình. Các yêu tinh lớn nhỏ trên đường thỉnh kinh, và ngay cả Trư Bát Giới, cũng đều lấy xuất thân “Bật Mã Ôn” này để khích bác, khiến Ngộ Không nổi nóng đến thế nào.

Qua đó cũng thấy rằng, một người tu luyện hễ còn nhân tâm nào, thì đều gặp phải ma nạn đối ứng với cái tâm ấy, để từ đó trừ bỏ nhân tâm, cho đến cuối cùng hoàn toàn vô vi thanh tịnh.

Quả thật chỉ một tình tiết nhỏ về chức danh Bật Mã Ôn, mà đã bao hàm rất nhiều ẩn ý thâm sâu trong đó. Vậy thì cả trường thiên Tây Du Ký 100 chương hồi, còn biết bao thiên cơ vẫn chưa được thế nhân thấu tỏ đây?

Ngô Thừa Ân tác giả của một trong “tứ đại danh tác” Tây Du Ký. (Ảnh: en.wikipedia.org)

Chúng ta biết rằng, Ngô Thừa Ân cũng là một học sĩ am hiểu cả Phật và Đạo. Cả đời ông long đong lận đận, thân cô thế cô, sống trong cảnh nghèo túng nhưng vẫn gắng sức hoàn thiện tuyệt tác Tây Du Ký cho hậu thế. Đó là bởi ông viết không vì mục đích mua vui cho người đời, mà là để hoàn thành sứ mệnh, gửi gắm vào đó những huyền cơ rộng lớn.

Bởi vậy mà bất cứ ai đọc Tây Du Ký cũng đều có thể lĩnh hội cho mình. Trẻ nhỏ thì thích thú trước các phép màu thần thông biến hóa, người già thì tìm thấy triết lý nhân sinh, còn những bậc tu hành lại ngộ ra nhiều nguyên lý mang đầy ý vị sâu xa…

Vũ Dương – Hồng Liên